.

Brexit bên bờ vực thẳm

Cập nhật: 21:36, 11/03/2019 (GMT+7)

Một ngày trước khi Hạ viện Anh bước vào cuộc bỏ phiếu quan trọng để quyết định số phận của tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, tất cả những gì được ghi nhận đều là sự “thiếu chắc chắn”.

Sau thất bại thảm hại trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên hồi cuối tháng 1 tại hạ viện với số phiếu phản đối cao nhất lịch sử nước Anh hiện đại, thỏa thuận Brexit mà London và Brussels đạt được tháng 11/2018 bước vào lần “thử lửa” thứ hai mà không có nhiều cơ hội nhận thêm sự ủng hộ từ các nghị sỹ.

Thỏa thuận Brexit mà London và Brussels đạt được tháng 11-2018 bước vào lần “thử lửa” thứ hai mà không có nhiều cơ hội nhận thêm sự ủng hộ từ các nghị sỹ.

Chỉ còn 3 tuần trước ngày chính thức “ly hôn,” trong khi Hạ viện Anh đứng trước một số lựa chọn khác nhau, thì Thủ tướng Theresa May chỉ có một lựa chọn duy nhất là tiếp tục dựa vào thỏa thuận Brexit và hy vọng mong manh về những nhượng bộ từ EU, trong khi vẫn phải đương đầu với hàng loạt sức ép từ chức.

Hành trình “ra ở riêng” của nước Anh từng được đánh dấu bằng một cuộc từ chức. Cựu Thủ tướng David Cameron, người luôn đặt niềm tin rằng EU là lựa chọn tốt nhất cho Xứ sở sương mù, không thể tại nhiệm khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit mang lại chiến thắng sít sao cho phe hoài nghi châu Âu.

 Thủ tướng Anh Theresa May tại thủ đô London ngày 20-2-2019. Nguồn: AFP/TTXVN
Thủ tướng Anh Theresa May tại thủ đô London ngày 20-2-2019. Nguồn: AFP/TTXVN

Cựu Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, cũng thuộc phe ủng hộ EU, sau đó được đảng Bảo thủ cầm quyền lựa chọn làm “thuyền trưởng” dẫn dắt tiến trình Brexit với phương châm “thà không có thỏa thuận còn hơn ký một thỏa thuận tồi.”

Chỉ 3 tháng sau khi Quốc hội Anh phê chuẩn dự luật cho phép Thủ tướng May kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu đàm phán, thất bại trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tháng 6/2017, dẫn tới đảng Bảo thủ đánh mất thế đa số và chính phủ của Thủ tướng May lại phải dựa vào một đảng Hợp nhất dân chủ (DUP) ở vùng Bắc Ireland để tiếp tục duy trì quyền lực, là dấu hiệu “báo bão” đầu tiên cho lộ trình Brexit luôn là những gập ghềnh trắc trở của bà May.

Điểm lại chặng đường đàm phán hơn 1 năm qua, những kết quả mà bà May có được đều phải trả giá.

Điểm lại chặng đường đàm phán hơn 1 năm qua, những kết quả mà bà May có được đều phải trả giá. Cùng với từng tiến triển mờ nhạt trong đàm phán luôn là những biến động mạnh trong chính trường Anh. Tháng 7/2018, ngay sau khi nội các Anh thống nhất Sách trắng Brexit với nội dung ủng hộ mục tiêu xây dựng khu vực tự do thương mại Anh-EU và mối quan hệ thân thiết với EU hậu Brexit, hai quan chức hàng đầu, Bộ trưởng Brexit David Davis và Ngoại trưởng Boris Johnson từ chức. Sự ra đi của hai nhân vật vốn gắn bó với chính phủ của bà May ngay từ những ngày đầu là dấu hiệu rõ nhất về sự chia rẽ trong nội các Anh liên quan Brexit.

Tháng 11-2018, sau khi nội các Anh thông qua thỏa thuận Brexit sơ bộ mới đạt được với EU sau cuộc tranh cãi nảy lửa, thêm 4 bộ trưởng khác từ chức và một trong số đó là Bộ trưởng Brexit mới kế nhiệm Dominic Raab. Rạn nứt và chia rẽ trong nội bộ nước Anh liên quan tới Brexit càng bị khoét sâu, tương lai chính trị của bà May càng bấp bênh.

Thủ tướng Anh Theresa May (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Brussels, Bỉ ngày 20-2-2019. Nguồn: THX/TTXVN
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Brussels, Bỉ ngày 20-2-2019. Nguồn: THX/TTXVN

Thỏa thuận này sau khi được công bố đã tạo ra làn sóng chỉ trích từ tất cả các phe phái, từ cả phe ủng hộ lẫn phe phản đối Brexit, từ cả các đảng đối lập tới nội bộ đảng cầm quyền. Những khó khăn khi đàm phán Brexit với EU có lẽ không thấm vào đâu so với những thử thách và sức ép từ chính nội bộ nước Anh.

Các chuyến công du liên tục tới Brussels, các cuộc thương lượng thâu đêm và ngay cả động thái hoãn ngày đưa thỏa thuận ra bỏ phiếu để có thêm thời gian tìm kiếm thêm sự nhượng bộ từ EU với vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất là điều khoản “rào chắn,” cũng không giúp bà May tránh được thất bại cay đắng trong cuộc bỏ phiếu giữa tháng 1/2019.

Việc “đặt cược” vào thỏa thuận Brexit trong cuộc bỏ phiếu lần hai, đối với Thủ tướng May, dường như là sự “được ăn cả, ngã về không,” bởi lộ trình Brexit của nước Anh và cả bà May đã leo tới sát bờ vực, không còn đường lùi.

Việc “đặt cược” vào thỏa thuận Brexit trong cuộc bỏ phiếu lần hai, đối với Thủ tướng May, dường như là sự “được ăn cả, ngã về không”.

Kể từ đó tới nay, kết thúc 8 tuần thương lượng nước rút giữa Chính phủ Anh và EU, 1 ngày trước cuộc bỏ phiếu lần hai Văn phòng Thủ tướng Anh ra thông báo mọi cuộc đàm phán đều vô hiệu. Có lẽ đây là dấu hiệu “đầu hàng” đầu tiên từ Văn phòng thủ tướng sau một thời gian dài theo đuổi mục tiêu tìm kiếm nhượng bộ.

Trong 8 tuần qua, mọi triển vọng đều mơ hồ khi trong suốt quá trình đàm phán, EU bác bỏ các đề xuất từ London với lập luận rằng những nhượng bộ ấy dù có được đưa ra, cũng không đủ để thuyết phục hạ viện đầy chia rẽ tại Anh.

Mặc dù thỏa thuận của bà May có lẽ là lựa chọn tốt nhất và cũng có thể là cơ hội cuối cùng để đảm bảo Anh sẽ theo tiến trình Brexit tới cùng, song sự chia rẽ hiện nay khiến văn kiện này khó vượt qua cửa ải hạ viện trong cuộc bỏ phiếu ngày 12/3. Từ đó, hạ viện sẽ bỏ phiếu về hai lựa chọn: Brexit không thỏa thuận hay gia hạn tiến trình Brexit.

Kịch bản Brexit không thỏa thuận từng bị Hạ viện Anh bác bỏ trong một cuộc bỏ phiếu trước đây. Đảng Bảo thủ cầm quyền, dù luôn tuyên bố “thà không có thỏa thuận còn hơn ký một thỏa thuận tồi,” nhưng không ít ý kiến trong nội các Anh đã công khai phản đối Brexit không thỏa thuận. Và các khảo sát tại Anh cho tới thời điểm hiện tại đều cho thấy kịch bản này chỉ có 10% cơ hội.

as
Phe ủng hộ và phản đối Brexit tuần hành bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London ngày 15-1-2019. Nguồn: THX/TTXVN

Vì vậy, gia hạn Brexit hiện đang được đánh giá là kịch bản có khả năng cao, với kết quả thăm dò khoảng 54%. Tuy nhiên, như nhận định của cựu Bộ trưởng Brexit David Davis, việc gia hạn Brexit không khác nào “một thảm họa” vì sẽ làm toàn bộ người dân ủng hộ Brexit thất vọng, và sẽ đẩy lộ trình Brexit của nước Anh mắc kẹt lâu hơn ở “vùng nguy hiểm.”

Trên thực tế, với kịch bản gia hạn Brexit, có rất ít lý do để tin rằng một khoảng thời gian gia hạn ngắn ngủi sẽ giúp các bên vốn luôn đối đầu trong quan điểm về Brexit bỗng dưng có thể xích lại để tìm tiếng nói chung.

Người dân Anh  chia rẽ rất sâu sắc về Brexit và ngày càng nhiều ý kiến ủng hộ một cuộc trưng cầu ý dân lần 2. Tuy nhiên, để có thể tổ chức một cuộc trưng cầu cần mất nhiều thời gian chuẩn bị và cần có sự cho phép của hạ viện. Nếu Thủ tướng May cương quyết từ chối lựa chọn này, một sự thay đổi chính phủ hay một cuộc tổng tuyển cử sớm cũng không phải ngoài sức tưởng tượng.

Người dân Anh  chia rẽ rất sâu sắc về Brexit và ngày càng nhiều ý kiến ủng hộ một cuộc trưng cầu ý dân lần 2.

Những ngày này ở Anh, những từ khóa như BRINO (Brexit in name only - tạm dịch: Brexit chỉ là danh hão) hay BOBs (Bored of Brexit: Chán ngấy Brexit) được nhắc tới rất nhiều trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nhiều người còn cho rằng toàn bộ quá trình này không mang lại cái gì khác ngoài một mớ hỗn độn. Và tương lai mớ hỗn độn này sẽ ra sao, chưa ai dám đặt cược, chỉ biết Thủ tướng May đã đưa tiến trình Brexit tới mép vực sâu.

Cuộc bỏ phiếu ngày 12-3 cũng có thể là thử thách cuối cùng Thủ tướng May đối mặt trong nhiệm kỳ sóng gió của mình, đằng sau nó, hoặc là một chiến thắng “thần kỳ” vào phút chót, hoặc là vực thẳm vùi lấp sự nghiệp chính trị của bà.

(Theo http://special.vietnamplus.vn/brexit-ben-bo-vuc-tham)

.
.
.