Thứ Tư, 11/08/2021, 21:17 (GMT+7)
.

Các phe phái tại Libya nỗ lực thỏa hiệp trước thềm tổng tuyển cử

Các phe phái tham chiến tại Libya đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn kể từ tháng 10/2020, thành lập một chính phủ lâm thời thống nhất và lên kế hoạch bầu cử vào tháng 12-2021.

Phó Thủ tướng Chính phủ thống nhất dân tộc Libya Hussein Attiya al-Gotrani (phải) và cựu lãnh đạo Chính phủ miền Đông Abdallah al-Thani (trái) trong cuộc đàm phán thành lập Chính phủ Đoàn kết quốc gia (GNU), tại Benghazi ngày 23/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ thống nhất dân tộc Libya Hussein Attiya al-Gotrani (phải) và cựu lãnh đạo Chính phủ miền Đông Abdallah al-Thani (trái) trong cuộc đàm phán thành lập Chính phủ Đoàn kết quốc gia (GNU), tại Benghazi ngày 23/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11-8, các phái đoàn từ Libya đã tham gia vòng đàm phán mới do Liên hợp quốc bảo trợ bằng hình thức trực tuyến nhằm đạt được một thỏa hiệp trước thềm các cuộc bầu cử theo kế hoạch.

Mục tiêu của sự kiện này là thống nhất về một cơ sở hiến pháp để tiến hành các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống quan trọng, dự kiến vào ngày 24/12 tới.

Vòng đàm phán mới này được khởi động 6 tuần sau cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ giữa 75 đại biểu của tất cả các bên tham gia Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya (LPDF) kết thúc mà không đạt bất kỳ bước tiến nào.

Hội nghị diễn ra từ ngày 28/6 và kết thúc ngày 2/7 này nhằm tạo điều kiện pháp lý cho cuộc bầu cử vào tháng 12/2021 với hy vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho Libya.

Các phe phái tham chiến tại Libya đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn kể từ tháng 10/2020, thành lập một chính phủ lâm thời thống nhất và lên kế hoạch bầu cử vào tháng 12/2021.

Tuy nhiên, còn một số nghi ngờ về việc thực hiện cam kết của các bên và các nhóm vũ trang nắm quyền lực trên thực địa có thể ảnh hưởng đến tính công bằng của cuộc bỏ phiếu.

Mỹ cho rằng bầu cử là cách duy nhất để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Libya.

Trong những năm gần đây, Libya đã bị chia rẽ giữa hai chính quyền đối địch, được các lực lượng nước ngoài và các tay súng trong nước hậu thuẫn.

Liên hợp quốc gần đây cảnh báo tiến độ về thỏa thuận đạt được hồi đầu năm nay giữa hai chính quyền đối địch ở Libya đã bị đình trệ.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhiều lần kêu gọi thực hiện việc rút các lực lượng nước ngoài ra khỏi Libya một cách có lộ trình và thống nhất, không để xảy ra tình trạng mất cân bằng quân sự có thể dẫn tới các cuộc tấn công bất ngờ giữa hai lực lượng chính ở Libya.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/cac-phe-phai-tai-libya-no-luc-thoa-hiep-truoc-them-tong-tuyen-cu/733150.vnp)

.
.
.