.

Giới chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách tháo gỡ bế tắc ngoại giao

Cập nhật: 20:05, 14/08/2018 (GMT+7)

Ngày 13-8, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã gặp Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ Serdar Kilic nhằm thảo luận về việc chính quyền Ankara bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Nguồn: Getty
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Nguồn: Getty

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết cuộc gặp trên diễn ra tại Nhà Trăng “theo yêu cầu của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ.”

Hai bên đã thảo luận về mối quan hệ giữa hai nước, cũng như việc chính quyền Ankara bắt giữ mục sư Brunson. Tuy nhiên, nữ phát ngôn viên này không nêu chi tiết nội dung thảo luận.

Trái với một số thông tin truyền thông, giới chức Mỹ nói rằng thời điểm cuối cùng để trả tự do cho mục sư Brunson hiện chưa được ấn định.

Mục sư Brunson, người đã làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 20 năm, bị bắt giữ hồi tháng 10/2016 tại một nhà thờ ở thị trấn Aliaga, thành phố Izmir, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ và bị đưa ra xét xử sau hơn 1 năm rưỡi bị giam giữ. Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc mục sư Brunson giúp đỡ tổ chức của giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen. Tuy nhiên, ông Brunson phủ nhận mọi cáo buộc.

Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng sau những bất đồng quan điểm về hoạt động quân sự tại Syria và vụ linh mục Brunson bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ. Để trả đũa chính quyền Ankara, Tổng thống Donald Trump đã công bố quyết định tăng gấp đôi thuế đánh vào các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, lần lượt lên mức 20 và 50%. Quyết định mới của Mỹ khiến thị trường tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo và khiến đồng lira càng thêm mất giá mạnh, sau khi đã giảm giá tới hơn 30% kể từ đầu năm nay.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett ngày 13/8 cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang “theo dõi chặt chẽ” tình hình tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi đồng lira sụt giảm mạnh những ngày qua. Trả lời kênh MSNBC, ông Hassett cho rằng việc Tổng thống Trump quyết định tăng gấp đôi mức thuế nhằm vào mặt hàng thép của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ảnh hưởng đến “một phần rất nhỏ” GDP của nước này. Chính vì vậy, việc đồng lira giảm đến 40% là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ về cơ bản đang gặp rất nhiều vấn đề.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/gioi-chuc-my-va-tho-nhi-ky-tim-cach-thao-go-be-tac-ngoai-giao/518950.vnp)

.
.
.