Thế giới tuần qua: Những chặng đường mới
Nga, Mỹ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh tháo gỡ thế đối đầu; EU sát cánh cùng các đối tác duy trì trật tự thương mại đa phương; các nước CPTPP nhất trí khởi động đàm phán với các nền kinh tế muốn gia nhập… Những chặng đường mới đã được mở ra, tuy còn nhiều chông gai, thách thức nhưng vẫn mang lại hy vọng về một tương lai tươi sáng cho nhiều quốc gia, khu vực.
1. Bước đột phá trong quan hệ Nga - Mỹ
Bỏ lại những bất đồng căng thẳng trong suốt thời gian dài, ngày 16-7, lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới Nga-Mỹ đã có cuộc gặp kéo dài gần 4 giờ đồng hồ tại Helsinki, Phần Lan. Tại cuộc gặp rất được trông đợi này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận một loạt vấn đề quốc tế quan trọng, đồng thời đưa ra những tín hiệu tích cực, “phá băng” quan hệ song phương.
Tổng thống Putin tặng quả bóng World Cup 2018 cho Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Putin đánh giá cuộc gặp là thành công và hữu ích. Theo nhà lãnh đạo Nga, mối quan hệ căng thẳng hiện tại giữa Nga và Mỹ là do các nguyên nhân khách quan, hai cường quốc đều đang đối mặt với những thách thức giống nhau, như cơ chế an ninh quốc tế, nhận diện chủ nghĩa khủng bố.
Nhà lãnh đạo Nga ghi nhận sự hợp tác thành công của lực lượng an ninh Mỹ và Nga, đặc biệt là trong công tác đảm bảo an ninh cho Giải Vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2018. Tổng thống Nga khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác trong phân tích toàn bộ các hồ sơ chính trị-quân sự, đồng thời đề xuất thành lập nhóm công tác chung về chống khủng bố. Nhà lãnh đạo Nga đánh giá Moskva và Washington có thể đảm nhận vai trò thủ lĩnh trong giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Syria.
Về phần mình, Tổng thống Trump đánh giá cuộc gặp là “thời điểm bước ngoặt” trong quan hệ giữa Moskva và Washington. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, cuộc đối thoại với ông Putin diễn ra “cởi mở và có kết quả”, cho rằng hai nước cần tìm ra cơ hội hợp tác.
Về vấn đề “gai góc” liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, Tổng thống Trump cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi vì hoàn toàn không có âm mưu nào như điều tra cáo buộc.
2. EU bắt tay Trung Quốc và Nhật Bản chống chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ
Trong một nỗ lực thể hiện quyết tâm thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, chống lại chủ nghĩa bảo hộ, ngày 17-7, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) ký kết một thỏa thuận tự do thương mại, tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu với khoảng 600 triệu dân.
Ảnh minh họa: Reuters |
Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế đối với 94% tất cả hàng nhập khẩu từ EU, bao gồm 82% các sản phẩm nông, ngư nghiệp. Về phần mình, EU sẽ xóa bỏ thuế đối với 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. EU cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm chủ lực của Nhật Bản như đối với ô tô là sau 8 năm và tivi là sau 6 năm kể từ khi thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực.
Trước đó, ngày 16-7, EU và Trung Quốc cũng nhất trí trao đổi về các đề nghị tiếp cận thị trường lẫn nhau để thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư song phương. Hai bên cam kết thiết lập nhóm làm việc chung về cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); nhất trí rằng tình trạng dư thừa công suất sản xuất thép là thách thức toàn cầu; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường và thúc đẩy năng lượng sạch ở thời điểm hiện tại.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Trung, Mỹ-EU ngày càng lún sâu vào cuộc tranh chấp thương mại sau khi Washington áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD và 10% với nhôm nhập khẩu và 25% với thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico. Điều này đã đẩy các nước xích lại gần nhau hơn trong việc duy trì một trật tự thương mại đa phương, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
3. Các nước CPTPP nhất trí về thời điểm khởi động đàm phán với các nền kinh tế muốn gia nhập
Ngày 19-7, trưởng đoàn đàm phán 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với các nước muốn gia nhập CPTPP ngay trong năm 2019 một khi hiệp định này có hiệu lực. Đây là kết quả cuộc họp kéo dài trong hai ngày tại Nhật Bản.
Trưởng đoàn đàm phán tới từ 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhóm họp tại Nhật Bản. Ảnh: TTXVN |
Về việc mở rộng CPTPP, các nước Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Colombia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) được xem là đang muốn gia nhập CPTPP. Ngoài ra, ngày 18-7, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox tuyên bố nước này sẽ lấy ý kiến người dân về khả năng tham gia CPTPP.
Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi có ít nhất 6 quốc gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn ở trong nước. Cho đến nay đã có 3 nước là Nhật Bản, Mexico và Singapore hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Australia, New Zealand và Việt Nam là các quốc gia dự kiến sẽ phê chuẩn hiệp định này trong năm 2018.
Các nước thành viên CPTPP đạt được sự thống nhất trên trong bối cảnh gia tăng quan ngại trên thế giới về chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, tháng 3-2018, các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã ký CPTPP tại Chile, để hình thành khối tự do thương mại chiếm 13% nền kinh tế thế giới.
4. Israel thông qua dự luật Nhà nước Do Thái gây chia rẽ
Dư luận Trung Đông lại tiếp tục dậy sóng khi ngày 19-7, Israel đã thông qua dự luật quy định Israel là một "Nhà nước Do Thái", chỉ có người Do Thái mới có quyền tự quyết tại nước này.
Phương tiện chở hoa quả di chuyển qua cửa khẩu Kerem Shalom ở thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 10-7. Ảnh: THX/TTXVN |
Palestine và cộng đồng Arab ngay lập tức lên án đạo luật này của Israel.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng và thực thi trách nhiệm để ngăn chặn các điều luật mang tính phân biệt chủng tộc này bằng cách gây áp lực cho Israel.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Israel phân biệt chủng tộc khi cố gắng thành lập "một nhà nước Apartheid". Liên đoàn Arab (AL) thì nhấn mạnh mọi đạo luật mà Israel đang cố gắng thực thi đều không có giá trị và sẽ không trao tính hợp pháp cho mọi hành động chiếm đóng của Israel.
EU cũng bày tỏ quan ngại về luật Quốc gia dân tộc Do Thái của Israel, đồng thời khẳng định lập trường ủng hộ giải pháp hai nhà nước đối với vấn đề Palestine và Israel.
Trong khi đó, tiếp tục các hành động cứng rắn nhằm đáp trả các cuộc tấn công bằng diều và bóng chứa khí heli gây cháy từ Dải Gaza, Chính phủ Israel tuyên bố sẽ ngừng chuyển khí đốt và nhiên liệu qua cửa khẩu Kerem Shalom vào Palestine. Phạm vi đánh cá của Dải Gaza cũng bị thu hẹp trở về mức 11 km như trước khi được mở rộng tạm thời lên 17 km. Lệnh cấm này của Israel khiến cuộc sống của người dân Palestine ở đây ngày càng trở nên khó khăn hơn.
5. Mỹ, Triều Tiên đạt được thống nhất về trao trả hài cốt binh lính
Thực hiện thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh tháng 6 vừa qua, ngày 15-7, Mỹ và Triều Tiên đã tiến hành đối thoại về việc trao trả hài cốt các binh lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Triều Tiên tiến hành trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ theo thảo thuận tại bàn Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: Yonghap |
Theo đó, Triều Tiên đã nhất trí trao trả 55 bộ hài cốt được cho là của lính Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Theo dự kiến, phái đoàn Mỹ sẽ tiếp nhận các bộ hài cốt tại Triều Tiên và chuyển tới Căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc hoặc Hawaii vào ngày 27-7. Thời gian có thể thay đổi khi hai bên giải quyết các chi tiết cuối cùng trong cuộc họp tới đây.
Hơn 36.500 binh sĩ Mỹ đã tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Theo thống kê của quân đội Mỹ, khoảng 7.700 lính Mỹ bị coi là mất tích ở bán đảo Triều Tiên, trong đó 5.300 lính được cho là mất tích ở khu vực phía Bắc khu phi quân sự (DMZ) liên Triều.
6. Ăn mừng biến thành bạo loạn tại Pháp
Sau khi đội tuyển Pháp giành ngôi vô địch tại World Cup 2018, hoạt động ăn mừng đã diễn ra khắp cả nước, nhưng đi kèm với đó là những vụ vụ xô xát, đập phá, cướp bóc do các phần tử quá khích gây ra.
Một số cổ động viên ném chai lọ về phía cảnh sát. Ảnh: Daily Mail |
Tại thủ đô Paris, sau khi diễu hành trong trật tự, nhiều nhóm quá khích bắt đầu ném chai lọ vào cảnh sát và đập phá một cửa hiệu trên đại lộ Champs-Élyées nhằm cướp đồ ăn. Nhiều ki-ốt bán sách báo, ô tô đỗ trên các con phố xung quanh cũng bị đập phá hoặc bị đốt cháy.
Tại các thành phố lớn khác như Lyon và Marseille, nhiều vụ xô xát, đập phá và hôi của cũng đã diễn ra. Các hành động ăn mừng quá khích đã khiến 2 người thiệt mạng, gần 300 người đã bị bắt giữ.
(Theo qdnd.vn)