Thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật: Dấu hiệu tích cực từ Đông Bắc Á
Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật Bản ngày 24-12 tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, diễn ra sau thời kỳ dài quan hệ giữa 3 nước này trải qua nhiều vướng mắc, đã kết thúc với những kết quả khá tích cực, trong đó đáng chú ý có việc lãnh đạo 3 nước nhất trí cùng nỗ lực nối lại đối thoại Mỹ-Triều và cải thiện quan hệ trong nhiều lĩnh vực.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp báo chung ở Thành Đô, Trung Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần đầu tiên năm 1999 bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 (gồm 10 nước Đông Nam Á và Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản).
Tuy nhiên, sau đó 3 quốc gia láng giềng Đông Bắc Á này mới chỉ tổ chức được hội nghị thượng đỉnh 3 bên thêm vài lần, do quan hệ liên tục xấu đi bởi các vấn đề lịch sử, chính trị và lãnh thổ.
Hàn Quốc và Nhật Bản đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn bắt nguồn từ những vấn đề tranh cãi trong thời chiến tranh và tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Gần đây, Nhật Bản còn ban hành các hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc để phản đối lập trường của Seoul về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động trong các nhà máy và hầm mỏ của Nhật Bản thời chiến, khiến căng thẳng song phương càng trầm trọng.
Trong khi đó, ngoài bất đồng liên quan tới quá khứ thời chiến, Nhật Bản cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đối với quần đảo mà Tokyo đặt tên là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Hơn nữa, hai cường quốc ở châu Á này cũng có khá nhiều mâu thuẫn lợi ích và đang cạnh tranh gay gắt với nhau cả về tầm ảnh hưởng trong khu vực lẫn vị thế trên trường quốc tế.
Quan hệ Hàn Quốc-Trung Quốc cũng đã trải qua giai đoạn tồi tệ đi khi Bắc Kinh phản đối việc Seoul để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
Do đó, rõ ràng 3 nước còn có rất nhiều vấn đề khác cần đối thoại để giải quyết ngoài vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vốn ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh khu vực Đông Bắc Á.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp báo chung ở Thành Đô, Trung Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Có thể nói hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần này cũng như các cuộc tiếp xúc song phương của lãnh đạo các nước đã tạo ra một cơ hội hiếm hoi để các bên trực tiếp đối thoại, từ đó tháo gỡ vướng mắc và có thể tăng cường liên kết hơn nữa nhằm đối phó với các vấn đề lớn hiện nay, đặc biệt là vấn đề duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.
Việc các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã mở đầu hội nghị thượng đỉnh với tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ đối tác ba bên trong nhiều lĩnh vực rõ ràng đã phát đi thông điệp đầy thiện chí và tích cực.
Trong hội nghị thượng đỉnh, phía Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng qua hội nghị lần này, 3 nước sẽ tăng cường sự quan hệ tin cậy về chính trị, bảo đảm an ninh, sự ổn định trong khu vực và hòa bình thế giới để cùng nhau đối phó với áp lực kinh tế thế giới suy giảm, nhấn mạnh tổng kim ngạch thương mại của 3 nước chiếm gần 1/6 tổng kim ngạch thương mại thế giới.
Chia sẻ quan điểm này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nêu bật sự cần thiết của "hợp tác hài hòa" giữa 3 cường quốc khu vực này, bởi 3 nước "có cùng giấc mơ" thúc đẩy một "thế giới bền vững."
Ông Moon Jae-in bày tỏ hy vọng 3 nước sẽ tăng cường hợp tác kinh tế để có thể cùng nhau phát triển, thông qua việc hình thành một cộng đồng kinh tế Đông Bắc Á dựa trên thương mại tự do, hòa bình và quan hệ đối tác.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh sự kỳ vọng ngày càng lớn của thế giới vào Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đối với hòa bình và phồn vinh của khu vực này nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Mặc dù kết quả hội nghị, các bên chỉ đưa ra tuyên bố dừng lại ở những câu từ thể hiện lập trường nguyên tắc, song không thể phủ nhận ý nghĩa không nhỏ của hội nghị này đối với quan hệ các nước cũng như đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề nổi cộm ở khu vực Đông Bắc Á, nhất là khi quan hệ Mỹ-Triều lại có nguy cơ quay trở lại thời kỳ căng thẳng năm 2017 sau những động thái gây lo ngại gần đây của cả hai bên.
Sự hợp tác Hàn-Trung-Nhật khác với cơ chế phối hợp Hàn-Mỹ hay Hàn-Mỹ-Nhật bởi Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh của Mỹ.
Hàn-Mỹ hay Hàn-Mỹ-Nhật đều khó có thể thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi lập trường. Trong khi đó, Trung Quốc lại là nước có quan hệ gần gũi với Triều Tiên, có tầm ảnh hưởng nhất định đối với nước này.
Về ngoại giao và an ninh, Trung Quốc đóng vai trò "người bảo trợ đặc biệt” của Triều Tiên trong khi về kinh tế, Trung Quốc được coi là “thuyền cứu sinh” đối với Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang bị cấm vấn.
Do đó, có thể nói, trong 3 nước Đông Bắc Á, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể gây ảnh hưởng đối với Triều Tiên.
Việc 3 nước Hàn-Trung-Nhật nhất trí hợp tác nhằm đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa được duy trì thông qua đối thoại Mỹ-Triều kịp thời được coi là một thành quả lớn, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á.
Những điểm nhấn thành công của hội nghị thượng đỉnh lần này còn là các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo các nước.
Trước hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 23/12. Lãnh đạo 2 nước nhất trí cần tiếp tục duy trì động lực đối thoại Mỹ-Triều.
Và trong cuộc hội đàm với Tổng thống Moon Jae-in ngày 24-12 tại Thành Đô, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề cập tới sáng kiến của nhà lãnh đạo Hàn Quốc xây dựng “Cộng đồng đường sắt Đông Á,” một phần của lộ trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Dự án kết nối đường sắt, đường bộ liên Triều nằm trong sáng kiến này, song chưa đạt được tiến triển nào do vướng phải lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong dự thảo nghị quyết Trung Quốc và Nga trình lên HĐBA mới đây với đề xuất nới lỏng trừng phạt Triều Tiên nhằm làm dịu những quan ngại của nước này về khủng hoảng nhân đạo, đồng thời phá vỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, có nội dung miễn cấm vận đối với dự án trên.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ có thể đồng hành cùng Hàn Quốc để hiện thực hóa sáng kiến. Như vậy, Seoul và Bắc Kinh có ý định biến dự án hợp tác đường sắt, đường bộ liên Triều thành đòn bẩy để kéo Triều Tiên quay lại bàn đàm phán.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Hàn đầu tiên trong vòng 15 tháng, lãnh đạo hai nước đều khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ láng giềng gần gũi cả về địa lý, lịch sử và văn hóa, cũng như thể hiện mong muốn duy trì quan hệ thân thiện Nhật Bản-Hàn Quốc.
Đây là dấu hiệu cho thấy hai bên sẵn sàng hàn gắn và cải thiện mối quan hệ song phương để có thể bảo đảm được lợi ích cho cả Hàn Quốc và Nhật Bản trong những vấn đề như hợp tác kinh tế và bảo đảm an ninh, cũng như giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Có thể nói hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật lần này là một sự kiện quan trọng và kết quả hội nghị sẽ tác động đáng kể đến kinh tế và sự phát triển trong khu vực.
Rõ ràng lợi ích chung của 3 quốc gia đã khiến các bên tạm gạt bỏ bất đồng để phối hợp các nỗ lực, đúng như tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, rằng một trong những nguyên tắc để thúc đẩy quan hệ Hàn-Trung-Nhật là "hợp tác vì hòa bình ở Đông Bắc Á".
(Theo https://www.vietnamplus.vn/thuong-dinh-hantrungnhat-dau-hieu-tich-cuc-tu-dong-bac-a/614902.vnp)