Thứ Bảy, 03/07/2021, 13:58 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Thành tựu và nỗ lực

Tuần qua, nhiều sự kiện quốc tế lớn đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc, tiêu biểu như Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản, Tổng thống Vladimir Putin đối thoại với người dân Nga, EU bắt đầu áp dụng thẻ chứng nhận vaccine điện tử...

1. Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản

Sáng 1-7, Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1-7-1921 - 1-7-2021) đã diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự và có bài phát biểu quan trọng, nêu bật những thành tựu trong thế kỷ qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu “100 năm đầu tiên” là xây dựng xã hội toàn diện khá giả và đang tiến những bước hướng tới mục tiêu “100 năm thứ hai” là xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng cho rằng một đất nước mạnh mẽ phải có quân đội mạnh mẽ để đảm bảo an ninh quốc gia, và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đạt được những thành tựu không thể xóa nhòa, là trụ cột vững chắc trong bảo vệ đất nước. Ông đồng thời khẳng định, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội, và quân đội Trung Quốc phải được phát triển và nâng tầm lên đẳng cấp thế giới.

Từ khi cải cách mở cửa đến nay, số người thoát nghèo tại Trung Quốc chiếm hơn 70% số người thoát nghèo trên thế giới trong cùng kỳ, hoàn thành sớm hơn 10 năm mục tiêu giảm nghèo của Liên hợp quốc. Ðối mặt với đại dịch Covid-19, Ðảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì quan điểm nhân dân trên hết, tính mạng trên hết, giành được thành quả chiến lược quan trọng trong cuộc chiến chống dịch. Ðây là sự minh họa sinh động nhất về quan điểm cầm quyền vì dân của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, được nhân dân Trung Quốc hết sức đồng tình và kiên quyết ủng hộ.

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới trong 100 năm qua đã đạt nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt. Dữ liệu được công bố hôm 30-6 cho thấy, hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng thêm 2,43 triệu người trong năm 2020, mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, qua đó nâng tổng số đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc lên tới hơn 95 triệu người.

2. Tổng thống Vladimir Putin đối thoại với người dân Nga

Ngày 30-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành đối thoại với người dân nước này thông qua chương trình “Đường dây trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin”. Đây là lần thứ 18 nhà lãnh đạo Nga tiến hành giao tiếp với người dân qua hình thức này.

Trong 3 giờ 42 phút, Tổng thống V.Putin đã trả lời 68 câu hỏi liên quan tới nhiều vấn đề “nóng” mà người dân Nga quan tâm, trong đó nổi bật là chủ đề vaccine ngừa Covid-19. Tổng thống Nga khẳng định các loại vaccine do Nga tạo ra đã được chứng minh là an toàn đối với sức khỏe của người tham gia tiêm phòng và khuyên người dân tích cực đi tiêm phòng; đồng thời nhấn mạnh tiêm vaccine là cách duy nhất ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại đối thoại. Ảnh: rg.ru
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại đối thoại. Ảnh: rg.ru

Liên quan đến quốc gia láng giềng Ukraine, người đứng đầu Điện Kremlin cũng bày tỏ quan ngại về việc các nước phương Tây triển khai hoạt động quân sự tại Ukraine. Ông V.Putin nêu rõ, Hiến pháp Ukraine không cho phép đặt căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ nước này nhưng lại cho phép thành lập các trung tâm huấn luyện hoặc một số hình thức hợp tác khác trong lĩnh vực quân sự. Điều này khiến Moscow quan ngại về an ninh quốc gia.

Tổng thống V.Putin cũng tuyên bố chủ quyền kinh tế của Nga tiếp tục được đẩy mạnh bất chấp các lệnh trừng phạt từ bên ngoài. Chẳng hạn, thay thế thiết bị và công nghệ nhập khẩu bằng thiết bị và công nghệ nội địa đã tạo động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghệ cao của nền sản xuất trong nước. Điều này thực sự mang lợi ích cho đất nước Nga.

Ngoài những vấn đề nêu trên, nhà lãnh đạo Nga còn trả lời nhiều câu hỏi về người kế nhiệm của mình, kế hoạch sau khi ông nghỉ hưu, phát triển kinh tế, chống biến đổi khí hậu, an ninh mạng...

3. Mỹ và Israel trong nỗ lực thu hẹp sự khác biệt

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp sắp mãn nhiệm Reuven Rivlin của Israel tại Nhà Trắng ngày 28-6 (giờ Mỹ) có ý nghĩa đặc biệt. Đây là chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị nguyên thủ của Tổng thống Israel Reuven Rivlin.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp người đồng cấp Reuven Rivlin của Israel. Ảnh: The Day
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp người đồng cấp Reuven Rivlin của Israel. Ảnh: The Day

Không lạ gì khi giới truyền thông nhận định chuyến thăm của Tổng thống Reuven Rivlin sẽ nhấn mạnh quan hệ đối tác lâu dài giữa Mỹ và Israel cũng như các quan hệ sâu đậm giữa chính phủ và người dân hai nước.

Thế nhưng, bên cạnh những điểm chung, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng giữa Mỹ và Israel vẫn tồn tại những quan điểm khác biệt. Một trong số đó là việc Israel phản đối nỗ lực của chính quyền Washington nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Việc Israel có nhà lãnh đạo mới và sự thay đổi quan điểm đáng kể trong vấn đề Trung Đông của chính quyền Tổng thống Joe Biden khiến hai đồng minh cần phải có những bước “cài đặt” lại quan hệ một cách khéo léo. Chuyến thăm của Tổng thống Reuven Rivlin được cho là sẽ tạo bước đệm thuận lợi cho tiến trình này.

4. EU bắt đầu áp dụng “hộ chiếu” vaccine điện tử

Thẻ chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử nhằm tạo điều kiện cho việc di chuyển tự do trong Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7.

Ảnh minh họa. Nguồn: VCG
Ảnh minh họa. Nguồn: VCG

Ngoài những người đã tiêm vaccine, các cá nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc đã hình thành kháng thể miễn dịch sau khi mắc Covid-19 cũng được cấp chứng nhận nói trên. Họ sẽ không cần tuân thủ hầu hết hạn chế về đi lại hoặc kiểm tra dịch tễ trong phạm vi EU.

Di chuyển tự do là một trụ cột chính của hội nhập châu EU. Giới chức khối này cho biết, vào tháng 6 rằng các chứng chỉ điện tử sẽ một lần nữa cho phép công dân tận hưởng đặc quyền di chuyển tự do của EU. Dù vậy, hiện các quốc gia thành viên EU vẫn chưa thống nhất về quy trình xác minh thẻ chứng nhận tiêm chủng Covid-19 dạng kỹ thuật số.

Trong bối cảnh chính phủ nhiều nước châu Âu đã nới lỏng các quy định chống dịch, mỗi quốc gia thành viên EU vẫn có thể khôi phục các biện pháp bảo vệ nếu diễn biến dịch tại nước đó xấu đi. Đơn cử, Đức đã áp đặt các hạn chế đối với khách du lịch đến từ Bồ Đào Nha, quốc gia hiện đang đối mặt trước sự lây lan của biến thể Delta.

5. Nguy cơ “bóng ma” IS trỗi dậy

Liên minh Toàn cầu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 29-6 đã tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng do Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đồng chủ trì tại thủ đô Rome (Italy).

Thế giới tuần qua: Thành tựu và nỗ lực
“Bóng ma” IS vẫn có khả năng trỗi dậy nếu các quốc gia không hợp tác loại bỏ tàn dư của chúng. Ảnh: Time Magazine

Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị cho biết, các bộ trưởng nhấn mạnh cam kết tạo điều kiện cho thất bại lâu dài của IS thông qua một nỗ lực toàn diện, phối hợp và nhiều mặt, trong đó việc bảo vệ thường dân chính là một ưu tiên và khẳng định cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế trong mọi trường hợp.

Dù rằng “bóng ma” IS bị đánh bại trên thực địa, song nhiều cơ quan truyền thông cho rằng điều này cũng chưa thể giúp loại bỏ hết nguy cơ, nhất là khi năng lực tài chính của tổ chức này vẫn còn rất lớn. Để làm được điều đó cần có sự hợp tác của nhiều quốc gia, tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế.

Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự khẳng định không thể tiêu diệt IS chỉ bằng những cuộc không kích. Giải pháp khả thi là tăng cường phối hợp, giúp đỡ chính quyền Syria, Iraq và các nước khác để họ có đủ khả năng chống đỡ, tiêu diệt tàn dư IS. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần thúc đẩy các biện pháp chia sẻ thông tin, lập các “hàng rào” ngăn chặn tư tưởng cực đoan trên internet. Chính phủ các nước cũng cần ý thức được rằng, đại dịch Covid-19 sẽ khoét sâu thêm khoảng cách giàu nghèo, tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho các tư tưởng cực đoan sinh sôi nảy nở.

(Theo qdnd.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.