Thế giới tuần qua: Căng thẳng đan xen
Dịch Covid-19 tái bùng phát diện rộng ở châu Âu, hai ứng viên tổng thống Mỹ bắt đầu trở lại cuộc đua đến Nhà Trắng, giao tranh vẫn tiếp diễn giữa Armenia-Azerbaijan… là những tin tức quốc tế trong tuần qua được dư luận quan tâm.
1. Báo động về số ca mắc Covid-19 ở châu Âu
Trong tuần này, châu Âu có số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục, vượt cả Mỹ về số ca tính trên đầu người. Lục địa già đang đối mặt với nguy cơ virus SARS-CoV-2 vượt tầm kiểm soát.
Số ca mắc mới đang tăng ở cấp số nhân mỗi ngày ở châu Âu và có tới 8.000 người chết/ngày. Đại dịch đang là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ 5 ở châu Âu. Trong 10 ngày qua, đã có 1 triệu ca mắc mới ở châu lục này, nâng tổng số ca bệnh từ đầu đại dịch lên trên 6,5 triệu trường hợp.
Dịch Covid-19 tái bùng phát diện rộng ở châu Âu. Ảnh: The Guardian |
Châu Âu vừa trải qua mùa hè có vẻ bình thường hơn khi số ca mắc vẫn thấp, thậm chí nhiều nước còn mở lại nền kinh tế và một số người còn mạo hiểm đi du lịch. Tuy nhiên, tới cuối tháng 8, tình trạng lây nhiễm lại gia tăng với nhiều ca bệnh tập trung ở giới trẻ - những người vốn coi virus là mối đe dọa xa xôi.
Số ca mắc mới ở châu Âu đã vượt Mỹ trong tháng trước và số ca mắc ở Liên minh châu Âu còn cao hơn ở Mỹ trong tuần trước. Khắp châu Âu, các lãnh đạo đều bác bỏ bàn tính chuyện phong tỏa toàn quốc và thay vào đó, họ thông báo biện pháp hạn chế nhằm vào các cộng đồng là điểm nóng dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới đã phải cảnh báo rằng tỷ lệ tử vong ở châu Âu sẽ tăng mạnh nếu như các cá nhân không thay đổi hành vi. Khoảng 60% người dân châu Âu đang đeo khẩu trang, nhưng nếu con số đó tăng lên 95% và mọi người đều tuân thủ giãn cách xã hội thì mới có thể tránh được kịch bản dịch bệnh tồi tệ nhất.
2. Hai ứng viên Tổng thống Mỹ trở lại cuộc đua
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ Joe Biden đã chính thức quay trở lại đường đua vào Nhà Trắng với việc ghé thăm ba bang chiến lược trong ngày 16-10, một ngày sau khi xuất hiện trong hai sự kiện vận động được truyền hình trực tiếp.
Ông Trump đến Florida và Georgia, hai bang được coi là rất quan trọng đối với cơ hội chiến thắng của ông, trong khi ông Biden sẽ đến thăm hai thành phố ở Michigan, một bang chiến trường khác.
Người dân theo dõi đồng thời hai sự kiện vận động được truyền hình trực tiếp của ông Trump và Biden. Ảnh: Reuters |
Ứng cử viên Biden đang dẫn đầu trong nhiều cuộc thăm dò dư luận. Hơn 18 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu, nhiều hơn con số cùng thời điểm năm 2016. Bang Louisiana cũng bắt đầu bỏ phiếu sớm vào ngày 16-10. Trước đó, các bang Georgia, Texas và North Carolina cũng chứng kiến số người đi bầu cử cao kỷ lục.
Tại hai sự kiện được truyền hình trực tiếp, sự khác biệt giữa hai ứng viên đã được thể hiện rõ nét. Trong khi đương kim Tổng thống bày tỏ nghi ngờ rằng cuộc bầu cử năm nay đầy rẫy nguy cơ gian lận, hoài nghi về việc liệu khẩu trang có thể thực sự ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19; cựu Phó tổng thống Mỹ lại đưa ra những câu trả lời nặng về chính sách, tập trung chỉ trích chính quyền của ông Trump trong ứng phó với đại dịch.
Cuộc tranh luận tổng thống thứ hai vốn được lên kế hoạch vào ngày 15-10 nhưng đã bị hủy bỏ sau khi ông Trump rút khỏi vì các nhà tổ chức cho biết sự kiện sẽ diễn ra dưới dạng trực tuyến để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Chiến dịch của ông Biden cũng đã bị gián đoạn trong ngày 15-10 sau khi có người trong đội ngũ của Thượng nghị sĩ Kamala Harris, người đồng hành của ông Biden, nhiễm Covid-19. Cả ông Biden và bà Harris đều xét nghiệm âm tính. Cuộc tranh luận thứ ba giữa hai ứng viên sẽ diễn ra vào ngày 22-10 tới nếu không có gì thay đổi.
3. Chiến sự Armenia-Azerbaijan leo thang
Armenia và Azerbaijan tiếp tục cáo buộc nhau phát động các cuộc tấn công mới trong và quanh vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh, khi thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo mới có hiệu lực chỉ 2 ngày.
Ngày 15-10, thủ phủ Stepanakert của vùng Nagorny-Karabakh bị pháo kích. Đây là vụ giao tranh mới nhất giữa hai bên những ngày gần đây.
Giao tranh vẫn xuất hiện tại khu vực Nagorny-Karabakh dù Azerbaijan và Armenia đã có thỏa thuận ngừng bắn. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin AFP, gần 500 người, gồm hơn 60 dân thường, đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh mới nhất giữa Azerbaijan và Armenia ở khu vực Nagorny-Karabakh kể từ cuối tháng trước.
Lo ngại lửa xung đột lây sang quốc gia mình, Bộ Nội vụ Iran đã cảnh báo về “các biện pháp đáp trả thỏa đáng” nếu kịch bản này xảy ra. Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Iran thông báo Tehran sẵn sàng hòa giải xung đột miễn là hai bên “kiềm chế, chấm dứt giao tranh ngay lập tức và nối lại đàm phán”.
Trước đó, Azerbaijan và Armenia đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn dưới sự dẫn dắt của Nga và thỏa thuận này có hiệu lực từ trưa 10-10. Hai bên nhất trí dừng cuộc xung đột để trao đổi tù nhân và thi thể những người thiệt mạng.
4. Hội nghị thượng đỉnh quyết định tương lai quan hệ Anh - EU
Câu chuyện nước Anh rời khỏi “mái nhà chung” Liên minh châu Âu (EU) (hay Brexit) vẫn chưa đi đến hồi kết và trở thành chủ đề thời sự nóng nhất tại châu Âu trong những ngày qua.
Trên lý thuyết, Anh đã chính thức rút khỏi EU từ ngày 31-1-2020 và có gần 1 năm cho “quá trình chuyển tiếp” để hai bên định hình mối quan hệ trong tương lai ở tất cả các lĩnh vực từ thương mại tới giao thông và hợp tác hạt nhân. Càng gần đến cuối năm, các cuộc đàm phán càng trở nên gấp rút trong bối cảnh vẫn còn quá nhiều khác biệt.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu bắt đầu từ ngày 15-10. Ảnh: AFP |
Hội nghị thượng đỉnh 27 nước thành viên EU khai mạc vào ngày 15-10 (theo giờ địa phương) tại Brussels, Bỉ, được xem là thời hạn chót để các bên quyết định liệu có đạt được thỏa thuận nào hay không. Giới quan sát kỳ vọng, hai bên sẽ có sự nhượng bộ lẫn nhau để tránh một cuộc “chia tay” không thỏa thuận sẽ gây bất lợi cho cả hai.
Trong các cuộc đàm phán từ tháng 3-2020, cả EU và Anh đều giữ quan điểm rất cứng rắn. Cho đến nay, chưa có bên nào chịu đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào lớn, khiến 10 vòng đàm phán rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, khác với thỏa thuận Brexit để xử lý việc Anh rời EU, thỏa thuận lần này mà EU đàm phán với Anh là một thỏa thuận định hình quan hệ chiến lược trong tương lai giữa hai bên. Vì thế, EU có nhận thức rất rõ về việc nước Anh có thể trở thành một đối thủ nguy hiểm cạnh tranh trực tiếp với EU ở ngay cửa ngõ EU.
Ngoài ra, tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ thảo luận, chia sẻ về tình hình dịch Covid-19, mục tiêu của khối trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chính sách quan hệ đối ngoại và gói khôi phục kinh tế trị giá 750 tỷ euro.
5. Israel thông qua kế hoạch mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây
Ngày 16-10, nhiều nước châu Âu đã lên án quyết định của Israel phê chuẩn việc xây dựng thêm hàng nghìn nhà định cư ở Bờ Tây, vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng, gọi đây là động thái “phản tác dụng”, phá hoại các nỗ lực hòa bình trong khu vực.
Trước đó, Ủy ban kế hoạch cấp cao của chính quyền dân sự Israel thuộc Bộ Quốc phòng Israel công bố dự án xây dựng thêm 4.948 nhà dân trong cuộc họp ngày 14 và 15-10. Theo thống kê, năm 2020 là năm Israel thông qua kế hoạch xây dựng nhà định cư với số lượng cao nhất 12.159 căn kể từ năm 2012.
Khu định cư Efrat của Israel tại thành phố Bethlehem, Bờ Tây. Ảnh: Times of Israel |
Kế hoạch được thông qua chưa đầy 1 tháng sau khi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain ký thỏa thuận hướng tới bình thường hóa quan hệ với Israel mà trong đó Israel cam kết sẽ đóng băng các kế hoạch mở rộng khu định cư Do Thái tại Bờ Tây.
Israel đã nhất trí hoãn các kế hoạch này theo thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE. Tuy nhiên, việc Nhà nước Do Thái nối lại dự án xây dựng nhà định cư khi các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Arab còn chưa ráo mực cho thấy những quan ngại trước đó của Palestine là có cơ sở.
Tổng thống Palestine Mahmud Abbas từng nói các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain sẽ không mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông và chỉ khi nào Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng thì Trung Đông mới có hòa bình.
6. Cyprus dừng chương trình “hộ chiếu vàng”
Nhà chức trách Cyprus cho biết nước này sẽ dừng chương trình dùng tiền mua quốc tịch từ ngày 1-11, sau khi vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Cyprus Demetris Syllouris cho biết, ông sẽ tạm rời khỏi chức vụ từ ngày 19-10 để phục vụ cuộc điều tra vai trò của chính trị gia này trong hỗ trợ người nước ngoài mua quốc tịch trái quy định.
Cyprus tuyên bố sẽ dừng chương trình "hộ chiếu vàng" gây tranh cãi. Ảnh: Reuters |
Chương trình dùng tiền mua quốc tịch của Cyprus vấp phải chỉ trích sau khi hãng thông tấn Al Jazeera công bố tài liệu về 1.400 người mua hộ chiếu từ chính phủ quốc gia Nam Âu này trong giai đoạn 2017-2019.
Hộ chiếu Cyprus cho phép người sở hữu tự do đi lại, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Liên minh châu Âu (EU). Theo luật pháp Cyprus, người nộp đơn xin “hộ chiếu vàng” cần đầu tư vào nước này tối thiểu 2,15 triệu euro (2,5 triệu USD).
Cyprus, Malta và Montenegro được xem là cửa ngõ để nhà đầu tư nước ngoài vào châu Âu. Thời gian qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhiều lần chỉ trích Cyprus và Malta về các quy định đầu tư đổi quốc tịch rất lỏng lẻo. EC cho rằng, các chương trình này có thể bị lợi dụng, phục vụ các hoạt động rửa tiền và tham nhũng.
(Theo qdnd.vn)