.

Thế giới tuần qua: Hướng tới Hà Nội

Cập nhật: 16:33, 23/02/2019 (GMT+7)

Dự luận quốc tế đang đổ dồn chú ý tới Việt Nam nơi nước chủ nhà và các bên liên quan đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai dự kiến diễn ra tại Hà Nội trong tuần tới.

Ngoài ra, bạn đọc cũng quan tâm những thông tin liên quan tới Thông điệp Liên bang năm 2019 của Tổng thống Nga hay tình hình Ấn Độ và Pakistan tiếp tục leo thang căng thẳng trong tuần…

 1. Nỗ lực chuẩn bị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội

Các bộ ngành và TP Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng đã triển khai tích cực việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, dù gặp nhiều khó khăn bởi từ khi bắt đầu có thông tin để chuẩn bị, Việt Nam chỉ có hai tuần cho toàn bộ quá trình này.

Các cơ quan liên quan được yêu cầu gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị, trong đó công tác an ninh, an toàn là ưu tiên hàng đầu và phải được bảo đảm tuyệt đối, công tác lễ tân phải bảo đảm chu đáo, trọng thị nhằm bảo đảm thuận lợi tối đa cho hai đoàn đàm phán gặp gỡ, trao đổi, làm việc tại Việt Nam.

Một bảng hiệu lớn về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội. Ảnh: Zing News
Một bảng hiệu lớn về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội. Ảnh: Zing News

Trong cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến thảo luận về những bước đi cụ thể hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên.

Trước thềm hội nghị lần thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng bày tỏ kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Đó cũng là kỳ vọng mà cộng đồng quốc tế đang đặt vào cuộc gặp ông Donald Trump và ông Kim Jong-un tại Việt Nam lần này, cụ thể là có thể giúp 2 bên đi tới một thỏa thuận rõ ràng, đột phá hơn thỏa thuận đạt được ở Singapore, vốn bị đánh giá là khá mơ hồ và thiếu những cam kết ràng buộc.

Hội nghị thượng đỉnh này, dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27 và 28-2 tới, sẽ là bước tiếp theo trong quá trình xoa dịu căng thẳng giữa hai bên, trong lúc Washington tìm cách thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Đây là cuộc gặp mặt thứ 2 sau khi hai người đã gặp gỡ lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái.

2. Tổng thống Nga công bố Thông điệp Liên bang năm 2019

Ngày 20-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc bản Thông điệp Liên bang thường niên trước hai viện của Quốc hội Liên bang (LB) Nga. Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư, nhưng lại là lần thứ 15 của ông trong những năm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của nước Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc bản Thông điệp Liên bang năm 2019. Ảnh: Kremlin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc bản Thông điệp Liên bang năm 2019. Ảnh: Kremlin

Trong gần 1 năm qua, xứ sở Bạch dương tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức trong bối cảnh phải mở rộng quan hệ hợp tác để phá vỡ thế kìm kẹp từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy vậy, nước Nga vẫn thể hiện vai trò nổi bật trong các hồ sơ "nóng" của thế giới như tiến trình hòa bình Syria hay thỏa thuận hạt nhân Iran và đang tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế.

Thách thức lớn nhất hiện nay của Moscow vẫn là quan hệ phức tạp với Washington, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Bản thông điệp thường niên này được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm khi phần nào hé lộ những dự định mà nhà lãnh đạo 67 tuổi sẽ làm trong thời gian tới để đưa nước Nga vượt qua sóng gió, tạo đột phá để phát triển hùng mạnh.

3. Căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan

Sau vụ tấn công đẫm máu ở huyện Pulwama, bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ, mỗi quan hệ vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa New Delhi và Islamabad lại càng thêm sóng gió.

Ấn Độ đã áp dụng một số biện pháp trả đũa như rút lại quy chế Tối huệ quốc đối với Pakistan, áp thuế 200% đối với hàng hóa từ Pakistan, chuẩn bị hồ sơ đề nghị liệt Pakistan vào danh sách đen vì tài trợ khủng bố và gây sức ép để Hội đồng Cricket quốc tế loại Pakistan khỏi giải World Cup Cricket 2019 sắp tới. Thậm chí, Ấn Độ quyết định chặn dòng nước chảy vào Pakistan từ các con sông ở miền Đông do nước này kiểm soát.

Lực lượng an ninh Ấn Độ tại hiện trường vụ đánh bom tại Pulwama. Ảnh: NDTV
Lực lượng an ninh Ấn Độ tại hiện trường vụ đánh bom tại Pulwama. Ảnh: NDTV

Trước đó, Ấn Độ đã lên án Pakistan dính dáng đến vụ tấn công khủng bố ở Pulwama, do nhóm Jaish-e-Mohammed đặt căn cứ tại Pakistan thừa nhận tiến hành, khiến hơn 40 người thiệt mạng và nhiều người bị thương nặng. Ấn Độ yêu cầu nước láng giếng chấm dứt việc hậu thuẫn các phần tử khủng bố và dỡ bỏ các cơ sở hạ tầng của khủng bố hoạt động trên lãnh thổ nước mình.

Pakistan khẳng định vụ khủng bố ở Pulwama là vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng, đồng thời cực lực bác bỏ các cáo buộc của chính phủ và truyền thông Ấn Độ rằng Pakistan liên quan đến vụ tấn công này.

Nhận thấy tình hình an ninh khu vực rất nghiêm trọng, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi Ấn Ðộ và Pakistan ngay lập tức có các bước đi giảm căng thẳng sau vụ đánh bom ở khu vực Kashmir tuần trước, đồng thời đề xuất LHQ làm trung gian hòa giải nếu hai bên nhất trí.

4. Mỹ vẫn duy trì lực lượng quân đội tại Syria

Quân đội Mỹ sẽ vẫn duy trì khoảng 200 binh sĩ nhằm thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Syria, sau khi rút phần lớn lực lượng khỏi chiến trường này.

Tuy nhiên, tuyên bố của Thư ký báo chí Nhà Trắng không nêu cụ thể số binh sỹ này sẽ đóng quân tại khu vực nào, với những trách nhiệm gì, hay số binh sỹ này sẽ thực hiện nhiệm vụ tại Syria trong khoảng thời gian bao lâu.

Quân đội Mỹ ở Syria. Ảnh: Defense Post
Quân đội Mỹ ở Syria. Ảnh: Defense Post

Đây được xem là một sự thay đổi về lập trường cơ bản của Washington trong vấn đề Syria bởi vào tháng 12-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết sẽ nhanh chóng rút toàn bộ lực lượng gồm 2.000 quân khỏi Syria trong vòng 30 ngày. Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, sự hiện diện của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại quốc gia Ả rập này đã bị đẩy lùi và sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Syria đã đi tới hồi kết.

Quyết định này không chỉ được xem là một sự nhượng bộ của Washington trước các đồng minh, mà còn thể hiện rõ sự chia sẻ và đồng thuận từ phía Nhà Trắng trước những lo ngại của Lầu Năm góc cho rằng, việc rút hoàn toàn lực lượng khỏi Syria sẽ tạo ra nguy cơ IS giành lại quyền kiểm soát các khu vực chủ chốt tại Syria.

5. Anh chưa có thỏa thuận thương mại hậu Brexit với nhiều nước

Chính phủ Anh chưa thể đạt được thỏa thuận tiếp nối trao đổi thương mại với một số đối tác như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ... trước ngày 29-3, khi quá trình nước này rời khỏi Liên minh châu Âu – EU(Brexit) chính thức diễn ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC
Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC

Trong thời gian qua, London đã nỗ lực ký kết các thỏa thuận tiếp nối trao đổi thương mại với 40 đối tác. Tuy nhiên, cho tới nay Anh mới ký các thỏa thuận tiếp nối với Thụy Sĩ, Chile, đảo quốc Faroe, khu vực Đông và Nam châu Phi, Israel và Palestine.

Điều này đồng nghĩa, nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận thì hoạt động trao đổi thương mại với những quốc gia này có thể bị gián đoạn. Chính phủ Anh đang xây dựng những phương án để đảm bảo dòng chảy thương mại trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.

Trong khi đó, thủ lĩnh Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn tuyên bố sẵn sàng gặp lại Thủ tướng Anh Theresa May để thảo luận về Brexit. Dự kiến, quốc hội nước này có thể bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit sửa đổi sớm nhất là vào tuần sau.

6. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bắt giữ hàng trăm nghi can có liên quan tới giáo sĩ Gulen

Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh bắt giữ 295 sĩ quan quân đội với cáo buộc những đối tượng này có liên quan đến mạng lưới của Giáo sĩ Fethullah Gulen - người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016.

Đêm 15-7-2016, hơn 240 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng khi một nhóm binh lính sử dụng xe tăng và máy bay chiến đấu tấn công các cơ quan trọng yếu của chính phủ nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Sputnik News
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Sputnik News

Tuy nhiên, âm mưu đảo chính này đã thất bại do vấp phải sự phản đối của dân chúng. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Gulen đứng sau âm mưu này và đã tiến hành nhiều chiến dịch truy quét quy mô lớn nhằm vào các cá nhân và tổ chức tình nghi liên quan giáo sĩ này.

Khoảng 160.000 người đã bị bắt giữ gồm các học giả, binh lính và cả các viên chức nhà nước. Chiến dịch truy quét vấp phải sự phản đối từ các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ankara luôn khẳng định các biện pháp đã triển khai là cần thiết trong bối cảnh nước này vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.