.

Thế giới tuần qua: Những nấc thang mới

Cập nhật: 16:33, 23/09/2018 (GMT+7)

Đời sống quốc tế 7 ngày vừa qua khá sôi động với những tín hiệu lạc quan đan xen với một số bất đồng đã và đang tồn tại, trong đó nổi bật là thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba, Mỹ - Trung tiếp tục áp thuế thương mại vào hàng hóa nhập khẩu của nhau, hay Nga - Thổ nỗ lực ngăn chặn xung đột tại Syria.

1. Hội nghị thượng đỉnh thành công nhất lịch sử bán đảo Triều Tiên

Sau các cuộc đàm phán chân thành và cởi mở, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chính thức ký vào "Tuyên bố chung tháng 9" với những cam kết cụ thể nhằm hướng tới nền hòa bình và thịnh vượng chung trên Bán đảo Triều Tiên, bất chấp còn rất nhiều thách thức và rào cản trên tiến trình này.

Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa hai bên đã khép lại với những thành công vượt xa mong đợi và giờ là thời điểm các bên liên quan cần bắt tay vào hành động để hiện thực hóa các thỏa thuận, tuyên bố và cam kết.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3. Ảnh: Sun Times
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3. Ảnh: Sun Times

Thiện chí của Triều Tiên và quyết tâm của Hàn Quốc đã được thể hiện rất rõ qua kỳ thượng đỉnh này, do đó Mỹ cần nắm bắt cơ hội để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Đây chính là phản ứng nổi bật nhất từ cộng đồng quốc tế những ngày qua.

Tại cuộc họp báo ngay khi trở về Hàn Quốc sau chuyến thăm Bình Nhưỡng 3 ngày, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang mong muốn có thể sớm hoàn tất việc phi hạt nhân hóa, để tập trung vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

Theo kế hoạch, Tổng thống Moon Jae-in sẽ tới Mỹ vào tuần tới. Dự kiến, nhà lãnh đạo Hàn Quốc sẽ thông báo với Tổng thống D. Trump về kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa diễn ra.

Mục đích chính trong chuyến thăm Mỹ của ông Moon Jae-in là nhằm phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng.

2. Nga - Thổ thiết lập khu phi quân sự tại Idlib

Việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận thiết lập một khu phi quân sự tại tỉnh Idlib dọc theo đường ranh giới giữa quân đội Chính phủ Syria và các nhóm vũ trang đối lập ở nước này được coi là một thắng lợi ngoại giao giúp giảm căng thẳng.

Thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp ở thành phố Sochi (Nga) giữa Tổng thống Nga V. Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan đã giúp tháo gỡ bất đồng giữa hai nước chung quanh vấn đề Idlib ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại các cuộc tiến công của quân đội Syria do Nga hậu thuẫn ở khu vực này sẽ đe dọa an ninh quốc gia và gây ra làn sóng người tị nạn từ Syria tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký bản ghi nhớ về việc thuận thiết lập một khu phi quân sự tại tỉnh Idlib dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước. Ảnh: Anadolu Agency
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký bản ghi nhớ về việc thuận thiết lập một khu phi quân sự tại tỉnh Idlib dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước. Ảnh: Anadolu Agency

Tuy nhiên, những diễn biến tích cực tại Idlib cũng chỉ là điểm sáng nhỏ nhoi trong tổng thể bức tranh tối màu của cuộc nội chiến ở Syria.

Nga và phương Tây đang âm thầm chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu có thể xảy ra ở Idlib. Phương Tây muốn ngăn chặn những bước tiến của quân đội Syria vốn được Nga hỗ trợ trước phiến quân được phương Tây hậu thuẫn.

Những diễn biến gần đây đúng như dự đoán về sự can thiệp của bên ngoài vào Syria. Theo các hình ảnh mà Nga thu được, cả Pháp và Israel đều tiến hành không kích vào Syria. Hình ảnh xe bọc thép của Pháp xuất hiện ở Deir ez-Zor của Syria được quân đội Mỹ công bố trên mạng xã hội, cho thấy các lực lượng bộ binh Pháp đã hiện diện.

Có thể nói, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib đã tạm "tháo ngòi" căng thẳng, song tình hình Syria vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các thế lực bên ngoài chưa ngừng nỗ lực can thiệp vào quốc gia Trung Ðông này.

3. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ áp đặt thuế suất 10% đối với lượng hàng hoá nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 24-9 tới, đồng thời tăng biểu thuế này lên 25% vào đầu năm 2019. Ngay sau đó, Trung Quốc đáp lại bằng việc thông báo áp thuế đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD.

Không phải ngẫu nhiên chính quyền của Tổng thống Donald Trump lại chọn ồ ạt tấn công Trung Quốc vào thời điểm này. Nếu nửa đầu năm nay, Mỹ còn gây chiến với một loạt nước ngay kể cả với các đồng minh thân cận, thì nay cường quốc này đã dàn xếp được với đa số và hiện chỉ còn Trung Quốc là đối thủ chính.

Do đó, Mỹ đã không hề khoan nhượng khi cảnh báo nếu Trung Quốc có hành động trả đũa nhằm vào nông dân và các ngành công nghiệp của Mỹ, Washington sẽ lập tức tiến hành giai đoạn ba, áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 267 tỷ USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN
Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Rõ ràng việc đưa ra quyết định tăng thuế này chứng tỏ Washington đang chiếm thế thượng phong trong tương quan lực lượng với Bắc Kinh.

Thực tế, trong quý II vừa qua, kinh tế Mỹ đã duy trì mức tăng trưởng cao (4,2%), tỷ lệ thất nghiệp thấp, trái ngược với mức tăng trưởng chậm lại và nợ tăng cao của Trung Quốc.

Trong khi đó, các biện pháp tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc chỉ gây tác động nhỏ đối với kinh tế Mỹ, ước tính chỉ khiến 0,1 - 0,2% GDP sụt giảm.

Một cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Việc áp đặt các mức thuế quan có thể hạn chế việc giao thương và cản trở sự tăng trưởng của các quốc gia nhỏ hơn.

Trong khi đồng USD bắt đầu tăng giá khi căng thẳng thương mại leo thang, giúp Mỹ tránh phải chịu mức giá cao hơn, thì giá trị của nhiều đồng tiền trên thế giới sụt giảm, được ví như một “hòn đá tảng” đè nặng lên nền kinh tế của những nước này.

Một khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước vào giai đoạn quyết liệt hơn, thì nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đang ngày càng hiển hiện.

4. Brexit đang ở thế giằng co

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 20-9 cảnh báo đề xuất của Anh về mối quan hệ thương mại mới với Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit sẽ không thể trở thành hiện thực.

Phát biểu với báo giới, ông Tusk cho biết, các lãnh đạo EU tin rằng kế hoạch do các nghị sĩ theo phái hoài nghi châu Âu trong nội bộ đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May đề xuất sẽ gây tổn hại tới thị trường chung đơn nhất của khối này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Euro News
Ảnh minh họa. Nguồn: Euro News

Không khí trao đổi giữa bà May và lãnh đạo 27 nước EU đã cải thiện hơn trước nhưng một số khác biệt trong vấn đề thương mại và biên giới Ireland vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Hai vấn đề này cần có nhiều thời gian hơn để tìm được sự đồng thuận.

Về phần mình, Thủ tướng Anh cho biết bà sẽ sớm công bố các ý tưởng mới giải quyết vấn đề thương mại tại khu vực biên giới Bắc Ireland. Một chiến lược đầy đủ hơn cho hậu Brexit sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 18-10 tới.

Trong bối cảnh thời gian để thảo luận không còn nhiều, Anh và EU vẫn ở thế giằng co trong đàm phán như trên, Brexit chắc chắn sẽ tiếp tục là một vấn đề gai góc.

Việc không đạt được thỏa thuận hoặc chỉ đạt được thỏa thuận vào phút chót sẽ đều là “kịch bản tồi” với cả hai bên, bởi họ không còn quỹ thời gian để triển khai biện pháp đối phó các tác động tiêu cực từ việc Anh rời bỏ “mái nhà chung châu Âu”.

5. Thủ tướng Nhật Bản tái đắc cử Chủ tịch đảng LDP

Một chiến thắng vững vàng trong đảng Dân chủ Tự do Nhật (LDP) đã giúp dọn đường cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Nhật cho đến tháng 9-2021. Như vậy ông sẽ trở thành Thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật theo hệ thống hiến pháp hiện tại.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: The Japan Times
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: The Japan Times

Lên làm thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai từ tháng 12-2012, ông Abe đã củng cố vị thế lãnh đạo LDP và nhận được nhiều ủng hộ do mang lại sự ổn định cho các chính sách kinh tế, ngoại giao.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này vẫn đối mặt một số thách thức không nhỏ, như dân số lão hóa và sụt giảm, kế hoạch tăng thuế tiêu dùng bị hoãn hai lần, thách thức an ninh từ mối đe dọa tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực, tranh cãi thương mại với Mỹ…

Thách thức tức thì đến từ cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề kỳ họp thường niên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại TP New York, Mỹ vào tuần tới. Tại cuộc gặp này, ông Abe nhiều khả năng chịu sức ép cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ (hiện ở mức 69 tỷ USD).

Về lâu dài, điều dư luận quan tâm là liệu ông Abe có thúc đẩy được việc chỉnh sửa bản hiến pháp hòa bình do lực lượng chiếm đóng Mỹ soạn thảo năm 1947 hay không - điều mà chưa nhà lãnh đạo nào của LDP làm được trước đó.

Thủ tướng Nhật cho biết ông hy vọng đảng mình sẽ trình quốc hội bản dự thảo hiến pháp sửa đổi để thông qua trước khi đưa ra trưng cầu ý dân.

6. Cựu thủ tướng Malaysia bị truy tố thêm 25 tội danh

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak, 65 tuổi, đối mặt với 4 cáo buộc lạm dụng quyền lực và 21 cáo buộc rửa tiền khi xuất hiện tại tòa án ở Kuala Lumpur ngày 20-9. Tuy nhiên, ông Najib phủ nhận mọi cáo buộc.

Những tội danh mới nhất nâng tổng số cáo buộc chống lại ông Najib lên con số 32, trong bối cảnh các điều tra viên đang tăng cường tìm hiểu về cách thức hàng tỷ USD biến mất liên quan tới quỹ đầu tư nhà nước 1MDB do ông đề xuất khi còn làm thủ tướng.

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak trong vòng vây cảnh sát khi đến một phiên tòa tại Kuala Lumpur. Ảnh: The Straits Times
Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak trong vòng vây cảnh sát khi đến một phiên tòa tại Kuala Lumpur. Ảnh: The Straits Times

Ông Najib đối mặt cáo buộc rửa tiền sau khi tờ Wall Street Journal năm 2015 đưa tin 681 triệu USD đã được chuyển vào tài khoản cá nhân của ông.

Một năm sau, Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận việc chuyển tiền và cho biết số tiền có nguồn gốc từ quỹ 1MDB. Chính quyền Mỹ cho hay tổng cộng 4,5 tỷ USD đã bị rút ruột từ quỹ này.

Những cáo buộc này châm ngòi cho làn sóng biểu tình đòi ông Najib từ chức và góp phần khiến ông thất bại trước đối thủ Mahathir Mohamd trong cuộc bầu cử hồi tháng 5.

Cựu thủ tướng Malaysia sau đó bị cấm xuất cảnh, khám nhà và bị điều tra. Công tố viên cho hay, ông Najib đã lợi dụng quyền lực khi còn làm thủ tướng, bộ trưởng tài chính và chủ tịch quỹ 1MDB để đút túi số tiền 2,3 tỷ ringgit (556,23 triệu USD) trong thời gian 2011 - 2014.

Hồi đầu năm nay, công tố viên đã đưa ra 7 cáo buộc với ông Najib, bao gồm rửa tiền, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lạm quyền.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.