Thứ Bảy, 13/10/2018, 14:04 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Tạo đà cho sự đột phá

Những bất đồng, chỉ trích đã được tạm gác sang một bên nhường chỗ cho đàm phán và đồng thuận. Thế giới tuần qua chứng kiến nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng, với những kết quả tốt đẹp, tạo đà cho bước đi đột phá mới trong thời gian tới.

1. Tín hiệu lạc quan từ hoạt động ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên

Tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục được củng cố với nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng giữa các nước diễn ra trong tuần qua.

44
Các sinh viên vẫy cờ thống nhất bán đảo Triều Tiên bên ngoài cuộc gặp Thượng đỉnh Hàn - Triều hồi tháng 4-2018. Ảnh: Reuters

Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này là chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8-10. Hai bên đã thỏa thuận và bày tỏ lạc quan về các biện pháp cần thiết để thu xếp cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 giữa lãnh đạo hai nước, trước hết là tổ chức các cuộc gặp cấp chuyên viên để thống nhất địa điểm, thời gian cũng như chương trình nghị sự của sự kiện này.   

Ngoại trưởng Pompeo viết ngay trên mạng xã hội Twitter rằng, ông đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng "dễ chịu" và hai bên đã có "các cuộc trao đổi mang tính xây dựng và tốt đẹp". Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ ông cũng đã thảo luận với nhà lãnh đạo Triều Tiên về các bước phi hạt nhân hóa bổ sung mà Bình Nhưỡng có thể thực hiện, cũng như sự giám sát của Washington với tiến trình này và “các biện pháp tương ứng” của Mỹ.

Về phía Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng rằng đối thoại và đàm phán Triều-Mỹ dựa trên lòng tin giữa hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục diễn tiến thuận lợi.

Đánh giá của các bên liên quan, trong đó có Hàn Quốc, cũng khá tích cực. Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, một trật tự mới đang được tạo ra trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc sẽ thúc đẩy nỗ lực hợp tác với các nước liên quan để xóa bỏ các tàn tích còn lại của chiến tranh Lạnh trên thế giới.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 12-10 thông báo quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành hội đàm cấp chuyên viên để thảo luận việc thực thi thỏa thuận mới đây nhằm giảm căng thẳng và ngăn ngừa các vụ đụng độ tình cờ. Các nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên cũng đã công nhận Đường ranh giới phía Bắc (NLL) - một biên giới thực tế trên biển, vốn là điểm "nóng" lớn, nhiều cuộc tấn công và đụng độ giữa hải quân hai bên đã xảy ra gần đường ranh giới này.

Trong khi đó, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên cũng đã thống nhất lập trường chung về cơ chế đàm phán 5 bên trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, đồng thời cho rằng cần phải tổ chức các cuộc đàm phán 5 bên giữa ba nước này với Mỹ và Hàn Quốc để nhanh chóng chấm dứt căng thẳng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có chuyến thăm Triều Tiên trong tương lai gần. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đang lên kế hoạch thăm Nga.

Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng nỗ lực ngoại giao mà các bên đang tích cực triển khai trong thời gian vừa qua đã phát đi tín hiệu lạc quan, tạo đà cho những đột phá xây dựng một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

2. EU và Anh đã nhất trí 85%, hai bên tiến gần hơn tới thoả thuận Brexit

Nhiều dấu hiệu cho thấy bản thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh về Brexit gần như đã hoàn tất.

Hôm 11-10, Thủ tướng Anh Theresa May triệu tập các thành viên đã triệu tập các thành viên chủ chốt trong nội các để thông báo về việc này. Người phát ngôn chính phủ Anh cũng tuyên bố hiện Anh và Liên minh châu Âu đang “tiến lên phía trước” trong vấn đề biên giới Bắc  Ireland.

Thoả thuận Brexit có thể đến ngay tuần sau. Ảnh: Brexit Stock Photo
Thoả thuận Brexit có thể đến ngay tuần sau. Ảnh: Brexit Stock Photo

Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán Brexir của EU, ông Michel Barnier cho biết, khả năng bản đạt được thoả thuận vào ngày 17-10 đang trong tầm tay. “168 mục, 2 đến 3 nghị định thư về vấn đề Gibraltar, đảo Síp và Ireland, cũng như khoảng 80-85% nội dung của thoả thuận đã được thống nhất”, ông Barnier  khẳng định.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng cho biết, EU sẽ cố gắng giải quyết thỏa thuận về Brexit trong tháng 10. Ông Tusk bày tỏ lạc quan trước khả năng Brussels và London sẽ đạt được nhất trí cả về các điều khoản "ly hôn" cũng như mối quan hệ tương lai giữa hai bên.  

Hiện tại, cả Anh và EU đều đang cố gắng tiến tới một thỏa thuận "ly hôn" cũng như một thỏa thuận về quan hệ tương lai hậu Brexit trong thời gian diễn ra các hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 và tháng 11 tới. Theo các nguồn tin ngoại giao, nhiều khả năng EU và Anh sẽ có sự thỏa hiệp trong vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và thành viên EU Ireland.

3. ASEAN tái khẳng định cam kết về thương mại tự do

Trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại leo thang, ngày 11-10, tại cuộc gặp nhân dịp Hội nghị thường niên Ban thống đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại Bali, Indonesia, lãnh đạo các nước ASEAN đã tái khẳng định cam kết đối với hệ thống thương mại mở toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo ASEAN, LHQ, IMF và WB tại cuộc gặp ở Bali, Indonesia. Ảnh: VGP
Các nhà lãnh đạo ASEAN, LHQ, IMF và WB tại cuộc gặp ở Bali, Indonesia. Ảnh: VGP

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố ASEAN sẽ tăng cường gấp đôi các nỗ lực nhằm đạt mục tiêu hoàn tất một thỏa thuận thương mại khu vực quan trọng mang tên Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định ASEAN quyết tâm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, đảm bảo không nước nào bị thụt lùi phía sau.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,7%. Đối với các nước Đông Nam Á, mức tăng trưởng dự báo chỉ ở mức 5,3% trong năm nay, và giảm nhẹ xuống 5,2% trong năm tới.

Trong bối cảnh đó, cuộc gặp của các nhà lãnh đạo ASEAN được coi là một diễn đàn hữu hiệu thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan tới thúc đẩy hợp lực, tăng cường ổn định tài chính và thúc đẩy phát triển, cũng như hội nhập kinh tế khu vực và khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác để hoàn thành các mục tiêu phát triển.

4. Vùng phi quân sự quanh Idlib ở Syria đã được thiết lập

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-10 thông báo vùng phi quân sự tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, đã được thiết lập và các vũ khí hạng nặng đã được rút đi.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết hơn 1.000 tay súng cùng 100 đơn vị vũ khí hạng nặng đã rời khu vực này. Đây là kết quả của việc triển khai thỏa thuận do lãnh đạo Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã  đạt được hồi tháng trước.

Các nhóm phiến quân bắt đầu rút quân khỏi vùng đệm quân sự Nga-Thổ thiết lập. Ảnh: Pakistan Today
Các nhóm phiến quân bắt đầu rút quân khỏi vùng đệm quân sự Nga-Thổ thiết lập. Ảnh: Pakistan Today

Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã nhất trí thiết lập một khu vực phi quân sự tại tỉnh Idlib, "thành trì" cuối cùng của phiến quân ở Syria.

Các lực lượng chống đối cực đoan được yêu cầu phải rời khỏi khu vực phi quân sự này trước hạn chót vào giữa tháng 10, trong khi các vũ khí hạng nặng phải rút khỏi đây trước ngày 10-10.

Đến nay, vẫn còn nhóm thánh chiến Tahrir al-Sham chưa xác nhận có tuân thủ thỏa thuận trên hay không. Tuy nhiên, với kết quả này, chính phủ Syria có nhiều thuận lợi để tiến hành các chiến dịch truy quét khủng bố tại các khu vực “nhỏ lẻ” khác cũng như có thời gian chuẩn bị cho một trận chiến lớn “có thể sẽ vẫn xảy ra”, để hoàn thành mục tiêu cuối cùng là giải phóng hoàn toàn đất nước.

5. Động đất, sóng thần tại Indonesia: Dừng công tác tìm kiếm, vẫn còn khoảng 5.000 người chưa tìm thấy

Ngày 12-10, Indonesia đã quyết định chấm dứt hoạt động tìm kiếm nạn nhân trong vụ động đất và sóng thần cuối tháng trước, dù đã kéo dài thêm một ngày so với dự kiên ban đầu, hiện vẫn còn khoảng 5.000 người vấn mất tích.

Hiện trường thảm họa kép động đất, sóng thần ở Indonesia. Ảnh: Reuters
Hiện trường thảm họa kép động đất, sóng thần ở Indonesia. Ảnh: Reuters

Trước đó, chiều 28-9, tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia đã liên tục hứng chịu hai trận động đất mạnh 6,1 độ và 7,5 độ, làm rung chuyển cả khu vực, rất nhiều ngôi làng đã bị nuốt chửng.

Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết tính đến 13h00 ngày 11-10, thảm họa động đất và sóng thần ở Trung Sulawesi đã cướp đi sinh mạng của 2.073 người; 67.310 ngôi nhà, 2.736 trường học và 20 cơ sở y tế bị phá hủy. Liên hợp quốc (LHQ) ước tính khoảng 200.000 người đang cần hỗ trợ nhân đạo về các nhu yếu phẩm, nước sạch, vật dụng y tế.   

Indonesia là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa.

Trước đó, hồi năm 2004, một trận động đất mạnh cũng gây sóng thần khiến 220.000 người trong khu vực thiệt mạng, trong đó tại Indonesia có 168.000 người.

6. Biểu tình đòi cải cách chính sách xã hội tại Pháp

Ngày 9-10, hàng chục nghìn người dân Pháp đã tham gia vào các cuộc biểu tình trên cả nước để kêu gọi Chính phủ thay đổi những cải cách.

Biểu tình đòi cải cách chính sách xã hội tại Pháp. Ảnh: vtv.vn
Biểu tình đòi cải cách chính sách xã hội tại Pháp. Ảnh: vtv.vn

Học sinh, sinh viên, người hưu trí, công chức và hơn 21.000 người của 7 tổ chức và hiệp hội người lao động đã xuống đường biểu tình tại Paris. Mục đích của cuộc biểu tình vẫn là những đòi hỏi về cải cách chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách tiền lương dành cho người hưu trí và khối công chức.

Bên cạnh đó, những người biểu tình yêu cầu chính phủ phải tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, đồng thời dành sự quan tới việc nới lỏng luật đối với người nhập cư.

Trong thời gian này, gần 100 sự kiện tương tự đã diễn ra ở nhiều thành phố lớn trên toàn nước Pháp nhưng ở quy mô nhỏ hơn.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.