Thứ Bảy, 26/06/2021, 15:17 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Khó khăn chồng chất

Thêm một tuần chồng chất khó khăn đối với cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu. Trong bối cảnh biến thể virus Delta đang hoành hành khắp nơi, các nước lại phải đối mặt với một biến thể mới mang Delta Plus, bên cạnh đó, nguy cơ từ các biến thể còn lại vẫn hiện hữu, đa số nước nghèo đến nay vẫn không được cung cấp đủ vaccine….

1. Mối đe dọa khôn lường từ biến thể Delta Plus

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, virus SARS CoV-2 đã liên tục biến đổi, từ biến thể Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh), Beta (ở Nam Phi) đến Gamma (ở Brazil). Giờ đây xuất hiện phiên bản đột biến mới của dòng Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, Delta Plus, được coi là một biến thể độc hại.

Một số biến thể đáng lo ngại có khả năng làm giảm tác dụng của vaccine. Ảnh: REUTERS
Một số biến thể đáng lo ngại có khả năng làm giảm tác dụng của vaccine. Ảnh: REUTERS

Biến thể Delta Plus có 3 đặc điểm đáng lo ngại: khả năng truyền nhiễm cao hơn, bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi và làm giảm khả năng đáp ứng của kháng thể đơn dòng. Theo các chuyên gia, Delta Plus có một đột biến gọi là K417N - lần đầu tiên được phát hiện trong biến thể Beta (nguồn gốc từ Nam Phi - cũng là một biến thể gây lo ngại). Điều đó, cùng với thực tế là Delta Plus cũng sở hữu tất cả các đặc tính khác của Delta, có thể làm cho biến thể mới nhất này trở nên dễ lây nhiễm hơn nhiều.

Giám đốc Viện khoa học y tế toàn Ấn (AIIM) Randeep Guleria đánh giá Delta Plus dễ lây đến mức chỉ cần đi cạnh một bệnh nhân nhiễm biến thể này không đeo khẩu trang thì cũng có thể bị mắc Covid-19. Giới chức Ấn Độ lo ngại Delta Plus có cơ chế lẩn tránh hệ miễn dịch cũng như có khả năng chống lại các kháng thể đơn dòng.

Hiện có rất ít dữ liệu về Delta Plus và biến thể này cũng mới chỉ xuất hiện ở 9 quốc gia khác gồm Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Nepal, Nga và Trung Quốc. Nhưng việc Bộ Y tế Ấn Độ sớm coi Delta Plus là biến thể gây lo ngại là một hành động mau lẹ, để nước này có được sự chuẩn bị tốt nhất nhằm ứng phó với một làn sóng thứ ba tiềm tàng, nhất là khi biến thể tiền thân Delta hiện đã lây lan đến hơn 80 quốc gia trên thế giới và gây ra những làn sóng lây nhiễm mới, bất chấp các chiến dịch tiêm chủng đang được tăng tốc ở nhiều nơi.

2. Đa số nước nghèo không được cung cấp đủ vaccine

Hơn một nửa nước nghèo nhận vaccine phòng Covid-19 thông qua chương trình COVAX không được cung cấp đủ số liều vaccine để duy trì chương trình tiêm chủng.

Nhân viên LHQ kiểm tra lô vaccine ngừa Covid-19 theo cơ chế COVAX được chuyển tới Tunis, Tunisia, ngày 16-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên LHQ kiểm tra lô vaccine ngừa Covid-19 theo cơ chế COVAX được chuyển tới Tunis, Tunisia, ngày 16-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cố vấn cấp cao của WHO cho biết, trong số 80 quốc gia nằm trong diện "cam kết thúc đẩy thị trường đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình" (AMC), ít nhất hơn một nửa trong số đó hiện không có đủ vaccine để duy trì chương trình tiêm chủng của họ. Theo ông, con số thực tế có thể cao hơn nhiều, một số nước đã hết vaccine phóng Covid-19.

Trong khi đó, số ca nhiễm và tử vong gia tăng trên khắp châu Phi trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 3 đang hoành hành. Đến nay, chỉ khoảng 1% dân số "lục địa Đen" được tiêm vaccine đầy đủ, tỷ lệ thấp nhất thế giới. WHO cũng cảnh báo gần 90% các nước châu Phi sẽ bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào tháng 9 tới.

Tỷ lệ tiêm phòng vaccine tại cả khu vực Mỹ Latinh và Caribe, bao gồm cả các nước Nam Mỹ, hiện cũng rất thấp, chỉ khoảng 10% trong tổng số 600 triệu người dân ở khu vực được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cho rằng sở dĩ tỷ lệ tử vong ở các nước tại khu vực này cao là do “khoảng trống” về việc tiếp cận vaccine.

Tại châu Á, việc triển khai tiêm chủng ở nhiều quốc gia đang ở giai đoạn đầu, nhiều người mong muốn tiêm vaccine vẫn đang phải xếp hàng. Một số nước đang phát triển ở Đông Nam Á và Nam Á gặp khó khăn trong việc mua vaccine. Tuy tốc độ tiêm chủng đang có dấu hiệu cải thiện, nhưng xét về độ bao phủ vaccine, châu Á vẫn còn thua kém thế giới. Đến nay, mới có khoảng 1/5 người dân châu Á đã tiêm một liều vaccine, so với 37% ở châu Âu và 40% ở Bắc Mỹ, theo số liệu gần đây nhất của Our World in Data.

Hiện nay, hơn 75% tổng lượng vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu chỉ dồn vào 10 quốc gia. Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã mô tả tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 là rất tồi tệ và là nguyên nhân khiến đại dịch kéo dài.

3. Iran có tân Tổng thống theo đường lối bảo thủ, đàm phán hạt nhân vẫn khó khăn

Ngày 21-6, Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi trả lời các cơ quan truyền thông đã bộc lộ những quan điểm khá cứng rắn trong chính sách đối ngoại của Tehran, bao gồm cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Tân tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: vtv.vn
Tân tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: vtv.vn

Ông Raisi tuyên bố không gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và bảo vệ quan điểm cho rằng Iran có các quyền lợi hợp pháp trong chương trình tên lửa của mình. Ông loại trừ bất kỳ sự hạn chế nào đối với năng lực tên lửa của Iran, cho rằng chương trình tên lửa là “không thể đàm phán” và tiếp tục ủng hộ các nhóm vũ trang ở khu vực. Tổng thống Raisi thẳng thắn yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ông cho rằng Mỹ đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân và Liên minh châu Âu (EU) đã không thực hiện các cam kết của mình do chịu sức ép từ các chính sách của Mỹ.

Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi hiện không có quan hệ ngoại giao với Iran hay lên bất cứ kế hoạch nào về cuộc gặp ở cấp lãnh đạo”.

Việc cả Mỹ và Iran bày tỏ lập trường cứng rắn ngay từ đầu khiến cuộc đàm phán hạt nhân đang được tiến hành ở Vienna (Áo) “vẫn khó và còn cần nhiều nỗ lực”, như tuyên bố của ông Abbas Araqchi - Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran.

Còn Thủ tướng Israel Naftali Bennett nói: "Ông Raisi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, tôi phải nói rằng, lãnh đạo các cường quốc trên thế giới hẳn nên thức tỉnh trước khi họ muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, họ cần hiểu họ đang thỏa thuận với ai".

4. Bạo lực gia tăng trên khắp Afghanistan

Bạo lực đã gia tăng trên khắp Afghanistan trong bối cảnh quân đội Mỹ đẩy mạnh kế hoạch rút những binh sĩ cuối cùng khỏi nước này. Ngày 22-6, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Afghanistan Deborah Lyons cho biết Taliban đã chiếm hơn 50 trong số 370 quận, huyện ở nước này kể từ tháng 5 đến nay. Ngoài ra, Taliban đã chiếm được cửa khẩu Shir Khan Bandar của Afghanistan với Tajikistan.

Hiện trường một vụ đánh bom xe tại Jalalabad, Afghanistan. Ảnh: THX/TTXVN
Hiện trường một vụ đánh bom xe tại Jalalabad, Afghanistan. Ảnh: THX/TTXVN

Trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), bà Lyons nêu rõ: "Những quận, huyện bị (Taliban) chiếm bao quanh thủ phủ của các tỉnh, cho thấy Taliban đang bố trí lực lượng tại các cứ điểm riêng hòng tìm cách chiếm những thủ phủ này sau khi các lực lượng nước ngoài rút hoàn toàn khỏi Afghanistan". Xung đột gia tăng tại quốc gia Nam Á này đồng nghĩa với việc bất an gia tăng đối với nhiều nước khác.

Tình trạng gia tăng bạo lực và thương vong dân thường đang ở mức đáng báo động, làm trầm trọng thêm vấn đề an ninh và nhân đạo. Trong gần 20 năm xung đột vừa qua tại Afghanistan, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và các tay súng Taliban bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái nhưng đến nay vẫn đình trệ, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế.

5. Những con số đáng báo động đối với nhân loại khi Trái Đất ấm lên

Dự thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) về tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu tới đời sống nhân loại đã cho thấy những con số đáng báo động.

Ảnh minh họa: Geospatial World
Ảnh minh họa: Geospatial World

Trong giai đoạn 2015-2019, ước tính 166 triệu người, chủ yếu tại châu Phi và Trung Mỹ, cần được viện trợ nhân đạo do tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp liên quan tới tác động của biến đổi khí hậu. Lượng khí thải CO2 gia tăng cũng làm sụt giảm chất lượng các vụ mùa, làm suy giảm các khoáng chất và chất dinh dưỡng cần thiết trong các thực phẩm chính. Bên cạnh đó, dự báo tiềm năng đánh bắt tại các ngư trường sẽ sụt giảm từ 40-70% tại các khu vực nhiệt đới của châu Phi nếu lượng khí thải tiếp tục tăng.

Do các hiện tượng thời tiết cực đoan, sức lao động của con người sẽ giảm, theo đó số ngày làm việc trong năm của phần lớn người dân tại Nam Á, khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara và nhiều vùng ở khu vực Trung và Nam Mỹ sẽ giảm 250 ngày vào năm 2100. Bên cạnh đó, sẽ có thêm 1,7 tỷ người phải tiếp xúc với nắng nóng, thêm 420 triệu người khó tránh khỏi các đợt nóng gay gắt nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C. Chưa dừng tại đó, vào năm 2080, hàng trăm triệu cư dân thành thị ở khu vực châu Phi cận Sahara, Nam và Đông Nam Á được dự báo có thể phải chống đỡ với hơn 30 ngày nắng nóng chết người mỗi năm.

Ngoài ra, lũ lụt được dự báo có thể khiến mỗi năm có trung bình 2,7 triệu người châu Phi phải đi di tản. Nếu không giảm lượng khí thải, hơn 85 triệu người ở châu Phi cận sa mạc Sahara vào năm 2050 sẽ mất nhà cửa do tác động của biến đổi khí hậu. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,5 độ C, số lượng người bị ảnh hưởng do lũ lụt tại Colombia, Brazil và Argentina sẽ tăng cao gấp 2-3 lần, tại Ecuador và Uruguay tăng gấp 4 lần và tại Peru sẽ tăng gấp 5 lần.

Trong khi đó, tại châu Á, dự báo số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì các tác động của biến đổi khí hậu sẽ tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2020 -2050. Báo cáo cũng dự báo khoảng 170 triệu người sẽ chịu tác động từ tình trạng khô hạn khắc nghiệt trong thế kỷ này nếu Trái Đất nóng thêm 3 độ C. Cũng với mức tăng nhiệt này, số lượng người có nguy cơ tử vong cao tại châu Âu sẽ tăng gấp 3 lần.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.