Hội nghị IMF-WB: Các nước cần sẵn sàng đương đầu với những rủi ro
Ngày 13-10, hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Nusa Dua, Bali, Indonesia, đã bế mạc với lời kêu gọi các nước chuẩn bị đương đầu với những rủi ro tiềm tàng do bất đồng thương mại và những căng thẳng khác gây ra.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) chụp ảnh chung tại Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)-Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bali, Indonesia, ngày 12-10-2018. Nguồn: AFP/ TTXVN |
Trong một thông cáo báo chí, IMF cảnh báo cơ hội để thế giới tiếp tục duy trì tăng trưởng đang "ít dần" trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ nét song hành với những bất đồng thương mại và khủng hoảng tại các thị trường mới nổi.
Theo IMF, những rủi ro đang ngày gia tăng giữa lúc căng thẳng thương mại dâng cao và những lo ngại về địa chính trị đang diễn ra với những điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn nữa đang tác động tới nhiều thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Ngoài ra, nợ công của các nước đang ở mức cao kỷ lục cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất lòng tin hơn nữa và tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Trong thông cáo báo chí, IMF cho rằng với cánh cửa cơ hội đang bị thu hẹp dần, các nước cần hành động nhanh chóng, thúc đẩy các chính sách và cải cách nhằm đảm bảo duy trì tăng trưởng, giảm thiểu rủi ro, tăng cường sức bật và nâng triển vọng tăng trưởng về trung hạn vì lợi ích của tất cả các bên.
IMF còn cảnh báo thêm rằng các nước sẽ hứng chịu tổn thất do xung đột thương mại và tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc-hai nền kinh tế lớn nhất thế giới-gây ra.
Trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông đã bày tỏ sự quan ngại của mình với Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (Trung ương) Trung Quốc Dịch Cương về chính sách đồng Nhân dân tệ yếu.
Tuy nhiên, ông Mnuchin không bình luận về việc liệu Washington có tuyên bố Bắc Kinh có hành động "thao túng tiền tệ" trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ sắp công bố vào tuần tới.
Về vấn đề này, trong thông cáo báo chí, IMF cho rằng các nước nên cố kiềm chế phá giá (tiền tệ) để cạnh tranh cũng như không lấy tỷ giá hối đoái làm mục tiêu để phục vụ cho mục tiêu cạnh tranh này.
IMF khẳng định đầu tư, giao dịch hàng hóa và dịch vụ tự do, công bằng và mang lại lợi ích chung là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.
Trong vài tháng trở lại đây, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang cùng với các gói áp thuế nhập khẩu trả đũa lẫn nhau, trong đó Mỹ là bên khởi xướng nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc và điều chỉnh những hoạt động thương mại mà Mỹ cho là không công bằng.
Trong khi đó, thị trường thế giới chao đảo do đồng nội tệ của một số nền kinh tế mới nổi, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina giảm mạnh do khủng hoảng tài chính ở các nước này và mức lãi suất cao ở Mỹ khiến các nhà đầu tư quay trở lại với đồng USD.
IMF cho biết sẽ nỗ lực thúc đẩy WTO cải cách cũng như củng cố lòng tin trong hệ thống thương mại toàn cầu. IMF cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước giải quyết những thiệt hại về xã hội và kinh tế do dịch bệnh, đe dọa mạng, tình trạng biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, thiếu năng lượng, xung đột, di cư và người tị nạn và các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác... gây ra.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-imfwb-cac-nuoc-can-san-sang-duong-dau-voi-nhung-rui-ro/529697.vnp)