.

Mỹ để ngỏ khả năng nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên

Cập nhật: 07:34, 11/05/2019 (GMT+7)

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun nhận định Washington vẫn để ngỏ khả năng nối lại đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng, bất chấp các động thái gần đây của Triều Tiên.

Ông Stephen Biegun. Nguồn: Reuters
Ông Stephen Biegun. Nguồn: Reuters

Nhận định của ông Biegun được đưa ra trong cuộc gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha giữa lúc xuất hiện những lo ngại rằng các động thái mới của Triều Tiên những ngày qua có thể làm chệch hướng nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho rằng các vật thể bay mà Triều Tiên phóng hôm 9-5 là tên lửa đạn đạo.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Takeshi Iwaya khẳng định căn cứ vào các kết quả phân tích đến nay, Chính phủ Nhật Bản cho rằng Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm 9-5.

Bộ trưởng Iwaya bày tỏ “rất lấy làm tiếc vì hành động rõ ràng vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc này.”

Ông cũng cho biết các vụ phóng của Triều Tiên không gây thiệt hại đối với vùng nước và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản cũng như không ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh của nước này.

Trước đó, ngày 9-5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhất trí hợp tác chặt chẽ trong việc đối phó với Triều Tiên.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp ở Washington, ông Suga cho biết đã thông báo với ông Pompeo về ý định của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tổ chức hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần điều kiện tiên quyết nào nhằm tìm cách giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật Bản trong những thập niên 1970 và 1980.

Hai ông Suga và Pompeo cũng nhất trí cùng tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề bắt cóc và thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên song song với việc cộng đồng quốc tế buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ các vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Trong cuộc gặp riêng rẽ khác, ông Suga và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong việc đối phó với một Triều Tiên được trang bị hạt nhân.

Ông Suga nêu rõ: "Chúng tôi đã nhất trí phối hợp chặt chẽ giữa Nhật Bản và Mỹ ở nhiều cấp độ liên quan tới hoạt động phân tích và ứng phó" với các vụ phóng dường như là 2 tên lửa tầm ngắn ngày 9-5 cũng như nhiều vật thể bay, trong đó được cho là có một tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm 4-5 của Bình Nhưỡng.

Mặc dù Lầu Năm Góc xác nhận các vụ phóng trong ngày 9-5 của Triều Tiên bao gồm nhiều tên lửa đạn đạo, song phía phía Hàn Quốc khẳng định rằng hiện vẫn chưa rõ liệu tên lửa tầm ngắn mà Triều Tiên bắn một ngày trước đó có phải là tên lửa đạn đạo hay không.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho rằng Bình Nhưỡng đã phóng 2 tên lửa tầm ngắn, nhưng không khẳng định liệu đây có phải là tên lửa đạn đạo, vốn bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm hay không.

Phát biểu trước báo giới, một quan chức JCS nói: "Cho đến nay, chúng tôi mới chỉ đánh giá là các tên lửa tầm ngắn và cần phải phân tích kỹ hơn trước khi khẳng định chính xác bản chất của các loại vũ khí này."

Theo quan chức trên, hiện giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phối hợp chặt chẽ về vấn đề này.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/my-de-ngo-kha-nang-noi-lai-dam-phan-hat-nhan-voi-trieu-tien/568505.vnp)

.
.
.