.

Thế giới tuần qua: Lộ trình mới

Cập nhật: 08:22, 01/01/2021 (GMT+7)

Phải đợi đến phút chót, Anh và EU mới có thể đạt được tiếng nói chung để mở ra quan hệ thương mại song phương mới kể từ năm 2021. Đầu năm 2021 cũng sẽ diễn ra cuộc bầu cử để thành lập chính phủ mới ở Israel trong bối cảnh bất ổn chính trị kéo dài.

1. Anh và EU đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit

Anh và Liên minh châu Âu (EU) tối 24-12 đã đạt được thỏa thuận mở ra mối quan hệ kinh tế và an ninh mới giữa hai bên giai đoạn hậu Brexit (Anh rời khỏi EU).

Đây là kết quả của gần 9 tháng đàm phán vô cùng khó khăn, đỉnh điểm là các cuộc thương lượng kéo dài xuyên đêm trong mấy ngày qua, khi mối lo về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa phát hiện ở Anh và đã xuất hiện tại một số nước châu Âu, đè trĩu lên vai cả hai.

Thủ tướng Anh Boris Johnson điện đàm trực tuyến với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sau khi hoàn tất thỏa thuận hậu Brexit. Ảnh: The Guardian.
Thủ tướng Anh Boris Johnson điện đàm trực tuyến với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sau khi hoàn tất thỏa thuận hậu Brexit. Ảnh: The Guardian

Thỏa thuận mới được các chính trị gia và người dân đón nhận một cách vui vẻ bởi có những thời điểm viễn cảnh rối loạn trong giao thương giữa Anh và EU sau giai đoạn chuyển tiếp (ngày 31-12) tưởng như không thể tránh khỏi.

Thỏa thuận thương mại Anh và EU vừa đạt được sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn rất nhiều so với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đảm bảo rằng hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan. Mặc dù vậy, mối quan hệ Anh và EU từ ngày 1-1-2021 sẽ thay đổi, hạn chế hơn nhiều so với hiện tại.

Dù sao thì với thỏa thuận này, Anh và EU cũng có được “cái kết đẹp” vào phút chót, đánh dấu bước khởi đầu mới cho quan hệ Anh - EU hậu Brexit. Việc của hai bên là tiếp tục thương lượng để có thể triển khai thỏa thuận hiệu quả nhất.           

2. Israel rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị

Việc Quốc hội Israel phải giải tán sau khi không thông qua được ngân sách quốc gia năm 2020 - 2021 trước thời hạn cuối cùng vào ngày 23-12, đã đẩy nước này vào vòng xoáy bất ổn mới với cuộc bầu cử lần thứ tư liên tiếp trong vòng 2 năm qua.

Với thực tế hiện nay, Israel sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới, theo luật sẽ diễn ra vào ngày 23-3-2021, tức 90 ngày sau khi quốc hội giải tán.

Liên minh cầm quyền của ông Netanyahu và ông Gantz đã không thể có được tiếng nói chung. Ảnh: Times of Israel
Liên minh cầm quyền của ông Netanyahu và ông Gantz đã không thể có được tiếng nói chung. Ảnh: Times of Israel

Diễn biến này trên thực tế đã được dự báo từ lâu do mâu thuẫn vẫn thường xuyên bộc phát trong nội bộ liên minh cầm quyền ở Israel. Vấn đề ngân sách được xem là một lỗ hổng lớn trong thỏa thuận liên minh. Không ít lần ông Netanyahu đã bác bỏ yêu cầu của phe Xanh - Trắng trong việc thông qua ngân sách quốc gia và ông Gantz đã không thể gây sức ép đủ lớn do lo ngại bị đổ lỗi là nhân tố gây ra sự sụp đổ của liên minh.

Thủ tướng Netanyahu sẽ nỗ lực vận động để giành được số phiếu lớn nhất, từ đó nắm thế chủ động trong đàm phán thành lập liên minh cầm quyền. Trong trường hợp rơi vào thế bất lợi, không loại trừ khả năng ông Netanyahu sẽ cản trở việc thành lập một chính phủ mới trong thời gian quy định, dẫn tới một cuộc bầu cử tiếp theo. Điều này đã từng xảy ra trong vài cuộc bầu cử gần đây tại Israel.

Một yếu tố khác cũng hết sức quan trọng là ảnh hưởng từ chính quyền mới của Mỹ. Mặc dù hiện chưa thể biết khả năng can thiệp của Mỹ vào tiến trình thành lập một chính phủ mới tại Israel, nhưng không thể bỏ qua yếu tố này do tính chất quan hệ giữa Mỹ và Israel.

3. Quan hệ Nga - Mỹ lại căng thẳng

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump những ngày qua đã liên tiếp chĩa mũi nhọn vào Nga từ việc tố cáo Nga đứng đằng sau các vụ tấn công mạng “nghiêm trọng” đến việc đóng cửa hai lãnh sự quán cuối cùng tại nước này.

Đáng chú ý, quan hệ với Nga lâu nay không phải là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump và nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo này cũng còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc. Điều này một lần nữa cho thấy, mối quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden chắc chắn cũng sẽ không “êm xuôi”.

Quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục có nhiều sóng gió. Ảnh: Foreign Policy Research Institute
Quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục có nhiều sóng gió. Ảnh: Foreign Policy Research Institute

Với quyết định hồi cuối tuần qua đóng cửa 2 lãnh sự quán tại Vladivostok và Yekaterinburg, Mỹ hiện chỉ duy trì một cơ quan đại diện ngoại giao duy nhất tại Nga là Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Moscow.

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ có dấu hiệu ngày một tăng trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Joe Biden chuẩn bị nhậm chức. Trước đó, ngày 18-12, Mỹ cáo buộc Nga đứng đằng sau chiến dịch tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các cơ quan chính phủ, bất chấp việc Đại sứ quán Nga tại Washington tuyên bố “không liên can tới các hành vi tấn công trên không gian mạng”.

Ngoài ra, việc chỉ chúc mừng ông Biden sau khi đại cử tri đoàn bỏ phiếu khẳng định chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ, rõ ràng bản thân Tổng thống Vladimir Putin có nhiều lý do để không kỳ vọng vào khả năng quan hệ với Mỹ được khởi động lại hay cải thiện rõ nét dưới thời ông Joe Biden.

4. Nhiều nước bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19

Không lâu sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên khởi động tiêm cho các công dân vaccine ngừa Covid-19, nhiều quốc gia cũng khởi động tiêm chủng hàng loạt.

Vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer-BioNTech, Moderna, Sputnik V và Sinopharm hiện đang được tiêm chủng đại trà cho người dân ở hơn 10 quốc gia như Anh, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Canada, Saudi Arabia, Chile, Mexico...

Nhiều quốc gia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng. Ảnh: France24
Nhiều quốc gia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng. Ảnh: France24

Các quốc gia hy vọng tiêm chủng sẽ khiến đại dịch Covid-19 dần kết thúc, đưa thế giới trở lại cuộc sống bình thường sau khi đã chao đảo suốt năm 2020. Theo trang worldometers.info, tính đến sáng 25-12, toàn thế giới ghi nhận trên 80 triệu ca mắc bênh, trong đó hơn 1,7 triệu người tử vong. Đại dịch Covid-19 cũng chính thức lây lan tại tất cả các lục địa trên Trái Đất, sau khi các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được ghi nhận tại một cơ sở nghiên cứu của Chile ở Nam Cực hôm 21-12.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, 27 quốc gia thành viên EU sẽ có thể bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cùng một ngày vào cuối tháng 12, sau khi có sự chấp thuận của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu đối với vaccine Pfizer-BioNTech.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đang đàm phán với hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) để sớm phân phối vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu và có cam kết mạnh mẽ về mức giá hợp lý cho người nghèo. WHO cũng kỳ vọng sẽ sớm nhận được thông tin từ các nhà sản xuất vaccine đang tham gia vào Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine ngừa Covid-19 (COVAX).

5. Chính phủ Nhật Bản thông qua ngân sách quốc phòng cao kỷ lục

Ngày 21-12, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã phê duyệt mức tăng chi tiêu quân sự lần thứ 9 liên tiếp của nước này.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ được cấp 5.340 tỷ yên (51,7 tỷ USD) trong năm tài khóa 2021, bắt đầu từ tháng 4-2021. Số ngân sách này tăng 1,1% so với năm nay và là mức tăng kỷ lục.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide duyệt đội danh dự tại Căn cứ Không quân Iruma ở Sayama, tỉnh Saitama vào tháng 11-2020. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide duyệt đội danh dự tại Căn cứ Không quân Iruma ở Sayama, tỉnh Saitama vào tháng 11-2020. Ảnh: Reuters

Với việc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Suga Yoshihide chiếm đa số trong Quốc hội Nhật Bản, gói ngân sách quốc phòng này gần như chắc chắn sẽ được thông qua, Reuters nhận định.

Ông Suga Yoshihide đang tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng cường năng lực quân sự cho Nhật Bản mà người tiền nhiệm Abe Shinzo từng theo đuổi nhằm cung cấp cho quân đội nước này các loại vũ khí mới.

Dự kiến, Nhật Bản sẽ chi 323 triệu USD để phát triển tên lửa chống hạm tầm xa, 628 triệu USD để mua 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, 912 triệu USD để đóng 2 tàu chiến mới...

(Theo qdnd.vn)

.
.
.