Thứ Tư, 28/11/2018, 20:38 (GMT+7)
.

Toan tính của Ukraine khi điều tàu chiến "chọc giận" Nga

Tổng thống Ukraine dường như muốn lôi kéo dư luận trong nước, quốc tế khi cho tàu chiến tiến vào lãnh hải Nga, dù biết sẽ bị phản ứng mạnh.

Khi hải quân Ukraine ra lệnh cho hai tàu pháo thiết giáp và một tàu kéo hôm 25-11 tìm đường băng qua eo biển Kerch để tiến vào Biển Azov, họ biết rõ rằng người Nga sẽ phản ứng một cách rất nhanh chóng và quyết liệt.

Cầu Crimea dài hơn 18 km bắc qua eo biển Kerch vừa mới khánh thành và người Nga có lý do để tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh tại khu vực trọng yếu này, theo Asia Times.

Vậy nhưng đội tàu chiến Ukraine với 24 thủy thủ vẫn tìm mọi cách để vượt qua eo biển mà không tuân thủ các quy trình về an ninh và hàng hải do phía Nga đưa ra. Khi Nga triển khai lực lượng cảnh sát biển để đuổi theo và yêu cầu dừng lại, các tàu này phớt lờ mệnh lệnh.

Cho rằng mình đang "bị khiêu khích", lực lượng hành pháp Nga nổ súng, ép các tàu Ukraine dừng lại và bắt toàn bộ phương tiện cũng như thủy thủ đoàn.

Tàu cảnh sát biển Nga (trái) trong nỗ lực truy đuổi tàu chiến Ukraine gần eo biển Kerch hôm 25-11. Ảnh cắt từ video.
Tàu cảnh sát biển Nga (trái) trong nỗ lực truy đuổi tàu chiến Ukraine gần eo biển Kerch hôm 25-11. Ảnh cắt từ video.

Ukraine sau đó lập tức lên tiếng chỉ trích Nga vi phạm "luật pháp quốc tế", giải thích rằng tàu chiến của họ bị bắt sau khi đã rời khỏi lãnh hải Nga, yêu cầu Nga thả tàu, phóng thích người ngay lập tức và đề nghị Mỹ, NATO có những phản ứng quyết liệt.

Theo Pepe Escobar, chuyên gia phân tích quốc tế chuyên về tình hình Trung Á và Trung Đông, Kiev có những tính toán chính trị khá rõ ràng trong vụ này, đó là làm gia tăng căng thẳng với Moskva và thu hút sự chú ý của các đồng minh, đối tác phương Tây cũng như sự ủng hộ của cử tri Ukraine trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra.

Eo biển Kerch là "yết hầu" nối liền Biển Azov và Biển Đen. Để tới được Mariupol, thành phố cảng quan trọng trên bờ biển Azov và rất gần với khu vực phe ly khai kiểm soát ở Donbass, tàu chiến Ukraine buộc phải đi qua eo biển này. Nhưng từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, vùng biển xung quanh eo biển Kerch trên thực tế đã trở thành lãnh hải của Nga.

Dù vậy, Nga vẫn tôn trọng thỏa thuận ký năm 2003 với Ukraine, cho phép tàu hàng, tàu chiến nước này đi qua eo biển Kerch để tiến vào Biển Azov theo quy trình do Nga quy định. Hồi đầu năm, một tàu chiến Ukraine cũng đã băng qua eo biển bình thường để tới Mariupol, sau khi thông báo trước cho phía Nga về hải trình và thực hiện các thủ tục cần thiết.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tàu chiến nước ngoài được quyền đi qua vô hại trong lãnh hải của một nước, nhưng không được có bất cứ hành động nào làm phương hại đến hòa bình, trật tự, an ninh của quốc gia đó. Video được nhà chức trách Nga công bố cho thấy tàu chiến Ukraine không phủ bạt che pháo khi thực hiện hành trình này, cũng không chấp hành mệnh lệnh của tàu tuần tra Nga khi được yêu cầu.

Trước hành vi này của tàu chiến Ukraine, Nga đã phản ứng một cách quyết liệt bằng việc triển khai tàu cảnh sát biển truy đuổi. Sự hiện diện của các trực thăng vũ trang Ka-52 Alligator quần lượn trên đầu cũng là sự răn đe mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Nga.

Eo biển Kerch là cửa ngõ duy nhất để tàu chiến Ukraine từ Odessa có thể tới được Mariupol. Đồ họa: AP.
Eo biển Kerch là cửa ngõ duy nhất để tàu chiến Ukraine từ Odessa có thể tới được Mariupol. Đồ họa: AP.

Escobar cho rằng Ukraine và nhiều nước phương Tây sau đó chỉ trích rằng Nga "hành động hung hăng" và "phản ứng thái quá" trong sự việc, nhưng cố tình phớt lờ thực tế rằng phương tiện vi phạm là tàu chiến được trang bị đầy đủ vũ khí, đạn dược, không phải là tàu cá hay tàu chở hàng bình thường.

Phần lớn những lời chỉ trích đều cố tình hướng tới việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, nhưng không đả động gì đến thực tế rằng hành động của các tàu chiến Ukraine trên eo biển Kerch đã vi phạm cả luật pháp Nga lẫn UNCLOS.

Trên thực tế, Nga hoàn toàn đủ điều kiện để phản ứng mạnh mẽ hơn nữa. Với các hệ thống cảm biến hiện đại ở Crimea, Nga có thể giám sát mọi tàu thuyền di chuyển trên Biển Đen suốt 24/7 và có thể triển khai tàu chiến, chiến đấu cơ từ các căn cứ trong khu vực tới Biển Azov chỉ trong vài phút. Nga biết điều đó, Ukraine biết điều đó, cả NATO và Lầu Năm Góc cũng không xa lạ gì với thực tế này.

Bởi vậy, Escobar tin rằng Kiev có thể đã nhận được sự cổ vũ từ bên ngoài, nhằm có những hành động khoét sâu thêm căng thẳng giữa Moskva với phương Tây, khiến cơ hội "làm lành" giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trở nên xa vời.

Ngay sau khi căng thẳng trên Biển Đen bùng phát, nhiều học giả từ Đại học Chiến tranh Mỹ hay Hội đồng Đại Tây Dương đã kêu gọi NATO và Lầu Năm Góc điều tàu chiến tiến vào Biển Azov và có hành động trừng phạt mạnh mẽ với Nga.

Họ đưa ra giả thuyết rằng Nga đang có mưu đồ phong tỏa toàn bộ Biển Azov, sáp nhập nốt thành phố Mariupol vào Cộng hòa Donetsk tự xưng và kết nối Crimea vào khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.

Theo Escobar, Moskva không có lý do gì để thực hiện hành động đầy rủi ro như vậy, và họ cũng không muốn như thế. Trên thực tế, Nga đã mở lại luồng hàng hải trên eo biển Kerch chỉ vài giờ sau khi đóng cửa vì lý do an ninh xuất phát từ vụ truy bắt tàu chiến Ukraine. Moskva cũng bác bỏ những cáo buộc rằng họ đang tìm cách phong tỏa hoàn toàn Biển Azov.

"Sự cố này chẳng khác gì một trò khiêu khích rẻ tiền mang đậm dấu ấn của một tổ chức tư vấn phương Tây để chứng minh ‘hành động hung hăng của Nga’ bất chấp các sự kiện thực tế", Escobar nhận định. "Mục đích của nó có thể là nhằm chệch hướng cuộc gặp Trump - Putin tại hội nghị G20 sắp diễn ra ở Argentina".

Gần hơn, nó sẽ là một cú hích lớn cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, người đang có tỷ lệ ủng hộ rất thấp và có nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2019. Poroshenko đã lập tức đề xuất thiết quân luật sau sự cố, biện pháp có thể giúp ông kiểm soát truyền thông và tăng khả năng tái đắc cử.

"Hải quân Ukraine đang trở thành con bài mặc cả trong trò chơi chính trị của Tổng thống Poroshenko, người đang tìm cách tăng cơ hội nắm giữ quyền lực, bởi cơ hội đó hiện nay là rất nhỏ", Sputnik dẫn lời Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nói trong một cuộc phỏng vấn hôm qua.

Sau khi ban bố thiết quân luật, Tổng thống Poroshenko còn cảnh báo rằng Ukraine "đang có nguy cơ chiến tranh toàn diện với Nga" và cáo buộc Moskva tập trung nhiều khí tài, lực lượng dọc biên giới, nhưng không nói rõ trong thời gian nào.

Trên thực tế, Nga đã tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới với Ukraine trong ba năm qua để đề phòng mọi nguy cơ bất ổn, không phải sau sự cố trên Biển Đen hôm 25-11.

Escobar cho rằng hành động trên thực địa của một số sĩ quan hải quân Ukraine đã góp phần giảm nhiệt đáng kể căng thẳng, trái với các toan tính chính trị ban đầu. Hai tàu pháo Ukraine được trang bị nhiều loại vũ khí hạng nặng, nhưng không bắn trả và một thuyền trưởng sau đó đã ra lệnh cho tàu của mình tự nguyện dừng lại theo yêu cầu của phía Nga.

Một đội tàu chiến xuất phát từ cảng trên Biển Azov để hướng tới eo biển Kerch sau đó cũng rút lui mà không gây thêm bất cứ sự cố nào.

"Trong tình hình hiện nay, bất chấp giọng điệu của Kiev, Mỹ và phương Tây dường như chỉ có những phản ứng chừng mực và không ai để ý đến lời kêu gọi điều tàu chiến NATO tới Biển Đen", chuyên gia này nói. "Sẽ là không khôn ngoan khi chọc giận Gấu Nga, bởi bão tố là không thể tránh khỏi nếu họ làm vậy".

Tuy vậy, một số chuyên gia cũng nhận định rằng căng thẳng trên Biển Đen cũng sẽ gây nhiều thiệt hại về chính trị cho Nga, đặc biệt là trong bối cảnh Tổng thống Putin đang muốn "làm hòa" với phương Tây nhằm giảm bớt lệnh trừng phạt đối với kinh tế nước này.

"Dù nhận được sự ủng hộ của dư luận trong nước trong sự việc, Nga vẫn có thể hứng chịu thêm lệnh trừng phạt từ phương Tây và cuộc gặp Trump - Putin bên lề hội nghị G20 tới đây có thể bị hủy", bình luận viên Benny Avni của NYPost cảnh báo.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.