Thủ tướng Anh nhiễm COVID-19, "báo động đỏ" cho Anh và châu Âu
Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa đăng video trên mạng xã hội Twitter cho biết, ông đã dương tính với virus SARS-CoV-2 và tự cách ly.
Thử tướng Anh Boris Johnson thông báo dương tính với virus SARS-CoV-2 |
Thủ tướng Anh cho biết, trong vòng 24 giờ qua, ông đã có triệu chứng nhẹ và làm xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang tự cách ly.
Tuy nhiên, ông Boris Johnson vẫn sẽ tiếp tục lãnh đạo chính phủ thông qua các cuộc họp video call nhằm chiến đấu với chủng virus này.
Ông Johnson tuyên bố "Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng" kèm theo hashtag "Hãy ở nhà để cứu lấy những sinh mạng".
Như vậy, cuộc chiến chống COVID-19 đang diễn biến ngày một phức tạp hơn bao giờ hết sau tin tức Thủ tướng Anh nhiễm COVID-19.
Trước đó, Thái tử Anh Charles đã có kết quả xét nghiệm dương tính và trở thành thành viên đầu tiên của Hoàng gia Anh nhiễm virus SARS-CoV-2.
Có thể thấy, phản ứng chậm trễ đã đẩy Anh vào cuộc khủng hoảng do COVID-19. Tính đến ngày 26-3, Anh đã ghi nhận thêm 100 ca tử vong và 115 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số ca tử vong và mắc COVID-19 lên lần lượt là 578 ca và 11.658 ca.
Đây là số ca tử vong cao kỷ lục trong một ngày tại Anh. Có khả năng, số ca nhiễm COVID-19 tại Vương quốc Anh đang cao hơn con số thống kê và tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong vài tuần tới. Anh đang là ổ dịch lớn thứ năm châu Âu và lớn thứ tám thế giới.
Hiện giới chức các bệnh viện và bác sĩ ở Anh đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng quá tải bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại thủ đô London, trong bối cảnh Anh đang tiến tới mức đỉnh về số ca nhiễm và Chính phủ nhận được nhiều lời kêu gọi cung cấp các bộ xét nghiệm và dụng cụ cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.
Chuyên gia dịch tễ Neil Ferguson thuộc Đại học Hoàng gia, một cố vấn khoa học của chính phủ Anh, cho rằng nhu cầu trang thiết bị sẽ tăng lên trong "khoảng hai hoặc ba tuần tới" khi mà dịch bệnh lên tới đỉnh điểm.
Hiện nay, Chính phủ Anh đã tăng cường các chính sách hạn chế và phong tỏa để nỗ lực chống lại sự lây lan và bùng nổ của dịch bệnh cũng như đẩy mạnh các biện pháp can thiệp kinh tế, mở rộng đối tượng được hỗ trợ từ các doanh nghiệp và người lao động sang cả nhóm lao động tự do, để người dân Anh có thể chống chọi những tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.
Trước mắt, các tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn đang hoạt động tại Anh như Airbus, Rolls-Royce hay Nissan được yêu cầu chuyển đổi dây chuyền để sản xuất khẩn cấp 30 nghìn máy thở trong vòng 2 tuần.
Đồng thời, chính phủ Anh sẽ hỗ trợ cho những người lao động tự do mức tiền tương đương 80% thu nhập trung bình của họ trong ba năm qua, tối đa là 2.500 bảng Anh (gần 72,2 triệu đồng). Gói hỗ trợ dự kiến sẽ kéo dài trong ba tháng, tính từ ngày 1-3.
Quốc gia này cũng đã công bố các chính sách hỗ trợ 80% lương cho lao động buộc phải nghỉ ở nhà tạm thời vì dịch COVID-19, hoãn thuế thu nhập cá nhân cho người dân, hoãn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp và hỗ trợ để những người nghỉ ổm ở nhà vẫn được trả lương.
Cho đến thời điểm hiện tại, Anh là quốc gia tiếp theo tại châu Âu bước vào trạng thái phong tỏa toàn bộ.
Mặc dù giờ đây, quốc gia này đã có hành động đúng đắn để dập dịch nhưng các chuyên gia nhận định, Anh đã mất đi thời gian quý báu.
Bài học của Anh cũng là ví dụ cho thấy, việc chậm trễ và thiếu quyết liệt trong đối phó với dịch COVID-19 sẽ đem lại những hậu quả khôn lường. Các quốc gia cũng nên nhìn nhận các dự báo về chính sách dập dịch với mức độ thận trọng để giảm thiểu tác động đến xã hội.
(Theo enternews.vn)
.