Thứ Bảy, 27/10/2018, 17:33 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Dung hòa lợi ích các bên

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Trung Quốc đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo bình thường; CPTPP tiến gần hơn tới ngày chính thức có hiệu lực; hai miền Triều Tiên hoàn tất tiến trình giải giáp vũ khí tại DMZ… là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua. Kết quả tích cực từ những sự kiện này một lần nữa chứng minh mọi bất đồng đều có thể giải quyết khi các bên biết dung hòa lợi ích chung, riêng.

1. Thủ tướng Nhật Bản thăm chính thức Trung Quốc – bước khởi đầu làm ấm quan hệ song phương

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 25-10 đã tới thăm chính thức Trung Quốc 3 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Trung Quốc trong gần 7 năm qua, mở ra hy vọng đưa mối quan hệ song phương vốn thường xuyên trong trạng thái căng thẳng bước sang một giai đoạn mới.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh:REUTERS
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh:REUTERS

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, bảo vệ và tăng cường thương mại tự do. Hai bên nhất trí khởi động đối thoại về hợp tác công nghệ hiện đại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như duy trì thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, trị giá khoảng 3.000 tỷ yên (tương đương 26,6 tỷ USD), nhằm ứng phó với nguy cơ khủng hoảng tài chính.

Để xây dựng lòng tin trong lĩnh vực an ninh, Tokyo và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận tạo điều kiện cho việc phối hợp tìm kiếm và cứu nạn trong trường hợp xảy ra tai nạn trên biển.

Chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, kéo theo những tổn hại không nhỏ. Cả Tokyo và Bắc Kinh đều coi trọng chuyến thăm này.    

2. Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8 – Xây dựng quan hệ đối tác kiểu mới bình đẳng, tin cậy và hợp tác cùng thắng

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 8 diễn ra với chủ đề “Xây dựng quan hệ đối tác an ninh kiểu mới bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng thắng” đã diễn ra từ ngày 24 đến 26-10, tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Diễn đàn Hương Sơn 2018 thu hút sự tham gia của hơn 500 quan chức quân đội, chuyên gia, học giả đến từ 74 quốc gia và các tổ chức trên thế giới. Diễn đàn lần này đi sâu thảo luận các vấn đề như “Khái niệm mới về an ninh quản trị quốc tế”, “Thực tế và tầm nhìn hợp tác an ninh trên biển”, “Thách thức và hợp tác của hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc”, “Mối đe dọa khủng bố quốc tế và biện pháp ứng phó”.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Diễn đàn và có bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất về chủ đề quản trị an ninh quốc tế.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: qdnd.vn
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: qdnd.vn

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ phương châm của Việt Nam trong tiến trình tham gia vào hợp tác quản trị toàn cầu, quản trị an ninh quốc tế là dung hòa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích chung của cộng đồng, khu vực và thế giới, tuân thủ luật pháp quốc tế và những luật chơi chung để mang lại công bằng và lợi ích cho tất cả các bên.

Đề cập vấn đề trên biển, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; đảm bảo lợi ích của hai nước, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia khác; thông qua đối thoại để kiểm soát tốt những vấn đề tồn tại, không để ảnh hưởng đến cục diện tốt đẹp của quan hệ hai nước cũng như hòa bình, ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

3. CPTPP tiếp tục được nhiều nước phê chuẩn

Sau Mexico, Nhật Bản và Singapore, ngày 25-10, New Zealand và Canada đã chính thức thông qua Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), góp phần đẩy nhanh tiến trình đưa hiệp định vào thực thi, mở ra một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, với quy mô kinh tế lên tới 13.500 tỷ USD.

Đại diện các nước tham gia ký kết CPTPP. Ảnh: Reuters
Đại diện các nước tham gia ký kết CPTPP. Ảnh: Reuters

Thượng viện Canada thông qua CPTPP trong bối cảnh đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau đang thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa thương mại. Chính phủ của ông Justin Trudeau khẳng định Canada sẽ nằm trong nhóm thành viên đầu tiên của CPTPP đưa hiệp định này vào thực thi.

Cũng trong ngày 25-10, Chính phủ New Zealand thông báo nước này đã chính thức phê chuẩn CPTPP. Quốc hội New Zealand đã thông qua luật phê chuẩn CPTPP với sự ủng hộ của tất cả các đảng, trừ đảng Xanh.   

Theo quy định, CPTPP có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi ít nhất sáu nước tham gia đàm phán hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. CPTPP hiện có 11 thành viên gồm: Australia, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, New Zealand, Canada, Mexico, Peru và Chile.

4. Hàn Quốc và Triều Tiên hoàn tất tiến trình giải giáp vũ khí tại DMZ

Hãng tin Yonhap  dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 25-10 cho hay hai miền Triều Tiên và Bộ Chỉ huy của Liên hợp quốc (UNC) do Mỹ dẫn đầu đã hoàn tất tiến trình giải giáp vũ khí tại Khu vực an ninh chung (JSA) bên trong Khu vực phi quân sự (DMZ).  Khi hoàn thành tiến trình giải giáp vũ khí tại JSA, người dân hai miền Triều Tiên và du khách nước ngoài sẽ được phép qua ranh giới quân sự.

Quang cảnh Khu phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên tại Cheorwon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Quang cảnh Khu phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên tại Cheorwon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trước đó, hai miền Triều Tiên đã triển khai việc tháo dỡ bom mìn khỏi DMZ trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ ngày 1-10 vừa qua. Dự kiến, các bên sẽ thảo luận chi tiết về cách thức thành lập và triển khai một bộ máy hỗn hợp nhằm quản lý JSA sau khi giải giáp.

Theo thỏa thuận cấp cao đạt được giữa hai miền Triều Tiên vào tháng 9 vừa qua, khu vực DMZ ở biên giới hai miền sẽ được giải giáp thành "vùng an toàn" và ngừng mọi hành động thù địch chống lại nhau. Hai bên nhất trí rút 11 trạm biên phòng của mỗi bên trước cuối năm nay, thiết lập một vùng đệm gần đường ranh giới quân sự trên bộ và trên biển Hoàng Hải để ngừng các cuộc diễn tập pháo binh, hải quân, đồng thời lập vùng cấm bay tại khu vực biên giới nhằm tránh các vụ tai nạn, va chạm đáng tiếc.  

5. Saudi Arabia hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ liên quan cái chết của nhà báo Khashoggi

Trong một phản ứng mới nhất ngày ngày 24-10, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ thu hồi thị thực của các nghi phạm dính líu tới vụ giết hại nhà báo Khashoggi, khẳng định sẽ không để tất cả những đối tượng này được đặt chân đến nước Anh.

 Nhà báo người Saudi Arabia, Jamal Khashoggi, phát biểu tại một sự kiện quốc tế liên quan đến Trung Đông. Ảnh: Quartz.
Nhà báo người Saudi Arabia, Jamal Khashoggi, phát biểu tại một sự kiện quốc tế liên quan đến Trung Đông. Ảnh: Quartz.

Trước Anh, một đồng minh thân cận của Saudi Arabia là Mỹ cũng thông báo sẽ hủy thị thực của khoảng 20 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ việc kể trên. Trong khi đó, Australia đã tẩy chay hội nghị đầu tư do Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tổ chức, đồng thời để ngỏ khả năng xem xét lệnh cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã gọi vụ sát hại nhà báo Khashoggi là “hành động tàn ác”, đồng thời khẳng định Berlin sẽ dừng bán vũ khí cho Riyadh cho đến khi vụ việc được làm rõ.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống nước này Tayyip Erdogan cho biết có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy vụ việc dẫn tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước. Ankara khẳng định sẽ không cho phép những người liên quan thoát khỏi công lý, đồng thời sẽ duy trì sức ép đối với Saudi Arabia.

Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ, bị mất tích từ ngày 2-10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Saudi Arabia đã thừa nhận nhà báo Khashoggi đã chết trong một vụ ẩu đả tại Lãnh sự quán nước này ở Istanbul, đồng thời cam kết sẽ nghiêm trị những người liên quan.  

6. Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - Bước đi nguy hiểm cho sự ổn định chiến lược toàn cầu

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), còn gọi là Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vốn được coi là biểu tượng cho việc chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, đang có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi văn kiện này.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký hiệp ước INF năm 1987. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký hiệp ước INF năm 1987. Ảnh: Reuters

Thông báo của nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ gây ra những phản ứng dữ dội từ Moskva mà còn tạo ra những nghi ngại đối với nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev đã chỉ trích cách tiếp cận phá vỡ INF để hoàn thiện thỏa thuận, vì khi Mỹ đơn phương rút khỏi INF "sẽ không có bảo đảm nào cho một thỏa thuận đa phương mới được ra đời". Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước là một bước đi nguy hiểm và Nga sẽ đưa ra biện pháp đáp trả, bao gồm các biện pháp quân sự.  

Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối quyết định của Tổng thống Trump

Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8-12-1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km). Trong những năm gần đây, Nga và Mỹ thường xuyên tranh cãi về việc thực hiện INF và cáo buộc nhau phá vỡ thoả thuận.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.