Thứ Ba, 04/12/2018, 20:35 (GMT+7)
.

Chính sách dầu mỏ toàn cầu bị ảnh hưởng khi Qatar rút khỏi OPEC

Theo Tân hoa xã, tuyên bố của Qatar rút khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào ngày 3-12 đã gây lo ngại cho các nhà đầu tư về nguy cơ thiếu ổn định về hoạch định chính sách trong thị trường dầu mỏ toàn cầu, trong bối cảnh ngành này đối mặt với tình trạng thừa cung và thiếu cầu khiến giá dầu giảm suốt giá 2 tháng qua.

Toàn cảnh thành phố công nghiệp Ras Laffan, nơi đặt các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar, cách thủ đô Doha khoảng 80km về phía bắc tháng 2-2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Toàn cảnh thành phố công nghiệp Ras Laffan, nơi đặt các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar, cách thủ đô Doha khoảng 80km về phía bắc tháng 2-2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Albert Helmig, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Grey House chuyên về cấu trúc thị trường, quản lý rủi ro và mô hình giá, nhận định: "Sự bất ổn cao và giá giảm mạnh trong 60 ngày qua sẽ tác động lâu dài lên giao dịch dầu mỏ vào quý 1-2019."

Còn theo chuyên gia Ann-Louise Hittle thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng toàn cầu Wood Mackenzie có trụ sở tại Endinburgh (Scotland), quyết định của Qatar "đưa ra vào thời điểm OPEC cần tìm ra một thỏa thuận trước sự hoài nghi của thị trường về khả năng kiểm soát sản lượng của tổ chức này."

Chuyên gia Hittle cũng chỉ ra rằng những quốc gia nhỏ hơn thuộc OPEC đã đóng vai trò tương đối bị động trong việc đưa ra quyết sách của tổ chức và "Qatar cũng có thể nhận thấy nước này không thu được gì nhiều từ vai trò thành viên."

Không chỉ vậy, động thái của Doha còn phơi bày sự rạn nứt sâu sắc giữa nước này và các nước láng giềng Vùng Vịnh kể từ tháng 6/2017 khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và một vài nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Bên cạnh đó, việc rời khỏi OPEC làm gia tăng quan ngại rằng Riyadh, Moskva và Washington, ba nhà sản xuất dầu mỏ hàng dầu thế giới, sẽ giành thêm quyền kiểm soát trong việc đưa ra quyết sách dầu mỏ toàn cầu, khi địa chính trị đã trở thành một trong những lực đẩy chính phía sau giá dầu.

Giới phân tích nhận định quyết định của Doha sẽ không gây ra một tác động đáng kể lên giá dầu vì sản lượng của nước này chỉ chiếm 2% tổng sản lượng của OPEC. Tuy nhiên, nhà sản xuất dầu mỏ nhỏ nhất Trung Đông này hiện là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.

Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu thị trường năng lượng, động thái mới nhất của Doha cho thấy quốc gia Vùng Vịnh nhỏ bé này đang tìm kiếm địa vị thống trị trong thị trường LNG toàn cầu.

Theo chuyên gia Helmig, quyết định này có ý nghĩa xét tới bản chất mong manh của địa chính trị toàn cầu.

Ông giải thích: "Trong bức tranh địa chính trị phức tạp bên trong OPEC, và sự tập trung vào dầu mỏ, lập trường của Qatar không phải là điều gây bất ngờ. Quan điểm công khai của họ là tập trung mở rộng vị thế LNG".

(Theo https://www.vietnamplus.vn/chinh-sach-dau-mo-toan-cau-bi-anh-huong-khi-qatar-rut-khoi-opec/538405.vnp)

.
.
.