Thế giới tuần qua: Hy vọng trong cơn khủng hoảng
Tuần qua, việc Nga tuyên bố phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19, Israel nhất trí hoãn sáp nhập Bờ Tây sau khi bình thường hóa quan hệ với UAE. Mặc dù cần phải có những bước kiểm nghiệm thực tế, nhưng đó vẫn là những tín hiệu tích cực, mang lại hy vọng vượt qua cơn khủng hoảng cho nhiều quốc gia, khu vực hiện nay.
1. Nga trở thành nước đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa Covid-19
Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người.
Tiêm phòng vaccine ngừa bệnh Covid-19 cho người dân ở Nga. Ảnh: Moskva News Agency/TTXVN |
Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Liên bang Nga khẳng định kết quả thử nghiệm đã cho thấy vaccine phát huy hiệu quả, có độ an toàn cao và khả năng miễn dịch kéo dài đến 2 năm. Hiện đã có 20 quốc gia đặt mua hơn 1 tỉ liều vaccine này.
Bộ Y tế Nga cho biết Gam-COVID-Vac là loại vaccine vector hai thành phần dựa trên loại adenovirus có nguồn gốc ở người. Vaccine đã trải qua tất cả các thử nghiệm cần thiết về an toàn và hiệu quả trên một số loài động vật (động vật gặm nhấm và linh trưởng), sau đó đã được thử nghiệm trên hai nhóm tình nguyện viên (mỗi nhóm 38 người). Tuy nhiên, vaccine của Nga hiện vẫn chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 với sự tham gia của hàng nghìn người để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả.
Về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 22 giờ ngày 14-8, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 21,12 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có hơn 758.300 ca tử vong. Hơn 13,98 triệu bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục trong khi hơn 6,38 triệu ca đang được điều trị, trong đó hơn 64.500 ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.
2. Đạt thỏa thuận lịch sử với UAE, Israel nhất trí ngừng sáp nhập Bờ Tây
Ngày 13-8, Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ được đánh giá là lịch sử do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. Một nội dung quan trọng của thỏa thuận được các quan chức Nhà Trắng đưa ra là Israel nhất trí ngừng áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây.
Israel tạm dừng tuyên bố chủ quyền ở các khu định cư Bờ Tây. Ảnh: AP |
Hiện các nước đang có những đánh giá trái chiều về thỏa thuận này. Liên hợp quốc, Mỹ, Anh, Đức và một số nước đánh giá cao thỏa thuận, hoan nghênh quyết định của Israel khi từ bỏ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine, coi đây là một bước tiến đóng góp cho hòa bình khu vực.
Tuy nhiên, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lại phản đối thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE. Bộ Ngoại giao Iran đánh giá thỏa thuận trên là "nguy hiểm và bất hợp pháp". Tehran cho rằng bước đi trên làm phương hại tới người Palestine.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích thỏa thuận lịch sử giữa Israel và UAE là nhằm viết lại trật tự chính trị Trung Đông, từ vấn đề Palestine cho tới cuộc chiến chống Iran. Bộ trên cũng bày tỏ "vô cùng lo ngại rằng UAE, thông qua hành động đơn phương, sẽ đặt dấu chấm hết cho Sáng kiến Hòa bình Arab do Liên đoàn Arab đề xuất và được Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ủng hộ".
Về phía Palestine, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã bác bỏ thỏa thuận nói trên. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên án thỏa thuận. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeineh tuyên bố "giới lãnh đạo Palestine bác bỏ và lên án thông báo 3 bên và bất ngờ của UAE, Israel và Mỹ". Ông Abu Rudeineh cho hay thỏa thuận trên là một "sự phản bội đối với Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp của Palestine".
3. Mỹ - Trung tiếp tục đáp trả lẫn nhau
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên căng thẳng trong hai năm gần đây do chính sách thương mại "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau. Mối quan hệ ngày càng xấu đi liên quan đến các vấn đề Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), vấn đề Biển Đông, các tổ chức truyền thông của Trung Quốc tại Mỹ, việc hai nước đóng cửa các cơ quan lãnh sự quán của nhau và gần đây là việc Mỹ cấm một số công ty công nghệ và phần mềm của Trung Quốc, trong đó có ứng dụng TikTok và WeChat.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: AP |
Ngày 10-8, Trung Quốc tuyên bố bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức Mỹ, trong đó có hai Thượng nghị sĩ là Ted Cruz và Marco Rubio. Bắc Kinh cho rằng, những nhân vật này đã hành xử "thái quá" đối với các vấn đề liên quan đến Hong Kong.
Động thái trên của Trung Quốc được đưa ra sau khi Washington ngày 7-8 áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng 10 quan chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục vì cái gọi là "làm suy yếu quyền tự trị" của đặc khu. Theo lệnh trừng phạt, toàn bộ tài sản tại Mỹ và lợi ích liên quan của các quan chức có tên trong danh sách hoặc các tổ chức do họ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp, từ 50% trở lên, bị phong tỏa và phải được báo cáo cho Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ.
Vẫn chưa dừng lại ở đó, từ ngày 13-8, Mỹ đã cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm của các công ty sử dụng các dịch vụ viễn thông, giám sát hình ảnh cũng như thiết bị do 5 công ty công nghệ của Trung Quốc cung cấp gồm: Huawei, ZTE Corp., Hytera Communications Corp., Hangzhou Hikvision Digital Technology Co. và Zhejiang Dahua Technology Co. Lý do của lệnh cấm này được Washington đưa ra là các sản phẩm của các công ty Trung Quốc có thể được sử dụng cho các hoạt động do thám và những hoạt động khác gây tổn hại an ninh quốc gia Mỹ.
Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, ngày 14-8, Washington đã yêu cầu trung tâm quản lý các Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại Mỹ sẽ phải đăng ký là phái bộ nước ngoài. Phía Mỹ cho rằng các Viện Khổng Tử là thực thể giúp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền toàn cầu, cũng như chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại các trường học Mỹ.
4. Liban chìm sâu trong khủng hoảng
Vụ nổ ngày 4-8 tại một nhà kho của cảng Beirut, Liban không chỉ gây ra những thiệt hại rất lớn về người và của, mà còn đẩy quốc gia Trung Đông này chìm sâu vào một khủng hoảng toàn diện cả về chính trị, kinh tế và xã hội.
Vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Beirut của Liban. Ảnh: AP |
Khoảng 300.000 người không còn nhà để về, nạn đói rình rập khắp nơi khi nước này sẽ hết bánh mỳ trong vòng 2,5 tuần nữa vì 85% lượng ngũ cốc đã bị phá hủy trong vụ nổ. Ít nhất 15 cơ sở y tế, trong đó có 3 bệnh viện lớn, đã bị phá hủy nghiêm trọng, ngoài ra có hơn 120 trường học bị hư hại nặng, dẫn tới nguy cơ gián đoạn việc học của 55.000 trẻ em. Liên hợp quốc ước tính trong 3 tháng tới, chương trình khẩn cấp hỗ trợ Liban cần 117 triệu USD cho các dịch vụ y tế, chỗ trú ẩn, phân phối thực phẩm và phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Tình trạng hỗn loạn đã xảy ra do các cuộc đụng độ giữa hàng nghìn người biểu tình phản đối chính phủ với cảnh sát. Thủ tướng Liban Hassan Diab cùng một loạt quan chức cấp bộ trưởng đã tuyên bố từ chức.
Liban trong nhiều năm qua nổi lên là trung tâm của những bất ổn chính trị với những mâu thuẫn nội bộ, xung đột đảng phái và sự can thiệp mạnh mẽ từ bên ngoài. Bên cạnh đó, những tác động từ vấn đề người tị nạn Syria, đại dịch Covid-19... khiến quốc gia Trung Đông này lâm rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
5. Gia tăng căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ
Căng thẳng trong quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bị đẩy lên cao khi ngày 10-8, Thổ Nhĩ Kỳ điều một tàu khảo sát được các tàu chiến hộ tống để vẽ bản đồ lãnh hải phục vụ khoan thăm dò dầu khí ở khu vực mà cả hai nước đồng minh NATO này đều tuyên bố quyền tài phán trên biển Địa Trung Hải.
Căng thẳng gia tăng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng biển tranh chấp ở phía Đông Địa Trung Hải. Ảnh: Reuters |
Va chạm giữa tàu chiến hai bên đã xảy ra. Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin quốc phòng Hy Lạp cho biết một tàu chiến của Hy Lạp và một tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ đã va chạm nhau ở phía Đông Địa Trung Hải trong ngày 12-8, tuy nhiên nguồn tin này mô tả đây là "một vụ tai nạn". Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận gì về vụ việc trên. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại thủ đô Ankara ngày 13-8 nhấn mạnh bất kỳ hành động tấn công nào vào tàu Thổ Nhĩ Kỳ đang thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp trên Địa Trung Hải "sẽ phải trả giá đắt".
Hy Lạp cho biết đã điều tàu hải quân đến giám sát tàu nghiên cứu Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ. Quan chức cấp cao Hy Lạp George Gerapetritis khẳng định: "Chúng tôi đang trong tư thế hoàn toàn sẵn sàng hành động. Hầu hết hạm đội này sẵn sàng được triển khai đến bất cứ nơi nào cần".
Tranh chấp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan thềm lục địa và chủ quyền của một số đảo kéo dài từ năm 1973 đến nay và được coi là một trong 7 điểm nóng trên biển toàn thế giới. Hy Lạp tuyên bố nhiều hòn đảo của nước này trên biển Aegean là các khu vực hàng hải theo luật pháp quốc tế, song Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bác bỏ quan điểm này. Hiện tại, hai nước vẫn chưa thể tìm giải pháp để hóa giải mâu thuẫn về phân định biên giới trên biển.
(Theo qdnd.vn)