Thời kỳ mới cho quan hệ "đối tác tự nhiên" giữa Đức và Mỹ
Chuyến thăm Mỹ của bà Merkel gửi đi một tín hiệu rõ ràng về sự khởi động lại và nâng tầm quan hệ Mỹ - Đức theo mong muốn của cả hai nước, sau 4 năm nguội lạnh dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc họp báo sau hội đàm tại Nhà Trắng ngày 15-7-2021. Nguồn: AFP/TTXVN |
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói: "Mỹ là đối tác quan trọng nhất của châu Âu và là đối tác tự nhiên, không thể thiếu đối với Đức, chia sẻ nhiều nhất giá trị và lợi ích với Đức."
Điều này đã được chứng minh trên thực tế, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, nước Mỹ luôn có vị trí và vai trò quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển của Cộng hòa liên bang Đức.
Trong chuyến công du tới Mỹ có lẽ là cuối cùng trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Đức, bà Merkel kỳ vọng có thể "mở ra thời kỳ mới" cho mối quan hệ Mỹ - Đức vốn chịu không ít sóng gió dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong suốt 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, quan hệ Đức-Mỹ rơi vào trạng thái nguội lạnh.
Khi Thủ tướng Angela Merkel tới Nhà Trắng cách đây hơn hai năm trước, giới quan sát đánh giá rằng "Tổng thống Trump dường như không coi Đức là đồng minh bình đẳng."
Chẳng những thế, nước Đức và cá nhân Thủ tướng Merkel luôn nằm trong danh sách các đối tượng mà ông Trump tập trung công kích, phê phán.
Nhưng giai đoạn "băng giá" đó dường như đã qua. Trong lần Thủ tướng Merkel trở lại Nhà Trắng lần này, không khí quan hệ hai nước đã hoàn toàn khác.
Bà Merkel là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón tại Nhà Trắng kể từ khi ông nhậm chức.
Sự trọng thị của Washington dành cho nữ Thủ tướng Đức, mặc dù bà đã sắp kết thúc nhiệm kỳ, cho thấy rõ quan điểm của Tổng thống Biden và chính quyền của ông về tầm quan trọng của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt là với Đức, quốc gia đầu tàu châu Âu.
Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh tình hữu nghị Đức - Mỹ và cho biết bà rất coi trọng điều này.
Bà nói: "Chúng tôi không chỉ là đồng minh và đối tác, mà còn là những người bạn thân thiết."
Thủ tướng Đức cũng chia sẻ rằng bà biết rõ những điều Mỹ đã làm và "đóng góp" cho nước Đức. Chuyến thăm này là cơ hội tốt để thảo luận về mối quan hệ Đức-Mỹ và về những thách thức địa chính trị, trong bối cảnh của châu Âu và các nước láng giềng.
Theo Thủ tướng Merkel, không có khu vực nào trên thế giới lại liên kết với nhau một cách chặt chẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu của các lợi ích và giá trị chung như châu Âu và Bắc Mỹ.
Đáp lại, Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh ông coi Thủ tướng Merkel là "một người bạn chân thành của Mỹ."
Ông khẳng định mối quan hệ giữa Mỹ và Đức rất bền chặt và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn; hai bên sẽ cùng nhau giải quyết những thách thức chung trong những năm tới.
Đây cũng chính là mong muốn thường trực của Tổng thống Biden trong việc làm ấm lại quan hệ với các đồng minh thân thiết sau giai đoạn "bất ổn" dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo Tổng thống Biden, Thủ tướng Merkel đã có rất nhiều đóng góp cho "tình bạn lâu dài" Mỹ - Đức; trên cơ sở đó, quan hệ đối tác giữa Đức và Mỹ sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Với việc cả hai bên đều mong muốn xây dựng một mối quan hệ mới tin cậy, bền chặt, việc hai nhà lãnh đạo đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề hai nước quan tâm là điều dễ hiểu.
Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức đã cùng nhau công bố Tuyên bố Washington, nêu bật tầm nhìn về sự hợp tác và cam kết chung giữa hai nước.
Trong tuyên bố, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức khẳng định nền tảng của mối quan hệ giữa hai nước là "cam kết chung đối với các nguyên tắc, giá trị và thể chế dân chủ."
Tuyên bố cũng khẳng định: "Tầm quan trọng của các quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác, phù hợp với luật pháp quốc tế."
Với Tuyên bố Washington, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trên thế giới.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất quan điểm về nhiều vấn đề như đối phó với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, năng lượng, quan hệ với Nga, Trung Quốc…
Các sáng kiến chung khác như "diễn đàn tương lai" Mỹ-Đức hay quan hệ đối tác khí hậu và năng lượng Mỹ-Đức cũng đã được công bố.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề "gai góc" trong quan hệ hai nước chưa thể được giải quyết trong chuyến thăm lần này.
Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 7-9-2020. Nguồn: AFP/TTXVN |
Một trong những bất đồng lớn nhất vẫn là dự án Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua hệ thống đường ống được xây dựng dưới biển Baltic.
Hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng hai nước có quan điểm khác nhau về dự án trị giá hàng tỷ USD này. Trong khi Mỹ coi đây là "mối đe dọa đối với châu Âu," thì Đức bác bỏ cáo buộc rằng nước này quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ cho biết một lần nữa ông bày tỏ quan ngại về dự án này với Thủ tướng Merkel.
Theo Tổng thống Biden, ông đã thể hiện quan điểm của mình về dự án này từ lâu, song khi dự án đã hoàn thành 90%, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt "dường như không có ý nghĩa gì."
Thay vào đó, Tổng thống Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn xem xét các biện pháp thực tế mà hai nước có thể cùng nhau thực hiện, đồng thời đánh giá dự án này sẽ tác động như thế nào tới an ninh năng lượng của châu Âu và an ninh của Ukraine.
Trước cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Đức, một đại diện của Chính phủ Đức cho biết rằng khó có thể có một giải pháp thực sự cho mâu thuẫn về dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ngay cả Thủ tướng Merkel cũng thể hiện sự hoài nghi về một giải pháp như vậy.
Thực tế sau cuộc họp, hai bên không đưa ra một kết quả hay một thông báo chính thức nào về dự án này. Một số vấn đề tranh cãi khác như việc dỡ bỏ thuế quan hay quy định hạn chế nhập cảnh của Mỹ đối với người châu Âu cũng được Thủ tướng Merkel thảo luận trong cuộc họp với người đứng đầu Nhà Trắng.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ chưa khẳng định có dỡ bỏ theo đề nghị của châu Âu hay không, mà chỉ cho biết các cơ quan chức năng của nước này đang xem xét và sẽ đưa ra quyết định trong những ngày tới.
Với Thủ tướng Merkel, đây có lẽ là chuyến thăm cuối cùng và là lời tạm biệt của bà tới chính quyền và người dân Mỹ trên cương vị người đứng đầu chính phủ Đức.
Trong suốt 16 năm đảm nhiệm cương vị này, bà Merkel luôn cố gắng duy trì một mối quan hệ bền chặt, tin cậy giữa hai nước.
Chuyến thăm này sẽ gửi đi một tín hiệu rõ ràng về sự khởi động lại và nâng tầm quan hệ song phương Mỹ-Đức theo mong muốn của cả hai nước, sau 4 năm nguội lạnh dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh Thủ tướng Merkel sắp mãn nhiệm, mức độ bền chặt của mối quan hệ Đức-Mỹ sẽ chỉ được thể hiện sau cuộc bầu cử ở tháng Chín tới đây, khi nước Đức có thủ tướng và chính phủ mới.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/thoi-ky-moi-cho-quan-he-doi-tac-tu-nhien-giua-duc-va-my/727162.vnp)