Thứ Ba, 21/08/2018, 14:01 (GMT+7)
.

Coi chừng "hiệu ứng domino" từ Thổ Nhĩ Kỳ

Khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến các nước có nền kinh tế mới nổi ở châu Á phải giật mình nhìn lại những khoản vay lớn cho các dự án hạ tầng liên quan đến sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” do Trung Quốc khởi xướng.

Imran Khan, chính trị gia Pakistan, đang tìm cứu trợ từ IMF.
Imran Khan, chính trị gia Pakistan, đang tìm cứu trợ từ IMF.

Center for Global Development, một nhóm nghiên cứu kinh tế ở Mỹ cho biết Lào, Maldives, Mông Cổ, Pakistan là những nước đang trong vòng nguy hiểm nhất khi tham gia sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, vay tiền cải thiện hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nợ nước ngoài của Mông Cổ đang gấp 8 lần so với dự trữ ngoại tệ của nước này. Tỉ lệ nợ nước ngoài trên dự trữ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ là 3,6 lần, của Pakistan là 4 lần, của Kyrgyzstan là 3,8 lần. Nợ nước ngoài của Lào và Kyrgyzstan vượt quá 100% GDP.

Những nước nợ nước ngoài nhiều dễ bị tổn thương nặng nề khi đồng tiền đột ngột mất giá, dễ mất khả năng trả nợ, vì các khoản nợ của họ hầu hết được định danh bằng đô la Mỹ.

Trước đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đóng vai trò là định chế cho vay để phát triển lớn nhất thế giới. Sau các cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mexico 1995 và châu Á 1997, IMF, World Bank và Mỹ giới thiệu “Đồng thuận Washington” khuyên các nước đang phát triển triệt để theo nguyên lý thị trường, tự do hóa các hoạt động kinh tế, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, giảm trợ cấp các dịch vụ công cộng và tự do mậu dịch, như là những điều kiện để cho vay tiền phát triển.

Nhưng nhiều nước cảm thấy “ngột ngạt” với “Đồng thuận Washington” vì nó ảnh hưởng đến môi trường chính trị của họ. Khi đó, Trung Quốc nổi lên như một nhà cho vay lắm tiền, nhiều nước quay lưng lại với IMF, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và giờ họ đang phải gánh chịu hậu quả sẽ còn kéo dài trong những năm tới.

Nợ nước ngoài của Pakistan đã tăng 50% trong 3 năm qua, lên tới mức 100 tỉ đô la. Khoảng 30% khoản nợ này thuộc về Trung Quốc. Hiện nay, Pakistan dùng 30% tiền thu từ thuế cho nghĩa vụ trả nợ. Trong 2 năm tới, tỉ lệ này sẽ tăng lên thành 50%. Nếu không có một cải cách tài khóa mạnh mẽ, Pakistan sẽ chìm trong khủng hoảng.

Theo nhiều nguồn phân tích, chính phủ mới của thủ tướng mới đắc cử Imran Khan đang liên hệ trở lại với IMF để tìm kiếm các giải pháp cứu trợ tài chính.

Tuyến đường sắt tốc độ cao ở Lào thuộc sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” có chi phí tới 6 tỉ đô la, tức là 40% GDP của nước này. Dù Trung Quốc chi 70% phí xây dựng, nhưng Lào vẫn phải vay từ các ngân hàng Trung Quốc để trả phần góp của họ. Việc phải trả nợ sẽ đặt nền kinh tế dưới áp lực rất lớn.

Ở Trung Á, Turkmenistan đang trong khủng hoảng kinh tế, hậu quả của các khoản vay từ Trung Quốc. Nước láng giềng Tajikistan vừa bán quyền khai thác một mỏ vàng cho một công ty Trung Quốc để trừ nợ, giống như Sri Lanka phải trao quyền sử dụng cảng Hambantota cho một công ty Trung Quốc.

Chơi với IMF giống như chơi với một ông chú khắc khổ luôn kêu gào phải thắt chặt chi tiêu, kỷ luật chính sách, cải cách hệ thống… nhưng tự lực cánh sinh, khổ trước sướng sau chắc vẫn tốt hơn chơi với anh nhà giàu mới nổi ném tiền cho mình “tiêu đi, tiêu đi” để rồi sau này phải è cổ trả nợ.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.