Thứ Bảy, 15/12/2018, 15:18 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Căng thẳng và triển vọng

Những bước đi đơn phương đang khiến nhiều mối quan hệ song phương leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, tuần qua cũng ghi nhận nỗ lực quốc tế để giúp ổn định tình hình tại một số khu vực, trong đó có cuộc nội chiến tại Yemen hay tiến trình Brexit.

1. Nguy cơ tái bùng phát chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tưởng chừng tạm nằm trong tầm kiểm soát và rẽ theo hướng ôn hòa thì vừa qua, Washington tung ra “đòn đánh” mới nhất với việc bắt giữ Giám đốc tài chính toàn cầu Mạnh Vãn Chu của Tập đoàn Huawei, Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định vụ bắt giữ không liên quan gì tới cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không nghĩ đơn giản như vậy, nhất là khi Canada thực hiện việc bắt người theo đề nghị của Washington.

Bà Mạnh Vãn Chu là Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó chủ tịch Huawei. Ảnh: AppleInsider
Bà Mạnh Vãn Chu là Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó chủ tịch Huawei. Ảnh: AppleInsider

Hiện nay, về mặt công khai, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận “đình chiến thương mại” tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) ở Argentina ngày 1-12.

Tuy nhiên, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu đe dọa sẽ làm chệch hướng tiền trình đàm phán này và quan trọng hơn, vụ việc cho thấy cuộc xung đột và đối đầu Mỹ-Trung đã vượt quá phạm vi thương mại.

Ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13-12 cho biết, hai công dân Canada là doanh nhân Michael Spavor và cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig đã bị giam giữ từ ngày 10-12 vì bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Đây có thể là đòn trả đũa của Trung Quốc kể từ khi Ottawa bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.

2. Phong trào Áo ghi-lê vàng bùng phát ở Pháp

Phong trào Áo ghi-lê vàng phản đối chính phủ Pháp tăng giá nhiên liệu đã biến thành cuộc biểu tình quy mô lớn nhắm vào chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron trong những tuần gần đây.

Được thúc đẩy bởi sự giận dữ của người dân tại các vùng nông thôn nghèo của Pháp, làn sóng biểu tình phản đối tăng thuế nhiên liệu và tình trạng bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng đã biến thủ đô Paris thành "chiến trường" của các vụ đụng độ bạo lực.

Những người biểu tình phong trào Áo ghi-lê vàng trên đại lộ Champs Elysees ở Paris. Ảnh: TheNation
Những người biểu tình phong trào Áo ghi-lê vàng trên đại lộ Champs Elysees ở Paris. Ảnh: TheNation

Ngay từ ngày đầu khởi xướng, không mấy ai tưởng tượng được là “ngọn lửa nhỏ” của cuộc phản đối giá xăng dầu lại làm bùng cả một cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị lớn, có thể so sánh với cuộc nổi dậy tháng 5-1968 hay cuộc tổng bãi công mùa thu năm 1995.

Chính phủ Pháp quyết định duy trì lực lượng an ninh ở mức cao ngang với thứ Bảy tuần trước (8-12) nhằm đối phó với đợt xuống đường lần thứ 5 của lực lượng “Áo ghi-lê vàng” trong ngày thứ Bảy tuần này (15-12). Bên cạnh đó, nhà chức trách Pháp hiện còn đang lo ngại nguy cơ an ninh từ mối đe doạ khủng bố, trong bối cảnh nước Pháp vừa phải hứng chịu vụ khủng bố tại chợ Giáng sinh ở thành phố Strasbourg hôm 11-12.

Với nước Pháp, giờ đây không còn là câu chuyện giá xăng, sức mua kém hay bất công xã hội gì đó… mà là ở việc phải chấm dứt ngay lập tức làn sóng bạo lực, ổn định tình hình an ninh.

Không những vậy, sắc “Áo ghi-lê vàng” mang theo làn sóng biểu tình từ Pháp đã vượt biên giới, lan nhanh sang nhiều nước châu Âu khác như Bỉ, Hà Lan, Italy…

3. EU gia hạn trừng phạt kinh tế với Nga

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 13-12 đã quyết định gia hạn thêm 6 tháng đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế được áp đặt với Nga sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine năm 2014.

Theo đó, lệnh trừng phạt sẽ đánh vào các ngành công nghiệp tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga, trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và Kiev chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Sputniknews
Ảnh minh họa. Nguồn: Sputniknews

Trước đó, các lệnh trừng phạt đầu tiên của EU đối với Nga được thông qua vào tháng 7-2014, nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hỗ trợ cho phe ly khai ở miền Đông Ukraine.

Từ tháng 3-2015, hội nghị thượng đỉnh EU đã quyết định rằng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga chỉ có thể được dỡ bỏ sau khi Điện Kremlin thực hiện các thỏa thuận Minsk - thỏa thuận do EU làm trung gian, được Nga và Ukraine đồng ý năm 2014, nhằm chấm dứt xung đột tại miền Đông Ukraine sau vụ việc máy bay MH17 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines bị bắn ở Ukraine.

4. Bước đột phá đầu tiên trong nỗ lực hòa bình tại Yemen

Các thỏa thuận quan trọng đạt được tại vòng hòa đàm do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ vừa kết thúc ở Thụy Điển được xem là bước đột phá đầu tiên có thể hé mở cánh cửa dẫn tới hòa bình cho Yemen.

Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi đã nhất trí trao đổi tù binh, nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, mở cửa sân bay ở thủ đô Sanaa, và quan trọng nhất là các bên xung đột tại Yemen đã đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Hodeidah, thành phố cảng có vị trí chiến lược của quốc gia Trung Đông này gần bờ biển Đỏ hiện do lực lượng Houthi kiểm soát.

Đại diện phái đoàn Houthi Mohammed Abdelsalam, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Ngoại trưởng Yemen Khaled al-Yamani (từ phải sang) tại phiên kết thúc cuộc hòa đàm Yemen ở Stockholm, Thụy Điển ngày 13-12. Ảnh: Local Sweeden.
Đại diện phái đoàn Houthi Mohammed Abdelsalam, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Ngoại trưởng Yemen Khaled al-Yamani (từ phải sang) tại phiên kết thúc cuộc hòa đàm Yemen ở Stockholm, Thụy Điển ngày 13-12. Ảnh: Local Sweeden.

Thỏa thuận ngừng bắn tại Hodeidah đóng vai trò "đòn bẩy", tạo điều kiện giải quyết thảm họa nhân đạo tồi tệ tại đất nước có tới 2/3 dân số phải phụ thuộc vào hàng cứu trợ, trong đó gần 14 triệu người đang ở trên “bờ vực” của nạn đói.

Bên cạnh việc giải quyết vấn đề nhân đạo, các thỏa thuận vừa đạt được tại Thụy Điển cũng là tia hy vọng giúp mở ra cơ hội chấm dứt chiến sự dai dẳng ở Yemen, nơi đang được coi là chiến trường đẫm máu nhất thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc nhất, song hầu như bị lãng quên. Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận sẽ không hề dễ dàng, trong bối cảnh các bên xung đột đã mất lòng tin vào nhau và cuộc chiến này đang diễn biến ngày một phức tạp. Đã có 4 vòng hòa đàm đổ vỡ kể từ khi cuộc xung đột ở Yemen nổ ra.

Sau bước thành công ban đầu này, LHQ dự định sẽ thúc đẩy một cuộc đối thoại chính trị rộng rãi hơn và vòng đàm phán mới dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 1-2019.

5. Ukraine chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị với Nga

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết đã ký luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine. Văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4-2019.

Trước đó, ngày 17-9, Tổng thống Poroshenko đã ký ban hành sắc lệnh về ngừng hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine, chiểu theo quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (SNBO) về việc chấm dứt hiệp ước trên. Nội các Ukraine cũng đã chỉ thị Bộ Ngoại giao thông báo cho Nga và các tổ chức quốc tế về mong muốn của Kiev chấm dứt Hiệp ước.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: Euractiv
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: Euractiv

Phía Nga lấy làm tiếc về động thái mà theo Moskva là mang tính "phá hoại" của Kiev. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng văn kiện này có ý nghĩa nền tảng trong quan hệ song phương, nếu bị chấm dứt thì phía Ukraine thiệt hại nhiều hơn so với Nga.

Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1-4-1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối. Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019. Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Nga-Ukraine đang leo thang sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine ngày 25-11. Kiev đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov, bắt đầu từ ngày 26-11, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Nga là nam giới trong độ tuổi từ 16 - 60.

6. Châu Âu, Anh nỗ lực đảm bảo tiến trình Brexit

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 13 và 14-12 tại Brussels (Bỉ), Anh đã nhận được sự đảm bảo từ 27 nước thành viên rằng EU sẽ nỗ lực để ký kết một Hiệp định thương mại tự do mới với London trước năm 2021, thời điểm “xứ sở sương mù” rời khỏi EU - gọi là Brexit.

Cùng với “cú thoát hiểm” của Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa qua trong nội bộ đảng Bảo thủ, đây có thể là tín hiệu tích cực đối với nước Anh trong tiến trình chia tay “ngôi nhà chung”. Tuy nhiên, với những diễn biến trên chính trường Anh cùng với những quan điểm cứng rắn của EU, kịch bản Anh ra đi suôn sẻ vẫn bị coi là chưa rõ ràng.

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila (từ trái sang) tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 13-12. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila (từ trái sang) tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 13-12. Ảnh: TTXVN.

Ủy ban châu Âu (EC) thậm chí thông báo ngày 19-12 tới sẽ công bố kế hoạch cụ thể hơn để bảo vệ các doanh nghiệp và công dân EU trong trường hợp thỏa thuận Brexit không được thông qua và Anh rời EU ngày 29-3-2019 mà không có thỏa thuận.

Không dễ gì để Anh và EU có thể đạt được một sự đồng thuận nhanh chóng. Bởi lẽ, EU cũng khẳng định sẽ không chấp nhận mở lại bất kỳ cuộc đàm phán nào về Thỏa thuận cũng như Tuyên bố chính trị đã được ký thông qua ngày 25-11 vừa qua.

Mọi chuyện vẫn phải chờ tới đầu năm tới và từ nay tới lúc đó, bà May chắc chắn sẽ phải cố gắng hết khả năng để có thể bảo đảm rằng không có thêm rào chắn nào được dựng lên đối với tiến trình Anh rời EU.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.