Thế giới tuần qua: Thông điệp đoàn kết
Mặc dù vẫn phải đứng trước nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng thế giới đã đón chào năm mới với tình đoàn kết và niềm tin hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
1. Lãnh đạo thế giới gửi thông điệp năm mới
Trong thời khắc chuyển giao giữa năm 2020 và 2021, các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi thông điệp tới người dân nước mình cũng như các quốc gia trên toàn cầu.
Trong thông điệp chúc mừng năm mới người dân Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi những thành tựu mà nước Mỹ đã thực hiện trong năm qua như xử lý đại dịch và tái thiết nền kinh tế. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, bất cứ khi nào nước Mỹ gặp khó khăn, nước Mỹ lại kiên cường và vượt qua.
Các nước bắn pháo hoa chào đón năm mới 2021. Ảnh: The Hindustan Times |
“Hãy tin tưởng vào tương lai” là thông điệp mà Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi tới người dân Anh trong năm 2021. Khép lại một năm mà nước Anh vừa phải chèo lái tiến trình Brexit vừa phải đối mặt với dịch bệnh khó khăn, Thủ tướng Anh khẳng định người dân Anh vẫn đứng vững và quyết tâm vượt qua mọi thách thức.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều kêu gọi đoàn kết, hàn gắn, bày tỏ hy vọng vào một năm mới tươi sáng hơn, hướng tới chiến thắng của nhân loại trước đại dịch Covid-19.
Các nước đón năm mới 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng. Biến thể VUI-202012/01 của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh xuất hiện tại nhiều nơi. Theo đó, nhiều sự kiện chào đón năm mới 2021 hoặc bị giảm quy mô hoặc bị hủy nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Có thể nói, năm 2021 chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức và khó khăn phía trước. Tuy nhiên, người dân thế giới đã thể hiện sự kiên cường vượt qua những sóng gió của năm 2020 đầy biến động. Thông điệp về hy vọng và sự đoàn kết của các nhà lãnh đạo thế giới đang truyền thêm niềm tin, sự lạc quan của người dân thế giới vào những điều tốt đẹp hơn sẽ đến trong năm mới này.
2. Mối quan hệ Anh-EU sang chương mới
Khi đồng hồ chạm mốc 0 giờ ngày 1-1-2021 ở Brussels (Bỉ), đây không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà đây còn là cột mốc quan trọng đối với Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Như vậy, Anh đã hoàn toàn tách ra khỏi EU, sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng và hơn 4 năm sau cuộc trưng cầu dân ý gây chia rẽ đất nước kèm theo vô vàn các cuộc đàm phán vô cùng khó khăn.
Ảnh minh họa. Nguồn: BBC |
Hiệp định thương mại đã ngăn chặn viễn cảnh về một sự chia cắt hai bên, vốn có thể chứng kiến sự áp đặt hạn ngạch và thuế quan lên tất cả thương mại giữa hai bờ eo biển Manche, làm trầm trọng thêm các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.
Văn bản trên có nhiều quy định mới và sẽ được áp dụng theo lộ trình, tùy theo từng lĩnh vực, nhất là về thương mại, nghề cá, cơ chế giải quyết tranh chấp và hợp tác năng lượng. Ngoài ra, một lĩnh vực khác cũng sẽ tác động đến người dân Anh và EU là những quy định mới về việc đi lại giữa hai bên.
Giới phân tích nhận định năm 2021 sẽ là một năm đầy thử thách đối với EU khi cả khu vực sẽ vừa phải nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19, tái thiết kinh tế sau đại dịch, vừa phải lấp đầy những khoảng trống do Brexit tạo ra.
3. Loạt vụ tấn công đẫm máu ở Syria, Yemen
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc phục kích xe buýt ngày 30-12-2020 ở miền đông Syria khiến 37 binh sĩ quân đội chính phủ Syria thiệt mạng.
Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các binh sĩ bị tấn công khi đang trên đường về nhà nghỉ lễ ở tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria. Theo SOHR, hai chiếc xe buýt khác nằm trong đoàn xe đã chạy thoát được.
Hiện trường vụ xe buýt ở Syria bị IS phục kích. Ảnh: Israel Hayom |
IS đã sụp đổ ở Syria vào tháng 3-2019, nhưng một số phần tử khác lại tiếp tục phát động các cuộc tấn công trên sa mạc rộng lớn trải dài từ tỉnh miền trung Homs đến biên giới với Iraq. “Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ khi IS sụp đổ”, ông Rami Abdel Rahman, người đứng đầu SOHR cho biết.
Liên quan tới vụ nổ lớn xảy ra tại sân bay ở thành phố Aden, miền Nam Yemen ngày 30-12-2020 (theo giờ địa phương), tổng số thương vong đã tăng lên tới 135 người. Trong đó, 26 người đã thiệt mạng. Vụ việc được xem là hành động tấn công khủng bố, phá hoại những nỗ lực hòa bình cho Yemen.
Vụ nổ xảy ra vào thời điểm chuyến bay chở theo những thành viên Nội các mới của Yemen, bao gồm Thủ tướng Maeen Abdulmalik, đã hạ cánh xuống sân bay Aden – thủ đô tạm thời đặt trụ sở chính phủ Yemen được quốc tế công nhận và các nước Arab hậu thuẫn. Khi các quan chức Yemen xuống máy bay, một vụ tấn công bất ngờ đã xảy ra. Hiện chưa có bên nào tuyên bố nhận trách nhiệm.
4. Nguy cơ bùng phát căng thẳng Mỹ - Iran
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 30-12-2020 đã nhắc lại quyết tâm trả thù vụ tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), bị Mỹ ám sát hồi tháng 1-2020 tại Iraq.
Ông Rouhani cho rằng vụ ám sát tướng Soleimani đã đem lại kết quả ngược với mong đợi của ông Trump, không chỉ làm tổn hại vị thế của Mỹ tại khu vực Trung Đông mà cuối cùng còn trở thành một yếu tố dẫn tới sự sa sút chính trị của nhà lãnh đạo Mỹ. Vụ ám sát do đích thân ông Trump ra lệnh vào tháng 1-2020.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP |
Bên cạnh đó, khu vực Trung Đông đang “nóng” lên sau thông tin Lầu Năm Góc lại điều “pháo đài bay” B-52H đến Vịnh Persic, dấy lên dự đoán Tổng thống Trump trước khi rời nhiệm sở sẽ có thêm hành động răn đe nhằm đề phòng nguy cơ tấn công tiềm tàng từ Iran.
Ðây là lần thứ 3 trong vòng 6 tuần Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược hạng nặng tới khu vực. Lâu nay, Mỹ vẫn thường xuyên triển khai các sứ mệnh tương tự ở Trung Ðông và châu Á để phô diễn sức mạnh quân sự trước đồng minh lẫn đối thủ.
Nói thêm về tình hình hiện nay, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ tin tình báo gần đây chỉ ra rằng Tehran đang muốn “trả thù” chính quyền Washington và nhiều khả năng xảy ra các cuộc tấn công phức tạp hơn nhằm vào người Mỹ ở Iraq.
5. WHO phê duyệt vaccine ngừa Covid-19
Vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp là chế phẩm của hãng Pfizer/BioNTech.
Việc WHO đưa vaccine của Pfizer/BioNTech vào sử dụng khẩn cấp sẽ mở đường cho các quốc gia trên khắp thế giới nhanh chóng đồng ý nhập khẩu và phân phối vaccine này.
Vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: CNN |
“Động thái của WHO là một bước rất tích cực hướng đến đảm bảo toàn cầu được tiếp cận vaccine ngừa Covid-19”, bà Mariangela Simao, một quan chức WHO phụ trách mảng tiếp cận thuốc men và các sản phẩm y tế, đánh giá.
Anh đã tổ chức tiêm chủng vaccine được phát triển chung bởi hãng Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) ngày 8-12-2020. Sau đó Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu nối gót. Mỹ còn phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine thứ hai của hãng Moderna.
Dữ liệu của trang thống kê worldometers.info cho biết, tính đến ngày 2-1-2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 84,3 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có trên 1,8 trường hợp tử vong.
(Theo qdnd.vn)