.

Thế giới tuần qua: Cảnh báo làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba

Cập nhật: 13:06, 06/12/2020 (GMT+7)

Tuần qua, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong tăng cao đột biến. Giới chức nhiều nước đã phát đi cảnh báo về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba nếu các biện pháp phòng chống không được áp dụng triệt để và người dân vẫn còn tư tưởng chủ quan.

1. Số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tăng cao tại nhiều nước

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 4-12, toàn thế giới có 65.733.549 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 . Tổng số ca tử vong do Covid-19  đã lên tới hơn 1.515.516 ca.  

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Theo AFP, trong nhiều ngày qua, số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu liên tục ghi nhận trên 10.000 ca/ngày, trong đó đứng đầu là Mỹ. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ lần lượt là 14.545.884 ca và 283.030 ca.

Tại châu Âu, tổng số ca nhiễm và tử vong tại Italy lần lượt là 1.664.829 ca và 58.038 ca. Tại châu Á, Ấn Độ hiện là nước có số trường hợp mắc Covid-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, với hơn 9,57 triệu ca và 139.188 người tử vong.

Nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, Philippines, Campuchia, vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới bệnh Covid-19. Theo Bộ Y tế Indonesia, dịch bệnh đã xuất hiện tại toàn bộ 34 tỉnh của nước này với 563.680 ca nhiễm, trong đó có 17.479 người chết. Tại Philippines, tổng cộng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 399.457 người và 8.509 người. Bộ Y tế Campuchia cũng thông báo số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tăng lên 23 người.

Liên quan đến kế hoạch sản xuất và phân phối vaccine, hiện nhiều nước đã nhanh chóng chọn lựa và ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vaccine nhằm sớm triển khai chương trình tiêm chủng trong nước.

Ngày 2-12, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt lưu hành vaccine ngừa Covid-19 do Tập đoàn Dược phẩm Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) phối hợp bào chế. Loại vaccine này sẽ bắt đầu được phân phối vào tuần tới. Trong khi đó, Nga đang nỗ lực để tăng sản lượng vaccine trong nước và trên thế giới. Hiện hơn 100.000 người dân Nga đã được tiêm vaccine Sputnik V do Nga sản xuất và vaccine này đang được chuyển đến tất cả các vùng của Nga để tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà trong thời gian ngắn.

2. Đại dịch Covid-19 làm gia tăng số người nghèo đói trên toàn cầu

Ngày 1-12, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết đại dịch Covid-19 đang đẩy số người cần hỗ trợ nhân đạo để tồn tại trên toàn thế giới lên mức cao mới, khiến số người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực tăng vọt chỉ trong vòng một năm.

Người vô gia cư ngủ trong một bãi đỗ xe tạm tại Trung tâm Cashman, Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. Ảnh: Reuters
Người vô gia cư ngủ trong một bãi đỗ xe tạm tại Trung tâm Cashman, Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo Báo cáo tổng quan về tình hình nhân đạo toàn cầu năm 2021 của LHQ, cứ 33 người thì sẽ có 1 người cần được viện trợ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản như lương thực, nước sạch và vệ sinh vào năm 2021, tăng 40% so với năm nay - năm có tỷ lệ người cần viện trợ là 1/45, cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Theo đó, toàn thế giới sẽ có 235 triệu người cần được viện trợ, trong đó tập trung tại Syria, Yemen, Afghanistan, CHDC Congo và Ethiopia. Ước tính thế giới cần 35 tỷ USD để ngăn chặn nạn đói lan rộng, chống đói nghèo và giúp trẻ em được đến trường.

Riêng tại khu vực Tây Phi, theo số liệu đưa ra trong cuộc họp ngày 3-12 giữa đại diện các quốc gia liên quan với các nhà tài trợ quốc tế, chỉ tính từ tháng 10 đến nay đã có khoảng 16,7 triệu người rơi vào cảnh đói ăn. Nếu không có các hành động nhanh chóng, con số này có thể sẽ tăng lên tới 24 triệu người vào mùa Hè, thời điểm được xem là cực kỳ khó khăn ở Tây Phi do các kho lương thực đã rỗng trong khi vụ thu hoạch tiếp theo chưa đến.

Tại Đông Nam Á, suy thoái kinh tế do Covid-19 có nguy cơ làm đảo ngược các thành tựu xóa đói giảm nghèo và an ninh lương thực của khu vực. Hàng chục triệu người trong các lĩnh vực thương mại, sản xuất, xây dựng và vận tải và kho bãi có thể sẽ mất việc làm.  

Còn tại khu vực rộng lớn hơn là Đông Á và Thái Bình Dương, ước tính tỷ lệ nghèo đói sẽ tăng trở lại từ mức 7,6% năm 2018 lên mức 10,2% trong năm nay.

Báo cáo của Ban Thư ký ASEAN phối hợp với Quỹ châu Á cho biết, đại dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển kinh tế của tất cả các nước thành viên ASEAN. Vào tháng 6-2020, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đã được điều chỉnh xuống còn âm 2% và có thể còn giảm hơn nữa. Tăng trưởng GDP thực tế của các nước ASEAN có thể giảm từ -3,4% đến -8%, trong đó Philippines, Campuchia, Thái Lan và Malaysia dự kiến sẽ ghi nhận mức giảm mạnh nhất.

3. “Bước đi lịch sử” trong quan hệ ASEAN-EU

Quan hệ lâu năm giữa ASEAN và EU đã bước sang một trang mới gắn kết và thực chất hơn với việc hai bên nâng cấp quan hệ từ đối tác đối thoại trở thành đối tác chiến lược. Đây là nội dung tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao trực tuyến ASEAN-EU diễn ra ngày 1-12 vừa qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: carnegieeurope.eu
Ảnh minh họa. Nguồn: carnegieeurope.eu

Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng nêu rõ nhận thức về giá trị chiến lược của mối quan hệ thương mại ASEAN-EU chặt chẽ hơn. Hai bên cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa hướng tới việc tạo ra khuôn khổ thiết thực cho một hiệp định thương mại tự do (FTA) đầy tham vọng.

ASEAN và EU cũng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ “đối tác trong liên kết”, cam kết mạnh mẽ tăng cường phối hợp, thúc đẩy hợp tác đa phương khu vực và quốc tế, trên cơ sở chia sẻ các giá trị, lợi ích chung về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các nguyên tắc tự do thương mại, tự do hàng hải, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình và chủ nghĩa đa phương.

Việc nâng cấp mối quan hệ cũng cho thấy cả ASEAN và EU đều coi trọng và đánh giá cao vai trò của nhau trên trường quốc tế. EU ghi nhận vai trò cầu nối của ASEAN và nhắc lại cam kết ủng hộ vai trò trung tâm cùng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển với tinh thần cởi mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.

Trong khi đó, ASEAN coi EU là đối tác quan trọng hàng đầu. Các nước thành viên ASEAN khuyến khích EU hợp tác với ASEAN trong việc thúc đẩy chiến lược Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và trong các lĩnh vực hợp tác chính được xác định trong chiến lược nhằm tăng cường sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

4. Nỗ lực pháp lý của Tổng thống Donald Trump tiếp tục gặp trở ngại

Nỗ lực pháp lý của Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn cản việc chứng nhận ông Joe Biden đắc cử tổng thống tiếp tục gặp trở ngại khi ngày 28-11, Tòa án Tối cao bang Pennsylvania đã quyết định bác bỏ 2 khiếu nại trong đơn kiện của phía ông Trump, cho rằng một điều luật của bang Pennsylvania từ năm 2019 cho phép bỏ phiếu phổ thông qua đường bưu điện là vi hiến. Tòa cho rằng đã quá muộn để khiếu nại luật này khi luật được ban hành hơn một năm và kết quả bầu cử "dường như đang trở nên rõ ràng".

Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ ở Chester, bang Pennsylvania (Mỹ) ngày 4-11-2020. Ảnh: TTXVN
Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ ở Chester, bang Pennsylvania (Mỹ) ngày 4-11-2020. Ảnh: TTXVN

Trước đó, ngày 27-11, Tòa án phúc thẩm liên bang Mỹ khu vực 3 tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania cũng đã ra phán quyết ủng hộ Thẩm phán liên bang Matthew Brann trong vụ ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump nộp đơn kháng cáo phán quyết của thẩm phán này.

Cho đến nay, ê-kíp vận động tranh cử và nhóm pháp lý của Tổng thống Trump đã thất bại trong hàng chục vụ kiện khi không thể thuyết phục các thẩm phán về những bất thường trong bầu cử ở nhiều bang chiến địa quan trọng như Michigan, Georgia, Arizona và Nevada. Mới đây nhất, quá trình kiểm phiếu lại ở hai hạt lớn nhất của bang Wisconsin đã hoàn tất trong ngày 29-11, với kết quả xác nhận ông Biden đã đánh bại ông Trump tại bang dao động quan trọng này, với cách biệt hơn 20.000 phiếu.

Về phần mình, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News, ngày 29-11, Tổng thống Trump vẫn khẳng định quan điểm của ông về cuộc bầu cử vừa qua sẽ không thay đổi trong 6 tháng tới. Ông Trump cũng nhắc lại cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử và khẳng định ông mới là người giành chiến thắng.

Theo truyền thông Mỹ, ông Biden hiện nhận được 306 phiếu đại cử tri, vượt qua con số 270 cần thiết để đắc cử tổng thống Mỹ, trong khi Tổng thống Trump giành được 232 phiếu. Tính về số phiếu phổ thông, ông Biden cũng vượt trước Tổng thống Trump hơn 6 triệu phiếu.

5. Nội chiến Libya: Chủ quyền bị vi phạm, kinh tế suy kiệt

Chủ quyền của Libya vẫn bị vi phạm khi đến nay vẫn còn khoảng 20.000 binh sĩ lực lượng nước ngoài hoặc lính đánh thuê đang hiện diện ở quốc gia Bắc Phi này, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được ký vào tháng 10 vừa qua. Đây là thông tin do quyền Đặc phái viên LHQ tại Libya, ông Stephanie Williams, đưa ra ngày 2-12 tại Diễn đàn Chính trị Libya do LHQ bảo trợ.    

Chiến sự tại Libya. Ảnh: NYT
Chiến sự tại Libya. Ảnh: NYT

Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế và Xã hội khu vực Tây Á của Liên hợp quốc (ESCWA) cũng công bố báo cáo cho biết cuộc xung đột từ năm 2011 đã gây thiệt hại hơn 576 tỷ USD đối với Libya.

Báo cáo chỉ rõ bất ổn và chia rẽ đã làm thu hẹp đáng kể nền kinh tế, khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ đầu tư sụt giảm mạnh. Cùng với đó, tiêu dùng cũng đã giảm mạnh do lực lượng lao động nước ngoài ồ ạt về nước và thu nhập của người lao động trong nước giảm. Thương mại bị gián đoạn do xuất khẩu một số sản phẩm chủ chốt như dầu mỏ đã giảm đáng kể. Lĩnh vực nhập khẩu bị tác động nhiều hơn do sự suy giảm trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng.

Báo cáo cũng lưu ý một số yếu tố chính làm trầm trọng thêm thiệt hại kinh tế bao gồm nhiều tài sản lĩnh vực dầu mỏ, xây dựng, nông nghiệp, sản xuất bị phá hủy, giá dầu trên thị trường toàn cầu lao dốc và đầu tư cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng bị cắt giảm để tập trung cho chi tiêu quân sự.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.