Chủ Nhật, 31/03/2019, 15:53 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Thách thức dai dẳng

IS đã đến ngày tàn ở Syria và đang âm mưu vươn “vòi bạch tuộc” tới nhiều khu vực khác trên thế giới; “Chảo lửa” Trung Đông nóng lên từng ngày do bạo lực và đối đầu giữa các bên; nước Anh có thể phải rời EU mà không có thỏa thuận… những nguy cơ đang ngày một hiện hữu và trở thành thách thức nghiêm trọng, đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển tại nhiều quốc gia, khu vực.

1. Mất thành trì cuối ở Syria, IS âm mưu mở rộng địa bàn hoạt động sang châu Âu, châu Á

Ngày 23-3, Mỹ và Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) tuyên bố đã xóa sổ hoàn toàn cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” tại Syria. Đây là cột mốc to lớn trong cuộc chiến chống tổ chức này bởi có thời điểm chúng kiểm soát tới 88.000km2 lãnh thổ trải dài từ Syria đến Iraq.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng IS vẫn có nguy cơ trỗi dậy và âm mưu mở địa bàn hoạt động tại những khu vực khác trên thế giới. Liên hợp quốc ước tính, IS hiện có từ 14.000 đến 18.000 tay súng thành viên, trong đó, có tới 3.000 phần tử khủng bố nước ngoài.

Tờ Daily Mail dẫn thông tin từ tài liệu mật của IS ngày 24-3 cho biết, các phần tử trung thành của IS đang thành lập những tổ chức ngầm, còn gọi là “tổ chức cá sấu” tại Syria và phương Tây để tiêu diệt những đối tượng mà chúng cho là “kẻ thù của Chúa”.

Vũ khí của IS bị Lực lượng Dân chủ Syria thu giữ. Ảnh: Getty
Vũ khí của IS bị Lực lượng Dân chủ Syria thu giữ. Ảnh: Getty

Tại châu Á, IS mở rộng phạm vi hoạt động và đẩy mạnh các hành vi phá hoại. Nhóm Jamaah Ansharut Daulah (JAD) tại Indonesia-quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới đang nuôi tham vọng thành lập một “quốc gia Hồi giáo” tại Đông Nam Á bằng việc hợp nhất các tổ chức khác ở Indonesia, Malaysia, miền Nam Philippines, Singapore và Brunei.

Trong khi đó, Châu Âu vốn đã phải chật vật đối phó với nguy cơ khủng bố do các "sói đơn độc" lấy cảm hứng từ IS tiến hành, nay lại cận kề nỗi lo các tay súng IS trở về. Các cơ quan tình báo Anh ước tính, khoảng 900 tay súng Anh đã đến Syria, 20% trong số này đã chết và 40% sẽ trở về.

Theo các số liệu thống kê của Ðức, kể từ năm 2013 đến nay, hơn 1.000 người Ðức đã tới các khu vực chiến sự ở Syria và Iraq, tuy nhiên, chỉ khoảng một phần ba trong số này quay trở về Ðức. IS cũng dự định thành lập một “cơ quan điều phối hoạt động ở Châu Âu” và một số nơi khác.

Ngoài ra, người đứng đầu bộ phận đối phó chủ nghĩa cực đoan của Bộ Nội vụ Nga, ông Oleg Ilyinykh cũng cho biết, IS cũng đang chuyển trọng tâm hoạt động sang các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) bao gồm Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Armenia.

2. “Chảo lửa” Trung Đông đang nóng lên từng ngày

Hòa bình ở Trung Đông ngày càng trở nên mong manh hơn khi ngày 25-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hiện thực hóa tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, động thái không những "đảo chiều" chính sách của Washington mà còn đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về khu vực này.

xx
Israel giành quyền kiểm soát Cao nguyên Golan năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ nước này năm 1981. Ảnh: vov.vn

Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Arab và nhiều nước trong khu vực Trung Đông đã lên tiếng phản đối quyết định trên của Mỹ. Liên hợp quốc khẳng định chính sách của tổ chức này về Cao nguyên Golan chưa thay đổi. Chính phủ Syria đã phản đối, coi bước đi này của Washington là đòn tấn công rõ ràng vào chủ quyền của Syria.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại Syria. Thủ lĩnh của lực lượng Hezbollah đã kêu gọi kháng chiến và tuyên bố đây là thời điểm bước ngoặt trong lịch sử xung đột giữa người Arab và Israel. Từ Libanon, thủ lĩnh lực lượng Hezbollah tuyên bố bạo lực giờ đây là con đường duy nhất để người Arab bảo vệ được lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn giữa nhóm vũ trang Hamas và phía Israel có hiệu lực, các vụ tấn công giữa Israel và các tay súng ở Dải Gaza lại tái diễn.

Một loạt rocket bắn từ Gaza vào khu vực miền Nam Israel, trong đó một số đã bị hệ phòng không Vòm sắt của Israel đánh chặn. Tại Gaza, người Palestine cho biết máy bay Isarel đã tấn công ít nhất 2 mục tiêu. Trước đó, Issrael đã quyết định không kích các cơ sở quân sự và các vị trí thuộc Hamas và các nhóm vũ trang khác ở Dải Gaza để đáp tra vụ tấn công rocket vào miền Trung Israel làm 7 người bị thương.   

Căng thẳng gia tăng tại Bờ Tây có thể bùng phát thành một cuộc nổi dậy mới chống lại Israel, đặc biệt khi người dân Palestine chuẩn bị kỷ niệm "Ngày Đất đai" vào ngày 30-3.

3. Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit lần thứ ba

Ngày 29-3, với  286 phiếu thuận và 344 phiếu chống, Hạ viện Anh lần thứ 3 đã bác bỏ thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu - EU (Brexit) mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với các nhà lãnh đạo EU hồi cuối năm ngoái. Động thái trên của Hạ viện Anh đã mở đường cho việc trì hoãn Brexit, hoặc có thể là dẫn tới kịch bản "thảm họa" Anh rời EU không có thỏa thuận.

Thủ tướng Theresa May một lần nữa thất bại trong nỗ lực đưa Anh rời EU. Ảnh minh họa: independent
Thủ tướng Theresa May một lần nữa thất bại trong nỗ lực đưa Anh rời EU. Ảnh minh họa: independent

Thủ tướng May cho rằng quyết định lần thứ 3 bác thỏa thuận Brexit của các nghị sĩ Anh đồng nghĩa với việc nước này đã không còn lựa chọn về cách thức rút khỏi EU. Trước đó một ngày, các nghị sĩ Anh cũng đã tiến hành thảo luận và bỏ phiếu về 8 đề xuất mới cho tiến trình Anh rời khỏi EU, nhưng không một đề xuất nào được thông qua.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu đã đặt ra hạn chót là ngày 12-4 tới để London thông báo các bước đi tiếp theo sau khi Hạ viện Anh lần thứ 3 bác thỏa thuận Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU)

Người phát ngôn EU cho biết Ủy ban châu Âu (EC) lấy làm tiếc về việc thỏa thuận Brexit bị Hạ viện Anh bác bỏ. Theo người phát ngôn, kịch bản "không thỏa thuận" vào ngày 12-4 nhiều khả năng sẽ xảy ra và EU đã sẵn sàng cho điều này.

Trước đó, tại Anh, Italy hàng nghìn người biểu tình phản đối Brexit đã rầm rộ xuống đường với cờ EU và các biểu ngữ có nội dung như “Hãy dừng Brexit”, “Chúng ta là một phần của châu Âu”.

4. Liên Hợp quốc kêu gọi hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho 13 triệu người ở CHDC Congo

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cho biết số người cần viện trợ nhân đạo ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã tăng đáng kể trong vòng 1 năm qua, lên 13 triệu người, trong khi số người đói và suy dinh dưỡng cũng ở mức cao nhất mà cơ quan này ghi nhận được.

Các nhân viên y tế làm việc ở Congo. Ảnh: Reuters
Các nhân viên y tế làm việc ở Congo. Ảnh: Reuters

Giám đốc điều hành của UNICEF, ông Henrietta Fore cho biết trong số 13 triệu người cần viện trợ nhân đạo ở CHDC Congo thì có 7,5 triệu trẻ em, trong đó có 4 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính và hơn 1,4 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.

Theo thống kê của LHQ, khoảng 2 triệu người CHDC Congo phải dời bỏ nhà cửa vào năm ngoái; 7,3 triệu trẻ em phải nghỉ học; 300.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong mỗi năm; có 3 trong 10 phụ nữ ở nước này được ghi nhận là nạn nhân của bạo lực tình dục.

Trong khi đó, Bộ Y tế CHDC Congo cho biết hôm 25-3,  số người mắc Ebola ở nước này đã vượt con số 1.000 trường hợp, với 629 người tử vong.

Tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở CHDC Congo xuất phát từ sự yếu kém của nền kinh tế, bao gồm cả việc biến động giá cả hàng hóa và tình hình chính trị bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tháng 12-2018 ở nước này, cùng với đó là gia tăng tình trạng bạo lực và sự bùng phát của dịch bệnh Ebola.

5. Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019: Chung vận mệnh, cùng hành động, cùng phát triển

Với chủ đề “Chung vận mệnh, cùng hành động, cùng phát triển”, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 (BFA) đã diễn ra từ ngày 26 đến 29-3 tại Hải Nam, Trung Quốc. Hơn 2.000 đại biểu, trong đó có hơn 50 quan chức cấp bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, hơn 180 doanh nhân, cùng nhiều học giả, phóng viên đến từ hơn 60 nước và khu vực tham dự Diễn đàn.

Quang cảnh họp báo về Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 sáng 26-3. Ảnh: Chinanews.com
Quang cảnh họp báo về Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 sáng 26-3. Ảnh: Chinanews.com

Diễn đàn năm nay tổ chức khoảng 50 cuộc thảo luận chính thức xoay quanh 5 nghị trình gồm tập trung xoay quanh 5 nội dung chính gồm: Kinh tế thế giới mang tính mở; Chủ nghĩa đa phương, hợp tác khu vực và quản trị thế giới; Động lực của sáng tạo; Phát triển chất lượng cao và Tuyến đầu của điểm nóng. Xoay quanh các nội dung này có hơn 60 hoạt động như đối thoại, hội nghị bàn tròn, đối thoại với các giám đốc điều hành (CEO).

Trong đó, đáng chú ý có Đối thoại giữa các Tỉnh trưởng, Thị trưởng ASEAN - Trung Quốc, Đối thoại giữa các CEO Trung Quốc - Mỹ, Trung Quốc- Nhật và Trung Quốc- Australia; các cuộc họp về 5G, trí tuệ nhân tạo, Big data, kinh tế biển và Diễn đàn về Biển Đông, cải cách WTO, “Vành đai, con đường” ....

Sự ủng hộ vững chắc cho chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa là thành quả quan trọng nhất và cũng là thông điệp đáng khích lệ nhất từ diễn đàn năm nay. Một văn bản hợp tác đã được ký kết giữa Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA) với BFA.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao thành lập năm 2001, là một trong những kênh đối thoại quan trọng giữa châu Á và các nền kinh tế mới nổi, được tổ chức định kỳ hằng năm. Đến nay diễn đàn này đã trở thành một kênh quan trọng để thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.