Thứ Bảy, 28/08/2021, 21:30 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Thúc đẩy cộng đồng kết nối kỹ thuật số

Trong bối cảnh biến thể Delta tiếp tục càn quét, tạo ra các đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng trên toàn cầu, Đại hội đồng AIPA-42 tiến hành họp trực tuyến, khẳng định quyết tâm và cam kết xây dựng Cộng đồng chung; những trận so tài gay cấn tại Army Games 2021; diễn biến bất ổn tại Afghanistan… là những thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế tuần qua.

1. AIPA-42 nêu bật nhiều vấn đề quan trọng

Với tinh thần hữu nghị, hiểu biết, tin cậy và trách nhiệm, Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) với chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới cộng đồng ASEAN năm 2025”, diễn ra theo hình thức trực tuyến đã kết thúc chiều 25-8 sau ba ngày làm việc, hoàn thành tốt đẹp các nội dung đề ra trong chương trình nghị sự.

Hàng loạt nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội đồng AIPA-42, khẳng định quyết tâm và cam kết của AIPA trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là việc hiện thực hóa tầm nhìn trong Tuyên bố Putrajaya “ASEAN: Một cộng đồng kết nối kỹ thuật số”, được thông qua tháng 1 vừa qua với mục tiêu đưa ASEAN trở thành cộng đồng số hàng đầu. Các nghị quyết đều hướng tới mục tiêu thực hiện Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025, được đưa ra đầu năm nay nhằm thống nhất tầm nhìn về tương lai kỹ thuật số của khối.

Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: qdnd.vn
Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: qdnd.vn

Ngoài tập trung vào các biện pháp thúc đẩy xây dựng cộng đồng kỹ thuật số ASEAN, đối phó với đại dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế sau đại dịch, tại Đại hội đồng AIPA-42, tầm quan trọng của việc củng cố hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực cũng được nêu bật.

Tham dự Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu ra 5 sáng kiến, đề xuất, trong đó bao gồm hoàn thiện khung khổ pháp lý của từng quốc gia về chuyển đổi số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2025, hài hòa hóa pháp luật trong khu vực để có hệ thống pháp luật tương đồng; thu hẹp khoảng cách số để mỗi người dân, nhất là nhóm yếu thế, doanh nghiệp được tiếp cận dịch vụ công, cơ sở hạ tầng một cách công bằng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế số và xã hội số, thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia, khu vực; có hình thức đầu tư phù hợp, như hợp tác công - tư, thiết lập vườn ươm doanh nghiệp và khởi nghiệp số để xây dựng cơ sở hạ tầng số, phát triển hệ sinh thái số; cải thiện các chính sách, khuôn khổ pháp lý và ưu tiên hỗ trợ các sáng kiến trong quan hệ hợp tác nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác về an ninh mạng, bảo mật thông tin và dữ liệu, xây dựng niềm tin trong không gian số; nghị viện các nước thành viên trao những quyền đặc cách, đặc thù, đặc biệt để chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong phòng, chống dịch Covid-19; phát huy tác dụng của Quỹ phòng, chống Covid-19 trong ASEAN...

2. Khai mạc Army Games lớn nhất trong lịch sử

Chiều 23-8, (giờ Moscow), Lễ khai mạc Hội thao Quân sự quốc tế lần thứ 7 (Army Games 2021) và Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế (Army 2021) được tổ chức trọng thể tại công viên Patriot, ngoại ô thủ đô Moscow, Liên bang (LB) Nga, với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, các đại biểu của Bộ Quốc phòng Nga và các nước tham gia Army Games 2021.

Tổng thống Nga V.Putin khẳng định: Army Games 2021 và Army 2021 sẽ giúp phát triển hợp tác quân sự quốc tế, thu hút các lực lượng vũ trang các nước tham gia vào các lĩnh vực quốc phòng, các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ, những người trẻ tài năng, sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình phục vụ đất nước.

Kíp xe tăng số 1 của Đội tuyển Quân đội nhân dân Việt Nam xuất sắc hạ mục tiêu tại Army Games 2021. Ảnh: qdnd.vn
Kíp xe tăng số 1 của Đội tuyển Quân đội nhân dân Việt Nam xuất sắc hạ mục tiêu tại Army Games 2021. Ảnh: qdnd.vn

Army Games 2021 có quy mô lớn nhất trong lịch sử của Army Games từ khi được tổ chức vào năm 2015 đến nay, với 277 đội tuyển đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, tham gia tranh tài. Đặc biệt, Army Games 2021 có 34 cuộc thi được tổ chức ở 11 quốc gia là Nga, Belarus, Trung Quốc, Iran, Việt Nam, Kazakhstan, Uzbekistan, Algeria, Armenia, Serbia và Qatar. Năm nay, Army Games cũng có quy mô lớn nhất về số lượng người tham gia với tổng cộng hơn 7.000 người, hơn 1.100 đơn vị vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Tại Việt Nam, đội tuyển của các nước sẽ tham gia thi đấu ở hai cuộc thi là Xạ thủ bắn tỉa và Vùng tai nạn. Năm nay, Việt Nam cũng tham gia Army Games với quy mô lớn nhất. Đây cũng là năm đầu tiên Hải quân nhân dân Việt Nam cử biên đội Tàu 015-Trần Hưng Đạo và 016-Quang Trung tham gia cuộc thi Cúp biển tại Army Games 2021 ở thành phố Vladivostok, LB Nga

Army Games 2021 có 3 môn thi mới là Xạ thủ chiến thuật, Kinh tuyến và Đội quân văn hóa. Đoàn QĐND Việt Nam đều có đội tuyển tham gia các nội dung này. Năm nay, lần đầu tiên quân nhân lực lượng vũ trang các nước Brazil, Burkina Faso, Cyprus, Malaysia, Cameroon và Vương quốc Eswatini tham gia Army Games.

Diễn đàn Army 2021 năm nay có sự tham gia của đại diện 115 quốc gia cùng hơn 1.500 doanh nghiệp và tổ chức công nghiệp. Bốn nước có các gian trưng bày tại diễn đàn. So với năm 2020, diện tích trưng bày tại diễn đàn tăng hơn 2.700m2. Hơn 28.000 mẫu sản phẩm và công nghệ được giới thiệu. Hơn 800 đại biểu thuộc 35 đoàn nước ngoài tham dự Army 2021, trong đó 17 đoàn do các bộ trưởng, thứ trưởng quốc phòng, quan chức cấp cao các nước đối tác dẫn đầu.

Năm 2021 đánh dấu lần thứ 4 Quân đội nhân dân Việt Nam cử lực lượng tham gia Army Games 2021. Đây cũng là kỳ Army Games chứng kiến số lượng đội tuyển của Quân đội Việt Nam tham gia tranh tài nhiều nhất từ trước tới nay với 17 đội tuyển tham gia 15 môn thi đấu.

3. An ninh ở sân bay Kabul (Afghanistan) vẫn bất ổn

Tình hình an ninh tại Afghanistan vẫn đang rất căng thẳng, đặc biệt tại khu vực sân bay Kabul. Tính đến ngày 26-8, vẫn còn hàng nghìn người tập trung tại đây để chờ được sơ tán, trong bối cảnh an ninh tại đây đang hết sức bất ổn sau hai vụ đánh bom liều chết khiến 169 người Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.

Theo Reuters, Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã lên tiếng thừa nhận là thủ phạm. Trên mạng xã hội Telegram, nhánh truyền thông Amaq thuộc IS xác nhận đối tượng đánh bom liều chết của tổ chức này "đã tiếp cận được đám đông phiên dịch và cộng tác viên, cùng với quân Mỹ tại Trại Baran gần sân bay Kabul và kích hoạt đai nổ".

Chuyển người bị thương trong vụ nổ nghi là đánh bom liều chết bên ngoài sân bay quốc tế ở Kabul, Afghanistan ngày 26-8-2021. Ảnh: Aljazeera/TTXVN
Chuyển người bị thương trong vụ nổ nghi là đánh bom liều chết bên ngoài sân bay quốc tế ở Kabul, Afghanistan ngày 26-8-2021. Ảnh: Aljazeera/TTXVN

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ông Zabihullah Mujahid-người phát ngôn chính của Taliban đã lên án hành vi đánh bom nhằm vào dân thường tại sân bay Hamid Karzai và cho rằng hai vụ tấn công đẫm máu xảy ra ở khu vực mà các lực lượng Mỹ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh. Một quan chức khác của Taliban cũng tuyên bố vụ tấn công là hành động khủng bố và phải bị toàn thế giới lên án, đồng thời đổ lỗi cho sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài ở Afghanistan là nguyên nhân dẫn đến vụ việc thương tâm này.

Cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Tổng thống Mỹ Joe Biden thì tuyên bố, sẽ truy lùng và trừng phạt những kẻ khủng bố tiến hành vụ đánh bom. Quân đội Mỹ đang được đặt trong trạng thái cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công có thể là tấn công bằng rocket hoặc đánh bom xe liều chết nhằm vào sân bay Hamid Karzai, đồng thời chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 31-8.

Ngày 28-8, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ tuyên bố Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một thành viên IS tại Nangahar, kẻ được cho là tham gia vào việc lên kế hoạch các vụ tấn công chống lại Mỹ ở Kabul.

Một loạt các nước châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan và Bỉ đã thông báo ngừng mọi hoạt động sơ tán tại sân bay Hamid Karzai. Liên hợp quốc (LHQ) ước tính dòng người di cư từ Afghanistan có thể lên đến hơn 500.000 người vào cuối năm 2021 đồng thời kêu gọi các quốc gia láng giềng mở cửa biên giới đón nhận những người muốn đi lánh nạn.

Trong một diễn biến liên quan, Taliban đã tuyên bố đang lên kế hoạch xây dựng một chính phủ tạm quyền đa đại diện ở Afghanistan. Theo hãng tin Al Jazeera ngày 27-8, các nguồn tin Taliban cho biết chính phủ tạm quyền của Afghanistan sẽ bao gồm các nhà lãnh đạo từ mọi sắc tộc và nguồn gốc bộ lạc ở quốc gia Tây Nam Á này.

4. Thông tin sai lệch khiến đại dịch Covid-19 kéo dài

Ngày 25-8, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tình trạng lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19 và vaccine phòng bệnh thời gian qua diễn ra nghiêm trọng hơn và khiến cho người dân trở nên do dự với quyết định đi tiêm phòng, làm tăng số ca mắc mới.

Biểu ngữ chống tin giả tại Bangkok, Thái Lan, tháng 11-2019. Ảnh: Reuters
Biểu ngữ chống tin giả tại Bangkok, Thái Lan, tháng 11-2019. Ảnh: Reuters

Trưởng ban chỉ đạo kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove khẳng định trong khoảng 4 tuần qua, lượng thông tin sai lệch dường như gia tăng đáng kể và gây hoang mang cho công chúng. Theo bà, thông tin sai lệch chính là một yếu tố nguy cơ giúp virus tiếp tục lây lan và gây hại.

Trong khi đó, giới chức y tế cộng đồng đều cho rằng chính những thông tin sai lệch đã làm gia tăng tâm lý hoài nghi về vaccine trên toàn thế giới. Các quan chức y tế Mỹ đều cho rằng thông tin sai lệch thời gian qua đã trở thành một vấn đề ngày càng lớn trong đại dịch, làm gia tăng tâm lý do dự đi tiêm phòng trong dân chúng.   

Không chỉ thông tin về vaccine, thông tin về thuốc điều trị Covid -19 cũng không ít tin sai lệch. Giám đốc chi nhánh WHO ở Mỹ Latinh, Tổ chức Y tế liên Mỹ, đã đưa kêu gọi người dân các nước Carribe “tỉnh táo”, tránh mù quáng hành động theo những thông tin sai lệch dẫn đến quyết định không đi tiêm phòng.

5. Các hãng dược thúc đẩy phát triển vaccine đặc trị biến thể

Trước thách thức của biến thể Delta, các hãng dược trên thế giới tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để cho ra đời phiên bản vaccine cải tiến đặc trị biến thể này.

Gritstone, công ty sinh học có trụ sở tại Mỹ, đã nhận được khoản tài trợ 20 triệu USD để thử nghiệm một loại vaccine Covid-19 phổ quát. Vaccine của Gritstone sử dụng công nghệ mRNA tương tự Pfizer-BioNTech hay Moderna, nhưng có một điểm khác biệt quan trọng. Các vaccine mRNA hiện có thúc đẩy những tế bào của cơ thể chỉ sản xuất một protein duy nhất - protein gai mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để tấn công vào các tế bào. Điều này khiến vaccine dễ bị tê liệt trước các đột biến ở protein gai như trong những biến thể mới, chẳng hạn biến thể Delta.

Các hãng dược trên thế giới nỗ lực nghiên cứu loại vaccine cải tiến đặc trị biến thể Ảnh minh họa: AP
Các hãng dược trên thế giới nỗ lực nghiên cứu loại vaccine cải tiến đặc trị biến thể Ảnh minh họa: AP

Tuy nhiên, vaccine của Gritstone được nâng cấp hơn, đó là ngoài protein gai, vaccine này sẽ hướng dẫn tế bào tạo ra các protein khác có liên quan đến virus, tăng khả năng ngăn ngừa những biến thể mới. Nói cách khác, điều đó khiến các biến thể như Delta sẽ khó né được loại vaccine mới này.

Hiện các nhà sản xuất vaccine khác như Pfizer-BioNTech hay Sinovac cũng đang phát triển loại vaccine ngừa Covid -19 đặc hiệu để đối phó với biến thể Delta. Các nhà khoa học thuộc Hệ thống y tế Northwestern (Mỹ) đang phát triển một phiên bản mới, cải tiến và đầy triển vọng của vaccine ngừa Covid -19 nhằm chống lại biến thể mới.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.