.

EU lo ngại sự tồn vong của 'Dự án châu Âu' sau những bất đồng

Cập nhật: 22:37, 30/03/2020 (GMT+7)

Một quan chức của EU cảnh báo "Dự án châu Âu có nguy cơ sụp đổ" nếu những khác biệt về kinh tế giữa các nước vẫn tiếp gia tăng bất chấp một cuộc khủng hoảng như hiện nay.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt am Main, Đức. Nguồn: AFP/TTXVN
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt am Main, Đức. Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 30-3, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo những bất đồng giữa các nước thành viên về chính sách kinh tế ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguy cơ gây chia rẽ và đe dọa sự tồn vong của "Dự án châu Âu."

Trước đó, ngày 26-3, Đức và các nước Bắc Âu thuộc EU khác đã bác bỏ một đề xuất được 9 nước châu Âu, trong đó có Italy, Tây Ban Nha và Pháp, ủng hộ về cái gọi là "trái phiếu corona," ám chỉ một khoản vay chung của 19 thành viên Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), để đối phó với những tác động kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Trao đổi với đài Radio Capital của Italy, Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni, cựu Thủ tướng Italy, cảnh báo "Dự án châu Âu có nguy cơ sụp đổ" nếu những khác biệt về kinh tế giữa các nước vẫn tiếp gia tăng bất chấp một cuộc khủng hoảng như hiện nay.

Ông thừa nhận các nước thành viên trong Eurozone sẽ không thể đạt được đồng thuận về một khoản nợ chung, song nhấn mạnh Đức vẫn cần tiến tới một thỏa thuận với các nước làng giềng phía Nam hiện đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Ông nói không có Đức, "chúng tôi không thể đạt được một thỏa hiệp."

Cũng theo Ủy viên Gentiloni, các nước thành viên cần "bắt đầu với những mục tiêu chung" để có thể phá vỡ thế bế tắc hiện nay và một cách khả thi để đạt được những mục tiêu về một công cụ bảo hiểm thất nghiệp hay kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp là phát hành trái phiếu nhưng không phải gộp nợ giữa các thành viên.

Italy, Tây Ban Nha và Pháp - những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất - đang thúc đẩy EU chia sẻ gánh nặng tài chính.

Trong khi đó, Hà Lan và Đức lo ngại các khoản chi tiêu lớn của những nước láng giềng sẽ làm gia tăng nợ công của khu vực Eurozone.

Hội nghị trực tuyến đầu tiên bàn về nỗ lực tài chính chung diễn ra ngày 26-3 vừa qua kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đã không đạt được kết quả như mong đợi khi lãnh đạo 27 nước EU không thống nhất được biện pháp kinh tế để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay.

Hai giải pháp chính đã được đưa ra thảo luận gồm phát hành trái phiếu của Eurozone và dùng Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM - Quỹ bình ổn tài chính) hiện có khoảng 400 tỷ euro để cấp tín dụng cho các nước đối phó dịch bệnh.

Đề xuất phát hành trái phiếu chung của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã được 8 nước khác ủng hộ, trong đó có Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha.

Tuy nhiên, Đức cũng như Hà Lan và Áo phản đối vì cho rằng như vậy toàn bộ các nước thành viên của Eurozone sẽ phải cùng gánh nợ chung.

Các quan chức Eurozone hiện lo ngại trong bối cảnh bệnh dịch lây lan và nền kinh tế Eurozone bị đẩy vào suy thoái sâu hồi đầu năm, các thị trường tài chính có thể bắt đầu yêu cầu lãi suất cho vay cao hơn đối với các chính phủ, tạo thêm sức ép cho một số quốc gia vốn gánh trên mình các khoản nợ lớn.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde từng kêu gọi các bộ trưởng tài chính Eurozone xem xét nghiêm túc vấn đề phát hành nợ chung một lần để ứng phó với những tác động kinh tế từ dịch COVID-19.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/eu-lo-ngai-su-ton-vong-cua-du-an-chau-au-sau-nhung-bat-dong/631407.vnp)

.
.
.