.

Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản một cách toàn diện

Cập nhật: 21:52, 03/06/2019 (GMT+7)

Ngày 3-6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori đã đồng chủ trì Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản lần thứ 34.

Trưởng đoàn các nước dự diễn đàn chụp ảnh chung. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Trưởng đoàn các nước dự diễn đàn chụp ảnh chung. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Diễn đàn là đối thoại thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN và Nhật Bản do Việt Nam đồng chủ trì với Nhật Bản trong nhiệm kỳ điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản 2018-2021.

Tại Diễn đàn, các nước khẳng định lại ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản và những phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên, đóng góp cho hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Các nước ASEAN đánh giá cao sự tham gia tích cực của Nhật Bản trong các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin ở khu vực, thông qua các diễn đàn do ASEAN chủ trì như ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+, EAMF; cám ơn Nhật Bản luôn ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết thống nhất của ASEAN; cùng đóng góp củng cố cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.

Về kinh tế, các nước ghi nhận quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư năng động giữa ASEAN và Nhật Bản. Nhật Bản tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN với kim ngạch thương mại đạt 219 tỷ USD và FDI từ Nhật Bản vào ASEAN đạt 13,2 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực ASEAN.

Các nước cũng hoan nghênh việc ký Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản nhằm gia tăng trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai bên.

Các nước ASEAN bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ ASEAN thúc đẩy kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng đến người dân, trong đó có hỗ trợ vận hành Trung tâm Điều phối và hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA), thành lập Trung tâm Nâng cao năng lực về An ninh mạng ASEAN-Nhật Bản, đẩy mạnh Sáng kiến Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, chống già hóa dân số, tổ chức các chương trình giao lưu thanh niên, văn hóa và giáo dục...

Về định hướng hợp tác thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Triển khai Tuyên bố Tầm nhìn quan hệ ASEAN-Nhật Bản, thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối khu vực, trong đó có kết nối số, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển bền vững, phát triển tiểu vùng thông qua thúc đẩy các dự án thiết thực trong khuôn khổ “Sáng kiến Kết nối Nhật Bản-Mê Công"...; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; mở rộng trao đổi văn hoá, giao lưu nhân dân; hai bên cũng nhất trí đặt ưu tiên cao sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) trong năm 2019.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước ghi nhận những tiến triển tích cực gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, hoan nghênh các kết quả tích cực của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức Singapore và Hà Nội thời gian qua; khẳng định ủng hộ hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên; đề nghị các bên tiếp tục giải quyết các khác biệt trên tinh thần xây dựng, đối thoại và hợp tác, triển khai nghiêm túc và hiệu quả các cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng (giữa) đồng chủ trì diễn đàn. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng (giữa) đồng chủ trì diễn đàn. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Về Biển Đông, cuộc họp chia sẻ về tiến triển trong đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, song cho rằng các hoạt động đơn phương thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa tiếp tục gây lo ngại, làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh và ổn định trên Biển Đông.

Các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982, các đòi hỏi chủ quyền cần được đưa ra trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Trong chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao vai trò và đóng góp của Nhật Bản đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực; nhất trí hai bên đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực thuộc quan tâm chung như hợp tác biển và đảm bảo an ninh biển, kết nối, phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, giao lưu thanh niên và nhân dân, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khoẻ người dân, trao đổi văn hoá, giao lưu nhân dân...

Trong vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước ASEAN khác thúc đẩy và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản một cách toàn diện, đáp ứng lợi ích của cả hai bên và vì lợi ích chung của khu vực và thế giới.

Thứ trưởng cũng thông báo kế hoạch tổ chức Hội nghị chuyên đề “Hợp tác ASEAN-Nhật Bản vì sự thịnh vượng” trong ngày 4/6 tại Hà Nội, trong khuôn khổ sáng kiến Ngày ASEAN-Nhật Bản do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 21 tại Singapore tháng 11-2018.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/nang-tam-quan-he-doi-tac-chien-luoc-aseannhat-ban-mot-cach-toan-dien/572839.vnp)

.
.
.