LHQ mở phiên tòa xét xử tranh cãi pháp lý giữa Iran và Mỹ
Ngày 27-8, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại La Haye của Hà Lan, đã mở phiên tòa xét xử tranh cãi pháp lý giữa Iran và Mỹ về việc nối lại các trừng phạt làm hủy hoại nền kinh tế Iran.
Phiên tòa đã bắt đầu từ 15 giờ - giờ Hà Nội. Dự kiến, tại phiên tòa hôm nay, các luật sư của Iran sẽ đưa ra lập luận về các biện pháp trừng phạt trên đã gây hại tới nền kinh tế Iran như thế nào.
Một cơ sở sản xuất dầu mỏ thuộc đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo kế hoạch, tòa sẽ nghe tranh tụng trong 4 ngày, nhưng dự kiến tòa mất vài tháng để quyết định liệu có nên ra phán quyết về đề nghị của Tehran hay không, trong khi một phán quyết cuối cùng cho vụ kiện này có thể mất tới vài năm.
Các lệnh trừng phạt Iran đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) hồi năm 2015.
Tuy nhiên, cách đây ba tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái áp dụng một loạt trừng phạt đơn phương nghiêm ngặt đối với Iran.
Gói trừng phạt thứ hai sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 11 tới, nhằm vào lĩnh vực năng lượng và dầu mỏ quan trọng của Iran.
Ông Trump hành động như vậy sau khi rút khỏi JCPOA hồi tháng Năm vừa qua, vì cho rằng đây là "một thỏa thuận phiến diện, không đáp ứng mục đích căn bản nhằm ngăn chặn mọi con đường mà Iran phát triển bom nguyên tử."
Dù tất cả các bên còn lại tham gia thỏa thuận trên đã tìm cách thuyết phục, nhưng Tổng thống Mỹ vẫn kiên quyết rút Mỹ khỏi JCPOA.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, kéo theo tái áp đặt trừng phạt, đồng rial của Iran đã mất một nửa giá trị.
Một loạt công ty quốc tế, trong đó có các tập đoàn Total, Peugeot và Renault của Pháp, cũng như tập đoàn Siemens và Daimler của Đức đã ngừng hoạt động tại Iran.
Cả Air France và British Airways đều đã thông báo ngưng các chuyến bay đến Tehran từ tháng Chín tới.
Tehran đã đệ đơn kiện lên ICJ hồi cuối tháng Bảy vừa qua, kêu gọi các thẩm phán của tòa ra lệnh lập tức dỡ bỏ các trừng phạt mà họ nói là "sẽ tạo thành kiến không thể xóa bỏ."
Tehran nói thêm rằng Mỹ không có quyền tái áp đặt các biện pháp này và yêu cầu được đền bù thiệt hại.
Iran cũng khẳng định rằng việc khôi phục các trừng phạt đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận JCPOA là vi phạm Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER) ký giữa hai nước từ năm 1955.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/lien-hop-quoc-mo-phien-toa-xet-xu-tranh-cai-phap-ly-giua-iran-va-my/521360.vnp)