Chủ Nhật, 03/02/2019, 15:31 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Vượt lên bế tắc

Khi các bên tạm gác lại những tranh chấp, bất đồng để bắt tay đàm phán và nhượng bộ những yêu sách của nhau, rất nhiều những nút thắt khó khăn nhất trong hàng loạt vấn đề khúc mắc đã được tháo gỡ, tạo cơ sở cho việc hợp tác lâu dài, cùng có lợi.

1. Vòng đàm phán mới thương mại Mỹ-Trung, hai bên đánh giá tiến triển tích cực

Ngày 30-1, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành vòng đàm phán cấp cao mới tại Washington nhằm giải quyết những tranh chấp thương mại trong thời gian qua.

Đây là cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa hai bên kể từ sau thỏa thuận "đình chiến thương mại" trong 90 ngày đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12 năm ngoái.

 Mỹ - Trung Quốc đạt được tiến triển trong đàm phán thương mại. Ảnh: Reuters
Mỹ - Trung Quốc đạt được tiến triển trong đàm phán thương mại. Ảnh: Reuters

Tân Hoa Xã dẫn một tuyên bố của phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc cho biết, đàm phán đã đạt "tiến bộ quan trọng". Trung Quốc cam kết đẩy mạnh nhập khẩu nông sản, các sản phẩm từ ngành năng lượng, công nghiệp, dịch vụ của Mỹ. Trước đó, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thông báo các cuộc họp đang diễn ra "tốt đẹp với thiện chí và tinh thần tốt từ cả hai bên". Ông Trump thông báo sẽ cử phái đoàn tới Trung Quốc vào giữa tháng 2 để tiến hành vòng đám phán mới, cũng như xác nhận khả năng tiến hành cuộc gặp cấp cao với Chủ tịch Tập Cận Bình để hoàn tất thỏa thuận thương mại cuối cùng.

Nhà Trắng cho biết, mục đích của cuộc đàm phán là "đạt được sự thay đổi về cấu trúc cần thiết tại Trung Quốc" - yếu tố mà Washington cho rằng ảnh hưởng đến thương mại song phương. Cũng trong cuộc đàm phán này, hai bên tập trung thảo luận về cam kết của Bắc Kinh liên quan việc mua một khối lượng đáng kể hàng hóa và dịch vụ của Mỹ như một giải pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Lâu nay, Washington muốn Bắc Kinh chấm dứt chính sách buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, cho phép doanh nghiệp Mỹ dễ dàng tiếp cận thị trường và giảm các hàng rào phi thuế quan khác đối với sản phẩm của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các khiếu nại về lạm dụng sở hữu trí tuệ và bác bỏ cáo buộc các công ty nước ngoài phải đối mặt với việc chuyển giao công nghệ cho nước này.

Sau 2 ngày đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã phần nào gỡ được những nút thắt khó khăn nhất trong hàng loạt vấn đề khúc mắc. Ở một mức độ nào đó, Trung Quốc đã có thêm bước thỏa hiệp với những cam kết tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đáp ứng một trong số những yêu cầu chủ chốt của Washington đối với Bắc Kinh. Hai bên nhất trí áp dụng những biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự phát triển cân bằng thương mại, tạo cơ sở quan trọng cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa lãnh đạo hai nước.

2. Anh nỗ lực tháo gỡ bế tắc cho tiến trình Brexit

Tròn hai tuần sau khi kế hoạch Brexit để nước Anh "chia tay" Liên minh châu Âu (EU) bị bác bỏ tại hạ viện, Thủ tướng Theresa May vừa giành được sự ủng hộ đa số đối với “kế hoạch B” về Brexit. Bà May sẽ  quay trở lại Brussels để đàm phán lại với EU về vấn đề biên giới Ireland – chủ đề tranh cãi chính dẫn đến thất bại của kế hoạch này.

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Người phát ngôn của Thủ tướng May cho biết, bà đang cân nhắc 3 dàn xếp có khả năng thay thế điều khoản "rào chắn". Ba khả năng này bao gồm: Tìm kiếm một cơ chế rút lui đơn phương khỏi kế hoạch dự phòng; Tìm kiếm một đảm bảo có khung thời gian cụ thể cho kế hoạch dự phòng; Theo đuổi kế hoạch về việc “viết lại” kế hoạch dự phòng như một dạng thỏa thuận thương mại tự do với EU.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết, nước này sẽ phác thảo đề xuất có thể đáp ứng được những mong muốn của EU trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề biên giới Ireland sau khi Anh rút khỏi khối này. Ông cho rằng còn quá sớm để nói về sự cần thiết của việc kéo dài tiến trình Brexit. Theo ông, nếu như Anh và EU đạt được thỏa thuận vài ngày trước thời hạn chót về Brexit, London sẽ cần thêm thời gian để thông qua dự luật quan trọng.

Bà May sẽ trình Hạ viện Anh thông qua kế hoạch Brexit mới giữa tháng 2 tới. Nếu được chấp thuận, Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3 tới. Nếu không, nước này sẽ phải chọn một trong những phương án, bao gồm Brexit không thỏa thuận, bầu cử sớm hoặc một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác đối với chính phủ.

3. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sẽ diễn ra tại châu Á

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 31-1 cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra tại châu Á vào tháng Hai tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: vtv.vn
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: vtv.vn

Nhận định về cuộc gặp tới, ông Pompeo bày tỏ hy vọng đây sẽ là "một bước đi quan trọng nữa hướng tới không chỉ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, mà một tương lai tươi sáng hơn cho nhân dân Triều Tiên và an ninh trên bán đảo này theo một cách mà chưa chính quyền tiền nhiệm nào có thể đạt được".

Ngày 30-1, Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn sớm gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời cho biết các nỗ lực phi hạt nhân hóa đang có tiến bộ. Ông nhận định quan hệ của Triều Tiên với Mỹ đang tốt hơn bao giờ hết: Không còn các cuộc thử nghiệm vũ khí, Triều Tiên đã trao trả hài cốt binh sĩ và thả các con tin. Ông nhấn mạnh đây là "cơ hội thực sự cho phi hạt nhân hóa". Washington còn cho biết đã sẵn sàng thực hiện các cam kết với Triều Tiên "một cách đồng thời và tương xứng". Trước đó, Mỹ đã nới lỏng các quy định về viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, mở đường cho Liên hợp quốc (LHQ) thông qua miễn trừng phạt.  

4. Căng thẳng Mỹ - Venezuela leo thang, chính trường Venezuela tiếp tục rối ren

Sau khi công nhận thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido là “tổng thống lâm thời” của Venezuela, ngày 28-1, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Tập đoàn dầu khí quốc doanh của nước này (PDVSA). Đây là các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Venezuela, động thái được cho là để gia tăng áp lực đối với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Theo đó, mọi tài sản và lợi ích của tập đoàn này có liên quan tới quyền tài phán của Mỹ sẽ bị đóng băng và các cá nhân Mỹ cũng bị cấm giao dịch với PDVSA.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: AP
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: AP

Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế, Mỹ còn ngang nhiên kêu gọi lực lượng an ninh Venezuela chấp nhận "tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, dân chủ và tuân theo hiến pháp". Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết, không loại trừ việc Mỹ triển khai quân đội đến Colombia.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố nước này sẽ có hành động pháp lý đối với Mỹ. Trong khi đó, Tòa án Tối cao Venezuela đã ra lệnh cấm xuất cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản đối với ông Juan Guaido - thủ lĩnh phe đối lập, đồng thời là Chủ tịch của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Theo đó, ông Guaido sẽ bị cấm rời khỏi Venezuela cho đến khi kết thúc cuộc điều tra sơ bộ với các cáo buộc nhằm vào ông này. Ông Guaido bị cáo buộc tiếm quyền hành pháp khi tự xưng là “Tổng thống lâm thời”.

Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino khẳng định các lực lượng vũ trang nước này không công nhận một tổng thống tự phong hay một tổng thống "được dựng lên bởi những lợi ích đen tối".

Chính trường Venezuela trở nên căng thẳng sau khi ông Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” của quốc gia Nam Mỹ này cho tới khi lập ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử. Một số nước ở khu vực như Mỹ, Canada, Colombia, Paraguay, Brazil, Chile, Argentina, Ecuador, Guatemala và Peru, cũng như Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã lên tiếng công nhận chức danh "tổng thống lâm thời" tự phong của ông Guaido. Trong khi đó, nhiều nước khác như Cuba, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, đồng thời lên án âm mưu đảo chính. Liên hợp quốc cũng khẳng định công nhận tính chính danh của Tổng thống hợp hiến Venezuela Nicolás Maduro, coi đây là nguyên thủ duy nhất của quốc gia Nam Mỹ này.

5. Đánh bom kép gây nhiều thương vọng tại Philippines

Sáng 27-1, một nhà thờ Thiên Chúa giáo ở thành phố Jolo ở Philippines đã xảy ra 2 vụ đánh bom khiến 27 người thiệt mạng và 81 người khác bị thương. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thừa nhận đã gây ra vụ việc.

 Binh sĩ điều tra tại hiện trường vụ đánh bom kép tại nhà thờ ở Jolo, tỉnh Sulu, Philippines, ngày 27-1-2019. Ảnh: THX/ TTXVN
Binh sĩ điều tra tại hiện trường vụ đánh bom kép tại nhà thờ ở Jolo, tỉnh Sulu, Philippines, ngày 27-1-2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Hai vụ nổ bom xảy ra bên ngoài nhà thờ Thiên Chúa giáo, vào thời điểm nhiều người đến dự buổi lễ sáng Chủ nhật. Vụ nổ thứ nhất xảy ra bên trong nhà thờ. Vụ nổ thứ hai xảy ra gần khu vực các binh sĩ đang hỗ trợ nạn nhân của vụ nổ đầu tiên.

Hai vụ đánh bom nói trên xảy ra ít ngày sau khi nhiều tỉnh thành trên cả nước Philippines phê chuẩn Luật Bangsamoro - một đạo luật mới mở đường cho việc thiết lập một vùng tự trị rộng lớn hơn cho người Hồi giáo Philippines tại Mindanao - thành trì của phiến quân Hồi giáo. Việc phê chuẩn đạo luật này được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình và phát triển cho khu vực miền Nam Philippines sau nhiều thập kỷ xung đột khiến hàng nghìn người thiệt mạng và khiến vùng đất này đói nghèo. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Sulu, trong đó có thành phố Jolo đã bác bỏ đạo luật trên.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.