.

Thế giới tuần qua: Đối đầu song phương

Cập nhật: 20:13, 26/07/2020 (GMT+7)

Bên cạnh vấn đề dai dẳng của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, tuần qua cũng ghi nhận nhiều căng thẳng giữa các quốc gia trên, đơn cử như cuộc trả đũa ngoại giao Mỹ - Trung, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập có nguy cơ đối đấu tại Syria, đàm phán hậu Brexit vẫn bế tắc.

1. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp

Tính đến sáng 25-7, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt 15,9 triệu ca, trong đó có hơn 641.000 trường hợp tử vong, tại 213 nước và vùng lãnh thổ. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là trên 9,7 triệu người.

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, có gần 4,25 triệu trường hợp mắc và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 148.453 người. Có những ngày trong tuần, nước này ghi nhận kỷ lục hơn 70.000 ca. Hiện, Mỹ vẫn chiếm hơn 1/4 số ca tử vong trên toàn cầu. Điều này khiến Tổng thống Donald Trump hứng chịu nhiều chỉ trích vì cách đối phó với dịch bệnh.

Ấn Độ vẫn là một điểm nóng lớn nhất về Covid-19 ở châu Á. Ảnh: The Print
Ấn Độ vẫn là một điểm nóng lớn nhất về Covid-19 ở châu Á. Ảnh: The Print

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 ở Mỹ Latin và là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm gần 60.000 ca mắc và 1.178 ca tử vong ngày 24-7, nâng tổng số lên 2.348.200 ca bệnh và 85.385 ca tử vong.

Ổ dịch lớn nhất châu Á, Ấn Độ, ghi nhận thêm gần 50.000 ca mắc và 761 ca tử vong trong ngày 24-7. Tổng số ca mắc Covid-19 của nước này là 1.337.022, trong đó có 31.406 ca tử vong. Quốc gia Nam Á hiện giờ đã đứng thứ 3 trên thế giới về số ca mắc.

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại số ca mắc Covid-19 ngày một tăng ở châu Âu, đồng thời khuyến cáo các nước này áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, nếu cần thiết.

Thống kê cho thấy, số ca mắc tại châu Âu đã lên tới gần 3 triệu người, chiếm khoảng 20% tổng số ca mắc trên toàn thế giới. Hiện châu Âu vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề nhất với số người tử vong chiếm hơn 32% tổng số người tử vong trên thế giới.

2. Cuộc chiến ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc đang sử dụng cách trả đũa lẫn nhau trong “ván cờ ngoại giao”. Theo đó, Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, đây là sự đáp trả hợp pháp và cần thiết đối với các biện pháp không phù hợp từ phía Mỹ. Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán tại Houston.

Ảnh minh họa. Nguồn: Sputnik News
Ảnh minh họa. Nguồn: Sputnik News

Tại Mỹ, ngoài Tổng lãnh sự quán ở Houston và Đại sứ quán ở thủ đô Washington, Trung Quốc hiện còn có 4 phái bộ ngoại giao khác tại New York, Los Angeles, San Francisco và Chicago.

Ở Trung Quốc, Mỹ có Đại sứ quán ở Bắc Kinh và có các Tổng lãnh sự quán ở Thành Đô, Vũ Hán, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Dương, và một lãnh sự quán phụ trách các đặc khu Hong Kong và Macao.

Cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ 3 đối tượng là công dân Trung Quốc do hành vi gian lận thị thực, trong khi đối tượng thứ 4 đang lẩn trốn trong Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco.

Những căng thẳng leo thang dồn dập giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây xoay quanh hàng loạt vấn đề, từ chuyện ứng phó đại dịch Covid-19, thương mại, công nghệ cho đến các điểm nóng an ninh trên thế giới, khiến quan hệ song phương giữa hai nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua.

3. Ấn Độ áp đặt rào cản thương mại vào các nước láng giềng

Ấn Độ mới đây đã công bố kế hoạch áp đặt quy định hạn chế thương mại với các nước láng giềng, được cho là động thái nhằm giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Theo quy định mới, các công ty từ những quốc gia chung đường biên giới trên đất liền với Ấn Độ bị cấm đấu thầu hợp đồng của chính phủ đối với hàng hóa và dịch vụ cho đến khi họ đăng ký với Bộ Công nghiệp Ấn Độ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Business Standard
Ảnh minh họa. Nguồn: Business Standard

Đây là biện pháp mới nhất trong một loạt các bước được thực hiện bởi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm để Ấn Độ thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc - nguồn nhập khẩu lớn nhất của New Delhi.

Trước đó, chính quyền nước này đã cấm sử dụng 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong khi hàng hóa mua từ Trung Quốc bị trì hoãn tại các cảng Ấn Độ sau khi xảy ra xung đột giữa hai nước láng giềng dọc biên giới Himalaya.

Những động thái như vậy là một phản ứng có tính toán để định hình bước đi của Ấn Độ về vấn đề biên giới đang ngày càng nghiêm trọng, trong trường hợp không có bất kỳ cam kết nào của Trung Quốc để giải quyết một cách thân thiện.

4. Nguy cơ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập xung đột tại Libya

Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch quân sự để chuẩn bị cho khả năng Ai Cập can thiệp vào tình hình ở Libya.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị kế hoạch này sau khi Quốc hội Ai Cập “bật đèn xanh” cho việc triển khai quân ở bên ngoài lãnh thổ, cho phép Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi hành động như những gì nhà lãnh đạo này từng tuyên bố về vấn đề Libya.

Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Manbij, Syria. Ảnh: The New Arab
Đoàn xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Manbij, Syria. Ảnh: The New Arab

Trước đó, cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin tuyên bố rằng Ankara không muốn leo thang căng thẳng ở Libya hay đối đầu với Ai Cập ở quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, theo ông Kalin, Ankara sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở Libya.

Giới quan sát nhận định, tình hình ở Libya ngày càng trở nên rối ren khi có nhiều thế lực bên ngoài can thiệp và hậu thuẫn cho các bên đối địch với nhiều mức độ khác nhau. Đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ GNA còn Ai Cập hậu thuẫn cho lực lượng tự xưng là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền Đông.

Hiện Libya đang tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đang hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ.

5. Đàm phán hậu Brexit vẫn bế tắc

Kết thúc vòng đàm phán thứ năm, Liên minh châu Âu (EU) và Anh vẫn bế tắc trong việc dàn xếp cho cuộc “ly hôn” lịch sử tại lục địa già. Cả hai bên đều không chịu nhượng bộ trong các vấn đề gai góc nhất như nghề cá hay những điều kiện về cạnh tranh công bằng.

Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier khẳng định, khối này luôn nhất quán lập trường rằng mối quan hệ đối tác kinh tế với Anh phải được xây dựng dựa trên một sân chơi bình đẳng và một thỏa thuận công bằng. Vì vậy, việc London từ chối các điều kiện về cạnh tranh công bằng và thỏa thuận cân bằng về thủy sản khiến cho việc đạt được thỏa thuận thương mại song phương là không thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: The Guardian
Ảnh minh họa. Nguồn: The Guardian

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost cũng thừa nhận hai bên vẫn còn khác biệt quá lớn. Nước Anh muốn giành lại quyền kiểm soát đánh bắt cá trong vùng lãnh hải của mình, nơi chịu sự chi phối theo các quy tắc của EU trong gần nửa thế kỷ qua.

EU muốn thỏa thuận hậu Brexit là một thỏa thuận bao trùm duy nhất, trong đó tranh chấp ở một lĩnh vực có thể dẫn đến hậu quả ở một lĩnh vực khác, nhưng Anh muốn một loạt các thỏa thuận nhỏ với các phụ lục riêng. Phía Anh sẵn sàng thỏa hiệp với những điều khoản thỏa đáng có thể được tìm thấy để giải quyết tranh chấp.

Chính thức rời EU từ ngày 31-1, nhưng nước Anh vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của khối cho tới ngày 31-12-2020 để hai bên đàm phán về mối quan hệ song phương hậu Brexit. Để tránh những tổn hại của một cuộc “ly hôn” không thỏa thuận, hai bên có thể sẽ thay đổi lập trường và nhượng bộ nhất định vào phút chót.

6. Palestine sẵn sàng đàm phán với Israel

Tổng thống Mahmoud Abbas ngày 23-7 tuyên bố, Palestine sẵn sàng tham gia đàm phán với phía Israel một khi nước này dừng các bước sáp nhập.

Tuyên bố trên được ông Abbas đưa ra trong cuộc điện thoại chúc mừng Thủ tướng Na Uy Irna Solberg về cuộc bầu cử của nước này vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đầu năm 2021. Trong đó, ông Abbas bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Israel dưới sự bảo trợ của Bộ tứ quốc tế và sự tham gia của các quốc gia khác một khi Israel chấm dứt sự thôn tính.

Palestine và dư luận quốc tế phản đối kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel. Nguồn: AFP
Palestine và dư luận quốc tế phản đối kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel. Nguồn: AFP

Israel tuyên bố kế hoạch sáp nhập một phần Bờ Tây, bất chấp dư luận quốc tế phản đối kế hoạch này. Hiện tại kế hoạch vẫn đang bị trì hoãn do Israel chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ trong thực hiện “thỏa thuận thế kỷ”. Theo kế hoạch này, Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô thống nhất của Israel, áp đặt chủ quyền lên tới 30% đất đai của Bờ Tây.

Về phần mình, Palestine coi động thái này vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa sự ổn định của khu vực. Người phát ngôn của Tổng thống Palestine từng cho biết, Palestine chưa thay đổi lập trường về quan hệ với chính quyền hiện tại của Mỹ cũng như của Israel.

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet tuyên bố kế hoạch của Israel sáp nhập một phần lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng ở Bờ Tây là trái phép, đồng thời cảnh báo động thái này có thể gây ra hậu quả thảm khốc.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.