.

Thế giới tuần qua: Thông điệp mạnh mẽ

Cập nhật: 13:51, 07/08/2021 (GMT+7)

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 54 ra thông cáo chung; IMF tung gói hỗ trợ kỷ lục, trong khi các nước tăng cường điều chỉnh chiến lược chống dịch trước biến thể Delta; diễn biến căng thẳng mới liên quan vụ tàu chở dầu bị tấn công ở Biển Arab,… cùng với đó là những thông điệp mạnh mẽ được các bên đưa ra, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

1. ASEAN khẳng định giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế

Ngày 2-8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến và ra thông cáo chung, trong đó có đề cập đến tình hình Biển Đông.

Trong thông cáo chung, một số Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm gây thiệt hại môi trường biển, làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Các đại biểu tái khẳng định sự cần thiết tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, đồng thời tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Hội nghị tiếp tục khẳng định nhu cầu theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên tranh chấp và tất cả các quốc gia khác phi quân sự hóa và tự kiềm chế tiến hành mọi hoạt động, trong đó có cả những hoạt động được đề cập trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, nhằm tránh làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Các bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC.

Hội nghị hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán về Văn bản Dự thảo Đàm phán COC Duy nhất (SDNT), với kết quả đạt được là thỏa thuận tạm thời về Phần mở đầu của thỏa thuận sau một thời gian đình trệ do đại dịch Covid-19; nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán COC và hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm.

Cuối cùng, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa nhằm tăng cường lòng tin giữa các bên, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.

AMM-54 là hoạt động mở đầu cho chuỗi hơn 20 hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) từ ngày 2 đến 6-8.  

2. IMF tung gói hỗ trợ kỷ lục giúp các nước chống đại dịch Covid-19

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 3-8 đã thông qua lần phân bổ mới của Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR), tương đương 650 tỷ USD, nhằm thúc đẩy tính thanh khoản toàn cầu giữa đại dịch Covid-19.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva khẳng định đây là “quyết định lịch sử” để kích thích nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Bà Georgieva cũng lưu ý rằng cơ chế phân bổ SDR mới sẽ mang lại lợi ích cho tất cả thành viên IMF, giải quyết nhu cầu toàn cầu trong dài hạn về dự trữ, xây dựng lòng tin và thúc đẩy sự linh hoạt và ổn định của kinh tế toàn cầu, qua đó sẽ đặc biệt giúp các nước bị ảnh hưởng nhất có thể ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng Covid -19.

Trụ sở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington DC. Ảnh: TTXVN
Trụ sở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington DC. Ảnh: TTXVN

Theo IMF, khoảng 275 tỷ USD trong lần phân bổ mới sẽ được chuyển đến các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó có các nước thu nhập thấp. Lầnn phân bổ SDR mới này sẽ đáp ứng 30 đến 60% nhu cầu dự trữ toàn cầu ước tính. Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 23-8.

SDR ra đời năm 1969, được coi là loại tiền tệ quy ước của IMF sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa quỹ với các nước thành viên hoặc giữa các nước với nhau. Phương tiện này có thể quy đổi thành một đồng tiền bất kỳ trong rổ - USD, euro, yen, bảng Anh và Nhân dân tệ - để đáp ứng nhu cầu cân bằng thanh toán của các nền kinh tế thành viên.

Việc phân bổ các SDR tương tự như cung cấp hạn mức tín dụng cho các quốc gia. Các nước chỉ cần đưa khoản SDR được phân bổ vào nguồn dự trữ của mình mà không cần phải chi tiêu. Điều này có nghĩa là các nước này sẽ không phải trả lãi suất cho khoản tiền phân bổ này hoặc họ có thể thanh lý chúng. SDR được phân bổ dựa theo quy mô nền kinh tế của một quốc gia và đóng góp của quốc gia đó vào dự trữ của IMF, vì vậy, các quốc gia giàu hơn sẽ nhận được nhiều hơn. Tuy nhiên, những quốc gia giàu có hơn không cần khoản phân bổ này có thể chuyển chúng cho những quốc gia nghèo hơn.

3. Vụ tàu chở dầu bị tấn công ở Biển Arab: Mỹ tuyên bố đứng đầu “phản ứng tập thể”

Ngày 2-8, Mỹ tuyên bố sẽ đứng đầu “phản ứng tập thể” đối với vụ tấn công tàu chở dầu Mercer Street của Israel hồi tuần trước khiến 1 nhân viên an ninh người Anh và 1 thành viên thủy thủ đoàn người Romania thiệt mạng. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định vụ tấn công tàu Mercer Street là “mối đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và thương mại”.

Tàu chở dầu Mercer Street, do hãng vận tải biển Zodiac Maritime của tỷ phú người Israel Eyal Ofer quản lý. Ảnh: Reuters
Tàu chở dầu Mercer Street, do hãng vận tải biển Zodiac Maritime của tỷ phú người Israel Eyal Ofer quản lý. Ảnh: Reuters

Mỹ và Israel cáo buộc vụ tấn công do máy bay không người lái của Iran thực hiện. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho rằng vụ việc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, do đó, cần có hành động ngay lập tức đối với Iran. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên án vụ tấn công. Anh đã triệu đại sứ Iran để phản đối về vụ việc này.

Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ cáo buộc trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho rằng Israel phải "ngừng các cáo buộc vô căn cứ” đối với Iran, đồng thời kêu gọi Mỹ và Anh cung cấp bằng chứng nếu có cho thấy Tehran liên quan vụ tấn công này. Tuyên bố của ông Khatibzadeh nêu rõ Iran sẽ kiên quyết bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Hãng thông tấn IRNA của Iran đưa tin Bộ Ngoại giao nước này cũng đã triệu đại biện lâm thời Anh và Đại sứ Romania để phản đối các cáo buộc “vô căn cứ” liên quan đến vụ tấn công tàu chở dầu Mercer Street.

Ngày 29-7, tàu Mercer Street, do hãng vận tải biển Zodiac Maritime của tỷ phú người Israel Eyal Ofer quản lý, đã bị tấn công khi đang trong vùng biển phía Bắc Ấn Độ Dương. Tàu khởi hành từ thành phố Dar es Salaam của Tanzania đến Fujairah thuộc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nhưng trên tàu không có hàng hóa. Hiện tàu Mercer Street đang tiếp tục hành trình đến một địa điểm an toàn với sự hộ tống của hải quân Mỹ.

4. Các nước điều chỉnh chiến lược chống dịch trước biến thể Delta

Trước “cơn sóng thần” biến thể Delta, nhiều nước đã điều chỉnh chiến lược phòng, chống Covid-19, theo hướng nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây nhiễm, phong tỏa, truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng và điều trị sớm, đồng thời tăng tốc tiêm chủng đại trà.

Nhiều nước đã điều chỉnh chiến lược phòng, chống Covid-19. Ảnh minh họa: Reuters
Nhiều nước đã điều chỉnh chiến lược phòng, chống Covid-19. Ảnh minh họa: Reuters

Tại châu Á, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã đồng loạt báo động, triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng với hàng triệu người, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại mới nhằm kiểm soát đợt bùng phát mới này. Hàn Quốc cũng gia hạn thời gian giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4) ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận cho đến ngày 8-8, đồng thời nỗ lực mở rộng chiến dịch tiêm chủng sang nhóm dân số trẻ hơn (độ tuổi từ 18 đến 49). Tại Nhật Bản, chính phủ nước này liên tục mở rộng phạm vi áp dụng và gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế, đồng thời mở rộng thêm độ tuổi tiêm chủng vaccine của Moderna.

Tại Đông Nam Á, Indonesia triển khai 17.000-18.000 nhân viên truy vết Covid-19 trên khắp cả nước, bắt đầu từ tháng 8. Cảnh sát và quân đội đã được huy động nhằm tăng tốc tiêm chủng với mục tiêu đạt 2 triệu liều mỗi ngày, cũng như truy vết những người tiếp xúc gần với các ca dương tính. Trong khi đó, Philippines áp đặt các biện pháp phong toả nghiêm ngặt nhất tại vùng thủ đô Manila, mở chương trình tiêm chủng cho mọi người dân. Campuchia đã quyết định tiêm mũi thứ ba với vaccine của hãng AstraZeneca để tăng kháng thể cho những người đã tiêm 2 mũi trước bằng vaccine của Sinopharm và Sinovac.

Tại các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Israel hay Mỹ, một số biện pháp hạn chế cũng được áp dụng trở lại cùng việc khuyến khích ngày càng nhiều người đi tiêm chủng. Israel tái triển khai hệ thống thẻ xanh (Green pass) nhằm siết chặt kiểm soát việc đi lại của người dân. Chính phủ Mỹ đưa ra một loạt biện pháp mới để thúc đẩy người dân tiêm vaccine, trong đó có yêu cầu nhân viên liên bang phải chứng minh đã tiêm vaccine, nếu không sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Hiện chính quyền đang cân nhắc việc giảm nguồn quỹ liên bang cấp cho nhiều thể chế bao gồm cả các cơ quan, viện dưỡng lão, đại học để bắt buộc nhân viên của những thể chế này tiêm vaccine phòng Covid-19.

Các quốc gia ở châu Âu cũng đã áp dụng những chiến lược mới nhằm khống chế biến thể Delta. Tại Italy, Pháp, người dân phải xuất trình thẻ xanh hoặc giấy thông hành y tế mới được vào các điểm văn hóa và giải trí. Chính phủ Anh đang cân nhắc tiêm vaccine cho người 16 tuổi và tiêm mũi tăng cường bằng vaccine khác loại với 2 mũi tiêm đầu để kích thích phản ứng miễn dịch cao hơn.

5. Ấn Độ, Trung Quốc chấm dứt bế tắc trong đàm phán biên giới

Ngày 3-8, các nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này và Trung Quốc đã nhất trí trên nguyên tắc rút quân tại một điểm tuần tra chủ chốt ở khu vực Đông Ladakh.

Xe quân sự di chuyển tới khu vực ở Ladakh, nơi có Đường kiểm soát thực tế (LAC) phân giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: TTXVN
Xe quân sự di chuyển tới khu vực ở Ladakh, nơi có Đường kiểm soát thực tế (LAC) phân giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: TTXVN

Thỏa thuận rút quân khỏi điểm tuần tra PP17A đã đạt được trong vòng 12 cuộc đàm phán cấp Tư lệnh Quân đoàn ngày 31-7. Theo các nguồn tin, Trung Quốc đã nhất trí rút quân khỏi PP17A, còn được gọi là Gogra Post, nhưng "không có xu hướng" rút khỏi điểm tuần tra PP15 hoặc khu vực Hot Springs.

Việc hai nước đạt được bước đột phá mới nhất trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh các cuộc đàm phán biên giới biên giới rơi vào bế tắc kể từ tháng 2. Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 2-8, tại vòng đàm phán mới nhất, hai bên đã có “trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc về việc giải quyết các khu vực còn lại liên quan đến việc rút quân dọc LAC. Hai bên lưu ý rằng cuộc đàm phán này mang tính xây dựng, giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau. Hai bên nhất trí khẩn trương giải quyết những vấn đề còn lại phù hợp với các thỏa thuận và giao thức hiện có, đồng thời duy trì động lực đối thoại và đàm phán”.

Suốt hơn 80 năm qua, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn luôn mâu thuẫn về tuyến biên giới dài gần 3.500 km dọc dãy Himalaya và đụng độ vẫn thường xảy ra do các tuyên bố chồng lấn.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.