Thứ Ba, 26/02/2019, 09:53 (GMT+7)
.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Cơ hội mở đường xây dựng lòng tin

Giới chuyên gia nhận định Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này là cơ hội mở đường cho việc xây dựng lòng tin giữa hai bên, cũng như tạo thuận lợi cho đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất ở Singapore ngày 12-6-2018. Nguồn: AFP/ TTXVN
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất ở Singapore ngày 12-6-2018. Nguồn: AFP/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, nhận định về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai sắp diễn ra tại Hà Nội, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp-chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhấn mạnh rằng đây là cơ hội để mở đường cho việc xây dựng lòng tin giữa hai bên, cũng như tạo thuận lợi cho đàm phán vấn đề sống còn là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế cũng như tình hình hai nước Mỹ-Triều có thể tác động ít nhiều tới cục diện đàm phán hay kết quả có thể đạt được, kể từ sau hội nghị lần đầu tiên tháng 6-2018 tại Singapore. Xét về bối cảnh quốc tế rộng hơn, có thể thấy một đặc điểm nổi bật là căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và đặc biệt là sự leo thang của cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Điều này cho thấy Mỹ đang nhìn nhận Trung Quốc như là một thách thức an ninh chủ chốt, đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ. Chính vì vậy có một lý do để tin rằng Mỹ mong muốn có thể giải quyết được vấn đề Triều Tiên để có thể tập trung các nguồn lực nhằm đối phó các ưu tiên an ninh hàng đầu của mình, trong đó có vấn đề Trung Quốc. Điều này cho thấy Mỹ có thể đưa ra một số nhượng bộ để giúp đạt được một số tiến triển trong hội nghị lần này.

Thứ hai là bản thân Triều Tiên trong thời gian qua dù chưa có những bước đi cụ thể để hướng tới phi hạt nhân hóa, nhưng bản thân ông Kim Jong-un và bộ máy lãnh đạo của Triều Tiên dường như vẫn đang có sự cam kết mạnh mẽ đối với tiến trình hòa bình cũng như quá trình đổi mới đất nước.

Cụ thể là những đổi mới ở các cấp độ khác nhau vẫn đang được tiến hành ở Triều Tiên và nó mở ra một hy vọng rằng trong hội nghị lần này, Triều Tiên cũng mong muốn sẽ đạt được những tiến bộ trong đàm phán với Mỹ để mở ra một khả năng là Triều Tiên sẽ được dỡ bỏ các lệnh cấm vận, từ đó có thể tiến hành đổi mới, mở cửa đất nước.

Thứ ba là trong nội bộ nước Mỹ vừa qua có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cũng tương đối gay cấn, và dù đảng Cộng hòa vẫn giữ được Thượng viện nhưng đã mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ. Điều này cũng dẫn tới mong muốn từ bản thân ông Trump là tạo ra một vị thế tốt hơn trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau.

Như vậy, nếu ông Trump và phía Mỹ đạt thỏa thuận hay một số tiến bộ trong việc đàm phán với Triều Tiên, điều này cũng đóng góp vào thành tích đối ngoại của ông, tạo thêm uy tín cho ông Trump và đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tới. Điều này cũng có nghĩa là có thêm lý do để hy vọng rằng Mỹ cũng có quyết tâm để đạt được một số tiến triển nhất định trong cuộc đàm phán sắp tới.

Trên cơ sở đó, chuyên gia Lê Hồng Hiệp cho rằng có một sự lạc quan nhất định về triển vọng cũng như kết quả của đàm phán Mỹ-Triều lần hai, xuất phát từ nhu cầu của cả hai bên. Phía Triều Tiên muốn có tiến triển để khai thông quan hệ với Mỹ, từ đó tạo bước đột phá trong cải cách đất nước cũng như cải cách chính sách đối ngoại, thoát khỏi thế bao vây, cô lập, cấm vận. Phía Mỹ cũng vậy, muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên để có thể tập trung nguồn lực đối phó với các thách thức an ninh chủ chốt cũng như tạo uy tín cho Tổng thống Donald Trump trước thềm bầu cử vào năm tới.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng vấn đề hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên hết sức nan giải, đã tồn tại hàng chục năm nay và đã có nhiều nỗ lực khác nhau để tìm cách hóa giải. Cho tới gần đây, tiến trình này vẫn chưa có kết quả do vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh chính quyền ông Kim Jong-un, và chính phía Mỹ cũng nhìn nhận vấn đề này như một mối đe dọa sống còn đối với an ninh của Mỹ và các đồng minh. Chính vì vậy, rất khó để hai bên có thể nhanh chóng đạt một thỏa thuận đột phá. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp lưu ý rằng trong khoảng hơn một năm gần đây, hai bên mới có những tiếp xúc và đàm phán thực chất để tháo gỡ vấn đề này.

Mặt khác, cần hình dung rằng để giải quyết vấn đề, rõ ràng khoảng thời gian hơn một năm chắc chắn là chưa đủ mà vẫn cần phải có nhiều thời gian hơn; cần có những đàm phán vòng 3, vòng 4 và thậm chí nhiều vòng nữa trong tương lai. Chính vì vậy, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh cũng nên lạc quan một cách thận trọng, đó là giữa Mỹ và Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh lần hai này có thể đạt được những tiến bộ nhất định, như có thể đưa ra định nghĩa rõ ràng hơn về thế nào là "tiến trình phi hạt nhân hóa" của Triều Tiên để từ đó gợi mở các bước đi tiếp theo.

Nói cụ thể hơn, đó là một lộ trình đàm phán giữa hai bên để có thể đi tới giải pháp cuối cùng và thực chất. Cũng có thể có một kết quả trong bối cảnh nếu hai bên muốn thể hiện thiện chí trong khi chưa thể đạt được bước đi thực chất về vấn đề phi hạt nhân hóa, đó là đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Qua đó, mở đường cho việc xây dựng lòng tin giữa hai bên, cũng như tạo thuận lợi cho đàm phán vấn đề sống còn là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định không quá khó hiểu nếu kể từ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất cho đến nay Triều Tiên chưa có những bước đi thực chất hay đột phá để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa. Các bước đi của Triều Tiên dựa trên tiền đề cần có sự đáp lại theo tiêu chí "có đi, có lại" với phía Mỹ. Nếu Triều Tiên không có được sự nhượng bộ hoặc không có những đảm bảo từ phía Mỹ trong thỏa thuận thì nước này cũng không vội vàng tiến hành những bước đi để phi hạt nhân hóa.

Có thể thấy rằng vấn đề phi hạt nhân hóa đang là con bài chủ chốt của Triều Tiên để đàm phán với Mỹ. Vì vậy nếu Mỹ không đưa ra được sự nhượng bộ hay lộ trình để đảm bảo hai bên cùng hướng tới một kết quả hai bên cùng có lợi thì Triều Tiên không dễ dàng từ bỏ con bài của mình. Chính vì vậy, trong cuộc đàm phán lần này, vấn đề mấu chốt là làm sao để hai bên có thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng về như thế nào là "phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên" và từ đó vẽ ra một lộ trình để có thể đáp ứng được nguyện vọng của cả Triều Tiên cũng như là Mỹ.

Ga Đồng Đăng đã chuẩn bị sẵn sàng cho lễ đón Chủ tịch Kim Jong-Un (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Ga Đồng Đăng đã chuẩn bị sẵn sàng cho lễ đón Chủ tịch Kim Jong-Un .Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Đề cập tới vai trò của nước chủ nhà Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh việc Việt Nam được Mỹ và Triều Tiên lựa chọn là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy cả hai bên đều rất tin tưởng Việt Nam và hy vọng rằng việc lựa chọn này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hòa giải cũng như là tiến trình mở cửa, cải cách của Triều Tiên.

Chuyên gia Lê Hồng Hiệp tin tưởng nếu Việt Nam tổ chức thành công hội nghị lần này, một điều chắc chắn và rõ ràng rằng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng sẽ được gia tăng. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ cũng như với Triều Tiên sẽ có thêm một điểm tựa, một nền tảng mới để phát triển vững mạnh hơn nữa trong tương lai.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-mytrieu-lan-2-co-hoi-mo-duong-xay-dung-long-tin/554643.vnp)

.
.
.