.

Thế giới tuần qua: Châu Á - Thái Bình Dương gồng mình trước làn sóng Covid-19 mới

Cập nhật: 10:25, 19/06/2021 (GMT+7)

Sự kiện lớn nhất trong tuần chính là chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ sau khi đắc cử đến châu Âu. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng quan tâm tới các thông tin về tình hình dịch bệnh ở châu Á - Thái Bình Dương hay cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống của người dân Iran.

1. Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ

Từ gặp gỡ các nước đối tác đến họp thượng đỉnh với những đối thủ hàng đầu là Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gửi đi thông điệp về sự trở lại của ngoại giao Mỹ, cũng như sự trở lại của Washington với vai trò nước dẫn dắt thế giới.

Thực tế là chỉ trong 1 tuần ngắn ngủi vừa qua, Tổng thống Biden có thể nói đã thành công trong việc hồi sinh liên minh xuyên Đại Tây Dương và tạo cho Mỹ một vị trí rất khác trong cuộc gặp thượng đỉnh với Nga, sau 4 năm bị các đồng minh “xa lánh” dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Và nỗ lực nhằm khẳng định “nước Mỹ trở lại” này bước đầu đã được các đồng minh tiếp nhận.

Từ trái sang phải: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại hội nghị. Ảnh: Reuters
Từ trái sang phải: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại hội nghị. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Tổng thống Biden là người ủng hộ mạnh mẽ NATO, mối liên kết xuyên Đại Tây Dương. Tất cả các đồng minh hoan nghênh thông điệp rất rõ ràng của Tổng thống Biden về tầm quan trọng của việc tăng cường mối quan hệ giữa châu Âu và Bắc Mỹ trong NATO”.

Tuy nhiên, chiến lược nhằm thống nhất châu Âu và Mỹ trong một mặt trận chung đối phó với những thách thức chiến lược mới vẫn chưa hoàn thiện và nhà lãnh đạo Mỹ vẫn cần có cả thời gian, cũng như hành động cụ thể để thuyết phục người châu Âu rằng đây là một cách tiếp cận bền vững và nhất quán.

Nhìn chung, các đồng minh của Mỹ vẫn chưa hết e ngại sau thời kỳ sóng gió vừa qua. Thách thức đối với Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ chính là làm thế nào để lồng ghép các mối quan tâm của các đồng minh và đối tác vào quá trình phát triển chính sách đối ngoại của mình.

2. Châu Á - Thái Bình Dương tìm lối thoát trước làn sóng Covid-19 mới

Sự xuất hiện những biến thể nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 kết hợp với tâm lý chủ quan đã dẫn đến sự bùng phát làn sóng dịch bệnh mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Australia, New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đều là những quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương từng được ca ngợi về khả năng ứng phó với đại dịch Covid-19, thậm chí còn được xếp hạng top đầu thế giới. Tuy nhiên, trong năm thứ 2 của đại dịch, họ đang phải đối mặt với những thách thức mới. Các biến thể mạnh hơn đã phá vỡ hệ thống phòng thủ vững chắc, gây ra nhiều đợt bùng phát mới vô cùng nghiêm trọng.

Nhật Bản đang tăng cường chương trình tiêm chủng. Ảnh: Al Jazeera
Nhật Bản đang tăng cường chương trình tiêm chủng. Ảnh: Al Jazeera

Dù các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nói trên đang từng bước kiểm soát được các làn sóng mới, nhưng họ vẫn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc triển khai chiến dịch tiêm phòng vaccine. Trong khi đó, những nước bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch như Mỹ, Italy, Anh đã đi trước một bước trong chương trình tiêm chủng và đang tiến tới việc đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Ngoài ra, tâm lý hoài nghi hiệu quả vaccine và sự thiếu tin tưởng vào các cơ quan y tế ở một số bộ phận dân số cũng đang làm chậm tiến độ chủng ngừa vaccine tại châu Á - Thái Bình Dương.

Theo các chuyên gia y tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp hơn, lối thoát duy nhất cho các quốc gia là tiêm chủng. Cho đến khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, phong tỏa và giãn cách xã hội vẫn rất cần thiết.

3. Triều Tiên gửi thông điệp tới Mỹ

Ngày 18-6, Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố Bình Nhưỡng cần chuẩn bị cho khả năng “đối thoại lẫn đối đầu” với Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ảnh: KCNA

Chủ tịch Triều Tiên nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị các đối sách chiến lược và chiến thuật phù hợp cũng như các hoạt động cần duy trì trước xu hướng chính sách của chính quyền mới tại Mỹ. Theo đó, Bình Nhưỡng một mặt sẵn sàng cho chương trình đối thoại đồng thời chuẩn bị đầy đủ đối phó nguy cơ đối đầu trong nhiệm vụ bảo vệ các giá trị và lợi ích quốc gia, đảm bảo môi trường phát triển hòa bình.

Thông điệp của nhà lãnh đạo Triều Tiên được đưa ra giữa thời điểm đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, Sung Kim, chuẩn bị có chuyến thăm đầu tiên đến Hàn Quốc vào cuối tuần này để tham gia cuộc đàm phán ba bên với đối tác nước chủ nhà và Nhật Bản.

Gần đây, chính quyền Tổng thống Biden đã hoàn thành việc xem xét lại chính sách về Triều Tiên. Các chi tiết đến nay chưa được công bố, nhưng Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đang tìm cách dung hòa sách lược kiên nhẫn chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama và đối thoại trực tiếp dưới thời Tổng thống Donald Trump. Mục tiêu là đạt được tiến bộ thực tế, hướng tới việc phi hạt nhân hóa hòa toàn bán đảo Triều Tiên.

4. Cử tri Iran đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống

Sáng 18-6, hàng chục nghìn điểm bỏ phiếu đã mở cửa cho cử tri đi bầu cử ở tất cả các tỉnh của Iran cũng như ở 133 quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Iran hơn 59 triệu người Iran đủ điều kiện đi bỏ phiếu, trong đó 1,3 triệu người là cử tri lần đầu đi bầu cử và 3,5 triệu cử tri ở nước ngoài.

Cử tri Iran đi bỏ phiếu. Ảnh: CNN
Cử tri Iran đi bỏ phiếu. Ảnh: CNN

Cuộc chạy đua cho vị trí Tổng thống diễn ra giữa 4 ứng cử viên, trong đó có 3 người theo đường lối bảo thủ là ông Ibrahim Raisi - người đứng đầu cơ quan tư pháp; ông Mohsen Rezaei - Thư ký của Hội đồng phân xử khẩn cấp và nguyên Tổng tư lệnh lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran; ông Amir Hossein Qazizadeh Hashemi - cựu Phó chủ tịch Quốc hội. Ứng cử viên duy nhất theo đường lối cải cách ôn hòa  là ông Abdul Nasser Hemmati, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran và là người có khả năng tiếp tục con đường của Tổng thống Hassan Rouhani.

Sau khi bỏ phiếu, Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei nhấn mạnh rằng đây là ngày của nhân dân Iran và kêu gọi người dân tham gia bầu cử. Theo các cuộc thăm dò dư luận, ông Ibrahim Raisi được cho là sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với tỷ lệ cách biệt. Trong trường hợp không có ứng cử viên nào đạt được đa số tuyệt đối, hai ứng cử viên nhận được số phiếu cao nhất trong vòng đầu tiên sẽ bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai được tổ chức vào ngày 25-6 tới.

Việc ai trở thành tổng thống mới của Iran sẽ ít nhiều tác động tới cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ và phương Tây cũng như đường lối chính sách kinh tế của Iran trong thời gian tới.

5. Nỗi lo các nhóm cực đoan ở Afghanistan trỗi dậy

Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ ngày 17-6 thừa nhận, các tổ chức cực đoan quốc tế có thể đặt ra mối đe dọa cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong 2 năm nữa.

Nguy cơ các nhóm cực đoan, khủng bố trỗi dậy sau khi Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan. Ảnh: Reuters
Nguy cơ các nhóm cực đoan, khủng bố trỗi dậy sau khi Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan. Ảnh: Reuters

Tại cuộc điều trần trước Quốc hội, trả lời câu hỏi chất vấn của thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham về khả năng trỗi dậy của các tổ chức khủng bố quốc tế như Al Qaeda, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở bên trong lãnh thổ Afghanistan cũng như khả năng các nhóm này dấy lên mối đe dọa cho Mỹ và các đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhận định, phải mất 2 năm các tổ chức cực đoan mới có thể phát triển năng lực để gây ra mối đe dọa.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cũng nhận định mối đe dọa trong trung hạn: “Nếu có sự sụp đổ của chính phủ, hay giải tán lực lượng an ninh Afghanistan, nguy cơ các tổ chức cực đoan trỗi dậy chắc chắn sẽ gia tăng nhưng ngay này, chúng tôi có thể nói rằng, mối đe dọa chỉ có thể xảy ra trong trung hạn, khoảng 2 năm nữa hoặc hơn. Nhưng trên thực tế, nếu quân đội Mỹ không có mặt ở Afghanistan thì chúng tôi sẽ có tác động rất hạn chế trong việc bảo vệ những người còn ở lại nước này”.

Bình luận của 2 quan chức cấp cao của quân đội Mỹ là những dấu hiệu rõ ràng nhất về mối quan ngại trong quân đội và các tổ chức tình báo của Mỹ về mối de dọa mà các tổ chức khủng bố có thể gây ra từ lãnh thổ Afghanistan và những nguy cơ từ việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi quốc gia Nam Á này.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.