Thứ Bảy, 19/01/2019, 15:38 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Căng thẳng bao trùm nhiều nước

Tuần qua, những bất đồng lợi ích, cạnh tranh chiến lược... đang khiến bầu không khí chính trị tại nhiều quốc gia, khu vực "nóng" lên từng ngày. Nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh từ chính những vấn đề cũ, vẫn chưa thể giải quyết một sớm một chiều.

1. Kế hoạch Brexit của Anh rơi vào khủng hoảng

Những lo lắng về việc nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ rơi vào khủng hoảng đã trở thành hiện thực khi Hạ viện nước này với 423 phiếu chống, 202 phiếu ủng hộ, đã bỏ phiếu phản đối thỏa thuận rút khỏi Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May nỗ lực đàm phán trong suốt 2 năm qua.  

Chính phủ của bà Theresa May may mắn vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, sau khi Kế hoạch Brexit không được thông qua. Ảnh: Financial Times
Chính phủ của bà Theresa May may mắn vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, sau khi Kế hoạch Brexit không được thông qua. Ảnh: Financial Times

Mặc dù Chính phủ của bà May vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, phần nào tránh cho chính trường Anh khỏi rơi vào tình trạng hỗn loạn, nhưng nội bộ nước Anh vẫn bị chia rẽ về kế hoạch Brexit. Nhiều người trước đây ủng hộ Brexit đã bắt đầu lung lay quan điểm và bắt đầu hoài nghi về tương lai của Anh sau khi rời EU. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng nên tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn ngày 17-1 cảnh báo đảng này sẽ ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nếu chính phủ không "gạt bỏ những giới hạn đỏ" của bà về Brexit sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện.  

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3 tới. Nếu không đạt được thỏa thuận sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp, Anh phải lập tức ra khỏi liên minh thuế quan châu Âu và sẽ mất hết mọi lợi thế trong quan hệ với EU. Điều này đồng nghĩa với việc London mặc nhiên phải từ bỏ 750 thỏa thuận quốc tế, kể cả thỏa thuận về thị trường chung châu Âu. Brussels sẽ tái lập các hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa của Anh bán sang thị trường chung châu Âu.  

2. Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng vì vấn đề người Kurd

Quan hệ căng thẳng giữa hai đồng minh NATO là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan vấn đề người Kurd (YPG) tiếp tục bị đẩy lên cao khi ngày 13-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về kinh tế nếu nước này tấn công các lực lượng người Kurd, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Syria. Ngay sau tuyên bố của ông Trump, đồng tiền quốc gia Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 1% giá trị so với đồng USD.  

Ngoại giao bất thành, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ lao dốc. Ảnh: Reuters
Ngoại giao bất thành, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ lao dốc. Ảnh: Reuters

Trước đó, Ankara đã bác bỏ cam kết với Mỹ về việc bảo vệ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn hối thúc Mỹ thu hồi toàn bộ vũ khí mà Washington đã trang bị cho lực lượng người Kurd ở Syria trong cuộc chiến chống IS; đồng thời cảnh báo Mỹ không nên đánh đổi mối quan hệ đồng minh chiến lược với Ankara để bảo vệ một tổ chức khủng bố.   

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không thỏa hiệp về vấn đề liên quan nhóm vũ trang YPG. Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG, lực lượng mà Mỹ hậu thuẫn, là một nhóm khủng bố và là một phần của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà chính quyền Ankara đặt ngoài vòng pháp luật.

3. Nga và Nhật Bản bắt đầu vòng một đàm phán về hiệp ước hòa bình

Ngày 14-1, vòng đám phán về hiệp ước hòa bình Nga-Nhật đã được khởi động tại Moskva. Đây là bước đi cụ thể hóa thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai nước đã đạt được hồi tháng 11-2018.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo

Nội dung chi tiết cuộc đàm phán không được tiết lộ, nhưng phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mặc dù thừa nhận hai bên còn nhiều bất đồng và cản trở, nhưng vẫn nhấn mạnh hai bên nhất trí làm việc “một cách chuyên nghiệp, tránh mọi bóp méo thỏa thuận đạt được, không làm trầm trọng thêm những luận điệu mâu thuẫn đơn phương công khai”. Ông Lavrov khẳng định, hai nước nhất trí phát triển các dự án tham vọng hơn nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết nước này mong muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình với Nga trong năm 2019, bất chấp sự chia rẽ sâu sắc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ kéo dài. Tokyo và Moskva cần phải tận dụng tối đa những lợi ích trong tiềm năng của quan hệ song phương, sẵn sàng vượt ra khỏi những quan điểm trước đây để cùng hướng tới hiệp ước hòa bình.

Tháng 11-2018 tại cuộc gặp ở Singapore, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe đã nhất trí sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình vốn kéo dài hơn 70 năm qua giữa Nga và Nhật Bản và gặp nhiều khó khăn do tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Nam Kuril/lãnh thổ phương Bắc.  

4. Người lao động Mỹ chật vật với chính phủ đóng cửa một phần

Tình trạng Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động một phần đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của nhiều nhân viên các cơ quan công quyền. Nhiều người đã phải dùng đến tiền tiết kiệm, bán bớt tài sản, thậm chí cầu cứu sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Thủ đô Washington D.C được xem là khu vực chịu tác động nặng nề nhất, song trên thực tế sự tác động đã lan ra trên khắp nước Mỹ. Theo Ủy ban Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, tăng trưởng kinh tế Mỹ theo quý sẽ sụt giảm 0,13% trong mỗi tuần mà Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động một phần.

Chính phủ liên bang ngừng hoạt động một phần từ hôm 22-12-2018. Ảnh: Sky News
Chính phủ liên bang ngừng hoạt động một phần từ hôm 22-12-2018. Ảnh: Sky News

Ngân sách cho việc xây dựng bức tường biên giới là nguyên nhân dẫn tới sự bất đồng về ngân sách chi tiêu giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác đề xuất của một đồng minh đảng Cộng hòa về việc tạm thời mở cửa chính phủ trở lại, nhằm tạo điều kiện cho công tác đàm phán chấm dứt sự bế tắc hiện nay. Trong khi đó phe Dân chủ vẫn kiên quyết từ chối đàm phán cho đến khi nào chính phủ được mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, ông Trump đã hủy chuyến thăm 3 nước Bỉ, Ai Cập và Afghanistan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cho rằng đây là thời điểm bà Pelosi nên ở lại Washington đàm phán giúp Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại. Động thái trên của ông Trump được cho là nhằm trả đũa việc bà Pelosi đề nghị ông lùi thời điểm trình bày Thông điệp liên bang dự kiến vào ngày 29-1 vì các cơ quan đảm bảo an ninh chưa được cấp ngân sách hoạt động.

Trong bối cảnh căng thẳng có xu hướng gia tăng hiện nay, Chính phủ Mỹ khó sớm mở cửa trở lại và nền kinh tế số 1 thế giới tiếp tục bị hao tổn.  

5. Đàm phán Nga - Mỹ về INF đổ vỡ

Cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ nhằm cứu vãn Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 15-1 đã đổ vỡ khi hai bên tiếp tục chỉ trích lẫn nhau.

 Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết Hiệp ước INF tại Washington, tháng 12-1987. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết Hiệp ước INF tại Washington, tháng 12-1987. Ảnh: AP

Nga đổ lỗi cho Mỹ về nguy cơ sụp đổ INF. Thứ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán Nga, ông Sergei Ryabkov, cho biết hai bên đã không thể nhất trí về bất kỳ vấn đề nào, Washington dường như không định tiến hành thêm các cuộc đàm phán và rằng "trách nhiệm cho việc này hoàn toàn nằm ở phía Mỹ".

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố Nga vẫn tiếp tục "vi phạm đáng kể" INF. Thứ trưởng Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson tuyên bố: "Cuộc họp gây thất vọng khi rõ ràng Nga tiếp tục vi phạm đáng kể hiệp ước và không hề sẵn sàng giải thích cách thức Nga dự định thực thi trở lại (hiệp ước) một cách đầy đủ và có kiểm chứng." Bà khẳng định lập trường của Mỹ rằng Nga cần phải phá hủy hệ thống tên lửa vi phạm.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô ký ngày 8-12-1987. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Ngày 4-12-2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước này. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

6. Hàng triệu người Ấn Độ tham gia sự kiện tôn giáo lớn nhất hành tinh

Ngày 15-1, hơn 100 triệu tín đồ Hindu giáo khắp Ấn Độ đã hành hương về thành phố cổ Allahabad, miền Bắc nước này để tham gia Lễ hội tôn giáo lớn nhất hành tinh Kumbh Mela.

 Các tín đồ Hindu giáo tin rằng tắm trong nước sông sẽ rửa sạch tội lỗi của họ. Ảnh: Reuters
Các tín đồ Hindu giáo tin rằng tắm trong nước sông sẽ rửa sạch tội lỗi của họ. Ảnh: Reuters

Một thành phố tạm với nhiều chợ, nhà hàng và đường phố đã mọc lên dọc bờ sông, trong khi người hành hương cắm trại khắp khu vực trải rộng 45 km2 dành riêng cho lễ hội. Chính quyền bang đã triển khai gần 30.000 cảnh sát nhằm đảm bảo an ninh cũng như đề phòng xảy ra các vụ giẫm đạp.

Thành phố Allahabad nằm trên hợp lưu của 3 con sông Hằng (Ganges), Yamuna và Saraswati. Trong quan niệm của Hindu giáo, hợp lưu sông được xem là đặc biệt linh thiêng và các tín đồ nếu tắm mình nơi đây trong dịp lễ hội Kumbh Mela giúp gột sạch mọi tội lỗi và cứu rỗi linh hồn. Theo truyền thống, lễ hội Kumbh Mela được tổ chức 3 năm một lần và luân phiên giữa 4 thành phố linh thiêng gồm Allahabad, Haridwar, Nashik và Ujjain. Lễ hội quy mô lớn gần đây nhất được tổ chức tại thành phố Allahabad vào năm 2013 đã thu hút 120 triệu người.

(Theo http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-cang-thang-bao-trum-nhieu-nuoc-562797)

.
.
.