Thứ Bảy, 29/09/2018, 15:38 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Sức nóng từ những cuộc đối đầu

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 73 đã diễn ra với triển vọng hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực cả truyền thống và phi truyền thống. Cùng với đó các sự kiện: Mỹ lại mở “mặt trận” mới trong cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc; quan hệ Nga - Israel liên quan đến tình hình Syria tiếp tục căng thẳng… là những vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm trong tuần qua.

1. Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 73: Chung tay vì một tương lai tốt đẹp hơn

Kỳ họp cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 73 với 7 chủ đề liên quan tới phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, hòa bình và an ninh, quyền con người, sức khỏe cộng đồng và bình đẳng giới đã khai mạc ngày 25-9.

Kỳ họp lần này chứng kiến nhiều điểm mới trong lịch sử phát triển của LHQ. Lần đầu tiên trong lịch sử, LHQ sẽ chính thức phát động một chiến lược rộng khắp để tăng cường nỗ lực hành động vì thanh niên trên cả ba trụ cột - hòa bình và an ninh, quyền con người và phát triển bền vững.

Phiên họp ĐHĐ LHQ. Ảnh: vov.vn
Phiên họp ĐHĐ LHQ. Ảnh: vov.vn

Một điểm mới nữa là việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng được đặt ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, với 2 vấn đề y tế chủ chốt là bệnh lao và các căn bệnh không truyền nhiễm.

Một hoạt động chưa từng có tiền lệ tại kỳ họp cấp cao thường niên của ĐHĐ, là Tổng thư ký LHQ sẽ triệu tập Nhóm Hợp tác kỹ thuật số đầu tiên được thành lập để đối phó với những hậu quả ngoài mong muốn của công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, tổ chức Đối tác toàn cầu vì dữ liệu phát triển bền vững cùng các đối tác khác sẽ phát động những nỗ lực mới để đấu tranh với vấn nạn đói nghèo và giải quyết những thách thức khác.

Củng cố lực lượng gìn giữ hòa bình cũng được LHQ cùng các quốc gia thành viên bày tỏ quyết tâm hơn bao giờ hết. Hội nghị Cấp cao hòa bình Nelson Mandela cũng được tổ chức trong khuôn khổ kỳ họp năm nay. Ngoài ra, kỳ họp cấp cao năm nay là dịp để các quốc gia "sốc lại" quyết tâm hành động để bảo vệ khí hậu.

Bảo vệ người tị nạn và người di cư cũng là chủ đề nổi bật tại kỳ họp. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau.

Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ năm nay diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương đang có nguy cơ trỗi dậy tại một số quốc gia, đe dọa chủ nghĩa đa phương và hợp tác toàn cầu. Sự tham sự của hơn 100 lãnh đạo các quốc gia là minh chứng cho thấy Liên Hợp Quốc tiếp tục là một diễn đàn không thể thiếu đối với hợp tác quốc tế.  

2. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang

Căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc lại bị đẩy lên một nấc thang mới nguy hiểm khi cả hai bên tiếp tục đưa ra những mức thuế suất mới đối với hàng hóa của nhau.

Ảnh minh họa: Farm Futures
Ảnh minh họa: Farm Futures

Ngày 24-9, Washington chính thức áp thuế 10% với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng mức thuế tương ứng với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, hai bên đã đánh thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa của nhau.

Trong Sách Trắng về quan hệ thương mại và kinh tế với Mỹ ra ngày 24-9, Trung Quốc cho rằng Washington đang sử dụng những cáo buộc giả về thương mại để "đe dọa" các nước khác; đồng thời chỉ trích chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gạt bỏ các tiêu chuẩn căn bản về tôn trọng lẫn nhau, tham vấn bình đẳng trong các mối quan hệ quốc tế.

Trung Quốc cho biết, nước này không thể đối thoại thương mại với Mỹ, khi mà Mỹ áp đặt thuế suất với nước này giống như “cầm dao kề cổ người khác”.

Các cuộc đàm phán thương mại hồi tháng trước giữa hai nước kết thúc mà không mang lại kết quả gì, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc đàm phán sẽ được nối lại.

Trong bối cảnh đó, quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung lại bước vào vòng xoáy căng thẳng mới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26-9  cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang cố tình can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới.

Trước đó, Trung Quốc đã triệu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh và hủy cuộc đối thoại quân sự chung để phản đối quyết định của Mỹ trừng phạt một cơ quan quân sự của Trung Quốc và giám đốc cơ quan này vì mua máy bay chiến đấu cũng như một hệ thống tên lửa đất đối không của Nga.

3. Quan hệ Nga- Israel tiếp tục căng thẳng

Trong khi những căng thẳng giữa Nga và Israel liên quan vụ máy bay của Nga bị quân đội Syria bắn nhầm hôm 17-9 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và việc Israel khẳng định sẽ không dừng các chiến dịch quân sự tại Syria, ngày 24-9, Nga thông báo sẽ tăng cường hệ thống phòng không S-300 hiện đại cho Syria.

Hệ thống S-300 của Nga. Ảnh: EPA
Hệ thống S-300 của Nga. Ảnh: EPA

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, việc Nga cung cấp hệ thống vũ khí hiện đại cho Syria, một quốc gia mà Israel nhìn nhận là vô trách nhiệm, sẽ gây nguy hiểm cho khu vực.

Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Yaakov Amidror tuyên bố, S-300 là giới hạn đỏ và Irael sẽ tiêu diệt S-300 ngay trên đường vận chuyển nhằm đảm bảo Syria không thể nhận hoặc triển khai hệ thống tên lửa phòng không này.

Trước đó, máy bay trinh sát Il-20 của Nga đã bị mất liên lạc vào đêm 17-9 trong một cuộc tấn công của 4 máy bay tiêm kích F-16 của Israel vào các mục tiêu tại tỉnh Latakia, Syria.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Israel đã cố tình tạo ra tình thế nguy hiểm bằng cách lợi dụng máy bay của Nga như một lá chắn trước hệ thống phòng không Syria. Tên lửa phòng không của Syria đã bắn nhầm vào máy bay Il-20 làm 15 quân nhân Nga trên máy bay thiệt mạng.

4. IS âm mưu thiết lập thành trì ở Trung Á

Ngày 25-9, người đứng đầu Trung tâm chống khủng bố thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), ông Andrey Novikov cho biết tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang âm mưu thiết lập một thành trì ở Trung Á và kích hoạt các nhánh khủng bố ngầm trong khu vực.  

Phiến quân IS. Nguồn: AP
Phiến quân IS. Nguồn: AP

Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban điều hành Cơ quan chống khủng bố của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), ông Dzhumakhon Giyesov, cũng cảnh báo việc IS đang đào tạo và tái triển khai các nhóm phá hoại và khủng bố ở Trung Á và các khu vực khác.

Việc truy quét thành công các hang ổ của IS tại Syria đã buộc tàn quân IS tái triển khai và buộc các thủ lĩnh của chúng xây dựng các chi nhánh ở nước ngoài. Các cấu trúc đặc biệt do IS thành lập đang tuyển mộ, huấn luyện và tái triển khai các nhóm phá hoại và khủng bố đến châu Âu, khu vực Trung Á, Đông Nam Á và Nga.

Theo các cơ quan tình báo, thành viên của các tổ chức khủng bố quốc tế đang xâm nhập vào các quốc gia Trung Á, điều tạo nên mối đe dọa khủng bố trong khu vực cũng như đối với các quốc gia SNG về dài hạn.

5. Kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn

Theo báo cáo công bố ngày 26-9 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu lung lay với các cuộc chiến thương mại và nguy cơ bất ổn sâu hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: EPA-EFE/TTXVN
Ảnh minh họa. Nguồn: EPA-EFE/TTXVN

Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các nước đã thất bại trong việc thay đổi chính sách để ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tái diễn, thay vào đó cho phép nợ và các thể chế chính khổng lồ phát triển một cách thiếu kiểm soát.

Báo cáo chỉ ra rằng cổ phiếu nợ đã tăng lên gần 250.000 tỷ USD, gấp 3 lần tổng thu nhập của thế giới và cao hơn 50% so với giai đoạn xảy ra khủng hoảng.

Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều áp lực, bao gồm việc tăng thuế quan, các dòng tài chính bất ổn. Đằng sau các mối đe dọa sự ổn định toàn cầu này là thất bại lớn hơn trong việc giải quyết bất bình đẳng và mất cân bằng trong một thế giới đang ngày càng toàn cầu hóa.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục giảm, chỉ ở mức 3,9% trong năm nay và 3,7% trong năm tới.

6. Argentina tê liệt vì tổng đình công

Ngày 25-9, tại Argentina, một cuộc tổng đình công nhằm phản đối những chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ đã nổ ra trên phạm vi toàn quốc, khiến mọi hoạt động tại nước này gần như tê liệt.

Các hoạt động thường ngày bị đình trệ do cuộc tổng đình công tại Argentina. Ảnh: AP
Các hoạt động thường ngày bị đình trệ do cuộc tổng đình công tại Argentina. Ảnh: AP

Tất cả các trường học, ngân hàng, trạm xăng, siêu thị lớn đều đóng cửa, các bệnh viện công chỉ có khoa cấp cứu vẫn hoạt động. Trong khi đó, các dịch vụ vận tải công cộng như xe buýt, tàu hỏa đô thị, tàu điện ngầm đều dừng hoạt động hoàn toàn.

Tổ chức công đoàn của những người lái xe tải tham gia cuộc đình công cũng đã dừng việc vận chuyển và phân phối hàng hóa trên toàn quốc. Ngoài ra, hàng trăm chuyến bay trong nước và quốc tế cũng bị hủy bỏ.

Những người tham gia cuộc tổng đình công yêu cầu chính phủ phải dừng việc sa thải người lao động, tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về lương thực” và nối lại các cuộc thương lượng liên quan tới việc tăng lương do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của đất nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người lao động.

Nền kinh tế Argentina đang phải trải qua một giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi Tổng thống Mauricio Macri lên nắm quyền năm 2015 với việc đồng Peso nội địa mất giá gần 100% so với đồng USD. Tỷ lệ lạm phát trong 8 tháng đầu năm đã vọt lên 24,3% và được dự báo sẽ lên hơn 40% vào cuối năm nay. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.