.

Thế giới tuần qua: Bế tắc và căng thẳng

Cập nhật: 11:45, 08/05/2021 (GMT+7)

Đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại một số “điểm nóng” trên thế giới; Anh, Pháp leo thang căng thẳng trên biển hậu Brexit; Israel đối mặt với bế tắc chính trị kéo dài... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần này.

1. Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh ở nhiều nước

Tính đến sáng 8-5, theo trang Worldometers, thế giới đã có hơn 157,5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 135,6 triệu ca đã hồi phục và hơn 3,2 triệu ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 830.000 bệnh nhân, số ca tử vong ở mức hơn 13.666 ca. Thế giới vẫn đang quay cuồng với thảm họa Covid-19, trong khi đó các chiến dịch tiêm vaccine đều chậm trễ.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 594.000 ca tử vong trong tổng số gần 33,5 triệu trường hợp nhiễm. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vừa tuyên bố mục tiêu tiêm chủng ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19 cho 70% người Mỹ trưởng thành vào đúng ngày quốc khánh 4-7.

Covid-19 đang lây lan nghiêm trọng tại Ấn Độ. Ảnh: Business Today
Covid-19 đang lây lan nghiêm trọng tại Ấn Độ. Ảnh: Business Today

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã trở thành “điểm nóng” về sự lây lan của đại dịch, trong đó đặc biệt là Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này hiện đứng thứ hai với 21,8 triệu trường hợp. Ngoài ra, Ấn Độ đang chứng kiến tốc độ nhiễm Covid-19 cực kỳ cao khi có thêm 2,7 triệu ca mắc và gần 26.000 bệnh nhân tử vong chỉ riêng tuần này.

Tính theo tuần, Brazil ghi nhận thêm hơn 410.000 ca mắc, còn Mỹ cũng trên 320.000 trường hợp mới mắc Covid-19. Các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Pháp, Iran, Colombia, Đức đều có số ca nhiễm mới trên mức 100.000 người.

Bên cạnh đó, một số nước cũng được cảnh báo rất dễ trở thành một “Ấn Độ thứ hai” như Nepal. Quốc gia này có tỷ lệ dương tính trung bình ở mức 47% - mức cao đáng báo động. Nepal được biết đến là nơi khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là các thiết bị y tế chuyên dụng. Đất nước không cảng biển này chỉ có một nguồn cung duy nhất là từ Ấn Độ bằng đường bộ. Tuy nhiên, chính Ấn Độ hiện tại cũng đang chật vật với vấn đề này.

2. Anh, Pháp leo thang căng thẳng trên biển hậu Brexit

Pháp và Anh đã triển khai các tàu tuần tra hàng hải đến khu vực Eo biển Manche, sau khi căng thẳng leo thang liên quan đến quy định mới mà Anh áp đặt lên các ngư dân Pháp sau khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu hya còn gọi là Brexit.

Ngày 6-5, khoảng 50 -70 tàu cá Pháp kéo đến vùng biển ngoài khơi đảo Jersey (một hòn đảo tự trị thuộc Quần đảo Eo biển trên Eo biển Manche và Anh có nghĩa vụ bảo vệ theo hiến pháp) tập trung quanh bến cảng Saint Helier để phản đối việc chính quyền hòn đảo này hạn chế quyền đánh cá.

Tàu cá Pháp gần cảng Saint Helier ở đảo Jersey. Ảnh: AFP
Tàu cá Pháp gần cảng Saint Helier ở đảo Jersey. Ảnh: AFP

Là một phần của cuộc đàm phán Brexit, các bên đã thỏa thuận rằng tàu thuyền của Pháp được phép tiếp tục đánh bắt quanh Jersey, với điều kiện có giấy phép mới. Nhưng khi nhận được giấy phép, một số ngư dân cho biết phía Jersey áp đặt những yêu cầu và hạn chế không nằm trong thỏa thuận. Một số ngư dân thậm chí chỉ được cấp phép đánh bắt một hoặc hai tuần trong năm.

Để đề phòng căng thẳng leo thang, Anh tức tốc cử hai tàu Hải quân Hoàng gia là HMS Severn và HMS Tamar đến Eo biển Manche. Pháp đối phó bằng cách điều hai tàu tuần tra, trong đó có một tàu hiến binh, đến khu vực. Sau khi nhóm tàu cá Pháp rời đi, phía Anh tuyên bố sẽ rút các tàu Hải quân Hoàng gia khỏi vùng biển ngoài khơi Jersey, nhưng cho biết vẫn sẵn sàng hỗ trợ hòn đảo này nếu cần thiết.

Dự kiến trong vài ngày tới, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đối thoại để giải tỏa căng thẳng trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào tháng 6 tới đây.

3. Israel đối mặt với bế tắc chính trị kéo dài

Sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi cuối tháng 3-2021, đương kim Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã được trao quyền liên minh thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, ông Netanyahu vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ này và thời hạn 28 ngày theo luật định đã kết thúc vào ngày 4-5.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters

Truyền thông địa phương cho hay ông Netanyahu thất bại phần lớn vì một số đảng phái không muốn phục vụ dưới quyền một Thủ tướng đang bị xét xử. Hiện ông Netanyahu đang hầu tòa vì một loạt cáo buộc tham nhũng, dù ông nhiều lần bác bỏ các cáo buộc chống lại mình.

Dự kiến, Tổng thống Israel Reuven Rivlin sẽ trao cơ hội tập hợp một liên minh thành lập chính phủ mới cho thủ lĩnh phe đối lập Yair Lapid, Chủ tịch đảng Yesh Atid. Trong khi đó, ông Netanyahu sẽ vẫn nắm quyền thủ tướng cho đến khi chính phủ mới được thành lập.

Nếu ứng cử viên mới do Tổng thống Israel Reuven Rivlin lựa chọn không thể thành lập chính phủ trong vòng 28 ngày, Tổng thống có thể ủy quyền cho Quốc hội trong vòng 21 ngày. Nếu tiếp tục thất bại, Israel sẽ tổ chức vòng bầu cử thứ 5 trong hơn 2 năm. Đồng nghĩa, Israel lại rơi vào “vòng luẩn quẩn” của bế tắc chính trị kéo dài.

4. Kỳ vọng có thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 7-5, các bên tham gia đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã nối lại đàm phán tại thủ đô Vienna (Áo).

Đây là vòng đàm phán thứ 4 được các bên tiến hành kể từ đầu tháng 4 vừa qua nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được Iran và các cường quốc thế giới ký năm 2015. Các nhà ngoại giao cũng hy vọng các bên có thể đạt được một thỏa thuận trước khi nước Cộng hòa Hồi giáo này tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 6 tới.

Các bên tại một cuộc đàm phán ở Vienna, Áo. Ảnh: Getty Images
Các bên tại một cuộc đàm phán ở Vienna, Áo. Ảnh: Getty Images

Kết thúc cuộc đàm phán, Đại diện thường trực của Nga tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mikhail Ulyanov nêu rõ các bên tham gia đã nhất trí về sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình này. Theo ông, các phái đoàn dường như sẵn sàng lưu lại Vienna chừng nào cần thiết để đạt được mục tiêu trên. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết trong cuộc làm việc, các bên đã nhắc lại cam kết về nỗ lực đạt được thỏa thuận trong tương lai gần và sẽ tiếp tục thảo luận để đạt được điều này. Theo ông, phía Mỹ đã thể hiện sẵn sàng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Iran, nhưng phía Tehran mong muốn nhiều hơn thế.

Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA - mà Mỹ đơn phương rút khỏi vào năm 2018 dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đã được nối lại từ ngày 6-4 tại Vienna. Việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ đã làm hồi sinh hy vọng cho các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận trên khi ông bày tỏ mong muốn tham gia lại JCPOA.

5. Hội nghị Ngoại trưởng G7 bàn thảo nhiều vấn đề chung

Ngoại trưởng nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa nhóm họp tại thủ đô London của Anh trong lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên sau hơn hai năm.

Trong bối cảnh cả thế giới chật vật chống chọi với đại dịch, chương trình nghị sự của hội nghị kéo dài 2 ngày, từ ngày 4-5, tập trung vào các vấn đề như phân phối vaccine, hồi phục kinh tế hậu Covid-19, biến đổi khí hậu, mối quan hệ với Nga, Trung Quốc.

Ngoại trưởng các nước G7 tham dự Hội nghị trực tiếp đầu tiên sau 2 năm. Ảnh: PA
Ngoại trưởng các nước G7 tham dự Hội nghị trực tiếp đầu tiên sau 2 năm. Ảnh: PA

Tuy nhiên, việc nước chủ nhà Anh mời thêm một số vị khách đặc biệt, như ngoại trưởng các nước: Australia, Hàn Quốc; đại diện ASEAN, Nam Phi, Ấn Độ, cho thấy mối quan tâm của nước chủ nhà Anh cũng như nhóm G7 đa dạng hơn nhiều, ngoài vấn đề ứng phó đại dịch. Theo thông cáo của nước chủ nhà, “việc họ tham dự sẽ mang tới kinh nghiệm và sự hiện diện rộng lớn hơn, cũng như chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 nhằm chuẩn bị sự kiện quan trọng hơn đó là Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 13-6 tới tại khu vực Tây Nam nước Anh. Và với sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức tại sự kiện này, hội nghị hứa hẹn sẽ thu hút nhiều quan tâm với chương trình nghị sự sôi động, trong đó là vấn đề quan hệ với Nga, Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc sẽ mời Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Nam Phi và Tổng thư ký ASEAN dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay là ý định khó có thể che giấu hay biện hộ về việc G7 muốn duy trì ưu thế của các nước phương Tây trước sự cạnh tranh của các cường quốc mới nổi khác.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.