Thế giới tuần qua: Những "phép thử" nan giải
Một số vấn đề đối nội và đối ngoại nổi cộm của chính quyền Washington đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập trong cuộc họp báo đầu tiên của nhiệm kỳ; Bình Nhưỡng phóng thử nhiều tên lửa khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại; sự cố tàu hàng mắc kẹt trên kênh đào Suez làm gián đoạn chuỗi thương mại toàn cầu...là những vấn đề thời sự trong tuần được dư luận quan tâm.
1. Tổng thống Mỹ họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức
Ngày 25-3 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên tại Nhà Trắng sau 65 ngày nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo. Ảnh: AP |
Trong sự kiện thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và dư luận quốc tế này, ông Biden đã điểm lại những trọng tâm của chính sách đối nội và đối ngoại trong nhiệm kỳ 4 năm tới để đưa nước Mỹ vượt qua hàng loạt thách thức như dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng di cư, tình trạng bạo lực chống người Mỹ gốc Á, giải quyết cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, việc rút quân khỏi Afghanistan hay tiến trình đàm phán phi hạt nhân với Triều Tiên.
Cuộc họp báo đầu tiên của Tổng thống Biden được xem là “bản báo cáo sơ bộ” về những gì ông làm được để giải quyết những thách thức của nước Mỹ sau hơn 2 tháng tại vị. Đó chính là những phép thử đầu tiên trên chặng đường 4 năm đưa “nước Mỹ trở lại” mà ông đã cam kết.
Có thể nói rằng những tín hiệu kinh tế tích cực và tiến triển trong tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang tạo đà thuận lợi cho Tổng thống Biden, nhưng những thách thức lớn, trong đó có tình trạng bạo lực súng đạn và kỳ thị người Mỹ gốc Á, hay các vấn đề đối ngoại hóc búa như quan hệ với Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên, sẽ tiếp tục tạo sức ép đối với chính quyền mới của Mỹ.
2. Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa
Chỉ trong vòng vỏn vẹn 1 tuần, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ bắn thử nghiệm tên lửa. Hiện vẫn chưa rõ đây là tên lửa tầm ngắn, tầm trung hay tầm xa.
Cộng đồng tình báo và quân đội Mỹ vẫn đang phân tích dữ liệu từ vụ phóng thử để xác định loại tên lửa và độ dài quãng đường bay của nó. Mỹ theo dõi tất cả các vụ thử vũ khí của Triều Tiên thông qua radar và vệ tinh.
Người dân Seoul theo dõi tin tức về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap. |
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng động thái mới nhất của Triều Tiên không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là cuộc thử nghiệm bình thường.
Nhiều chuyên gia dự đoán, Triều Tiên phóng nhiều tên lửa sau khi lên án Mỹ vì tổ chức tập trận chung với Hàn Quốc, đồng thời được coi là thử thách đầu tiên của Triều Tiên đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong lúc Nhà Trắng vẫn đang đánh giá lại chính sách về Triều Tiên. Cuộc đánh giá được cho là đang ở giai đoạn cuối cùng.
Dẫu vì nguyên nhân gì, hai vụ phóng liên tiếp của Bình Nhưỡng cũng đã khiến giới chức Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đứng ngồi không yên. Các vụ phóng mới đây có thể là một thông điệp Triều Tiên gửi tới Mỹ, rằng Washington nên dừng các chính sách mang tính chất hiếu chiến khi đưa ra đối sách mới về Triều Tiên.
3. Vấn đề vaccine ngừa Covid-19 phủ bóng tại Hội nghị thượng đỉnh EU
Trong hai ngày 25 và 26-3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm tìm ra phương hướng chung thoát khỏi đại dịch Covid-19 trước làn sóng lây nhiễm thứ ba ở nhiều nước, trong đó nổi lên là vấn đề vaccine.
Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: DW |
Trước tình trạng phân phối vaccine ngừa Covid-19 không đồng đều trong khối và các quốc gia thành viên bị chia rẽ về việc có nên đưa ra giải pháp cứng rắn hơn đối với xuất khẩu vaccine hay không, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ sự thất vọng về chương trình tiêm chủng quốc gia của EU đang kém xa so với Anh và Mỹ.
EU quyết định siết chặt cơ chế kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19, giúp khối này có thêm quyền hạn để ngăn chặn việc xuất khẩu vaccine tới những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn và những nước sản xuất vaccine song không xuất khẩu sang EU.
Việc triển khai vaccine của các nước EU bị trì hoãn đã dẫn đến một cuộc tranh cãi với Anh, quốc gia đã nhập khẩu 21 triệu liều vaccine được hãng AstraZeneca sản xuất tại EU. London cho biết, họ đã làm tốt hơn việc đàm phán với các nhà sản xuất và sắp xếp chuỗi cung ứng. Nhằm hạ nhiệt căng thẳng, EU và Anh đã tuyên bố rằng họ đang làm việc “để tạo ra một tình huống đôi bên cùng có lợi và mở rộng nguồn cung vaccine cho tất cả công dân”.
4. Nguy cơ kéo dài bế tắc chính trị ở Israel
Cơ quan bầu cử Israel vừa công bố kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 4 của nước này trong vòng 2 năm qua. Theo đó, cuộc khủng hoảng chính trị ở Israel vẫn bế tắc khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các đối thủ không đạt được đa số để đứng ra thành lập chính phủ mới.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn chưa thành lập được chính phủ mới. Ảnh: The Times of Israel |
Theo đó, đảng cánh hữu Likud của ông Netanyahu và các đồng minh của ông Netanyahu đã giành được 52 ghế trong số 120 ghế của quốc hội, trong khi liên minh các đảng đối lập giành được 57 ghế. Đảng cực hữu giành được 7 ghế, còn một đảng Hồi giáo Arab giành được 4 ghế.
Với kết quả này, lãnh đạo các đảng đã bắt đầu đàm phán liên kết để thành lập chính phủ mới và dự kiến sẽ tiếp tục trong nhiều tuần để có thể đủ 61 ghế chiếm đa số trong quốc hội.
Cuộc bầu cử được coi là một cuộc trưng cầu ý dân đối với Netanyahu, thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel. Nếu không đảng nào có thể đạt được đa số, Israel sẽ buộc phải tổ chức bầu cử lần thứ 5.
5. Nỗ lực khắc phục sự cố tại kênh đào Suez
Tàu chở container khổng lồ Even Given, đang trên hải trình từ Trung Quốc đến cảng Rotterdam của Hà Lan, bị mắc kẹt tại kênh đào Suez vào tối 23-3.
Hiện chưa có về thương vong trong số 25 thành viên phi hành đoàn cũng như ảnh hưởng đến hàng hóa trên tàu. Các cuộc điều tra ban đầu đã loại trừ nguyên nhân về lỗi con người hoặc động cơ là lý do khiến tàu bị mắc cạn.
Vị trí tàu container Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez. Ảnh: Reuters. |
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy hàng trăm tàu đang bị kẹt ở hai phía kênh đào Suez do sự cố của tàu Even Given. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu sản xuất dần phục hồi sau khủng hoảng Covid-19. Theo các chuyên gia, việc kênh đào bị tắc nghẽn trong thời gian dài sẽ làm gián đoạn chuỗi thương mại, cũng như khiến giá dầu tăng từ 10% trở lên.
Hằng ngày, có khoảng 30% khối lượng container vận chuyển của thế giới đi qua kênh đào dài 193km này. Số liệu của Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập cho thấy năm 2020 có khoảng 19.000 lượt tàu đi qua kênh đào này, trung bình 51,5 tàu mỗi ngày.
Hãng tin Reuters dẫn lời một số chuyên gia vận tải quốc tế cho biết nếu tàu Ever Given vẫn tiếp tục cản trở lưu thông trong 24-48 giờ tới, một số hãng tàu có thể buộc phải điều chỉnh lại hải trình. Họ sẽ chấp nhận đi vòng xuống mũi Hảo Vọng của châu Phi, kéo dài thời gian di chuyển thêm khoảng 1 tuần.
(Theo qdnd.vn)