Chủ Nhật, 30/12/2018, 15:22 (GMT+7)
.

Năm 2018 - Bức tranh đa sắc màu

Năm 2018 chuẩn bị khép lại với đầy ắp các sự kiện đan xen, tác động đến nhiều quốc gia, khu vực như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tiến trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh...

1. Tín hiệu tích cực từ bán đảo Triều Tiên

Chưa bao giờ bán đảo Triều Tiên lại đứng gần trước cơ hội hòa giải đến vậy. Lần đầu tiên sau 11 năm, ngày 27-4, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã có cuộc gặp ở Bàn Môn Điếm, cùng với hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sau đó (tháng 5 và 9).

Sinh viên Hàn Quốc dương cao áp-phích của hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc trong một cuộc tuần hành trước Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4. Ảnh: Reuters
Sinh viên Hàn Quốc dương cao áp-phích của hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc trong một cuộc tuần hành trước Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử ngày 12-6 ở Singapore đã thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới vì đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ gặp lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên, trong khi giữa hai nước tồn tại sự thù địch kéo dài nhiều thập kỷ, kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).

Tuyên bố đạt được sau các hội nghị là tín hiệu tích cực của các bên hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Hàng loạt hoạt động ngoại giao tiếp sau các sự kiện trên đã từng bước tháo gỡ căng thẳng, đưa các bên tránh xa bờ vực chiến tranh và hướng tới một tương lai đầy hy vọng. Đây được cho là những dấu son trong bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2018.

2. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2018 khởi đầu vào ngày ngày 22-3 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu cao hơn trước đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974.

Ảnh minh họa. Nguồn: consumeraffairs.com
Ảnh minh họa. Nguồn: consumeraffairs.com

Danh sách thuế tập trung vào các sản phẩm được đưa vào kế hoạch Made in China 2025, bao gồm các sản phẩm liên quan đến CNTT và robot. Tháng 4, ông D. Trump tăng thuế đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc, Canada và các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Ngày 6-7, Tổng thống Donald Trump tiếp tục áp mức thuế mới cao hơn trước đối với số hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc. Bắc Kinh đáp lại với các mức thuế tương tự đối với các sản phẩm của Mỹ.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thủ đô Buenos Aires của Argentina ngày 1-12 vừa qua, Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí "đình chiến" thương mại trong 90 ngày để đàm phán.

Theo đó, phía Mỹ sẽ hoãn tăng thuế từ mức 10% hiện nay lên 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn các mặt hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại, đồng thời giảm và dỡ bỏ thuế đánh vào mặt hàng ô tô nhập khẩu từ Mỹ xuống dưới mức 40% hiện nay.

3. Bạo động “Áo ghi-lê vàng” tại Pháp

Phong trào biểu tình "Áo ghi-lê vàng" (loại áo bảo hộ màu sáng mà lái xe mặc mỗi khi xe gặp sự cố) của những người phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu của chính phủ Pháp bùng lên từ tháng 11. Tuy nhiên, cho tới đầu tháng 12, phong trào này đã chuyển thành những cuộc xung đột và phá hoại tại Paris.

Ảnh: Time Magazine
Ảnh: Time Magazine

Với ý định ban đầu là phản đối việc tăng thuế nhiên liệu, rất nhanh sau đó phong trào phản đối được tăng cấp độ thành cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Emmanuel Macron, cáo buộc chính quyền của ông Macron đã ra các chính sách gây tổn thất nặng nề cho một bộ phận dân nghèo, thu nhập thấp.

Ngày 4-12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã công bố tạm dừng chính sách tăng thuế nhiên liệu vào năm tới, động thái được cho là để xoa dịu tình hình bạo loạn của phe biểu tình “Áo ghi-lê vàng”.

Phong trào tại Pháp sau đó đã lan rộng sang nhiều nước châu Âu. Hàng nghìn người hôm 15-12 tuần hành ở thủ đô Rome (Italy), để phản đối luật chống nhập cư mới của chính phủ. Tại Áo, khoảng 17.000 người ở thủ đô Vienna đổ xuống đường để phản đối chính sách di cư, đồng thời yêu cầu giảm ngày làm việc và bãi bỏ các biện pháp khắc khổ.

4. Câu chuyện Brexit

Suốt năm qua, Thủ tướng Anh Theresa May trở thành tâm điểm chỉ trích của chính giới Anh và các quan chức EU khi bà không thể dàn xếp ổn thỏa các  thỏa thuận rời Liên minh châu Âu của Vương quốc Anh.

Ảnh: Politico
Ảnh: Politico

Cho đến tận tháng 12, bản kế hoạch Brexit của bà May vẫn chưa được Quốc hội thông qua (theo kế hoạch là vào ngày 11-12) mặc cho thời hạn nước Anh rời khỏi EU là vào ngày 2-3-2019. Không chỉ vậy, Thủ tướng Anh còn phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ Đảng Bảo Thủ của mình, tuy nhiên bà May đã “sống sót” và phải tìm đường đàm phán với các lãnh đạo EU nhằm đưa ra một bản thỏa thuận hợp lý nhất.

Phía châu Âu vẫn nhất quyết đưa ra quan điểm về việc sẽ không có thêm một điều khoản nào được thêm vào bản kế hoạch, nếu không có gì thay đổi trong đầu năm tới, rất có thể nước Anh sẽ rời EU mà không có bất cứ một thỏa thuận nào - viễn cảnh mà chính quyền bà May xem như “cơn ác mộng”.

5. Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, Trung Đông

* Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh đang có nguy cơ nóng thêm, trong bối cảnh các nước trong khu vực vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp tẩy chay đối với Qatar. Ngược lại, Qatar cũng không có ý định nhân nhượng.

Hai bên có những biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau. Trong những ngày cuối năm, Qatar cũng tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ tháng 1-2019.

Một góc thủ đô Doha của Qatar. Ảnh: Artvalley
Một góc thủ đô Doha của Qatar. Ảnh: Artvalley

* Bất chấp sự phản đối từ Palestine và hàng loạt quốc gia trên thế giới, tháng 5-2018, Mỹ chính thức chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem và đây là một trong số các chính sách ngoại giao gây tranh cãi nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018. Diễn biến này châm ngòi cho làn sóng biểu tình và bạo lực đẫm máu mới ở Dải Gaza, khiến tình hình ở Trung Đông càng trở nên phức tạp.

6. ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận một "văn bản duy nhất" đàm phán về COC

ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận một "văn bản duy nhất" đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), một bước tiến quan trọng hướng tới việc thu hẹp sự khác biệt giữa các bên.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) tại Singapore. Ảnh: The Straits Times
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) tại Singapore. Ảnh: The Straits Times

Đây sẽ là văn bản cơ sở cho các cuộc đàm phán COC trong tương lai và hai bên cũng đã thống nhất các phương thức chính cho các cuộc đàm phán COC trong thời gian tới.

Tiến trình đàm phán COC đã diễn ra trong hơn một thập kỷ qua, với nhiều khó khăn về các điều khoản cũng như tốc độ của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã có những dấu hiệu rõ ràng về sự thống nhất quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông.

7. Nga tổ chức kỳ World Cup thành công nhất trong lịch sử

FIFA World Cup 2018 là giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 21 được tổ chức tại Nga. Đây là lần đầu tiên, giải được tổ chức tại một quốc gia thuộc khu vực Đông Âu và cũng là lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Giải đấu diễn ra từ ngày 14-6 đến ngày 15-7. Đội tuyển Pháp đã lên ngôi vô địch sau khi hạ đội tuyển Croatia.

Ảnh: Independent
Ảnh: Independent

Theo tính toán, Nga mạnh tay đầu tư tới 14 tỷ USD cho mùa World Cup 2018. Con số này nhiều hơn 2 tỷ USD so với Giải bóng đá vô địch thế giới 2014 tại Brazil, gấp 3 lần Nam Phi và là kỳ World Cup đắt nhất trong lịch sử.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantin nói rằng World Cup 2018 tại Nga là kỳ World Cup thành công nhất từ trước tới nay.

Trong một tháng đó, Tổng thống V. Putin đã cho thấy khả năng của nước Nga trong việc tổ chức giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh với hàng trăm nghìn người từ nhiều quốc gia đổ về 11 thành phố Nga theo dõi những trận cầu kịch tính. Theo giới quan sát, Tổng thống Putin và nước Nga đã giành chiến thắng ngoạn mục về việc thay đổi hình ảnh nước Nga trong mắt dư luận quốc tế.

8. Giải cứu thành công đội bóng đá trẻ em Thái Lan

Chiến dịch cứu hộ phức tạp nhất trong lịch sử Thái Lan đã thành công khi ngày 10-7, toàn bộ 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên đội bóng đá thiếu niên Thái Lan đã được đưa ra an toàn sau 18 ngày mắc kẹt trong hang sâu Tham Luang, miền bắc Thái Lan.

Các thành viên của đội bóng nhí Thái Lan. Ảnh: The Shillong Times
Các thành viên của đội bóng nhí Thái Lan. Ảnh: The Shillong Times

Để thực hiện chiến dịch cứu hộ này, Thái Lan đã huy động gần 100 thợ lặn, lực lượng đặc nhiệm, chuyên gia trong và ngoài nước cùng sự trợ giúp về chuyên môn của nhiều quốc gia - một trong những chiến dịch tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn nhất trên thế giới. Dù vậy, một thành viên của đội cứu hộ hy sinh khi lặn trong hang ngập sâu để giải cứu các em nhỏ.

9. Facebook đối diện với khủng hoảng bảo mật

Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã bị lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hồi tháng 3 khi hơn 50 triệu người dùng mạng xã hội này bị Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu của Anh, lấy cắp và sử dụng thông tin cá nhân trái phép mà họ không hề hay biết

Ảnh: New York Times
Ảnh: New York Times

Sau đó Facebook đã đưa ra con số chính xác lượng người dùng bị ảnh hưởng bởi sự việc này lên đến hơn 87 triệu người dùng, phần lớn trong số đó là tại Mỹ với trên 70 triệu người dùng bị ảnh hưởng.

Ngày 10-4, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg đã tham dự phiên điều trần đầu tiên trước Quốc hội Mỹ.

Bê bối chấn động này khiến làn sóng tẩy chay và xóa tài khoản Facebook lan rộng.

10. Mỹ rút quân khỏi Syria, giảm quân số ở Afghanistan

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19-12 tuyên bố rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria, rằng Mỹ đã hoàn tất việc đánh bại IS và không cần thiết phải đồn trú tại đây nữa. Các quan chức Mỹ cũng đã xác nhận thông tin rút hoàn toàn quân Mỹ trong vài tháng tới.

Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Military
Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Military

Ngoài ra, quân đội Mỹ đã được lệnh lên kế hoạch rút một nửa quân số tại Afghanistan. Kế hoạch đang được thực thi và sẽ mất vài tháng để hồi hương gần 7.000 binh sĩ. Quyết định được đưa ra cùng thời điểm Tổng thống Trump tuyên bố rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria dẫn đến sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.