.

Thế giới tuần qua: Đối đầu gia tăng

Cập nhật: 14:48, 13/09/2020 (GMT+7)

Tuần qua, căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục “tăng nhiệt” vì vấn đề thị thực; Ấn - Trung đổ lỗi cho nhau nổ súng tại khu vực biên giới; đàm phán thời kỳ hậu Brexit lâm vào khủng hoảng mới, Eu ra tối hậu thư đối với Anh… là những vấn đề khiến cho tình hình thế giới trở nên nóng hơn.

1. Vòng đàm phán về quan hệ đối tác mới hậu Brexit thất bại. EU đe dọa sử dụng pháp lý với Anh

Ngày 10-9, Anh và EU đã kết thúc vòng đàm phán thời kỳ hậu Brexit thứ tám mà không đạt được kết quả khả quan nào. Nguyên nhân được cho là do London có kế hoạch lật lại các nội dung của Thỏa thuận rút lui đã được ký kết năm 2019 với EU.

Mâu thuẫn mới phát sinh liên quan chủ yếu tới vùng Bắc Ireland thuộc Anh, nơi có đường biên giới trên bộ duy nhất với CH Ireland, một thành viên EU. Theo Hiệp định ngày Thứ Sáu tốt lành giúp chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột ở vùng đất này, đường biên giới trên phải luôn luôn trong trạng thái mở. Để đảm bảo điều này, Thỏa thuận rút lui đã nêu rõ một số quy định của EU sẽ được duy trì tại vùng Bắc Ireland sau khi Anh rời khỏi khối.

Ảnh minh họa: AP
Ảnh minh họa: AP

Tuy nhiên, dự luật Thị trường nội địa của Chính phủ Anh công bố ngày 9-9 lại cho phép London bỏ qua những điều khoản này. Theo dự luật này, hàng hóa từ Bắc Ireland đi sang đảo Anh (England, Scotland và Wales) sẽ không phải khai báo hải quan và Bắc Ireland cũng sẽ không chịu sự ràng buộc của những quy định về trợ cấp nhà nước của EU sau khi thời gian chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc.

Ủy ban châu Âu (EC) đã ra tối hậu thư yêu cầu Chính phủ Anh rút lại dự luật mới này vào cuối tháng 9, nhấn mạnh EU “sẽ không do dự” sử dụng luật pháp nếu yêu cầu này không được đáp ứng. Thông cáo của EC nêu rõ: “Việc vi phạm các điều khoản của thỏa thuận Brexit sẽ vi phạm luật pháp quốc tế, hủy hoại lòng tin và gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán về quan hệ tương lai". Tuy nhiên, Anh đã thẳng thừng từ chối.

Mặc dù 2 bên đã nhất trí nối lại đàm phán trong tuần tới tại Brussels, nhưng với kết quả đàm phán như vậy, nguy cơ Anh và EU không đạt được một thỏa thuận và mối quan hệ giữa hai bên sẽ được thực hiện theo các quy định của WTO từ ngày 1-1-2021, trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Bởi vòng đàm phán này được xem là cơ hội gần như cuối cùng để hai bên đạt được một thỏa thuận khung và có thể hoàn thiện cho các nhà lãnh đạo ký kết tại hội nghị thượng đỉnh vào giữa tháng 10 tới, trước khi Quốc hội Anh, Nghị viện châu Âu và quốc hội các nước thành viên EU có thể kịp thời phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 2021.

2. Mỹ - Trung “khai hỏa” cuộc chiến thị thực

Cuộc chiến thị thực giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra căng thẳng. Sau những hành động đáp trả lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, vấn đề Hong Kong, Đài Loan, công nghệ, đại dịch Covid 19…, nay lại lan sang lĩnh vực thị thực.

Mới đây, ngày 9-9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã thu hồi thị thực cấp cho hơn 1.000 sinh viên và nhà nghiên cứu là công dân Trung Quốc. Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ban hành sắc lệnh 10043, dừng cấp thị thực cho sinh viên cao học và các nhà nghiên cứu Trung Quốc, cho rằng nhiều người trong số này "mưu toan đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và tìm kiếm thông tin hỗ trợ chương trình hiện đại hóa quân đội" của Trung Quốc. Washington cho rằng đây là những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nước này. Dự báo sắc lệnh này có thể ảnh hưởng đến 3.000 - 5.000 sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Sinh viên Trung Quốc bị hủy visa sinh viên ở Mỹ do bị coi là nguy cơ về an ninh. Ảnh: China Daily
Sinh viên Trung Quốc bị hủy visa sinh viên ở Mỹ do bị coi là nguy cơ về an ninh. Ảnh: China Daily

Phản đối quyết định của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định việc Mỹ thu hồi thị thực của các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc là hành động "vi phạm nhân quyền". Trung Quốc đồng thời hối thúc Washington tăng cường trao đổi và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.

Cũng về vấn đề thị thực, Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng thông báo sẽ hạn chế thời hạn visa cho phóng viên Trung Quốc xuống còn 90 ngày. Hồi tháng Ba, Mỹ đã cắt giảm số lượng công dân Trung Quốc được phép làm việc trong các văn phòng thuộc những cơ quan thông tấn báo chí lớn của Trung Quốc tại Mỹ, từ 160 người xuống còn 100 người. Washington cũng xếp 5 cơ quan truyền thông quốc gia của đại lục vào danh sách các cơ quan ngoại giao nước ngoài, buộc 60 nhà báo Trung Quốc phải rời khỏi Mỹ.

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc phải được Bộ Ngoại giao Mỹ cấp phép trước khi đến các trường đại học hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa với sự tham gia của hơn 50 người bên ngoài khuôn viên đại sứ quán và các lãnh sự quán Trung Quốc ở Mỹ.

Trong một động thái đáp trả mới nhất, ngày 11-9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với nhân viên tại Đại sứ quán cũng như các lãnh sự quán Mỹ tại Trung Quốc đại lục và Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

3. Ấn Độ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau liên quan đến các vụ nổ súng ở khu vực biên giới

Ngày 8-9, Ấn Độ và Trung Quốc đã cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước trong một cuộc đối đầu mới nhất ở khu vực biên giới Tây Himalaya.

Tuyên bố của Quân đội Ấn Độ cho biết tối 7-9, binh sĩ Trung Quốc tiến gần đến phần của Ấn Độ kiểm soát tại Ranh giới thực tế (LAC) ở khu vực Ladakh. Tuyên bố nêu rõ: "Khi bị binh sĩ Ấn Độ ngăn cản, binh sĩ Trung Quốc đã bắn chỉ thiên nhằm đe dọa binh sĩ Ấn Độ". Quân đội Ấn Độ cũng khẳng định binh sĩ của mình "hoàn toàn không vượt quá LAC hay sử dụng bất kỳ phương tiện tấn công nào bao gồm cả nổ súng, và đã hành động rất kiềm chế".

Ấn Độ triển khai hàng nghìn binh sĩ sau cuộc xung đột tại biên giới với Trung Quốc hồi tháng 6. Ảnh: Reuters/TTXVN
Ấn Độ triển khai hàng nghìn binh sĩ sau cuộc xung đột tại biên giới với Trung Quốc hồi tháng 6. Ảnh: Reuters/TTXVN

Phía Trung Quốc thì cho rằng, binh sĩ Ấn Độ đã vi phạm đường ranh giới không chính thức ở phía Nam hồ Pangong Tso. Một đại diện của Bộ chỉ huy miền Tây của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết: "Binh sĩ Ấn Độ đã đe dọa nổ súng vào lực lượng tuần tra biên giới của Trung Quốc khi lực lượng này đến để đàm phán, khiến lính biên phòng Trung Quốc buộc phải có biện pháp đáp trả để ổn định tình hình". Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định binh sĩ Ấn Độ đã vượt qua LAC một cách trái phép và là phía nổ súng trước.  

Khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng 6 vừa qua giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh, thuộc vùng lãnh thổ Kashmir. Cuối tháng 6, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới này. Đáp lại, Ấn Độ cũng điều thêm 5.000 binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc LAC. Ngày 6-9, quân đội Ấn Độ đã kích hoạt đường dây nóng quân sự nhằm xoa dịu căng thẳng ở khu vực biên giới giữa hai nước.

4. Dịch Covid-19: Đòn giáng vào “bong bóng du lịch” ở Đông Nam Á. Ấn Độ đối mặt với kịch bản tồi tệ

Hy vọng phục hồi ngành du lịch chủ chốt của một số nước ở Đông Nam Á đã trở nên "mong manh hơn" sau khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gia tăng trên đảo Bali của Indonesia và xuất hiện ca đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng ở Thái Lan sau 100 ngày. Kế hoạch mở cửa lại đảo Bali cho khách nước ngoài từ tháng 9 đã bị hoãn lại vô thời hạn, trong khi đề xuất mở cửa một cách cẩn trọng đảo Phuket của Thái Lan cũng trở nên không chắc chắn.

Du khách tại Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta, gần thủ đô Jakarta của Indonesia. Ảnh: Reuters
Du khách tại Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta, gần thủ đô Jakarta của Indonesia. Ảnh: Reuters

Ban đầu, Bali dường như vượt qua được cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 tốt hơn so với các nơi khác của Indonesia, nước đến nay có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, số ca nhiễm trên đảo du lịch nổi tiếng này đã tăng gần gấp 3 lần so với mức trung bình sau khi chính quyền địa phương hồi cuối tháng 7 mở cửa đón khách du lịch trong nước.  

Trong khi đó, ngành du lịch Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề khi chính phủ ngừng kế hoạch thiết lập "bong bóng du lịch" với các nước trong tháng 8 do số ca nhiễm trong ngày gia tăng ở nhiều nước ở châu Á.

Về tình hình dịch bệnh trên thế giới, theo worldometers.info, tính đến sáng 12-9, đã có hơn 28,6 triệu bệnh nhân Covid-19, trong đó 918.000 người đã tử vong.  

Tại châu Á, Ấn Độ đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất khi nước này đã vượt Brazil để đứng thứ hai thế giới về số ca mắc bệnh. Những ngày gần đây, tỷ lệ mắc mới cũng tăng nhanh nhất thế giới với khoảng 100.000 ca/ngày. Hiện tổng số ca mắc tại Ấn Độ đã lên tới 8,3 triệu ca. Số ca tử vong duy trì ở mức hơn 1.000 ca/ngày trong 10 ngày qua. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng với tốc độ lây lan hiện nay, đến cuối tháng 9 này, Ấn Độ có thể sẽ hứng chịu "kịch bản" tồi tệ hơn: Vượt qua Mỹ và trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn thế giới.

5. Cuộc đua vào vị trí Chủ tịch LDP ở Nhật Bản bắt đầu. Bầu cử Tổng thống Mỹ vào giai đoạn "nước rút"

Ngày 8-9, cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản đã chính thức bắt đầu. Người giành thắng lợi sẽ gần như chắc chắn trở thành Thủ tướng Nhật Bản, thay ông Shinzo Abe vừa từ chức, bởi LDP đang chiếm đa số ghế tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện.

Có 3 ứng cử viên đã đăng ký ra tranh cử gồm Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga; cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, người đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách LDP; và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, người đã từng giữ chức Tổng Thư ký LDP.

Các vấn đề nóng trong cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch LDP lần này gồm: Liệu có nên duy trì các chính sách của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe (nhất là chính sách kinh tế Abenomics) hay không và cách thức để tiếp tục các chính sách đó; các biện pháp đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và vực dậy nền kinh tế; việc sửa đổi Hiến pháp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (phải). Ảnh: TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (phải). Ảnh: TTXVN

Còn tại Mỹ, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống, các ứng cử viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ đã khởi động chặng cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Trong khi ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ - cựu Phó tổng thống Joe Biden - cùng đối tác liên danh tranh cử là Thượng nghị sĩ Kamala Harris nỗ lực tuyên truyền thông điệp tranh cử tại các bang dao động "buộc phải thắng" là Pennsylvania và Wisconsin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tổ chức một buổi họp báo tại Nhà Trắng vào đúng Ngày Lao động. Tại sự kiện này, ông Trump một lần nữa đề cập tới khả năng có vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trước ngày bầu cử 3-11 tới, điều mà các chuyên gia y tế cho rằng khó có khả năng xảy ra.

Dù bất đồng trong phần lớn các vấn đề, song cả hai ứng cử viên đều cho rằng cần phải đưa chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc trở về Mỹ.

Theo kết quả thăm dò dư luận, cựu Phó tổng thống Biden vẫn tạm dẫn trước đương kim Tổng thống Trump về tỷ lệ ủng hộ. Bầu cử Tổng thống Mỹ luôn được đánh giá là một cuộc đua gay cấn, khó đoán định và luôn có thể xuất hiện những yếu tố khó lường trước giờ G.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.