.

Thế giới tuần qua: Việt Nam thúc đẩy sáng kiến tại Liên hợp quốc

Cập nhật: 12:29, 17/04/2021 (GMT+7)

Vấn đề giải quyết bạo lực tình dục trong xung đột; Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, leo thang căng thẳng với Nga; các nước nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran..., là những thông tin chính trong dòng thời sự quốc tế tuần qua.

1. Đại sứ Đặng Đình Quý: Cần có cách tiếp cận toàn diện và giải quyết gốc rễ vấn đề bạo lực tình dục trong xung đột

Ngày 14-4, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã chủ trì thảo luận mở trực tuyến của Hội đồng Bảo an (HĐBA) về chủ đề Phụ nữ, hòa bình và an ninh - bạo lực tình dục trong xung đột.

Đây là một trong các sự kiện ưu tiên được thực hiện theo sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4-2021. Việt Nam đã mời bà Caroline Atim, người khiếm thính đầu tiên báo cáo tại HĐBA, thể hiện sự trân trọng của Việt Nam đối với tiếng nói của các thành phần xã hội, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương đồng thời nhằm mong muốn mang tới cho các thành viên HĐBA cách tiếp cận toàn diện hơn đối với chủ đề thảo luận.  

Đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham dự phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN
Đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham dự phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN

Các nước thành viên HĐBA cảm ơn Việt Nam đã thúc đẩy thảo luận về một chủ đề mang tính nhân văn và rất cấp thiết; khẳng định cam kết ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực tình dục trong xung đột; nhấn mạnh cần nỗ lực giải quyết vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nhiều ý kiến đề cao sự cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy thực hiện các nghị quyết có liên quan của HĐBA LHQ, bảo đảm các nạn nhân tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tâm lý, công lý song song với tăng cường nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới, nâng cao vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và trong các tiến trình hòa bình.

Báo cáo của Tổng thư ký LHQ lần thứ 12 về chủ đề này đã xác định có hơn 2.500 vụ việc vi phạm bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang trong giai đoạn báo cáo từ tháng 4-2020 đến nay. Nạn nhân của bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đối mặt với nhiều thách thức như bất ổn an ninh, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, tâm lý, tư vấn pháp luật, hỗ trợ nhân đạo và phải đối mặt với các rào cản văn hóa - xã hội và thể chế. Khó khăn hơn nữa, nhiều nạn nhân không dám lên tiếng để tìm kiếm hỗ trợ do lo sợ bị kỳ thị và ruồng bỏ.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý đã chia sẻ quan ngại về tình trạng bạo lực tình dục trong xung đột và những tác động tiêu cực đối với nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đại sứ cũng nhấn mạnh các nỗ lực ứng phó cần có cách tiếp cận toàn diện song song với xử lý gốc rễ vấn đề, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ dành cho nạn nhân của bạo lực tình dục trong xung đột, đặc biệt tập trung giúp đỡ nạn nhân tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, sức khỏe, đào tạo, tiếp cận pháp lý, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm sinh kế. Bên cạnh đó, đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng thúc đẩy vai trò và sự tham dự của phụ nữ trong tiến trình hòa bình, phòng ngừa xung đột và đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các quốc gia. Đại sứ nhấn mạnh, thông qua phối hợp với LHQ và các phái bộ gìn giữ hòa bình, cần tăng cường nỗ lực hỗ trợ nạn nhân và nâng cao quyền năng của phụ nữ. Đại sứ hy vọng cuộc thảo luận sẽ góp phần tăng cường nhận thức của các nước về tính nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực tình dục trong xung đột, qua đó, tăng cường cam kết quốc tế trong giải quyết vấn đề này.

2. Mỹ vừa trừng phạt vừa kêu gọi Nga giảm căng thẳng

Quan hệ căng thẳng Mỹ-Nga tiếp tục bị đẩy lên cao khi ngày 15-4, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và trục xuất 10 nhân viên ngoại giao của nước này. Lý do được đưa ra là đáp trả những hành động mà Washington cáo buộc là sự can thiệp của Điện Kremlin vào bầu cử Mỹ và tấn công mạng quy mô lớn.

Moskva đã phủ nhận mọi cáo buộc này, đồng thời tuyên bố sẽ có hành động đáp trả. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 16-4 tuyên bố Moskva sẽ yêu cầu 10 nhân viên ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này, đồng thời đang cân nhắc áp dụng những biện pháp “gây đau đớn” có thể nhằm vào doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Nga. Bên cạnh đó, Moskva cũng sẽ chấm dứt hoạt động của các quỹ và tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ, vốn can thiệp vào các công việc nội bộ của Nga.

Ngày 15-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ảnh: vov.vn
Ngày 15-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ảnh: vov.vn

Theo lệnh trừng phạt, Tổng thống Biden đã chỉ thị mở rộng các biện pháp hạn chế hiện có với các ngân hàng Mỹ giao dịch với Chính phủ Nga, trục xuất 10 nhà ngoại giao và trừng phạt 32 cá nhân với cáo buộc tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo trừng phạt 8 cá nhân và thực thể liên quan tới việc Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia và Canada đã áp biện pháp trừng phạt Nga vì vấn đề tương tự. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố ủng hộ quyết định mới này của Mỹ.

Trong cuộc điện đàm ngày 13-4 với Tổng thống Putin, Tổng thống Biden đã đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh song phương tại một nước thứ ba. Tuy nhiên, ngày 15-4, Điện Kremlin tuyên bố sẽ đáp trả một cách tương xứng bất kỳ lệnh trừng phạt mới bất hợp pháp nào của Mỹ nhằm vào Nga và lưu ý rằng bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào sẽ làm giảm cơ hội tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin. Ông Peskov cũng nói rằng tình hình xung quanh Ukraine vẫn căng thẳng và còn quá sớm để nói về việc xoa dịu căng thẳng, bất chấp các thông tin cho biết Mỹ đã hủy bỏ triển khai 2 trong số các tàu chiến của nước này tới Biển Đen.

3. Nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, ngày 15-4, các nhà ngoại giao của Iran và các bên còn lại tham gia JCPOA (gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã tiến hành vòng đàm phán mới nhất kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Mikhail Ulyanov đã mô tả các cuộc đàm phán mới nhất nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), diễn ra một cách "tích cực" bất chấp những căng thẳng mới trước thềm hội nghị ở Vienna (Áo). Ông Ulyanov cho biết thêm sau vòng đàm phán mới nhất, quan chức các bên tham gia JCPOA sẽ tiến hành một số cuộc họp không chính thức dưới các định dạng khác nhau, trong đó có cấp chuyên gia.

Kỹ sư làm việc tại nhà máy làm giàu urani Natanz ngày 10-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Kỹ sư làm việc tại nhà máy làm giàu urani Natanz ngày 10-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó một ngày, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho rằng không nên để các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Tehran và các cường quốc trên thế giới về JCPOA trở nên "bị uổng phí". Ông tái khẳng định lập trường của Iran rằng Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi nước Iran trở lại tuân thủ các cam kết trong JCPOA.   

Vòng đàm phán mới nhất diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những động thái gây căng thẳng mới liên quan đến chương trình hạt nhân Iran. Theo đó, IAEA cho biết Iran đã gần hoàn tất quá trình chuẩn bị để bắt đầu làm giàu urani ở mức 60% tại cơ sở hạt nhân Natanz, đồng thời dự kiến bổ sung 1.024 máy ly tâm thế hệ đầu tiên IR-1 dưới lòng đất. Tuy nhiên, ngày 15-4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tìm cách xoa dịu những quan ngại của phương Tây về quyết định của nước này làm giàu urani ở mức 60% tại cơ sở hạt nhân Natanz, đồng thời khẳng định chương trình hạt nhân của mình là nhằm mục đích "hòa bình".

Tuần trước, giới chức Iran và các cường quốc trên thế giới đã tiến hành các cuộc đàm phán được mô tả là "mang tính xây dựng" nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sau khi Mỹ rút khỏi. Theo thỏa thuận này, Iran được làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.   

4. Nhật Bản quyết định vấn đề xả thải của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Ngày 13-4, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép xả nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý bằng công nghệ tiên tiến từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển, đồng thời cam kết đảm bảo nước thải này luôn ở mức an toàn. Quyết định này được đưa ra hơn một thập kỷ sau các sự cố liên tiếp ở nhà máy này do thảm họa động đất và sóng thần gây ra hồi tháng 3-2011.

Các bể chứa nước thải tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: Kyodo News
Các bể chứa nước thải tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: Kyodo News

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh việc xả nước thải đã qua xử lý là một vấn đề tất yếu trong quá trình phá dỡ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, đồng thời cam kết nỗ lực hết sức để đảm bảo nước thải này ở mức an toàn.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng bày tỏ ủng hộ quyết định trên của Nhật Bản, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình giám sát việc xả thải này.

Sau thảm họa năm 2011, nước được bơm vào các lò phản ứng đã bị hư hại tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 để làm mát các thanh nhiên liệu. Cùng với nước mưa và nước ngầm bị nhiễm xạ, nước thải sau quá trình làm mát ở các lò phản ứng được xử lý bằng Hệ thống Xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS). ALPS giúp loại bỏ phần lớn các chất phóng xạ, trong đó có strontium và cesium, nhưng không thể loại bỏ tritium.

Tại thời điểm hiện nay, có hơn 1,25 triệu tấn nước thải đã qua xử lý nhưng vẫn còn chứa phóng xạ đang được lưu trữ trong các bể chứa tại nhà máy. Theo kế hoạch, nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 sẽ được pha loãng để giảm nồng độ phóng xạ xuống còn 1.500 becquerel/lít, tương đương 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với nước uống, trước khi được xả ra biển. Việc xả nước thải ra biển sẽ được thực hiện trong khoảng 2 năm.

5. Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9

Ngày 14-4, Tổng thống Biden cho biết quân đội Mỹ sẽ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan từ ngày 1-5. Các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã nhất trí rút các binh sĩ nước ngoài khỏi Afghanistan theo đúng lộ trình rút quân của Mỹ. Quá trình rút binh sĩ nước ngoài khỏi quốc gia Tây Nam Á sẽ hoàn tất vào trước ngày 11-9 năm nay.

Cuộc chiến tại Afghanistan đã khiến 2.400 quân nhân Mỹ thiệt mạng và tiêu tốn của nước này ước tính 2.000 tỷ USD. Thời điểm cao trào, số quân Mỹ ở Afghanistan từng lên tới 100.000 người vào năm 2011. Hiện số binh sĩ NATO còn ở Afghanistan vào khoảng 9.600 người, trong đó Mỹ có 2.500 binh sĩ và Đức có 1.100 binh sĩ.

Quân đội Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Reuters
Quân đội Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

Bình luận về kế hoạch rút quân trên của Mỹ, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani cho biết nước này tôn trọng quyết định của Washington và  các lực lượng của Afghanistan hiện có "đủ năng lực" để bảo vệ đất nước.

Liên hợp quốc (LHQ) thông báo cơ quan này sẽ duy trì sứ mệnh chính trị và nhân đạo của mình ở Afghanistan, kể cả sau khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi quốc gia này vào cuối năm nay.

Tiến trình hòa bình Afghanistan vốn đã rơi vào bế tắc khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại thủ đô Doha của Qatar bị đình trệ. Mỹ chủ trương thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban trước thời điểm 2.500 binh sĩ cuối cùng của quân đội nước này phải rời khỏi Afghanistan. Washington muốn Chính phủ Afghanistan và Taliban đạt được một số thỏa thuận về chia sẻ quyền lực.

Tuy nhiên, Washington đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi thời điểm hạn chót là ngày 1-5 tới đang đến gần, nhưng Taliban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực tại Afghanistan. Mới đây, ngày 24-3, Taliban đã bác đề xuất của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani về tổ chức bầu cử trong năm nay.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.