Thế giới tuần qua: Thế đối đầu dai dẳng
Tuần qua, bên cạnh những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran, Mỹ-Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Bên cạnh đó, thế giới cũng chứng kiến hình ảnh một nước Nga cải cách mạnh mẽ nhằm hướng tới tương lai thịnh vượng.
1. Iran ra lệnh bắt Tổng thống Trump, quan hệ giữa Iran và Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng
Ngày 29-6, Iran đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng 35 quan chức chính quyền Mỹ, với cáo buộc liên quan đến vụ Tướng Iran Qassem Soleimani bị thiệt mạng trong vụ không kích tại Iraq hồi đầu năm. Iran đã yêu cầu Interpol giúp đỡ trong việc bắt giữ này.
Ông Ali Alqasimehr - Công tố viên Iran khẳng định Tehran sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc, thậm chí cho tới khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ và trở thành một công dân bình thường.
Tướng Qassem Soleimani. Ảnh: Bloomberg |
Washington vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức. Tuy nhiên, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran Brian Hook trả lời hãng tin CNN khi ở thăm Saudi Arabia, đã phát biểu coi lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump là một "mưu đồ chính trị", không liên quan gì đến an ninh quốc gia, hòa bình thế giới hay thúc đẩy ổn định.
Hiện Interpol chưa đưa ra phản ứng nào. Tuy nhiên, nguyên tắc của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế là không can thiệp vào vụ các việc mang nặng màu sắc chính trị.
Dù Tổng thống Donald Trump không phải đối mặt với nguy cơ bị bắt, tuy nhiên, động thái trên của Iran càng làm leo thang căng thẳng quan hệ giữa hai nước, kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) tháng 5-2018, tiếp sau đó là các lệnh trừng phạt toàn diện chống Tehran và đe dọa tấn công Iran. Mới đây nhất, Washington đã thúc ép Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gia hạn các lệnh trừng phạt Iran khi các lệnh này hết hạn vào tháng 10 tới, đồng thời trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một dự thảo nghị quyết nhằm mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.
2. Luật An ninh Hong Kong chính thức được thông qua: Mỹ và Trung Quốc đe dọa trừng phạt lẫn nhau
Ngày 30-6, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua Luật an ninh quốc gia về Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, tạo tiền đề cho những thay đổi căn bản nhất đối với vùng lãnh thổ này.
Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định rằng Luật an ninh quốc gia về Hong Kong được xây dựng để "duy trì vững chắc chính sách 'một nước, hai chế độ' cũng như sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của Hong Kong". Luật trên là cần thiết để chống "chủ nghĩa khủng bố" và "chủ nghĩa ly khai" cũng như các hành động tội phạm như phá hoại, ly khai, khủng bố và sự can dự của nước ngoài.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, ngày 29-6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết các quy định của bộ này về việc trao cho Hong Kong quy chế đãi ngộ, trong đó có quy định miễn giấy phép xuất khẩu, đã bị đình chỉ. Những hành động tiếp theo nhằm chấm dứt quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong cũng đang được xem xét nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh thông qua Luật an ninh quốc gia về Hong Kong. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho biết Mỹ sẽ chấm dứt hoạt động xuất khẩu quốc phòng có kiểm soát đối với Hong Kong và thực hiện các bước nhằm áp đặt những hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu các công nghệ quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng sang vùng lãnh thổ này.
Thượng viện Mỹ ngày 2-7 đã thông qua một dự luật trừng phạt các thực thể Trung Quốc mà Mỹ cho rằng tham gia vào việc cản trở quyền tự chủ của Hong Kong cũng như các cơ quan tài chính có giao thương với những người này.
Về phía Trung Quốc, ngày 29-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo sẽ áp đặt những hạn chế thị thực với các công dân Mỹ với sự hướng dẫn cụ thể liên quan tới đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên cảnh báo nước này sẽ có phản ứng với những biện pháp trả đũa mạnh mẽ nếu Washington tiếp tục những hành động can thiệp vào các vấn đề Hong Kong.
Động thái diễn ra sau khi Washington thông báo những hạn chế thị thực với một số quan chức Trung Quốc liên quan tới đặc khu này.
3. Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để ứng phó dịch Covid-19
Ngày 1-7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, kêu gọi các bên tham gia xung đột trên thế giới ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức trong ít nhất 90 ngày để tạo điều kiện cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo diễn ra an toàn, thuận lợi. Nghị quyết cũng nêu rõ "khoảng dừng nhân đạo" này không ảnh hưởng tới các chiến dịch quân sự nhằm vào các tổ chức khủng bố.
Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Về tình hình dịch Covid-19, theo Worldometers, tính đến sáng 3-7, toàn cầu ghi nhận 10.968.271 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 523.132 trường hợp tử vong. Tổng số ca bình phục trên toàn thế giới đã vượt mức 6 triệu, lên 6.128.404 người. Mỹ vẫn "ngập chìm" trong khủng hoảng Covid-19 với 2.833.039 người mắc bệnh, trong đó có 131.413 ca đã tử vong.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ngày 29-6, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng "điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra" và giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới vẫn đang ở trước mắt.
4. Facebook đối mặt với làn sóng tẩy chay trên toàn cầu
Một chiến dịch mang tên "Stop Hate For Profit" (tạm dịch là "Ngừng các phát ngôn thù địch vì lợi nhuận") được phát động bởi Free Press và Common Sense, cùng một số nhóm bảo vệ các quyền dân sự ở Mỹ, trong đó có Color of Change và Liên đoàn Chống phỉ báng nhằm tẩy chay quảng cáo trên Facebook, đang thu hút được sự ủng hộ ngày càng nhiều của các công ty lớn trên phạm vi toàn cầu.
Đến nay, đã có gần 200 công ty trên toàn cầu, trong đó có Starbucks, Coca-Cola và Unilever, Verizon Communications, Puma, Ford ..., đã quyết định tạm dừng đăng quảng cáo trên Facebook.
Facebook bị một loạt thương hiệu lớn tẩy chay. Ảnh: Wall Street Journal |
Facebook lâu nay đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì cách xử lý yếu kém trước các thông tin giả và phát ngôn thù địch tràn lan trên mạng xã hội có lượng người dùng nhiều nhất hành tinh. Mỗi năm Facebook "bỏ túi" 70 tỷ USD nhờ quảng cáo.
Các nhà tổ chức chiến dịch tẩy chay có những động thái mạnh mẽ trên sau khi cho rằng những biện pháp mới mà Facebook đưa ra hôm 26-6 nhằm chặn quảng cáo và dán nhãn phát ngôn thù địch của các chính trị gia không đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch. Phong trào này yêu cầu Facebook áp dụng kiểm duyệt riêng biệt để hỗ trợ người dùng bị phân biệt đối xử vì chủng tộc hoặc các đặc điểm nhân dạng khác, minh bạch hơn về số lượng phát ngôn thù địch được báo cáo và ngừng thu lợi quảng cáo từ các nội dung có hại.
5. Nga sửa đổi Hiến pháp lớn nhất trong lịch sử
Với tỷ lệ 77,92% cử tri ủng hộ trong tổng số 64,99% cử tri đi bỏ phiếu, cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến pháp Nga do Tổng thống Vladimir Putin khởi xướng đã được hoàn tất.
Theo đề xuất, gói sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ sửa đổi 41 điều và bổ sung thêm 5 điều mới, nghĩa là liên quan đến hơn 60% các điều khoản trong Hiến pháp 1993. Sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ làm thay đổi cấu trúc thượng tầng, chuyển bớt quyền từ Tổng thống sang Quốc hội và chính phủ, đồng thời hướng tới một hệ thống nghị viện dân chủ và cân bằng hơn so với Hiến pháp năm 1993.
Kiểm phiếu về sửa đổi Hiến pháp tại Nga. Ảnh: RIA Novosti |
Sửa đổi Hiến pháp cũng quy định không cho phép các quan chức chính phủ có quốc tịch kép, phải thường xuyên sống ở Nga và không được mở tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài. Các sửa đổi cũng rất chú trọng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, bảo vệ các giá trị gia đình, bảo tồn di sản văn hóa, hỗ trợ cho khoa học Nga…
Hiến pháp sửa đổi cũng khẳng định rõ quy định một người không được giữ quá 2 nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp, song có một nội dung bổ sung, là sau khi bản Hiến pháp này có hiệu lực, sẽ không tính số nhiệm kỳ đối với những người đã và hiện đang là tổng thống Nga, đồng nghĩa với Tổng thống đương nhiệm Putin có thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2024. Theo nội dung bổ sung này, ngoài Tổng thống đương nhiệm Putin, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, nếu ra tranh cử năm 2024, cũng được "xóa" nhiệm kỳ tổng thống trước đây.
Kể từ khi Hiến pháp nước Nga đương đại được thông qua năm 1993, trong vòng 27 năm, Luật cơ bản của LB Nga được sửa đổi 3 lần, nhưng đây là lần sửa đổi có quy mô lớn nhất. Việc sửa đổi Hiến pháp này sẽ làm thay đổi đáng kể cấu trúc quyền lực nhà nước Nga hiện nay, tạo ra một nền tảng mới về chất cho quá trình phát triển của cả một giai đoạn dài sắp tới.
(Theo qdnd.vn)