Thứ Bảy, 04/08/2018, 22:24 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Khơi nguồn hy vọng

Tuần qua, ASEAN và Trung Quốc đạt bước tiến quan trọng về đàm phán COC; Campuchia tổ chức thành công bầu cử quốc hội; hòa đàm Syria đạt kết quả thực chất… Hàng loạt những sự kiện quan trọng đã diễn ra, góp phần củng cố niềm tin, khơi dậy hy vọng về một nền hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, khu vực.

1. ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về "văn bản duy nhất" đàm phán COC

Ngày 2-8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) diễn ra tại Singapore, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận một "văn bản duy nhất" đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đây được coi là một bước tiến quan trọng hướng tới việc thu hẹp sự khác biệt giữa các bên.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc hội nghị. Ảnh: Reuters
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc hội nghị. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố đây là "cột mốc quan trọng" trong tiến trình COC và là văn bản cơ sở cho các cuộc đàm phán COC trong tương lai. Hai bên cũng đã thống nhất các phương thức chính cho các cuộc đàm phán COC trong thời gian tới.

Về AMM 51 và các hội nghị liên quan, sau một ngày nhóm họp, các bộ trưởng 10 nước thành viên đã ra thông cáo chung nêu rõ ASEAN cần củng cố sức mạnh nội khối thông qua các biện pháp tăng cường thương mại - đầu tư, liên kết kinh tế khu vực.

Các bộ trưởng cũng nhất trí xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường và sáng tạo, trên cơ sở triển khai những mục tiêu, sáng kiến đã thoả thuận.

Về đàm phán COC, các bộ trưởng ghi nhận một số tiến triển vừa đạt được, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng COC.

Liên quan đến tình hình Biển Đông, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hoá, kêu gọi các bên kiềm chế, không có các biện pháp làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).                                    

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước đối tác, các nước đều cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

2. Bầu cử Quốc hội khóa VI tại Campuchia: Đảng CPP giành chiến thắng áp đảo

Với 4,8 triệu phiếu trong 6,8 triệu cử tri đi bầu, chiếm tỷ lệ 76,78%, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI.

Kết quả này không nằm ngoài dự đoán của dư luận trong và ngoài nước, đưa CPP tiếp tục trở thành đảng cầm quyền trong 5 năm tới tại xứ sở Chùa Tháp.

Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen (giữa), Chủ tịch đảng CPP cầm quyền bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Phnom Penh ngày 29-7. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen (giữa), Chủ tịch đảng CPP cầm quyền bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Phnom Penh ngày 29-7. Ảnh: TTXVN

Cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VI có 20 đảng tham gia tranh cử 125 ghế nghị sĩ Quốc hội. Các tổ chức quan sát bầu cử đều nhận định cuộc bầu cử đã diễn ra suôn sẻ, không có trường hợp vi phạm luật bầu cử nghiêm trọng nào và kết luận cuộc bầu cử đã diễn ra một cách dân chủ, tự do và công bằng.

Theo lịch trình, NEC sẽ công bố kết quả sơ bộ vào ngày 11-8 và trong trường hợp không có khiếu kiện nào buộc phải tổ chức bầu cử lại, NEC sẽ công bố kết quả chính thức vào ngày 15-8 tới.  

3. Mỹ - Taliban lần đầu gặp trực tiếp với nhiều tín hiệu tích cực

Báo chí quốc tế tuần qua đã đồng loạt đưa tin về cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao cấp cao Mỹ với các đại diện của lực lượng Taliban tại Doha, Qatar.

Tại cuộc găp được đánh giá là “chưa từng có” này, hai bên đã tích cực thảo luận về khả năng của lệnh ngừng bắn, đồng thời nhất trí sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc họp nhằm giải quyết xung đột tại Afghanistan.

Taliban ăn mừng lệnh ngừng bắn ở huyện Ghanikhel, tỉnh Nangarhar của Afghanistan tháng 6-2018. Ảnh: Reuters
Taliban ăn mừng lệnh ngừng bắn ở huyện Ghanikhel, tỉnh Nangarhar của Afghanistan tháng 6-2018. Ảnh: Reuters

Đánh giá cuộc gặp diễn ra trong "bầu không khí thân thiện" và có chủ đích, một thành viên Taliban cho biết, hai bên đã thảo luận về việc cho phép Taliban đi lại tự do tại hai tỉnh mà không bị tấn công, một ý tưởng đã bị Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bác bỏ.

Cuộc thảo luận cũng đề cập đến việc Taliban tham gia Chính phủ Afghanistan. Yêu cầu duy nhất của phía Mỹ là cho phép nước này đặt căn cứ quân sự tại Afghanistan.

Trước đó, báo Wall Street Journal đưa tin quan chức cấp cao của Cục các vấn đề Nam và Trung Á thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Alice Wells đã gặp đại diện của nhóm Taliban tại Qatar để tổ chức hòa đàm.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ xác nhận bà Wells đã tới thăm Doha để gặp Chính phủ Các tiểu vương quốc Arab (UAE).

Taliban từ lâu nhấn mạnh muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ, song Washington liên tiếp bác bỏ, cho rằng các cuộc đàm phán phải do người Afghanistan đứng đầu.

Tháng 6 vừa qua, Mỹ đã thể hiện thay đổi trong chính sách tại Afghanistan khi tuyên bố để ngỏ và sẵn sàng "hỗ trợ, tạo điều kiện và tham gia" các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 17 năm qua ở quốc gia Trung Nam Á này.

4. Tiếp nối nỗ lực vì hòa bình lâu dài cho Syria

Ngày 31-7, quan chức các nước bảo trợ lệnh ngừng bắn tại Syria (gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ) cùng đại diện chính phủ và phe đối lập đã có cuộc gặp thứ hai tại Sochi (Nga), nhằm thảo luận việc thành lập Ủy ban Hiến pháp và thúc đẩy giải pháp cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Những người ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters
Những người ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters

Kết quả đạt được tại cuộc gặp lần này được xem là thực chất cho một nền hòa bình lâu dài ở Syria. Các bên đã thảo luận cơ cấu nhân sự và chức năng nhiệm vụ, cũng như cách thức bổ nhiệm các thành viên ủy ban Hiến pháp.

Chính phủ và phe đối lập Syria, mỗi bên đã đề cử 50 người vào danh sách ứng viên tham gia ủy ban, trong khi đại diện LHQ đề nghị cơ cấu 30% là nữ.

Danh sách nhân sự sẽ được hoàn tất vào tháng 9 tới trong vòng tham vấn tiếp theo với đặc phái viên Liên hợp quốc Staffan de Mistura tại Geneva, Thụy Sĩ.

Trong tuyên bố chung, các bên bày tỏ sẵn sàng đấu tranh chống các tư tưởng cực đoan hòng phá hoại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như gây bất ổn an ninh tại các nước láng giềng; kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.

Liên quan đến tình hình chiến sự ở Syria, ngày 2-8, truyền thông Trung Đông dẫn tuyên bố của quân đội Nga cho biết các lực lượng chính phủ và các nhóm đối lập ôn hòa với sự hỗ trợ của quân đội Nga đã giải phóng các tỉnh Daraa, As-Suwayda và Quneitra từ tay các phần tử khủng bố, phá hủy thành trì cuối cùng của IS ở các khu vực phía Tây tỉnh Quneitra.

Trước đó, Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) do người Kurd thống lĩnh, cánh chính trị của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn tuyên bố nhóm này và Chính phủ Syria đã nhất trí thành lập các ủy ban thúc đẩy đàm phán hòa bình.

5. Zimbabwe trải qua cuộc bầu cử lịch sử

Mặc dù còn có chia rẽ trong bầu cử nhưng ông Mnangagwa thuộc đảng Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận yêu nước (ZANU-PF) cầm quyền Zimbabwe đã tái đắc cử Tổng thống Zimbabwe với tỷ lệ 50,8% số phiếu. Trước đó, Đảng ZANU-PF đã giành được đa số tuyệt đối, với 144/210 ghế nghị sĩ trong cuộc bầu cử quốc hội.

Tổng thống Zimbabwe bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Kwekwe ngày 30-7. Ảnh: EFE-EPA/TTXVN
Tổng thống Zimbabwe bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Kwekwe ngày 30-7. Ảnh: EFE-EPA/TTXVN

Đối thủ lớn nhất là ông Nelson Chamisa thuộc đảng đối lập Phong trào Vì sự thay đổi dân chủ (MDC) đối lập được 44,3% số phiếu. Tuy nhiên, MDC tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử và cáo buộc đảng ZANU-PF cầm quyền gian lận kết quả bầu cử.

Tình trạng hỗn loạn đã xảy ra khi những người ủng hộ phe đối lập xuống đường biểu tình phản đối kết quả bầu cử. Quân đội đã được triển khai sau khi cảnh sát không thể kiểm soát nổi tình hình.

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên tại Zimbabwe kể từ khi ông Robert Gabriel Mugabe từ chức tổng thống tháng 11 năm ngoái sau 37 năm cầm quyền. Hiện Zimbabwe đang đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng, đồng tiền mất giá, đất nước kiệt quệ, nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 90%.

Cuộc bầu cử lần này tại Zimbabwe được kỳ vọng sẽ mở ra trang sử mới cho đất nước, chấm dứt sự cô lập của cộng đồng quốc tế, thu hút đầu tư để phục hồi kinh tế.

6. Malaysia ra báo cáo cuối cùng về vụ MH 370: Bức màn bí mật chưa được vén

Ngày 30-7, Malaysia đã ra báo cáo cuối cùng về vụ mất tích năm 2014 của máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, tuy nhiên nguyên nhân của vụ việc vẫn chưa được làm rõ.

Mảnh vỡ của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 được tìm thấy ở khu vực đảo La Reunion nhưng phần thân của máy bay hiện vẫn chưa được tìm thấy. Ảnh: Reuters
Mảnh vỡ của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 được tìm thấy ở khu vực đảo La Reunion nhưng phần thân của máy bay hiện vẫn chưa được tìm thấy. Ảnh: Reuters

Người đứng đầu đội điều tra MH370, ông Kok Soo Chon cho biết đội điều tra chưa thể xác định được nguyên nhân thực sự trong vụ máy bay MH370 mất tích.

Nguyên nhân không loại trừ “sự can thiệp bất chính” của một bên thứ ba. Các điều tra viên cũng không phát hiện vấn đề bất thường liên quan đến lý lịch, sức khỏe, tâm lý và quá trình huấn luyện của các phi công.

Ngày 8-3-2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 trên hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) với 239 người đã mất liên lạc với mặt đất.

Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn nhất trong lịch sử hàng không đã được tiến hành, song manh mối về chiếc mày bay này vẫn chưa có gì, ngoài 3 mảnh vỡ được tìm thấy trên bờ biển phía Tây Ấn Độ Dương.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.