.

Thế giới tuần qua: Những tín hiệu tích cực

Cập nhật: 08:33, 04/11/2018 (GMT+7)

Quan hệ liên Triều tiếp tục khởi sắc khi Hàn Quốc và Triều Tiên bên tuyên bố bắt đầu ngừng mọi hành động thù địch giữa hai miền. Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh bốn bên tại Thổ Nhĩ Kỳ về hòa bình cho Syria; CPTPP có hiệu lực vào cuối năm nay; căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có cơ hội được hòa giải...là những tin tức quốc tế thu hút bạn đọc.

1. Hội nghị thượng đỉnh bốn bên về vấn đề Syria

Sáng 28-10 (giờ Việt Nam), lãnh đạo các nước Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Syria trong một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh bốn bên về hòa bình ở Syria, diễn ra ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Trong tuyên bố chung, lãnh đạo cả bốn nước đều nhất trí rằng cuộc khủng hoảng Syria chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp chính trị - ngoại giao, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; cũng như sự cần thiết tiếp tục cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân theo bản ghi nhớ về bình ổn tình hình tại khu vực và giảm căng thẳng ở Idlib ngày 17-9.

Lãnh đạo 4 nước tại hội nghị thượng đỉnh bốn bên về hòa bình ở Syria ở thành phố Istanbul. Ảnh: sputniknews.com
Lãnh đạo 4 nước tại hội nghị thượng đỉnh bốn bên về hòa bình ở Syria ở thành phố Istanbul. Ảnh: sputniknews.com

Hơn nữa, lãnh đạo bốn nước đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một tiến trình chính trị toàn diện do Liên hợp quốc dàn xếp, được người dân Syria dẫn đầu và làm chủ; kêu gọi thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria trước khi hết năm 2018, tạo điều kiện an toàn trên khắp Syria để người tị nạn trở về, phản đối mạnh mẽ việc sử dụng các vũ khí hóa học của bất cứ bên nào ở Syria...

Tuy nhiên, ngoài một tuyên bố chung ra, không có bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra để thực hiện sáng kiến này. Vấn đề gây chia rẽ chính giữa các bên tiếp tục là vận mệnh chính trị của ông Bashar al-Assad, sự hiện diện của quân đội nước ngoài, câu hỏi về vấn đề người tị nạn và quá trình tái thiết Syria cũng như tương lai khu vực của người Kurd ở vùng đông bắc Syria.

Cuộc nội chiến ở Syria từ năm 2011 tới nay đã khiến hơn 360.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

2. Hàn Quốc, Triều Tiên ngừng mọi hành động thù địch

Theo hãng thông tấn Yonhap, các lực lượng vũ trang của Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 1-11 đã bắt đầu ngừng mọi hành động thù địch giữa hai miền. Đây là một phần trong các biện pháp xây dựng niềm tin theo “Biên bản nhất trí thực thi Tuyên bố Panmunjom ở lĩnh vực quân sự” được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông qua ngày 19-9 vừa qua.

Theo đó, thỏa thuận này cấm mọi hoạt động thù địch trên không, trên biển và trên đất liền giữa hai miền, đồng thời kêu gọi thành lập các vùng đệm ở khu vực biên giới nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ không đáng có cũng như tránh xảy ra chiến tranh.

Binh sĩ Triều Tiên đứng gác cùng binh sĩ Hàn Quốc tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự liên Triều. Ảnh: Yonhap
Binh sĩ Triều Tiên đứng gác cùng binh sĩ Hàn Quốc tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự liên Triều. Ảnh: Yonhap

Sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào tháng 9 vừa qua, Bộ Quốc phòng của Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được một thỏa thuận an ninh nhằm giảm căng thẳng và tránh những vụ đụng độ không mong muốn. Mới đây, hai bên đã tổ chức hội đàm cấp tướng tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới liên Triều nhằm kiểm tra việc thực thi các nội dung trong thỏa thuận này.

Được biết, hai bên đã nhất trí triển khai vùng cấm bay trải dài 40km từ Bắc xuống Nam, tính từ ranh giới quân sự (MDL) giữa hai miền, và bắt đầu thực thi lệnh cấm tập trận ở khu vực gần biên giới. Tuy nhiên, các chiến dịch phi quân sự và thương mại, như phục vụ các mục đích hỗ trợ y tế, phòng, chống thiên tai và nông nghiệp, được tính là trường hợp ngoại lệ.

Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo sau Hội nghị Tham vấn an ninh Hàn - Mỹ (SCM) lần thứ 50 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã lên tiếng ủng hộ thỏa thuận an ninh mới đây giữa hai miền Triều Tiên.

3. Cơ hội hóa giải căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Ngày 31-10, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa hề ấn định bất kỳ biện pháp bổ sung các loại thuế mới với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, mà ngược lại còn có thể quyết định dỡ bỏ một số loại thuế nếu có các chính sách thảo luận tiềm năng với Trung Quốc.

Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung, được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra vào cuối tháng này ở Buenos Aires (Argentina).

Cuộc gặp dự kiến giữa ông Donal Trump và ông Tập Cận Bình tới đây tại Buenos Aires được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ căng thẳng thương mại đang leo thang giữa hai nước. Ảnh: Foreign Policy
Cuộc gặp dự kiến giữa ông Donal Trump và ông Tập Cận Bình tới đây tại Buenos Aires được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ căng thẳng thương mại đang leo thang giữa hai nước. Ảnh: Foreign Policy

Theo người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, dù đây chưa phải là lời cam kết nhưng là một giả thuyết rất quan trọng, đồng thời nhấn mạnh tất cả các diễn biến sắp tới sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tới đây.

Tổng thống Trump từng đe dọa áp thuế nhập khẩu với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá hơn 500 tỷ USD nếu Bắc Kinh không đáp ứng các yêu cầu thay đổi toàn diện các chính sách liên quan sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trợ cấp chính phủ cho các ngành công nghiệp và tiếp cận thị trường nội địa.

Trong khi đó, ngày 1-11, Tổng thống Trump cho biết ông vừa có một cuộc điện đàm “kéo dài và rất tốt đẹp” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một số vấn đề, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên giữa ông D.Trump và ông Tập Cận Bình diễn ra trong vòng 6 tháng qua, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng bởi những bất đồng về thương mại.

4. CPTPP có hiệu lực vào cuối năm nay

Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay sau khi 6 quốc gia thành viên gồm Nhật Bản, Singapore, Mexico, Canada, Australia, New Zealand chính thức phê chuẩn hiệp định.

Theo quy định, nếu đủ tối thiểu 6 quốc gia thành viên phê chuẩn, hiệp định sẽ tự động có hiệu lực sau 60 ngày. Các thành viên còn lại gồm Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam dự kiến sẽ hoàn tất việc phê chuẩn hiệp định trong thời gian tới.

Ảnh: congthuong.vn
Ảnh: congthuong.vn

CPTPP có tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Dương (TPP) với sự tham gia 12 thành viên, tuy nhiên Mỹ đã rút khỏi đàm phán hiệp định sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào đầu năm ngoái. Các nước thành viên hy vọng, cuối cùng Mỹ sẽ quay trở lại tham gia hiệp định.

CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP), chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng sẽ khiến nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, chậm lại. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ thì các nước đang phát triển có thể tăng thu nhập ngân sách và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.

5. Xả súng đẫm máu nhất nhằm vào người Do Thái trong lịch sử nước Mỹ

11 người thiệt mạng và 6 người bị thương trong vụ xả súng xảy ra tại giáo đường Do Thái Tree of Life của thành phố Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania (Mỹ) hôm 27-10 (giờ địa phương). Đây được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào người Do Thái trong lịch sự cận đại của nước Mỹ.

Đối tượng Robert Bowers, 46 tuổi, đã sử dụng một súng trường tấn công và 3 súng lục trong vụ xả súng. Trước khi vụ việc xảy ra, đối tượng này đã có nhiều bài đăng chống lại người Do Thái và còn lên án Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã không làm gì để ngăn chặn người Do Thái “phá hoại” nước Mỹ.

Các bục tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng tạm thời được đặt trước giáo đường Do Thái “Tree of Life”. Ảnh: CBC
Các bục tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng tạm thời được đặt trước giáo đường Do Thái “Tree of Life”. Ảnh: CBC

Các công tố viên Liên bang Mỹ đã cáo buộc Robert Bowers 29 tội danh về bạo lực và sử dụng súng ngắn. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết đối tượng Robert Bowers có thể đối mặt với án tử hình.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và lãnh đạo các nước đã lên án mạnh mẽ vụ xả súng và khẳng định chủ nghĩa bài Do Thái là mối đe dọa đối với các giá trị dân chủ và hòa bình.

Vụ việc tại giáo đường Do Thái “Tree of Life” xảy ra trong bối cảnh hàng loạt vụ xả súng chết người xảy ra tại Mỹ những năm gần đây làm dấy lên làn sóng phẫn nộ, phản đối sử dụng súng và kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua luật kiểm soát súng đạn.

Bất chấp những hậu quả nặng nề, kiểm soát súng đạn vẫn luôn là vấn đề gây chia rẽ lớn trong dư luận và chính trường Mỹ. Mỹ hiện là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới, với khoảng 310 triệu khẩu súng.

6. Rơi máy bay tại Indonesia

Sáng 29-10, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT-610 thuộc Hãng hàng không quốc gia Indonesia Lion Air đã bị rơi xuống Vịnh Jarawang ở vùng biển gần khu vực Karawang, tỉnh Tây Java nước này.

Cơ quan tìm kiếm cứu hộ Indonesia ngày 29-10 thông báo, toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay mang số hiệu JT-610 thuộc Lion Air gặp nạn trong sáng cùng ngày có thể đã bị thiệt mạng. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một số phần thi thể nạn nhân tại khu vực máy bay rơi.

Ảnh chụp màn hình bản tin của Kompas TV cho thấy một thợ lặn chuyển hộp đen tìm thấy dưới đáy biển lên tàu. Ảnh: CNA
Ảnh chụp màn hình bản tin của Kompas TV cho thấy một thợ lặn chuyển hộp đen tìm thấy dưới đáy biển lên tàu. Ảnh: CNA

Các thợ lặn ngày 1-11 đã tìm thấy hộp đen ghi dữ liệu bay. Chiếc hộp đen sẽ giúp giải thích lý do tại sao chiếc máy bay gần như mới tinh bị rơi xuống biển. Theo các chuyên gia, sẽ mất tới 3 tuần để tải dữ liệu từ chiếc hộp đen và mất 6 tháng để phân tích.

Ngoài ra, điều này cũng sẽ giúp lực lượng cứu hộ Indonesia sớm khoanh vùng tìm kiếm nạn nhân. Tổng cộng 812 người đã được điều động tham gia công tác tìm kiếm, gồm 60 thợ lặn, các nhân viên chính phủ, tình nguyện viên và các thành viên Hội chữ thập đỏ. Hoạt động tìm kiếm đã được mở rộng hơn 46 km quanh điểm được cho là nơi máy bay rơi và dự kiến sẽ được tiếp tục suốt ngày đêm trong những ngày tới.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 2-11 cũng đã hối thúc lực lượng cứu hộ đẩy nhanh công tác tìm kiếm các nạn nhân. Tới nay, lực lượng cứu hộ mới chỉ xác định được danh tính một hành khách.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.