.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra tuyên bố chung về Myanmar

Cập nhật: 22:53, 02/03/2021 (GMT+7)

Ngày 2-3, cuộc họp đặc biệt của các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar đã kết thúc với việc ra tuyên bố chung.

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi luôn theo sát diễn biến tình hình của khu vực và nhất trí rằng sự ổn định chính trị của bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng là điều cần thiết để đạt được cộng đồng ASEAN hòa bình và ổn định và thịnh vượng chung. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động bạo lực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại và mang tính xây dựng và hòa giải vì lợi ích của người dân và kế sinh nhai của họ. ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng.”

Xe quân sự tuần tra trên đường phố tại Mandalay, Myanmar, ngày 3-2-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Xe quân sự tuần tra trên đường phố tại Mandalay, Myanmar, ngày 3-2-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến do đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Tham dự cuộc họp có toàn bộ bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN, trong đó có ông Wunna Maung Lwin - người được quân đội Myanmar chỉ định làm Bộ trưởng ngoại giao của nước này.

Cuộc họp do Brunei, quốc gia đang đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2021, chủ trì với sự hỗ trợ của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsdi và Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi Myanmar cần tiếp tục hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN để tránh trở thành "một đường đứt gãy" có thể dẫn đến sự bất ổn ở khu vực.

Ông Hishammuddin cho biết sự ổn định của Myanmar là không thể thiếu đối với tiến trình hội nhập khu vực và thành công kinh tế của ASEAN.

Ông kêu gọi Myanmar xem xét đàm phán và giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị để tránh leo thang căng thẳng hơn nữa, vốn có thể dẫn đến những can thiệp sâu rộng từ nước ngoài vào khu vực ASEAN.

Ông cũng cũng đề xuất ASEAN lập ra một nhóm chuyên gia có kinh nghiệm về bầu cử giúp Myanmar thu hẹp bất đồng về cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

Ông nói: “Chúng tôi vẫn tin chắc rằng giải pháp cho tình trạng bế tắc chính trị ở Myanmar là một quá trình do trong nước dẫn dắt. Điều quan trọng đối với Myanmar là nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị theo cách duy trì ý chí và nguyện vọng của người dân Myanmar."

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein khẳng định "Malaysia sẽ hỗ trợ bất kỳ nỗ lực nào để hòa giải sự khác biệt giữa các nhà lãnh đạo Myanmar."

Ông cũng kêu gọi chính quyền quân sự hiện nay ở Myanmar xem xét cho phép Chủ tịch ASEAN và Tổng thư ký ASEAN thăm nước này.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/cac-bo-truong-ngoai-giao-asean-ra-tuyen-bo-chung-ve-myanmar/697601.vnp)

.
.
.