Thứ Bảy, 10/07/2021, 20:02 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Những tín hiệu bất ổn

Tổng thống Haiti bị ám sát, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca tử vong tăng lên mức báo động, hay tình hình an ninh-chính trị bất ổn ở Afghanistan... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

1. Rúng động vụ ám sát Tổng thống Haiti

Ngày 7-7, một nhóm tay súng đã sát hại Tổng thống Haiti Jovenel Moise tại nhà riêng. Cảnh sát Haiti cho biết có ít nhất 28 đối tượng đã tham gia vụ ám sát, trong đó có 26 đối tượng người Colombia, 2 người Mỹ gốc Haiti. Cảnh sát Haiti đã bắn chết 4 nghi phạm.

Lực lượng an ninh Haiti đang chốt chặn tại một lối vào của tư dinh Tổng thống Haiti Jovenel Moise sau vụ việc. Ảnh: CNN
Lực lượng an ninh Haiti đang chốt chặn tại một lối vào của tư dinh Tổng thống Haiti Jovenel Moise sau vụ việc. Ảnh: CNN

Truyền thông Haiti cho biết, những kẻ tấn công đóng giả làm nhân viên Cơ quan phòng, chống ma túy Mỹ (DEA), sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Creole của người Haiti khi tiếp cận tư dinh của Tổng thống J.Moise. Những kẻ này đã tước vũ khí của các vệ sĩ và bắn chết Tổng thống J.Moise. Vụ ám sát này được cho là đã được lên kế hoạch và triển khai cẩn trọng.

Việc Tổng thống J.Moise bị ám sát là tín hiệu xấu cho tương lai của Haiti, làm gia tăng lo ngại nguy cơ vòng xoáy bất ổn mới tại quốc gia nghèo nhất vùng Caribe. Haiti đang đối mặt với chia rẽ chính trị sâu sắc, khủng hoảng nhân đạo, tình trạng thiếu lương thực và đã có những lo ngại tình trạng hỗn loạn sẽ lan rộng. Trong lịch sử hiện đại của Haiti, quốc gia này chưa từng ghi nhận vụ ám sát tổng thống nào.

Động cơ của vụ tấn công hiện chưa được xác định; kẻ chủ mưu vẫn chưa lộ diện. Tuy nhiên, trước khi bị ám sát, Tổng thống J.Moise đã phải đối mặt với làn sóng kêu gọi từ chức vì bị phe đối lập cho là “tham quyền cố vị”.

2. Số ca tử vong vì Covid-19 vượt 4 triệu

Theo trang worldometers, tính đến sáng 10-7, đại dịch Covid-19 đã khiến gần 187 triệu ca mắc, trong đó làm hơn 4 triệu trường hợp thiệt mạng. Con số này gần tương đương với dân số ở Los Angeles (Mỹ) hay tương đương với tổng người chết trong tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới kể từ 1982, theo ước tính của Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo.

Nhân viên y tế điều trị một bệnh nhân Covid-19 tại Ai Cập. Ảnh: Getty Images
Nhân viên y tế điều trị một bệnh nhân Covid-19 tại Ai Cập. Ảnh: Getty Images

Theo tờ The New York Times, đầu tiên, virus SARS-CoV-2 mất 9 tháng để cướp đi sinh mạng của một triệu người. Số ca tử vong do virus corona gây ra tăng lên 2 triệu chỉ trong 3,5 tháng và chỉ mất 3 tháng, virus đã khiến số người chết tăng thành 3 triệu. Tới giờ, nó chỉ mất 2,5 tháng để lấy đi mạng sống của một triệu người nữa.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi con số 4 triệu người tử vong là một dấu mốc bi thảm và cho hay, số người chết tiếp tục tăng phần lớn là do các phiên bản nguy hiểm của virus và sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này đang trở thành nỗ lực chạy đua giữa tiêm vaccine và biến thể Delta nguy hiểm. Nhờ vaccine, số người chết đã giảm xuống quanh mức 7.900 mỗi ngày, sau khi đạt đỉnh hơn 18.000 hồi tháng 1 vừa qua. Nhưng trong những tuần gần đây, biến thể Delta đang gây báo động khắp thế giới khi nó lây lan nhanh cả ở những nước được coi là bài học thành công về tiêm chủng như Mỹ, Anh, Israel.

3. Taliban tuyên bố kiểm soát hầu hết lãnh thổ Afghanistan

Phát biểu tại thủ đô Moskva của Nga ngày 9-7, quan chức Taliban Shahabuddin Delawar tuyên bố lực lượng này kiểm soát 85% lãnh thổ ở Afghanistan.

Theo thống kê của tạp chí Long War Journal, đến ngày 7-7, phiến quân đã kiểm soát 196 quận/huyện, và khu vực kiểm soát của Chính phủ Afghanistan chỉ còn 74 quận/huyện. Chính phủ Afghanistan hiện vẫn nắm giữ các tỉnh/thành chủ chốt như Kabul, Kandahar, Kunduz, Herat... Với thực trạng hiện nay, dư luận lo ngại bất ổn tại Afghanistan sẽ còn trầm trọng hơn và tiếp diễn trong thời gian tới.

Quân đội Afghanistan canh gác tại một trạm kiểm soát ở thủ đô Kabul. Ảnh: Reuters
Quân đội Afghanistan canh gác tại một trạm kiểm soát ở thủ đô Kabul. Ảnh: Reuters

Tình hình căng thẳng trên diễn ra song song với quá trình Mỹ và lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi Afghanistan, theo thỏa thuận hòa bình được Mỹ và Taliban ký kết ngày 29-2 năm ngoái nhằm thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa nhóm Hồi giáo này với Chính phủ Afghanistan. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8-7 cũng thông báo sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Afghanistan sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến, vào ngày 31-8 tới. Tuy vậy, giao tranh giữa quân đội Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban bùng phát mạnh đang khiến dư luận hoài nghi về tác động của thỏa thuận rút quân này.

Sự nghi kỵ, chia rẽ sắc tộc và phe phái vốn đã rất sâu sắc tại đất nước này đang tạo ra những biến số khó lường, khiến mục tiêu đạt được giải pháp cuối cùng ở Afghanistan trên cơ sở một thỏa thuận chính trị lâu dài được cả chính quyền Kabul và Taliban chấp nhận, lại càng thêm xa vời.

4. Khủng hoảng đói nghèo đe dọa thế giới

Tổ chức từ thiện toàn cầu Oxfarm cho biết cứ mỗi phút lại có tới 11 người chết vì đói khát và suy dinh dưỡng, trong bối cảnh tỷ lệ những người phải sống trong các điều kiện đói nghèo tăng vọt kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó, ước tính chỉ có khoảng 7 người tử vong/phút vì dịch Covid-19.

Nhiều nước đang phải hứng chịu khủng hoảng an ninh lương thực trầm trọng. Ảnh: Sentinel Colorado
Nhiều nước đang phải hứng chịu khủng hoảng an ninh lương thực trầm trọng. Ảnh: Sentinel Colorado

Oxfarm thống kê, có tới 155 triệu người trên khắp thế giới đang sống trong tình trạng khủng hoảng do mất an ninh lương thực hoặc tồi tệ hơn, tăng thêm 20 triệu người so với năm ngoái; đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng đói nghèo đang ngày càng trầm trọng.

Chiến tranh và xung đột vẫn là nguyên nhân chính gây ra nạn đói, chiếm 2/3 số ca tử vong vì đói nghèo trên toàn cầu. Ngoài ra, sự bùng nổ của đại dịch và những cú sốc kinh tế do hậu quả của đại dịch, cũng như cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ, đã đẩy hàng chục triệu người vào cảnh đói khát.

Tổ chức này cũng chỉ ra các quốc gia bị chiến tranh tàn phá - bao gồm Afghanistan, Ethiopia, Nam Sudan, Syria và Yemen - là một trong những điểm nóng về nạn đói tồi tệ nhất trên thế giới. Trong khi đó, tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng ở những quốc gia là “tâm điểm của nạn đói mới nổi”, chẳng hạn như Ấn Độ, Nam Phi và Brazil.

5. Iran thông báo kế hoạch làm giàu urani lên mức 20%

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 6-7 thông báo Iran có ý định làm giàu kim loại urani lên mức 20%, trong bối cảnh các vòng đàm phán tại Vienna (Áo) về việc Mỹ và Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 dường như rơi vào bế tắc.

Bên trong nhà máy hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: IRNA
Bên trong nhà máy hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: IRNA

Cùng ngày, Mỹ và các cường quốc châu Âu đã đồng loạt thể hiện thái độ thất vọng trước động thái mới nhất của Iran. Tuyên bố của ngoại trưởng ba nước Anh, Pháp, Đức bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, đồng thời khẳng định đây là động thái gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán tại Vienna. Trong khi đó, chính quyền Washington cho rằng quyết định của Iran là “bước thụt lùi đáng tiếc”, dù vẫn nhận định cánh cửa ngoại giao cho cả hai bên khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 vẫn còn để ngỏ.

Một số chuyên gia phân tích chính trị thế giới đánh giá, nút thắt trong vấn đề hồ sơ hạt nhân Iran dường như lại bị thít chặt hơn, sau khi vừa được nới lỏng phần nào hồi đầu tháng 4, thời điểm các bên nhất trí nối lại đàm phán. Được biết, cả chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Iran đều nói rằng họ muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Trước những chỉ trích mạnh mẽ và đồn đoán từ quốc tế về kế hoạch làm giàu urani, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cùng ngày đã chính thức lên tiếng. Ông S.Khatibzadeh nêu rõ, Iran sẽ không vội vàng để đạt được thỏa thuận nhưng cũng không cho phép kết quả các cuộc đàm phán tại Vienna bị xói mòn.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.