Thứ Bảy, 03/04/2021, 16:31 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Đề cao đối thoại và hợp tác

Việt Nam và Liên hợp quốc nêu quan điểm về giải quyết xung đột tại Myanmar, nguy cơ khủng hoảng nợ và bất bình đẳng trên phạm vi toàn cầu, đánh giá tình hình nhân đạo tại Syria sau một thập kỷ nội chiến…, là những thông tin chính của thời sự quốc tế tuần qua.

1. Đề cao đối thoại, hòa giải để tìm kiếm giải pháp tại Myanmar

Ngày 1-4, tại cuộc họp trực tuyến thảo luận về tình hình Myanmar của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), 15 nước thành viên HĐBA đã phát biểu, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang bạo lực, dẫn đến cái chết của hàng trăm dân thường, lên án việc sử dụng bạo lực và yêu cầu các bên giảm căng thẳng, đối thoại để giải quyết vấn đề. Các nước đề cao vai trò của ASEAN, mong muốn các hội nghị của ASEAN tới đây sẽ giúp Myanmar tìm ra giải pháp thỏa đáng. Các nước cũng ủng hộ Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar trong các nỗ lực duy trì đối thoại với tất cả các bên liên quan tại Myanmar và trong chuyến thăm khu vực sắp tới.

Các cuộc biểu tình bùng phát tại các thành phố và thị trấn của Myanmar kể từ tháng 2-2021. Ảnh: AP
Các cuộc biểu tình bùng phát tại các thành phố và thị trấn của Myanmar kể từ tháng 2-2021. Ảnh: AP

Việt Nam đề cao đối thoại, hoà giải, hợp tác và xây dựng lòng tin, với trọng tâm vì người dân, trong tìm kiếm giải pháp tại Myanmar. Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nêu quan ngại sâu sắc của Việt Nam về tình trạng leo thang bạo lực tại Myanmar, trong đó có những diễn biến xảy ra ngày 27-3 vừa qua. Đại sứ kêu gọi chấm dứt ngay những hành động bạo lực nhằm vào dân thường. Đại diện Việt Nam cho rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân và hỗ trợ nhân đạo không bị cản trở cho những người cần được trợ giúp, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội.

Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Myanmar chấm dứt bạo lực, ổn định tình hình, tránh các hành động có thể làm gia tăng chia rẽ trong nội bộ Myanmar và thúc đẩy một giải pháp toàn diện, phù hợp với Hiến pháp, luật pháp của Myanmar cũng như đáp ứng ý chí và nguyện vọng của người dân. Việt Nam cũng chia sẻ những nỗ lực của ASEAN trong việc tìm kiếm giải pháp hỗ trợ Myanmar, kêu gọi các nước ủng hộ những nỗ lực này của ASEAN. Đại sứ Đặng Đình Quý ủng hộ vai trò của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar và khuyến khích Đặc phái viên tăng cường phối hợp với ASEAN.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 2-4, Quân đội Myanmar đã tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương kéo dài 1 tháng, nhằm tổ chức đàm phán hòa bình với các nhóm sắc tộc và để mừng lễ té nước, năm mới ở nước này.

2. Thế giới đang bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nợ

Ngày 29-3, phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến do LHQ, Thủ tướng Canada và Thủ tướng Jamaica Andrew Holness đồng chủ trì, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thế giới triển khai các biện pháp khẩn cấp và quyết liệt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ do dịch COVID-19 gây ra.

Theo TTK Guterres, thế giới cần hành động khẩn cấp để hỗ trợ chính phủ các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận nguồn tiền mặt và giảm bớt gánh nặng nợ cho các nước này. Ông lưu ý các nước giàu hơn đã dành khoảng 16.000 tỷ USD cho các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp kinh tế và y tế, qua đó tạo điều kiện để các nền kinh tế này phục hồi. Ngược lại, các nước đang phát triển không thể đầu tư nhiều thúc đẩy phục hồi và tăng cường năng lực chống chịu do tài chính hạn hẹp.

Ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN
Ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN

Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, 6 quốc gia đang phát triển đã rơi vào tình trạng vỡ nợ, trong khi 42 nước khác bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Đáng chú ý là ít nhất 120 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm ngoái. Các quốc gia nghèo nhất đang phải đối mặt với sự phục hồi kinh tế chậm chạp, kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Điều này có nguy cơ làm chệch hướng các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ và cả các mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Trước thực trạng này, TTK LHQ kêu gọi xây dựng một "cơ chế nợ mới" nhằm có thêm sự lựa chọn như hoán đổi nợ hay xóa nợ để hỗ trợ các nước nghèo đối phó với đại dịch và phục hồi kinh tế. Ông cũng kêu gọi các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) gia hạn việc giãn nợ cho các nước đang phát triển và thu nhập thấp tới năm 2022, cũng như mở rộng Khuôn khổ chung về xử lý nợ bao gồm cả các nước thu nhập trung bình có nhu cầu.

3. Biến đổi khí hậu làm gia tăng bất bình đẳng trên toàn cầu

Mới đây, Đại học New York đã tiến hành cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia lớn nhất trên toàn cầu về tác động kinh tế của tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó gần 3/4 trong số hơn 730 người được hỏi cho rằng cần phải có "hành động kiên quyết và ngay lập tức" để cắt giảm lượng khí thải.

Các nhà kinh tế cho rằng các chính phủ có thể đang đánh giá thấp chi phí tiềm ẩn do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra, như tác động của thời tiết cực đoan và sự gián đoạn hoạt động kinh tế, vì các khoản chi phí chưa tính toán được này có thể làm gia tăng các khoản chi cho chính sách giảm phát thải.

 Người dân được sơ tán ra khỏi một khu vực ngập lụt do bão lớn tại thủ đô Manila, Philippines. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Người dân được sơ tán ra khỏi một khu vực ngập lụt do bão lớn tại thủ đô Manila, Philippines. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Theo các chuyên gia, nếu xu hướng ấm lên toàn cầu hiện nay tiếp tục diễn ra, thiệt hại kinh tế do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra ước tính lên tới 1.700 tỷ USD/năm vào năm 2025 và có thể tăng lên 30.000 tỷ USD/năm vào năm 2075. Các quốc gia đang phát triển là những nơi chịu tác động nặng nề nhất vì các yếu tố như phụ thuộc nhiều hơn vào nông nghiệp và dễ bị tổn thương khi tình trạng nắng nóng cực đoan xảy ra. Ở cấp độ toàn cầu, thế giới sẽ chịu tác động về kinh tế khi tình trạng thời tiết cực đoan làm gián đoạn các tuyến đường thương mại và chuỗi cung ứng, cũng như gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 70% số người được hỏi cho rằng biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giữa các nước, tăng khoảng cách giữa những người giàu và người nghèo.

Theo Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai của Liên hợp quốc, từ năm 2000 đến 2019, thế giới hứng chịu hơn 7.300 trận thiên tai lớn khiến khoảng 1,2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 3.000 tỷ USD. So với 20 năm trước, thế giới có khoảng 4.200 trận thiên tai khiến 1,19 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 1.600 tỷ USD.

4. Tình hình nhân đạo nghiêm trọng tại Syria sau một thập kỷ xung đột

Theo Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo Mark Lowock, nhu cầu nhân đạo hiện nay đang ở mức cao kỷ lục, 13,4 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, tăng 20% sau chỉ một năm do tác động của khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19. Do lương thực đắt đỏ và khan hiếm, hơn 12 triệu người đang rơi vào tình cảnh mất an ninh lương thực. Đáng chú ý nhất là tình trạng của trẻ em Syria, đại diện UNICEF cho biết ước tính có khoảng 12.000 trẻ em thương vong sau 10 năm xung đột và 90% trẻ em hiện đang cần hỗ trợ nhân đạo.

Nội chiến đã để lại tổn thất không hề nhỏ với Syria. Ảnh: Reuters
Nội chiến đã để lại tổn thất không hề nhỏ với Syria. Ảnh: Reuters

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi bạo lực, hàng triệu trẻ em Syria phải bỏ học, nhiều em phải lao động kiếm sống. Tình trạng trẻ em tại các trại của người bị buộc rời khỏi nơi cư trú ở Tây Bắc, Đông Bắc và miền Nam Syria đang ở mức đặc biệt nghiêm trọng do viện trợ nhân đạo không đáp ứng được nhu cầu ngày một lớn.

Ngày 30-3, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ 6,4 tỷ USD cho Syria và người tị nạn tại các nước láng giềng. Mức này thấp hơn so với mức 10 tỷ USD mà Liên hợp quốc (LHQ) kỳ vọng nhằm giải quyết những nhu cầu ngày càng tăng tại quốc gia Trung Đông này.

5. Giao thông qua kênh đào Suez đã được nối lại

Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie tối 29-3 cho biết hoạt động giao thông đi lại qua kênh đào Suez ở Ai Cập đã được nối lại sau khi tàu mắc kẹt được nổi lên và tiếp tục hành trình của mình.

Ngày 23-3 vừa qua, siêu tàu chở hàng Ever Given, có tải trọng lên tới 199.000 tấn, đã chặn ngang kênh đào Suez khi tiến vào kênh từ Biển Đỏ. Nguyên nhân ban đầu được báo cáo là vì sức gió quá mạnh khiến tàu xoay ngang và mắc kẹt. Đội nạo vét đã phải đào khoảng 27.000 m3 cát về phía 2 bên bờ của kênh đào Suez, xuống độ sâu khoảng 18m.

Tàu Ever Given cùng một tàu kéo di chuyển trên kênh đào Suez ngày 29-3. Ảnh: AFP
Tàu Ever Given cùng một tàu kéo di chuyển trên kênh đào Suez ngày 29-3. Ảnh: AFP

Giao thông qua kênh đào Suez, nơi diễn ra 10% hoạt động giao thương toàn cầu. Công ty dữ liệu hàng hải Lloyd's List cho biết sự cố trên đã gây thiệt hại đến 9,6 tỷ USD tiền hàng hóa mỗi ngày giữa châu Á với châu Âu. Ai Cập cũng thiệt hại từ 12 đến 15 triệu USD thu nhập mỗi ngày vì tuyến đường thủy huyết mạch này phải đóng cửa. Trong khi đó, nước này đã phải chi hơn 8 tỷ USD để mở rộng kênh và tạo ra một làn đi chuyển thứ hai để giải cứu siêu tàu hàng Ever Given.

Giao thông qua kênh đào Suez chỉ bị đình trệ gần một tuần, nhưng sự cố này đủ gióng lên hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng cồng kềnh, phức tạp.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.