Chủ Nhật, 11/04/2021, 10:12 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Ghi nhận nhiều nỗ lực tích cực

Tổng thống Mỹ đưa thêm các biện pháp kiểm soát bạo lực súng đạn, Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục ngôi vào đàm phán về tranh chấp biên giới; các bên liên quan bắt đầu thảo luận cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần.

1. Mỹ công bố biện pháp kiểm soát súng đạn mới

Trong một bước đi nhằm giảm tình trạng bạo lực súng đạn, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8-4 đã công bố các biện pháp kiểm soát mới. Theo đó, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ loại bỏ các loại súng tự chế và siết chặt kiểm soát các cá nhân sở hữu súng.

Đồng thời, ông Biden cũng vạch ra các mục tiêu tham vọng hơn, kêu gọi sự hỗ trợ của Quốc hội, trong đó có hai dự luật nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn đã được Hạ viện thông qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vox.
Ảnh minh họa. Nguồn: Vox

Chính quyền mới tại Mỹ đang đưa ra các bước đi đầu tiên hướng tới việc giải quyết tình trạng bạo lực súng đạn như cam kết tranh cử, nhưng Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Merrick Garland cũng phải thừa nhận, đây là một vấn đề không phải thực hiện được trong một sớm một chiều.

Một số chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh tình trạng bạo lực nhằm vào cộng đồng người gốc Á gia tăng, việc kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn cũng có thể ngăn chặn các vụ xả súng vì kỳ thị chủng tộc trong thời gian tới.

Bên cạnh đại dịch Covid-19 hoành hành, nước Mỹ đang đối mặt với những tuần đau thương bởi súng đạn với liên tiếp các vụ xả súng xảy ra trong những ngày gần đây. Nguyên nhân về tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng thời gian qua được cho là do các quy định sở hữu súng đạn lỏng lẻo, sự manh động của các băng nhóm và xuất phát từ các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

2. Ấn Độ, Trung Quốc đàm phán rút quân khỏi khu vực tranh chấp

Ngày 9-4, Ấn Độ và Trung Quốc tổ chức vòng đàm phán quân sự lần thứ 11 để thúc đẩy quá trình rút quân tại các điểm xung đột còn lại ở khu vực Đông Ladakh như Hot Springs, Gogra và Depsang.

Tại vòng đàm phán, phía Ấn Độ sẽ kiên quyết yêu cầu hoàn thành quá trình rút quân tại các điểm xung đột còn lại trong thời gian sớm nhất.

Binh sĩ Ấn Độ ở vùng Ladakh. Ảnh: ANI
Binh sĩ Ấn Độ ở vùng Ladakh. Ảnh: ANI

Trước đó, vòng đàm phán quân sự lần thứ 10 đã diễn ra vào ngày 20-2, hai ngày sau khi các lực lượng quân đội hai nước kết thúc việc rút quân và vũ khí khỏi bờ Bắc và bờ Nam của hồ Pangong. Cuộc đàm phán đã kéo dài khoảng 16 giờ.

Ấn Độ luôn khẳng định việc giải quyết các vấn đề tồn đọng ở biên giới, bao gồm cả các khu vực Depsang, Hot Springs và Gogra, là cần thiết để phát triển mối quan hệ tổng thể giữa hai nước.

Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang trở lại hồi đầu tháng 5 năm ngoái trong bối cảnh hai bên tăng cường thêm hàng nghìn binh sĩ và nhiều vũ khí hạng nặng tại biên giới. Suốt hơn 80 năm qua, hai nước vẫn luôn mâu thuẫn về tuyến biên giới dài gần 3.500km dọc dãy Himalaya và đụng độ vẫn thường xảy ra do các tuyên bố chồng lấn.

3. Đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Từ ngày 6 đến 9-4, tại thủ đô Vienna của Áo, Ủy ban Hỗn hợp về Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đã bắt đầu nối lại cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc.

Phiên đàm phán giữa đại diện Chính phủ Iran và các cường quốc còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân JCPOA tại Vienna, Áo, bắt đầu từ ngày 6-4. Ảnh: AFP
Phiên đàm phán giữa đại diện Chính phủ Iran và các cường quốc còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân JCPOA tại Vienna, Áo, bắt đầu từ ngày 6-4. Ảnh: AFP

Các bên còn lại tham gia thỏa thuận, gồm Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Anh gặp gỡ trực tiếp với Iran, trong khi phía Mỹ tham gia gián tiếp. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và các biện pháp tuân thủ thỏa thuận hạt nhân là chủ đề hàng đầu của chương trình nghị sự tại cuộc gặp này.

Các quan chức Anh, Pháp và Đức đóng vai trò trung gian giữa Iran và Mỹ trong cuộc đàm phán này. Phái đoàn của Mỹ do đặc phái viên Rob Malley đứng đầu tham gia đàm phán gián tiếp từ một khách sạn gần đó. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định, việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất để khôi phục JCPOA. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho rằng chương trình nghị sự của cuộc họp này có đem lại kết quả hay không sẽ phụ thuộc vào các bên còn lại có thể kêu gọi Mỹ thực thi nghĩa vụ và hành động theo cam kết của họ hay không.

Sau lần đàm phán này, các đại diện của Trung Quốc và Nga đánh giá những nỗ lực hiện nay nhằm đưa Iran và Mỹ quay lại thực thi JCPOA đã đạt tiến triển. Các bên tham gia cuộc họp đã nhất trí tiếp tục gặp nhau trong tuần tới.

4. Nga, Ukraine leo thang căng thẳng

Căng thẳng tại khu vực giữa biên giới Nga và Ukraine tiếp tục leo thang. Hai bên đều cáo buộc nhau về sự gia tăng bạo lực giữa lực lượng chính phủ và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine dẫn đến lệnh ngừng bắn bị phá hoại.

Hình ảnh lan truyền cho thấy xe tăng lăn bánh trên các tuyến phố ở thành phố Donetsk và Luhansk ở vùng Donbass, miền đông Ukraine trong những ngày gần đây khi nước này cho rằng Nga đang gia tăng các hành động khiêu khích ở các khu vực biên giới.

Quân đội chính phủ Ukraine. Ảnh: AP
Quân đội chính phủ Ukraine. Ảnh: AP

Để tạo sức ép với Moscow, Kiev tiếp tục công khai kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này. Trong khi đó, NATO đang thể hiện sự thận trọng trước yêu cầu của Ukraine.

Theo yêu cầu của Ukraine, một cuộc họp khẩn cấp của nhóm liên lạc ba bên (TCG) về tình hình Donbass đã được tổ chức ngày 7-4 để thảo luận về các vụ vi phạm ngừng bắn tại miền đông Ukraine. Song theo đặc phái viên của Nga tại TCG, ông Boris Gryzlov, cuộc họp đã kết thúc sau 4 tiếng mà không đạt kết quả nào đáng kể.

Những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột khiến 14.000 người thiệt mạng kể từ năm 2014 diễn ra không dễ dàng. Thỏa thuận Minsk, được đàm phán ở thủ đô Belarus vào năm 2015, đã chấm dứt cuộc giao tranh tồi tệ nhất nhưng những bất đồng trong việc thực hiện nó khiến xung đột vẫn âm ỉ trong những năm qua.

5. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường liên minh

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có cuộc hội đàm tại thủ đô Washington D.C. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa 3 đồng minh kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào cuối tháng 1 vừa qua.

Trong một tuyên bố chung, các cố vấn đều tái khẳng định cam kết giải quyết các thách thức thông qua hợp tác ba bên, hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên; nhất trí về việc kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân; hợp tác để tăng cường răn đe và duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

(Hàng đầu, từ trái qua phải) Tổng thư ký An ninh quốc gia Nhật Bản Shigeru Kitamura, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon hội đàm tham vấn tại Mỹ vào những ngày đầu tháng 4. Ảnh: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
(Hàng đầu, từ trái qua phải) Tổng thư ký An ninh quốc gia Nhật Bản Shigeru Kitamura, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon hội đàm tham vấn tại Mỹ vào những ngày đầu tháng 4. Ảnh: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

Ngoài ra, với bối cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc bất đồng sâu sắc liên quan tới việc giải quyết hậu quả chiến tranh trong quá khứ, các bên cũng tiến hành hội đàm song phương nhằm tìm kiếm giải pháp riêng lẻ. Chính quyền Washington đã cho thấy những nỗ lực tích cực để giúp hai nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản cải thiện bầu không khí căng thẳng, cũng như ít để xảy ra thêm mâu thuẫn.

Thêm vào đó, cuộc gặp vừa qua là bước khởi động cần thiết để Mỹ và hai nước đồng minh thân cận định hướng một sách lược mới đối với Triều Tiên trong bối cảnh Mỹ có chính quyền mới. Trước mắt, theo tuyên bố của chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ vẫn cởi mở trong ngoại giao với Triều Tiên bất chấp hai vụ thử tên lửa đạn đạo, nhưng cũng cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả nếu Triều Tiên tiếp tục có những hành động tương tự.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.