Thứ Bảy, 01/12/2018, 13:52 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Cơ hội vàng giải quyết xung đột

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina được xem là “cơ hội vàng” để giải quyết các cuộc xung đột đang hết sức nóng bỏng hiện nay.

Trong khi đó, những tin tức quốc tế về căng thẳng Nga - Ukraine, Bán đảo Triều Tiên bắt đầu tái kết nối đường sắt, tìm thấy thêm mảnh vỡ được cho là từ máy bay MH370 cũng được bạn đọc quan tâm.

1. Hội nghị G20 khai mạc tại Argentina

Hội nghị G20 diễn ra từ ngày 30-11 đến 1-12 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Bên cạnh các chủ đề cơ bản, một số căng thẳng mang tính song phương nhưng có khả năng tác động lớn tới cục diện thế giới mới thực sự là những chủ đề “nóng” của hội nghị.

Một trong những cuộc gặp vừa có ý nghĩa chính trị, ngoại giao và kinh tế quan trọng hàng đầu đang được cả thế giới “trông ngóng” và “mong đợi” chính là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra trong ngày 1-11.

Một phiên họp tại Hội nghị G20 tại Argentina. Ảnh: Independent
Một phiên họp tại Hội nghị G20 tại Argentina. Ảnh: Independent

Cuộc gặp được “mong đợi” không kém phần quan trọng nữa là giữa ông Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, ông Trump đã quyết định hủy bỏ cuộc gặp gỡ với ông Putin sau vụ việc vũ trang ở Biển Azov giữa Ukraine và Nga.

Một cuộc gặp cấp cao khác bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 lần này cũng được trông đợi, đó là cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ nhằm “chất vấn” về chính sách thương mại có tính áp đặt của Washington.

Bên lề hội nghị G20 cũng sẽ có một cuộc gặp giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với mục tiêu quan trọng là thúc đẩy hồ sơ liên doanh giữa các hãng sản xuất ô tô lớn của mình Renault - Nissan - Mitsubishi Motors.

Cuối cùng, hội nghị ở Buenos Aires cũng là phép thử ngoại giao đối với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong bối cảnh đang có nhiều nghi ngờ về vai trò của chính quyền nước này trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước.

2. Căng thẳng Nga-Ukraine

Vụ Nga bắt ba tàu Ukraine ở Eo biển Kerch thuộc Biển Đen đã trở thành mồi lửa thổi bùng quan hệ căng thẳng Nga - Ukraine trong thời gian qua lên một nấc thang mới.

Sau khi cảnh báo về mối đe dọạ “chiến tranh toàn diện”, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng chiến tranh trong vòng 30 ngày ở những vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov.

Ba tàu hải quân của Ukraine đang bị Nga tạm giữ. Ảnh: Irish News
Ba tàu hải quân của Ukraine đang bị Nga tạm giữ. Ảnh: Irish News

Hai bên đang tham gia vào cuộc chiến trừng phạt khi cách đây ba tuần, Nga đóng băng tài sản của 68 doanh nghiệp và 322 cá nhân Ukraine nhằm đáp trả những động thái không thân thiện mà Ukraine dành cho công dân và các thực thể Nga.

Gần đây nhất, Kiev tuyên bố cấm nam giới Nga từ 16 đến 60 tuổi nhập cảnh. Không phải khi xảy ra vụ đụng độ tại Eo biển Kerch thì quan hệ Nga - Ukraine mới căng thẳng. Khi vụ đụng độ này lắng xuống sau một khoảng thời gian nữa, cũng không thể khẳng định quan hệ hai nước sẽ tốt hơn hay được cải thiện.

Sự kiện này nhắc nhở các bên về những việc chưa giải quyết xong giữa Nga và Ukraine. Đặc biệt, vấn đề cơ bản giữa hai nước vẫn không thay đổi: Cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014.  

3. Mỹ, Canada và Mexico chính thức ký kết hiệp định USMCA

Lãnh đạo các nước Mỹ, Mexico và Canada đã chính thức ký Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Sau hơn 1 năm đàm phán để sửa đổi NAFTA, cuối tháng 9 vừa qua, Mỹ và Canada đã đạt được thỏa thuận vào phút chót, với mục tiêu bảo toàn dòng chảy tự do thương mại giữa 3 nước Mỹ, Canada và Mexico.

Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Canada và Mexico phát biểu sau lễ ký Hiệp định USMCA bên lề Hội nghị G20 tại Argentina. Ảnh: KWBU
Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Canada và Mexico phát biểu sau lễ ký Hiệp định USMCA bên lề Hội nghị G20 tại Argentina. Ảnh: KWBU

USMCA đã có những thay đổi kỹ thuật căn bản về các quy tắc sản xuất ô tô và xe tải, vấn đề mở cửa thị trường ngành công nghiệp sữa Canada, phạm vi trải rộng của tác quyền và quy tắc giải quyết tranh chấp… nhưng vẫn giữ lại nội dung quan trọng nhất của NAFTA là miễn thuế với hầu như tất cả các loại hàng hóa.

Với USMCA, cả ba nước Mỹ, Mexico và Canada giờ đây có thể tạm thời tránh được những bất đồng về thương mại. Phần lớn các điều khoản của thỏa thuận này phải đến năm 2020 mới có hiệu lực vì cần Quốc hội cả ba nước phê chuẩn.

Việc ký kết hiệp định này cũng sẽ mang lại một số sự chắc chắn tại một thời điểm nhiều xáo trộn về căng thẳng thương mại toàn cầu, và được coi là một ví dụ về các thỏa thuận của thời đại Donald Trump khi ông chuẩn bị gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina.

4. Hai miền Triều Tiên bắt đầu tái kết nối đường sắt

Một đoàn tàu của Hàn Quốc đã sang tới Triều Tiên lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, đem theo các kỹ sư có nhiệm vụ nâng cấp hệ thống đường sắt đã lỗi thời của Triều Tiên và tạo ra mạng lưới kết nối đường sắt xuyên biên giới.

Đoàn tàu 6 toa, chở theo 28 người Hàn Quốc, gồm các kỹ sư và nhân viên khác, cùng 55 tấn nhiên liệu và một máy phát điện. Khi đến ga Panmun, ga đầu tiên ở Triều Tiên khi vượt qua biên giới, đoàn tàu sẽ được kết nối với một đoàn tàu của Triều Tiên và đầu máy của Hàn Quốc sẽ trở về.

Ảnh: Tri-City News
Ảnh: Tri-City News

Các kỹ thuật viên, nhân viên Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng sống trên tàu trong 18 ngày và tiến hành khảo sát hai hệ thống đường ray, một nối thành phố Kaesong ở cực Nam tới thành phố Sinuiju gần biên giới với Trung Quốc, và một nối Núi Kumkang gần biên giới liên Triều đến sông Tumen giáp với Nga ở phía Đông. Họ sẽ cùng nhau đi qua khoảng 2.600 km đường ray.

Chuyến đi này báo hiệu sự khởi đầu của thịnh vượng chung giữa hai miền Nam - Bắc thông qua tái kết nối đường sắt - một trong những thỏa thuận mà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã nhất trí trong năm nay, qua đó giúp mở rộng "địa hạt kinh tế" bởi sự chia cắt Bán đảo Triều Tiên đã khiến Hàn Quốc bị cắt đứt về địa lý với lục địa này nhiều thập kỷ qua.

Dự án đường sắt hiện nay cũng từng phải đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn do lo ngại có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc chống Triều Tiên. Tuy nhiên, hồi tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định miễn trừng phạt đối với hoạt động khảo sát. Hiện chưa rõ liệu các trừng phạt có tiếp tục được miễn áp dụng trong thời gian thực thi dự án hay không.

5. Tìm thấy mảnh vỡ được cho là từ máy bay MH370

Người thân của các nạn nhân trên chiếc máy bay MH370 mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines đã trao cho Chính phủ Malaysia một số mảnh vỡ mới tìm thấy được cho là thuộc chiếc máy bay xấu số.

Những mảnh vỡ này được các ngư dân tìm thấy trong khoảng thời gian từ tháng 12-2016 đến tháng 8-2018, mang lại hy vọng rằng nước này có thể mở lại cuộc tìm kiếm và điều tra tai nạn hàng không bí ẩn 4 năm trước.

Người thân các nạn nhân công bố một số mảnh vỡ được cho là từ chiếc máy bay MH370. Ảnh: Telegraph
Người thân các nạn nhân công bố một số mảnh vỡ được cho là từ chiếc máy bay MH370. Ảnh: Telegraph

Tới nay, chỉ có 3 mảnh vỡ tìm thấy được xác nhận thuộc máy bay MH370. Tất cả các mảnh vỡ này đều được tìm thấy dạt vào bờ biển phía Tây Ấn Độ Dương. Chính phủ mới nhận chức hồi tháng 5 tại Malaysia đã tuyên bố công tác tìm kiếm máy bay MH370 chỉ có thể được nối lại nếu tìm thấy các bằng chứng thuyết phục.

Trước đó, một báo cáo chính thức dài 495 trang công bố ngày 30-7 không đưa ra được câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân máy bay mất tích cũng như xác định ai là người chịu trách nhiệm về vụ việc đã khiến người thân của các nạn nhân giận dữ.

6. Vụ tấn công hóa học mới ở Syria

Vụ tấn công hóa học mới nhất xảy ra tại tỉnh Aleppo, Syria ngày 24-11 khiến khoảng 100 người nhiễm độc. Theo thông tin từ Chính phủ Syria và quân đội Nga, vụ tấn công hóa học đã được các tay súng phiến quân Syria tiến hành nhằm vào 3 khu vực đông dân cư của tỉnh Aleppo là Al Khalidiye, Al Zahraa và Nile Street.

Thống đốc tỉnh Aleppo Hussein Diab cho biết, vụ việc này đã chứng tỏ các lực lượng chống đối tại Syria đang sở hữu vũ khí hóa học. Ông kêu gọi công đồng quốc tế nên thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ dân thường, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Một nạn nhân của vụ tấn công hóa học mới đây ở Syria. Ảnh: RT
Một nạn nhân của vụ tấn công hóa học mới đây ở Syria. Ảnh: RT

Tính tới thời điểm hiện tại, ngoài Nga và chính phủ Syria, còn có Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh đã xác nhận thông tin về vụ tấn công này. Chưa có bất kỳ xác nhận hay phản ứng nào từ các nước phương Tây trước vụ việc “nghiêm trọng" này.

Điều này dường như khác hoàn toàn so với các vụ tấn công hóa học tại Syria trước đây khi mà Mỹ và phương Tây thường sốt sắng quy trách nhiệm cho chính phủ quốc gia Trung Đông này, để mà tấn công trực diện.

Tuy nhiên, các nhóm đối lập Syria đã lên tiếng phủ nhận tiến hành vụ tấn công, thậm chí họ còn cáo buộc ngược lại, rằng chính phủ Syria đã tự thực hiện vụ tấn công hóa học này, để tạo cớ phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng duy trì.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.