Thế giới tuần qua: Cuộc đua chưa ngã ngũ
Bầu cử Mỹ tiếp tục làm “nóng” dư luận quốc tế tuần qua. Đến thời điểm hiện tại, cuộc đua vào nhà Trắng vẫn chưa ngã ngũ, cả hai bên tuyên bố sẵn sàng đưa nhau ra tòa, còn truyền thông thì công bố những số liệu khác nhau về kết quả, trong khi một số cử tri của cả hai phe tiếp tục xuống đường biểu tình.
1. Bầu cử Mỹ 2020: Bám đuổi sít sao
Chiều ngày 4-11, tất cả các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Mỹ đã chính thức đóng cửa, khép lại mùa bầu cử sôi động của cử tri Mỹ để lựa chọn vị Tổng thống thứ 46 cũng như hai viện của Quốc hội và thống đốc các bang. Trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, cử tri Mỹ bầu tổng thống và phó tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại hạ viện, 35/100 ghế tại thượng viện, 11 vị trí thống đốc bang cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc.
Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Nguồn: Jeremy Enecio |
Gay cấn nhất là cuộc đua vào nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Tới trưa 6-11 giờ Việt Nam, cuộc đua vẫn chưa thể ngã ngũ với rất nhiều diễn biến kịch tính. Ít nhất 6 bang, gồm nhiều 4 bang chiến địa Georgia, Pennsylvania, North Carolina, Arizona, cùng Nevada và Alaska chưa kiểm xong phiếu. Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump bám đuổi hết sức sít sao, thậm chí gần như tương đương nhau tại cả 6 bang này.
Các hãng truyền thông cũng đưa ra những số liệu không thống nhất về kết quả của các bang đã kiểm xong phiếu. Trong khi hãng thông tấn Mỹ AP và hãng tin Fox News đã công bố ứng cử viên Joe Biden giành chiến thắng tại bang Arizona và được 264 phiếu đại cử tri, còn ông Trump có 214 phiếu, thì một số hãng như CNN, NBC News và New York Times đưa tin có nhầm lẫn trong quá trình thống kê số phiếu đã kiểm đếm tại bang này, vì vậy ông Biden mới có 253 phiếu đại cử tri.
Cả hai ứng cử viên đều đưa ra những tuyên bố cho thấy dấu hiệu báo trước về nguy cơ nảy sinh những vấn đề phức tạp và căng thẳng dẫn tới một cuộc chiến pháp lý giữa hai bên. Tổng thống Trump cho biết sẽ khiếu nại lên Tòa án Tối cao về hoạt động kiểm phiếu, cáo buộc "một nhóm người" đang tìm cách tước quyền của hàng triệu người đã bầu chọn ông và "có đống phiếu rác bất ngờ" tại những bang nơi ông đã dẫn trước đối thủ Biden, mặc dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Trong khi đó, đội ngũ tranh cử của ứng cử viên Biden bày tỏ tự tin về chiến thắng, cảnh báo sẽ ngăn chặn hành động của Tổng thống Trump tại Tòa án Tối cao Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ không "nghỉ ngơi cho đến khi từng phiếu được kiểm" trong cuộc bầu cử.
Trong khi những tranh cãi giữa hai bên diễn ra gay gắt thì nhiều cuộc biểu tình ủng hộ hai ứng cử viên tại hàng loạt thành phố của Mỹ đã bước sang ngày thứ hai. Những người ủng hộ ông Biden xuống đường biểu tình với khẩu hiệu "Đếm mọi phiếu bầu" với niềm tin rằng một cuộc kiểm phiếu đầy đủ sẽ đem lại chiến thắng cho ứng cử viên này.
Ngược lại, những người ủng hộ Tổng thống Trump lại bày tỏ phản đối khi kêu gọi “Bảo vệ lá phiếu” nhằm ủng hộ nỗ lực của ban vận động tái tranh cử của ông trong việc loại bỏ một số phiếu bầu, trong đó có cả những phiếu bầu qua đường bưu điện. Một số cuộc biểu tình đã dẫn tới đụng độ với cảnh sát, hàng chục người biểu tình đã bị bắt giữ.
2. EU và Anh vẫn bất đồng trong đàm phán thương mại
EU và Anh cũng đang “”chạy đua” với thời gian trong cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit, khi chỉ còn chưa đầy hai tuần để hai bên đạt được một thỏa thuận đối tác mới. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu cách đây 8 tháng, nhưng đến nay cả Anh và EU đều thừa nhận hai bên vẫn còn tồn tại những khác biệt lớn trong ba vấn đề là tiếp cận vùng biển đánh cá của Anh, sân chơi bình đẳng cho kinh doanh và quản trị việc thực thi Thỏa thuận rút lui.
Ảnh minh họa. Nguồn: Euractive |
Về vấn đề sân chơi bình đẳng - các biện pháp để ngăn các công ty của Anh cạnh tranh không công bằng với các đối thủ châu Âu, Anh kiên quyết không nhượng bộ đối với các điều khoản có khiến London phải thay đổi các quy tắc cạnh tranh hiện có của mình. Họ cũng không sẵn lòng gia nhập các cơ chế hợp tác để tăng cường các quy tắc đó trong tương lai. Trong khi đó, EU muốn xây dựng một cơ chế để định hình các tiêu chuẩn chung trong tương lai.
Về đánh bắt cá, ông Barnier cho biết sẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào cho phép tiếp cận các vùng biển của Anh và vấn đề này phải được đàm phán hàng năm, nhưng nói thêm rằng có thể một thỏa thuận sẽ đạt được về chủ đề này.
Cuộc đàm phán lần này là nỗ lực cuối cùng để hai bên đạt được một thỏa thuận đối tác mới trước ngày 15-11 tới - thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU, cũng là thời hạn chót Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt ra để đạt một thỏa thuận. Nếu các bên thất bại, trao đổi thương mại và dịch vụ song phương, ước tính khoảng 900 tỷ USD/năm, sẽ chịu nhiều tổn thất do các biểu thuế xuất nhập khẩu và hạn ngạch mới từ 1-1-2021.
3. Kinh tế châu Âu vẫn đối mặt với nguy cơ suy thoái
Trước làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19, các biện pháp phong tỏa đang được nhiều nước châu Âu áp đặt trở lại đã tác động mạnh tới sự phục hồi kinh tế vốn đang rất mong manh của "lục địa già".
Kinh tế châu Âu tiếp tục ảm đạm do đại dịch Covid-19. Ảnh: CNN |
Số liệu chính thức được công bố hồi tuần trước cho thấy, do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Eurozone đã sụt giảm 12,7% trong 9 tháng đầu năm nay, trong đó riêng quý II đã sụt giảm 11,8%, mức sụt giảm chưa từng có.
Chủ tịch Cơ chế Bình ổn châu Âu Klaus Regling (một quỹ cứu trợ tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu - Eurozone), cho rằng tình trạng xuống cấp của hệ thống y tế đang làm gia tăng những rủi ro về một đợt suy thoái kép tại 19 quốc gia Eurozone. Mặc dù vẫn lạc quan về tình trạng cải thiện kinh tế sau đợt "suy sụp" hồi tháng 3, song ông Regling cũng thừa nhận rằng những tình huống bất lợi mà mọi người từng lo ngại đang trở thành "trạng thái bình thường mới".
Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng ở châu Âu cũng đang gặp khó khăn. Ngày 5-11, ngân hàng ING của Hà Lan cho biết sẽ cắt giảm 1.000 việc làm đến cuối năm 2021, đồng thời đóng cửa các chi nhánh tại Nam Mỹ và châu Á do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid--19. Tại Đức, ngân hàng lớn thứ 2 nước này Commerzbank cùng ngày đã thông báo khoản lỗ ròng trong quý III vừa qua là 69 triệu euro và buộc phải đóng cửa 200 chi nhánh và cắt giảm khoảng 10.000 việc làm. sau khi các biện pháp được áp dụng nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trong khi đó, đối thủ của Commerzbank là Deutsche Bank đã phải cắt giảm hàng nghìn việc làm và đóng cửa các chi nhánh để tái cơ cấu.
4. Lũ lụt tiếp tục hoành hành tại nhiều nước Đông Nam Á
Tình trạng mưa bão kéo theo lũ lụt không chỉ hoành hành tại một số tỉnh miền Trung nước ta, mà còn gây tổn thất về con người và tiền của tại nhiều nước Đông Nam Á khác là Lào, Campuchia, Thái Lan và Philippines.
Ngập lụt tại ngoại ô thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia. Ảnh: sggp.org.vn |
Tại Campuchia, lũ lên nhanh tiếp tục ảnh hưởng đến 19 tỉnh, tác động đến đời sống của hơn 240.000 người, khiến 20 thiệt mạng và làm thiệt hại lớn về tài sản. Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia (MAFF) cho biết hàng trăm nghìn ha lúa và các loại cây trồng khác (tương đương 4,14% diện tích lúa và các loại cây nông nghiệp khác) của Campuchia bị thiệt hại do lũ quét.
Theo Ủy ban Quản lý Thảm họa Quốc gia Campuchia (NCDM), tính đến tối 28-10, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 121 thành phố, quận, huyện thuộc 20/25 tỉnh và thủ đô Phnom Penh, làm 44 người thiệt mạng, gây thiệt hại về tài sản cho 149.857 hộ gia đình (với 599.428 người), trong đó có 11.896 gia đình (47.584 người) phải sơ tán. Lũ lụt cũng làm hư hại hơn 134.000 ngôi nhà, 951 trường học, 307 ngôi chùa, 284.961 hécta lúa, 97.029 ha hoa màu cùng nhiều tuyến đường, cầu và kênh mương.
Tại Lào, giữa tháng 10 vừa qua, nhiều huyện tại tỉnh Savannakhet thuộc miền Trung Lào đã phải hứng chịu đợt lũ lụt lớn nhất trong 42 năm qua do ảnh hưởng của hai cơn bão nhiệt đới Linfa và Nangka. Lũ lụt đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục nghìn người dân Lào, hàng nghìn hécta mùa màng bị ngập úng và nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước và nhân dân. Đến nay, giới chức và người dân Lào vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả của trận lũ lụt trên.
Trong khi đó, Cục Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai Thái Lan ngày 4-11 cho biết cuộc khủng hoảng lũ lụt tại nước này từ ngày 7-10 đến nay đã khiến 9 người thiệt mạng, 2 người mất tích và 91.686 hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Còn tại Philippines, do ảnh hưởng của siêu bão Goni hôm 1-11 vừa qua, đảo Catanduanes của nước này đã bị mất điện trên diện rộng. Tám thị trấn trên đảo đã bị cô lập do lở đất, ít nhất 25.000 ngôi nhà bị cuốn trôi, 45.000 ngôi nhà khác bị phá hủy. Bão Goni cũng đã ảnh hưởng đến 2.1 triệu cư dân trên đảo Luzon, khiến hơn 50.000 hộ gia đình mất điện và hơn 300.000 người vẫn phải tạm trú tại các trung tâm sơ tán. Đã có ít nhất 20 người thiệt mạng, thiệt hại ước tính khoảng 1,1 tỷ peso (23 triệu USD). Tuy nhiên, đây có thể chưa phải là con số cuối cùng.
5. “Nhóm bộ tứ” tiến hành cuộc tập trận hải quân Malabar
Ngày 3-11, nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã bắt đầu tiến hành giai đoạn một cuộc tập trận hải quân Malabar kéo dài 3 ngày ở vịnh Bengal.
Nhóm Bộ Tứ bắt đầu tập trận hải quân Malabar ở vịnh Bengal, ngày 3-11. Nguồn: Twitter |
Cuộc tập trận nhằm thể hiện khả năng phối hợp hoạt động ở mức cao giữa các lực lượng hải quân 4 nước trên, cũng như quyết tâm của các quốc gia trong nhóm ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở.
Do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp, cuộc tập trận Malabar lần thứ 24 được thực hiện theo hình thức “không tiếp xúc, chỉ trên biển”. Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận, các nước sẽ thực hiện các bài diễn tập hải quân phức tạp ở cấp độ cao như tác chiến trên mặt nước, chống ngầm và phòng không. Các bên tham gia cũng sẽ thực hiện các hoạt động đáp máy bay trên tàu của nhau và khai hỏa vũ khí.
Ngày 20-10 vừa qua, Ấn Độ đã chính thức mời Australia tham gia cuộc tập trận, trong động thái được đánh giá sẽ tạo cơ sở cho việc chính thức hóa nhóm Bộ Tứ, bởi tất cả các quốc gia trong nhóm này sẽ lần đầu tiên tương tác với nhau ở cấp độ quân sự.
(Theo qdnd.vn)